Khi quan hệ lao động được xác lập, người lao động trở thành thành viên chính thức của đơn vị sử dụng lao động, thì cũng là lúc người sử dụng lao động được thực hiện các quyền quản lý đối với quá trình lao động của người lao động. Quyền quản lý lao động thể hiện trước tiên ở hoạt động bố trí, sắp xếp công việc cho người lao động. Hoạt động này rất quan trọng, bởi lẽ khi người lao động được bố trí, sắp xếp công việc phù hợp với trình độ, khả năng, sức khỏe, giới tính... thì họ mới có thể hoàn thành tốt công việc được giao, mang lại lợi ích cho bản thân và đơn vị. Nhìn chung, các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về quyền của người sử dụng lao động trong việc bố trí, sắp xếp công việc cho người lao động là tương đối hợp lý, phù hợp với tình hình sử dụng lao động trong bối cảnh kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Đó là, không chỉ góp phần bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động và tăng cường trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc sử dụng sức lao động nhằm nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, mà còn thể hiện sự phù hợp của pháp luật lao động Việt Nam với các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế và pháp luật các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, các quy định của pháp luật về quyền này của người sử dụng lao động vẫn còn một số vấn đề vướng mắc khi áp dụng trong thực tiễn. Bài viết của tác giả Đỗ Thị Dung đăng trên Số định kỳ (64 trang) tháng 3/2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đưa ra một số bất cập của pháp luật lao động hiện hành về quyền của người sử dụng lao động trong việc bố trí, sắp xếp công việc đối với người lao động, từ đó đề xuất một số kiến nghị góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về vấn đề này.
Huyền Bùi