Để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng bị xử phạt và việc xử phạt được thực hiện khách quan, minh bạch, dân chủ, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định về quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm và trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt phải xem xét ý kiến giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm trước khi ra quyết định xử phạt. Để tiếp tục ghi nhận quyền giải trình, đồng thời tăng cường quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn về quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính.
Thông qua bài viết “Quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm trong xử phạt vi phạm hành chính”, tác giả Nguyễn Thị Minh Phương đã đề cập, phân tích khái quát chung về giải trình, về các trường hợp giải trình trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, về hình thức, thời hạn và trách nhiệm thực hiện quyền giải trình trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính và về thời hạn ra quyết định xử phạt đối với trường hợp giải trình, để phân tích, làm rõ quy định của pháp luật về tăng cường quyền giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm 200 trang của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật năm 2021 “Những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính”.