1. Đặt vấn đề
Sau hơn 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013, pháp luật về người cao tuổi (NCT) đã không ngừng được hoàn thiện về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện. Quyền của người cao tuổi về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang đứng trước thách thức về vấn đề già hóa dân số, yêu cầu về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ngày càng cao hơn. Tổng kết 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013 và xác định những giải pháp để nâng cao hiệu quả thúc đẩy và bảo vệ quyền của NCT là rất cần thiết về mặt lý luận và thực tiễn
2. Khái quát về quyền của người cao tuổi
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), NCT là người từ 65 tuổi trở lên, được xem xét việc phân loại dưới góc độ y học và dựa vào sự đánh giá các biểu hiện suy giảm khả năng tâm, sinh lý và các chức năng vận động. Dưới góc độ kinh tế - xã hội, NCT là người về cơ bản đã hết khả năng lao động cần được nghỉ ngơi. Trong Công ước số 128 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về chế độ mất sức lao động, tuổi già và tử tuất (năm 1967), tại Điều 15 quy định độ tuổi được coi là tuổi già hưởng chế độ hưu trí là “độ tuổi không quá 65 tuổi hoặc cao hơn nhưng có thể được ấn định bởi cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nhân khẩu học, các tiêu chuẩn về kinh tế, xã hội sẽ được thể hiện qua thống kê của các quốc gia. Như vậy, NCT được xác định chủ yếu dựa vào “độ tuổi” và do pháp luật quốc gia quy định.
Ở Việt Nam, theo Luật Người cao tuổi năm 2009, NCT được xác định là người từ đủ 60 tuổi trở lên, không phân biệt giới tính. NCT ở Việt Nam có một số đặc điểm như sau:
Thứ nhất, NCT thường dễ bị phụ thuộc, do gặp nhiều khó khăn về kinh tế, sức khỏe. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2020, cả nước có hơn 11 triệu NCT, trong đó có khoảng hơn 06 triệu người đang được hưởng chế độ hưu trí, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và hưởng trợ cấp xã hội. Như vậy, còn khoảng hơn 05 triệu NCT không có thu nhập hàng tháng, nhiều người có cuộc sống khó khăn, sống phụ thuộc vào con, cháu[1].
Thứ hai, NCT có nguy cơ bị lạm dụng, bạo lực, tổn thương về tinh thần và thể chất,... Đây là tình trạng chung của các nước trên thế giới, Cố vấn Y tế cao cấp của WHO, Bà Alana Officer cho rằng: “Sự lạm dụng NCT đang gia tăng”[2]. Đây cũng là vấn đề mà NCT ở Việt Nam đang phải đối mặt.
Thứ ba, NCT là người đã hết tuổi lao động, theo quy định của pháp luật lao động, nhưng vẫn có nhu cầu được phát triển, được làm việc, được cống hiến, được tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, học tập, văn hóa, du lịch… Theo số liệu của Đề án 06 về dữ liệu dân cư[3], NCT ở độ tuổi 60 - 70 là trên 9,4 triệu người. Trong bối cảnh già hóa dân số nhanh, đây thực sự là nguồn lực có thể tham gia đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ tư, NCT ở Việt Nam đang gia tăng rất nhanh. Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 09/02/2023 cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân, trong đó từ 60 đến dưới 70 tuổi là 9.417.924 người, từ 70 đến dưới 80 tuổi là 4.189.640 người, từ 80 đến dưới 90 tuổi là 1.907.991 người, từ 90 đến dưới 100 tuổi là 623.221 người, từ 100 tuổi trở lên là 41.048 người. Điều đáng lưu ý, quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển kéo dài hàng trăm năm. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi ở Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 sẽ là 26% dân số[4].
Về quyền của NCT, đây là vấn đề luôn được thế giới quan tâm vì tình trạng già hóa dân số đang diễn ra trên toàn cầu. Vấn đề quyền của NCT được nhắc đến trong một số nghị định thư về những vấn đề nhất định, chẳng hạn, phụ nữ cao tuổi trong vấn đề bình đẳng giới... Ngoài ra, năm 1992, Liên Hợp quốc đã ra Quyết định số 45/106 lấy ngày 01/10 hàng năm làm Ngày Quốc tế NCT, nêu lên 05 quyền và khuyến nghị các quốc gia thực hiện, đó là: (i) Quyền được sống độc lập không bị phụ thuộc; (ii) Quyền được tham gia mọi công việc trong xã hội và cộng đồng; (iii) Quyền được chăm sóc vật chất tinh thần; (iv) Quyền được phát huy, phát triển cá nhân; (v) Quyền được tôn trọng nhân phẩm. Đến năm 2002, Liên Hợp quốc thông qua Kế hoạch hành động Madrid, khuyến nghị các quốc gia bảo đảm quyền của NCT ở ba lĩnh vực: Người cao tuổi và phát triển, tăng cường sức khỏe và an sinh của người cao tuổi và bảo đảm môi trường thuận lợi. Mặc dù, những văn bản này chỉ có tính chất khuyến nghị, nhưng Việt Nam đã sớm có cam kết thực hiện. Trên cơ sở Quyết định số 45/106 năm 1992 và Kế hoạch hành động Madrid, Ban Bí thư (khóa VII) đã ban hành Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 27/9/1995 về chăm sóc người cao tuổi; Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Người cao tuổi năm 2000 và Luật Người cao tuổi năm 2009. Theo đó, NCT ở Việt Nam cũng được công nhận và tôn trọng các quyền trên 03 lĩnh vực khuyến nghị của Liên Hợp quốc.
3. Quyền của người cao tuổi sau 10 năm thi hành Hiến pháp năm 2013
3.1. Những kết quả đạt được
Trước Hiến pháp năm 2013, quyền của NCT đã được ghi nhận trong Pháp lệnh Người cao tuổi năm 2000 và sau đó là Luật Người cao tuổi năm 2009. Trong khi, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) chỉ ghi nhận quyền “được giúp đỡ của người già” (Điều 67).
Theo Điều 37 Hiến pháp 2013, NCT được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, NCT không chỉ được chăm sóc mà còn phải được tôn trọng, “phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đó là sự thay đổi về quyền của NCT trong Hiến pháp năm 2013 (so với Hiến pháp trước đó), theo hướng phù hợp với Quyết định số 45/106 năm 1992, Kế hoạch hành động Madrid năm 2022.
Sự thay đổi trong nhận thức về quyền con người và quy định về quyền của người cao tuổi trong Hiến pháp năm 2013, đã có những tác động quan trọng đến nội dung quyền của NCT và việc tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Thể hiện trong quy định về quyền của người lao động cao tuổi trong Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, năm 2024, Luật Khám chữa bệnh năm 2023, Luật Việc làm năm 2013... Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thị hành một số điều của Luật Người cao tuổi; Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 và Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030); Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 - 2025; Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT; Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú; chúc thọ, mừng thọ và biểu dương khen thưởng… Thông qua đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy, bảo vệ NCT thực hiện quyền của mình và mang lại những thành tựu quan trọng về quyền của NCT trên cả 03 lĩnh vực:
Thứ nhất, trên lĩnh vực NCT và phát triển: NCT được tạo điều kiện, khuyến khích tham gia Hội NCT. Hội NCT đã đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia ý kiến trong xây dựng chính sách, tổ chức các hoạt động để NCT có cơ hội được phát triển về thể lực, trí lực, văn hóa, xã hội, kinh tế. Sau hơn 30 năm được thành lập, đến năm 2022, tổng số hội viên của Hội NCT Việt Nam là 9,7 triệu hội viên, chiếm hơn 80% số NCT; 100% xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội NCT[5]. Hội NCT đã tham gia ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật. Trong đó, có Luật Người cao tuổi.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện trách nhiệm của mình trong việc tạo các điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực, lãnh đạo và phối hợp với Hội NCT ở các địa phương tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao,... nhiều phong trào, mô hình tiêu biểu, như: “NCT mẫu mực”; “Tuổi cao - Gương sáng”; “NCT tham gia xây dựng nông thôn mới”; “NCT tham gia xây dựng dòng họ không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”; “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”; “NCT tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; “NCT làm kinh tế giỏi” đã được tổ chức giúp NCT tiếp tục phát triển hoàn thiện bản thân về năng lực, kinh nghiệm, uy tín; phát huy được vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Đồng thời, thông qua đó, NCT được chăm sóc, giảm bớt sự cô đơn khi về già, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT.
Thứ hai, tăng cường sức khỏe, an sinh cho người cao tuổi: Các chính sách về chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội cho NCT từng bước được cải thiện. Với mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế cho NCT, tính đến hết năm 2022, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng trên 12 triệu NCT có thẻ bảo hiểm y tế, chiếm 95% tổng số NCT[6]. Chính sách bảo hiểm xã hội của NCT đã mở rộng đối tượng đến công dân từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng. Trên toàn quốc, hiện có hơn 3,2 triệu NCT đang hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Hơn 800.000 NCT đang hưởng chế độ người có công. Gần 1,9 triệu NCT hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng, trong đó hơn 10.000 người cao tuổi được chăm sóc từ cơ sở trợ giúp xã hội, người cao tuổi từ đủ 75 đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mức trợ cấp từ 2010 - 2020 đã tăng 04 lần[7].
Để thực hiện tốt an sinh xã hội cho NCT, đồng thời phát huy nguồn lực NCT trong phát triển kinh tế - xã hội, các quy định về quyền làm việc của NCT, quyền của người lao động cao tuổi cũng đang được hoàn thiện, giúp cho NCT có cơ hội ra nhập thị trường lao động. Ngoài ra, các cấp ủy và chính quyền nhà nước, tùy theo trách nhiệm của mình đã có nhiều nỗ lực về hoàn thiện chính sách; ưu tiên dành nguồn lực; phối hợp với các cơ quan đoàn thể; đẩy mạnh xã hội hóa để có nguồn lực chăm sóc cho NCT, nhất là NCT không có lương hưu hoặc thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, có công với nước…
Thứ ba, về bảo đảm môi trường sống thuận lợi cho người cao tuổi: Trước những biến động của các điều kiện xã hội, hiện nay có 65% NCT đang ở với con cháu; 35% đang sống độc thân[8]. Nhà nước đang có những chính sách ưu tiên bảo đảm quyền có chỗ ở độc lập cho NCT, như tặng nhà, phát triển các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng NCT. Năm 2022, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phân bổ 500 nhà đại đoàn kết cho NCT chưa có nhà, ở nhà tạm tại các địa phương bảo đảm quyền của người cao tuổi ở Việt Nam[9]. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm an toàn cho NCT, như quy định về người có trách nhiệm phụng dưỡng người cao tuổi, về những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình…
3.2. Hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong bảo vệ, thúc đẩy quyền của người cao tuổi
Bảo vệ và thúc đẩy quyền của NCT thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số chỉ tiêu trong Chương trình hành động quốc gia cho NCT giai đoạn 2012 - 2020 chưa đạt. Trong bối cảnh già hóa dân số đang đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi phải giải quyết, đó là:
- Về lĩnh vực NCT và phát triển: Một số chính sách Nhà nước quy định, nhằm tạo điều kiện để NCT có thể thực hiện được các quyền của mình còn khó tiếp cận như giảm vé cho NCT đi các phương tiện giao thông công cộng; các chính sách hỗ trợ vốn để NCT phát triển kinh tế… Việc tạo điều kiện để NCT tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao… còn phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chủ động, tích cực của hội NCT. Vì vậy, NCT nói chung, đặc biệt NCT thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội: Theo đánh giá của Bộ Y tế (2018), tỷ lệ NCT tự đánh giá sức khỏe tốt hoặc rất tốt còn thấp (chỉ khoảng 5%), trong khi có tới hơn 65% cho rằng có sức khỏe yếu và rất yếu[10]. Mặc dù, tuổi thọ bình quân của Việt Nam những năm gần đây tăng lên, nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh hiện nay chỉ đạt 64 tuổi; tỷ lệ NCT có thẻ BHYT đã cao, nhưng chất lượng chăm sóc sức khỏe cho NCT còn nhiều bất cập. Hiện cả nước chỉ có 49/63 bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố có khoa lão khoa, 03 cơ sở đào tạo bộ môn lão khoa, vừa điều trị bệnh, vừa điều trị phục hồi chức năng cho người cao tuổi[11].
Tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo chiếm 3,6%, cận nghèo chiếm 11,6% (cao hơn bình quân chung của cả nước); số NCT không có lương hưu và trợ cấp BHXH chiếm 65%[12]. Tuy nhiên, NCT muốn đi làm để có thu nhập, lại gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận việc làm. Trong khi, số NCT trong độ tuổi có thể tham gia vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh là từ 60 đến 70 tuổi đang chiếm tỷ lệ cao. Đây là một tồn tại lớn trong giải quyết an sinh xã hội cho NCT.
- Về đảm bảo môi trường sống thuận lợi cho NCT: Mặc dù, thời gian qua, pháp luật không ngừng hoàn thiện để bảo vệ môi trường sống thuận lợi cho NCT. Nhưng thực tế cho thấy tình trạng NCT bị bạo hành, ngược đãi vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng này xảy ra trong cả gia đình và tại các cơ sở chăm sóc NCT.
Nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, trong đó có một số nguyên nhân sau:
Nguyên nhân khách quan: (i) Do trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam còn thấp, nguồn lực kinh tế cho chăm sóc NCT còn hạn chế; (ii) Tốc độ già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra quá nhanh, làm cho quá trình hoàn thiện chính sách và chuẩn bị nguồn lực phù hợp gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Nguyên nhân chủ quan: (i) Nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của NCT trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam hiện nay; (ii) Việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về vấn đề NCT còn chậm trễ, quyết tâm chính trị chưa cao; (iii) Hệ thống pháp luật về NCT chậm hoàn thiện, nhất là bất cập trong Luật Người cao tuổi năm 2009, một số quy định về quyền của người lao động cao tuổi chưa cụ thể, thiếu cơ sở pháp lý bảo vệ; các quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tạo điều kiện để NCT được thực hiện các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng và thiếu tính toàn diện; (iv) chưa phát huy tốt các chính sách xã hội hóa và ưu tiên nguồn lực vào việc tạo điều kiện chăm sóc và phát huy vai trò của NCT.
4. Giải pháp tiếp tục bảo vệ và thúc đẩy quyền của người cao tuổi theo quy định của Hiến pháp năm 2013
4.1. Nâng cao nhận thức chung của xã hội về phát huy vai trò của người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số
Ở Việt Nam, NCT luôn được coi là một lực lượng xã hội có vai trò quan trọng, điều này thể hiện rõ trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến nay, vai trò của NCT tiếp tục được khẳng định trong chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, trong bối cảnh, Việt Nam đang già hóa dân số, tỷ lệ NCT trên tổng dân số đang gia tăng từng năm, thì NCT không chỉ có vai trò quan trọng trong xã hội, mà còn là “lực lượng chính trị quan trọng, nguồn lực phát triển”. Vì vậy, các chính sách với NCT phải đặc biệt quan tâm đến việc phát huy “nguồn lực phát triển” này trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam cần tránh quan điểm, nhìn nhận về NCT ở góc độ là gánh nặng cho xã hội, nên khi xây dựng chính sách lại chỉ tập trung vào các vấn đề chăm sóc, trợ giúp, phụng dưỡng… mà thiếu các chính sách hỗ trợ để NCT được làm việc, được tiếp tục đóng góp những kinh nghiệm, vốn trí thức… là những lợi thế mà các lực lượng lao động khác còn hạn chế.
Đồng thời, mỗi NCT cần nâng cao nhận thức về trách nhiệm bản thân, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự chăm lo của Nhà nước, xã hội và gia đình, phải nỗ lực hoàn thiện bản thân để đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Việc nâng cao nhận thức này phải bắt đầu từ việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về NCT, với những chính sách hỗ trợ cụ thể, để NCT phát huy được năng lực, phẩm chất của mình vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức chung của xã hội mới có hiệu quả.
4.2. Hoàn thiện pháp luật và thể chế hóa kịp thời quan điểm, đường lối của Đảng về người cao tuổi
Hiến pháp năm 2013 đã kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng về NCT được thể hiện trong kết luận tổng kết 14 năm thực hiện Chỉ thị số 59-CT/T.Ư ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII) về chăm sóc NCT: “NCT cần được chăm sóc và phát huy trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Tuy nhiên, vấn đề già hóa dân số đã được chỉ ra trong Văn kiện Đại hội XIII, “bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT; khuyến khích NCT tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; tích cực, chủ động xây dựng môi trường thân thiện với NCT”[13]; “phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của NCT trong xã hội, cộng đồng và gia đình”[14]. Tuy nhiên, Luật Người cao tuổi năm 2009, chủ yếu quan tâm đến vấn đề chăm sóc, phụng dưỡng NCT nên cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi năm 2009, để kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng về NCT trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Bổ sung những bất cập trong Luật Người cao tuổi năm 2009 về khái niệm NCT, về các quyền của NCT, trách nhiệm của Nhà nước trong khuyến khích NCT tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội; “phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 20% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí môi trường thân thiện với NCT”[15]. Đó là môi trường có năng lực hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu có lợi cho NCT, NCT có mối quan hệ thân thiện trong gia đình, xã hội. Nhà nước có trách nhiệm hoàn thiện pháp luật, xây dựng chính sách theo hướng khuyến khích, nâng cao trách nhiệm gia đình, xã hội trong chăm lo, bảo vệ, khuyến khích NCT phát huy năng lực của mình cho gia đình, xã hội và tự tạo dựng các điều kiện sống độc lập cho bản thân, tránh sự phụ thuộc vào các chủ thể khác. Như vậy, để tiếp tục thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013 về NCT, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật. Trước hết, cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII và đồng bộ với các quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản pháp luật khác có liên quan; thứ hai, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2019 để tiếp tục hoàn thiện các quy định về quyền của người lao động cao tuổi… hoàn thiện các quy định về hỗ trợ đào tạo nghề cho NCT, cơ hội tiếp cận các nguồn vốn để NCT phát triển kinh doanh, hỗ trợ khởi nghiệp…
4.3. Nâng cao chất lượng và tạo điều kiện để người cao tuổi được tiếp cận các dịch vụ cho người cao tuổi
Nhà nước cần có chính sách phát triển ngành lão khoa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay. NCT phải được khám và chữa bệnh với các điều kiện về cơ sở vật chất và chuyên gia y tế phù hợp. Cùng với phát triển các cơ sở điều trị lão khoa công lập rộng khắp để NCT có thể tiếp cận, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích xã hội hóa để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho NCT, bảo đảm mục tiêu: “phát triển hệ thống dịch vụ y tế dành cho NCT; phấn đấu đến năm 2025, 95% NCT có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung”[16].
Đồng thời, quản lý và phát triển hệ thống các cơ sở chăm sóc NCT bảo đảm chất lượng và an toàn cho NCT. Hoàn thiện các cơ chế phát hiện các hành vi ngược đãi, hành hạ về thể chất, tinh thần NCT. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về đạo hiếu, kính trọng NCT, trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ, ông bà của con cháu… Hoàn thiện hệ thống các chính sách, hạn chế tối đa điều kiện sống phụ thuộc của NCT, bảo đảm quyền được sống độc lập của NCT.
4.4. Phát huy vai trò của Hội Người cao tuổi trong bảo đảm quyền của người cao tuổi
Để phát huy vai trò Hội NCT trong bảo vệ và thúc đẩy quyền của NCT, trước hết cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội. Cán bộ Hội phải là người thực sự có tâm huyết, trách nhiệm trong công tác hội và phải thường xuyên được tập huấn về công tác hội. Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với Hội NCT. Vấn đề NCT phải được lồng ghép trong các định hướng lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và công tác tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc giải quyết các kiến nghị, đề xuất, yêu cầu phối hợp của Hội NCT.
5. Kết luận
Việc thực hiện các quy định của Hiến pháp năm 2013 thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả quan trọng về bảo vệ và thúc đẩy quyền của NCT, nhưng vẫn còn không ít những hạn chế cần khắc phục. Trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay, vấn đề quyền của NCT đang tiếp tục đặt ra nhiều thách thức mới. Thực tế này đòi hỏi phải giải quyết bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, việc nâng cao nhận thức chung của xã hội và đẩy nhanh quá trình hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định về NCT trong Hiến pháp và pháp luật là những giải pháp trọng tâm./.
TS. Trần Thị Thanh Mai
Học viện Chính trị khu vực I
[1]. Cần có giải pháp hoàn thiện pháp luật về người cao tuổi, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=84895, truy cập ngày 10/8/2024.
[2]. Vấn nạn lạm dụng người cao tuổi ngày càng gia tăng, http://www.hspi.org.vn/vcl/-Van-nan-lam-dung-nguoi-cao-tuoi-ngay-cang-gia-tang-t92-8706.html, truy cập ngày 10/8/2024.
[3]. Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=205022, truy cập ngày 10/8/2024.
[4]. Thiên Lam (2017), Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số nhanh, http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/33489902-viet-nam-dang-co-toc-do-gia-hoa-dan-so-nhanh.html, truy cập ngày 10/8/2024.
[5]. 97 triệu người tham gia hội người cao tuổi, https://nhandan.vn/97-trieu-nguoi-tham-gia-hoi-nguoi-cao-tuoi-post691654.html, truy cập ngày 10/8/2024.
[6]. Bảo đảm quyền của người cao tuổi ở Việt Nam, https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/bao-dam-quyen-cua-nguoi-cao-tuoi-tai-viet-nam-20135, truy cập ngày 10/8/2024.
[7]. 97 triệu người tham gia hội người cao tuổi, https://nhandan.vn/97-trieu-nguoi-tham-gia-hoi-nguoi-cao-tuoi-post691654.html, truy cập ngày 10/8/2024.
[8]. Trương Xuân Cừ, https://quochoitv.vn/chuong-trinh-60-can-sua-doi-luat-nguoi-cao-tuoi-de-dap-ung-yeu-cau-thuc-tien.
[9]. Bảo đảm quyền của người cao tuổi ở Việt Nam, https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/bao-dam-quyen-cua-nguoi-cao-tuoi-tai-viet-nam-20135, truy cập ngày 10/8/2024.
[10]. Việt Nam còn nhiều thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, https://moh.gov.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia/-/asset_publisher/7ng11fEWgASC/content/viet-nam-con-nhieu-thach-thuc-trong-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi?inheritRedirect=false, truy cập ngày 10/8/2024.
[11]. PGS. TS Đặng Thị Ánh Tuyết - Vũ Thái Hạnh, Vai trò và thách thức đối với người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam - Một số hàm ý chính sách, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/825736/vai-tro-va-thach-thuc-doi-voi-nguoi-cao-tuoi-trong-boi-canh-gia-hoa-dan-so-o-viet-nam---mot-so-ham-y-chinh-sach.aspx, truy cập ngày 10/8/2024.
[12]. Bảo đảm quyền của người cao tuổi ở Việt Nam, https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/bao-dam-quyen-cua-nguoi-cao-tuoi-tai-viet-nam-20135, truy cập ngày 10/8/2024.
[13]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr. 271.
[14]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr. 170.
[15]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, tập 2, tr. 139.
[16]. Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 - 2030.
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật Kỳ 2 (Số 411), tháng 8/2024)