1. Một số quy định cơ bản hiện hành về quyền im lặng của Hoa Kỳ
1.1. Nội dung và phạm vi tác động của quyền im lặng
Tại Hoa Kỳ, quyền im lặng có là một quyền Hiến pháp cơ bản, có cơ sở pháp lý từ Tu chính án thứ 5. Trong tố tụng hình sự, quyền im lặng bao gồm ba quyền riêng biệt của ba chủ thể khác nhau: (i) Quyền im lặng của bị cáo, có chức năng bảo vệ bị cáo trước sự đòi hỏi của phía công tố buộc bị cáo phải đứng lên bục nhân chứng trong vụ án của chính mình; (ii) Quyền im lặng của người làm chứng, theo đó người làm chứng có quyền từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào nếu câu trả lời có thể dẫn đến một sự truy tố hình sự; (iii) Quyền im lặng của nghi phạm ngăn chặn các cơ quan công quyền sử dụng các lời khai, lời nhận tội được thu thập không tự nguyện trong giai đoạn trước phiên tòa[1].
Các quyền nói trên có nội dung và phạm vi tác động khác nhau: (i) Tại phiên tòa, bị cáo có một quyền im lặng tuyệt đối[2]. Năm 1965, Tòa án Tối cao đã quy định rằng sự im lặng của bị cáo tại phiên tòa không thể bị xem như là bằng chứng có tội hoặc bị sử dụng theo hướng bất lợi đối với bị cáo[3]; (ii) Trong các giai đoạn tố tụng trước phiên tòa, nghi phạm cũng có quyền được giữ sự im lặng tuyệt đối. Năm 1966, phán quyết Miranda đã quy định rằng nghi phạm phải được cảnh báo về quyền im lặng của họ và nếu họ quyết định thực hiện quyền của mình thì sẽ không có cuộc thẩm vấn nào được diễn ra. Nói cách khác, bị cáo và nghi phạm được trao cho quyền được giữ sự im lặng tuyệt đối mà không cần đưa ra bất kỳ lý do nào cho việc thực hiện quyền của mình. Tuy nhiên, đối với quyền im lặng của người làm chứng, thì đây chỉ là một quyền tương đối. Có nghĩa là, người làm chứng không thể giữ im lặng hoàn toàn, mà họ có nghĩa vụ phải trả lời các câu hỏi từ cơ quan có thẩm quyền. Để có thể viện dẫn quyền im lặng, người làm chứng có nghĩa vụ chứng minh rằng việc trả lời một câu hỏi cụ thể nào đó có thể dẫn đến hệ quả là họ có thể bị truy tố từ thông tin có trong câu trả lời[4]. Như vậy, so sánh với bị cáo và nghi phạm, người làm chứng được trao quyền im lặng một cách hạn chế hơn.
Bên cạnh đó, bởi vì quyền im lặng là một quyền Hiến pháp cơ bản, phạm vi áp dụng của nó không chỉ giới hạn trong các thủ tục tố tụng hình sự mà còn trong các thủ tục phi hình sự, ví dụ như tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, hoặc thủ tục lập pháp[5]. Cần lưu ý là, trong các thủ tục tố tụng phi hình sự, các Tòa án thường từ chối một sự im lặng tuyệt đối. Người nào viện dẫn quyền im lặng từ Tu chính án thứ 5 phải chứng minh cơ sở hợp lý cho sự im lặng của mình, nghĩa là câu trả lời của họ có khả năng buộc họ phải chịu các trách nhiệm hình sự sau này[6].
Tóm lại, quyền im lặng là một quyền con người cơ bản, được quy định trong Hiến pháp Hoa Kỳ. Nội dung và phạm vi tác động của quyền này khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh pháp lý mà nó được vận dụng.
1.2. Các thành tố của quyền im lặng
Năm 2004, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã minh định rằng “Để được bảo vệ bởi Tu chính án thứ 5, một hành vi phải có mang tính chất lời khai, tính chất tự buộc tội và tính chất bị cưỡng ép”[7]. Nói cách khác, quyền im lặng chỉ bảo vệ một hành vi khi đáp ứng được ba thành tố, đó là tính chất lời khai, tính chất tự buộc tội và tính chất bị cưỡng ép.
Thứ nhất, về tính chất lời khai, Tòa án Tối cao ghi nhận rằng cụm từ “trở thành nhân chứng” (to be a witness) trong Tu chính án thứ 5 đã giới hạn hành vi được bảo vệ bởi quyền im lặng lại tính chất lời khai[8]. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao chưa bao giờ đưa ra một quy chuẩn cụ thể về thế nào là “tính chất lời khai”. Trên thực tế, dựa vào nhiều phán quyết của Tòa án có liên qua đến quyền im lặng, một ý kiến kết luận rằng tính chất lời khai có thể bao gồm lời khai và các hành vi khác có thể tiết lộ suy nghĩ của một người. Nói cách khác, quyền im lặng không chỉ bảo vệ lời khai mà còn cả hành vi[9].
Một ví dụ về hành vi mang tính chất lời khai thuộc về án lệ United States và Hubbell, theo đó một lệnh yêu cầu Hubbell phải cung cấp tất cả các văn bản có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nguồn tiền hoặc các vật có gì trị khác được nhận hoặc cung cấp bởi Hubbell. Để có thể thực hiện được lệnh này, Hubbell phải thực hiện việc suy nghĩ để xác định được tài liệu nào có liên quan đến nguồn tiền hoặc vật có giá trị. Vì vậy, hành vi yêu cầu cung cấp tài liệu trong trường hợp này là một hành vi mang tính chất lời khai[10].
Ngoài ra, từ định nghĩa trên, có thể thấy, một số hành vi cung cấp chứng cứ tính tự buộc tội như cung cấp mẫu máu, mẫu DNA, hoặc mẫu nước tiểu không thuộc phạm vi bảo vệ của Tu chính án thứ 5[11]. Đồng thời, tất cả các hành vi khác không liên quan đến việc tiết lộ suy nghĩ cũng không thuộc phạm vi của quyền im lặng, ví dụ như yêu cầu viết chữ, thực hiện một hành vi mang tính phản xạ, hoặc yêu cầu đứng ra để người khác nhận dạng[12].
Thứ hai, tính chất tự buộc tội có nghĩa là hành vi đó khiến cho chủ thể thực hiện hành vi đối mặt với khả năng đối mặt với trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt[13]. Năm 1968 và 1983, Tòa án Tối cao đã ghi nhận rằng, yếu tố quan trọng nhất của quyền im lặng chính là liệu người thực hiện lời khai có phải đối mặt với một trách nhiệm hình sự thực chất, hiện hữu hay không[14]. Quan trọng hơn, năm 1951, Tòa án Tối cao quy định rằng, quyền im lặng không chỉ bảo vệ trực tiếp đến các lời khai có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự, mà còn bảo vệ đến các chứng cứ khác có thể dẫn đến trách nhiệm hình sự có nguồn gốc từ lời khai đó[15].
Thứ ba, đối với tính chất cưỡng ép, cơ sở để đánh giá tính chất cưỡng ép chính là “có hay không ý chí tự do của người cho lời khai bị áp bức”[16]. Sự cưỡng ép có thể có nguồn gốc từ các thủ tục pháp lý chính thức như lệnh của thẩm phán, hoặc từ các sức ép không chính thức[17]. Đối với sức ép không chính thức, sự cưỡng ép có thể xuất phát từ việc đe dọa, tra tấn hoặc từ sự hứa hẹn[18]. Đặc biệt là, ý niệm về cưỡng ép trong Tu chính án thứ 5 chỉ giới hạn ở cưỡng ép của Nhà nước, sự cưỡng ép tư nhân không thuộc phạm vi điều chỉnh của quyền im lặng. Tuy nhiên, trên thực tế, đôi khi hành vi của tư nhân lại đại diện cho quyền lực nhà nước, do đó nếu có một sự gắn kết chặt chẽ giữa quyền lực nhà nước và hành vi của tư nhân thì hành vi của tư nhân có thể được xem xét như là hành vi của Nhà nước[19].
Tóm lại, để có thể thực hiện quyền im lặng, ba tính chất lời khai, tự buộc tội và cưỡng ép phải được đáp ứng.
1.3. Cảnh báo Miranda
Như đã phân tích trong lược sử phát triển của quyền im lặng, án lệ Miranda đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của quyền này. Trong suốt thời gian trước án lệ Miranda, các Tòa án Hoa Kỳ thường đánh giá lời khai của nghi phạm được thu thập trong phòng thẩm vấn của cảnh sát dựa trên trình tự tố tụng công bằng của Tu chính án thứ 14 nhưng án lệ Miranda 1966 đã chuyển trọng tâm của các tiêu chuẩn đánh giá lời khai sang quyền im lặng tại Tu chính án thứ 5[20].
Tại án lệ Miranda và Arizona (1966), để giải quyết vụ án, Tòa án Tối cao phải trả lời một câu hỏi pháp lý rằng liệu quyền im lặng ở Tu chính án thứ 5 có phạm vi tác động đến các cuộc thẩm vấn nghi phạm của cảnh sát hay không[21].
Cuối cùng, với tỷ lệ 5 - 4, câu trả lời của Tòa án tối cao là có. Chánh án Earl Warren đã đại diện viết ra ý kiến của Tòa án (tạm dịch) như sau: Ngày nay, quyền im lặng tại Tu chính án thứ 5 có phạm vi tác động ra ngoài thủ tục tố tụng hình sự tại Tòa án và phục vụ cho việc bảo vệ con người trong mọi trường hợp, trong đó có quyền tự do đối với sự tự buộc tội. Chúng tôi kết luận rằng, nếu không có những sự bảo vệ hợp lý, thủ tục thẩm vấn nghi phạm trong khi bị tạm giữ/tạm giam sẽ đương nhiên chứa đựng sự cưỡng ép và sự cưỡng ép đó sẽ áp bức ý chí cá nhân và buộc nghi phạm phải cho lời khai một cách không tự do[22].
Các bảo vệ hợp lý mà Tòa án nhắc đến chính là cảnh báo về quyền của nghi phạm mà cảnh sát phải thực hiện trước mỗi cuộc thẩm vấn. Theo đó, cảnh báo nói rằng, nghi phạm có quyền giữ im lặng, bất kỳ lời nói nào nghi phạm đưa ra đều có thể sử dụng để chống lại họ; rằng nghi phạm có quyền có luật sư; nếu nghi phạm không thể thuê một luật sư, Chính phủ sẽ chỉ định một luật sư cho họ; rằng nghi phạm có quyền từ bỏ những quyền trên nếu họ từ bỏ một cách tự nguyện; và rằng bất cứ lúc nào nghi phạm yêu cầu một luật sư, không một cuộc thẩm vấn nào sẽ được tiến hành cho đến nghi luật sư xuất hiện.
Một khi cảnh báo Miranda được đưa ra, các thủ tục tiếp theo sẽ trở nên rõ ràng. Nếu một cá nhân viện dẫn quyền im lặng của anh ta, cuộc thẩm vấn phải ngừng lại, và bất kỳ lời khai nào được đưa ra sau khi sự viện dẫn quyền im lặng sẽ được đương nhiên giả định là sản phẩm của sự cưỡng ép.
Nếu nghi phạm lựa chọn việc nói, anh ấy phải thể hiện sự từ bỏ quyền im lặng một cách rõ ràng và tự nguyện. Sự im lặng hoặc lời khai được đưa ra của nghi phạm sau cảnh báo không đương nhiên dẫn đến một sự từ bỏ có hiệu lực. Cho đến khi, và trừ khi sự cảnh báo về quyền và sự từ bỏ quyền của nghi phạm được chứng minh bởi phía công tố tại phiên tòa, bất kỳ lời khai nào được thu thập tại cuộc thẩm vấn đều không thể bị sử dụng để buộc tội anh ta.
Tóm lại, cảnh báo Miranda là một đảm bảo pháp lý mang tính thủ tục mà cảnh sát phải đáp ứng trước mỗi cuộc thẩm vấn nghi can nhằm đảm bảo nghi can có thể biết và sử dụng quyền im lặng tại Tu chính án thứ 5.
1.4. Nguyên tắc “fruit of poisonous tree”
“Fruit of the poisonous tree” (tạm dịch: quả trên cây độc) là một nguyên tắc đánh giá chứng cứ, theo đó, bất kỳ chứng cứ nào (fruit) được thu thập trên cơ sở bất hợp pháp (poisonous tree) đều không có giá trị pháp lý để sử dụng tại Tòa. Sự vận dụng nguyên tắc này đa dạng, tùy theo nguồn gốc của sự vi phạm, có thể bao gồm sự vi phạm vào Tu chính án thứ 4, thứ 5, hoặc thứ 6[23].
Đối với sự vi phạm quyền im lặng của Tu chính án thứ 5, có hai trường hợp mà lời khai bị cưỡng ép cần phải phân biệt.
Thứ nhất, lời khai được giả định là cưỡng ép trong sự liên hệ với cảnh báo Miranda. Tòa án Tối cao ghi nhận rằng, trong trường hợp người thẩm vấn không thực hiện cảnh báo Miranda nhưng nghi phạm lại tự nguyện cho lời khai và thông tin từ lời khai đó dẫn đến các chứng cứ vật lý khác thì các chứng cứ vật lý đó được chấp nhận tại Tòa. Tòa án Tối cao cho rằng, cảnh báo Miranda là một đảm bảo pháp lý nhằm chống lại sự vi phạm quyền im lặng của Tu chính án thứ 5, do đó, cảnh báo Miranda không có tác động gì đến giá trị pháp lý của các chứng cứ vật lý, là hệ quả của các lời khai tự nguyện. Như vậy, mặc dù bất kỳ lời khai nào được đưa ra mà không có cảnh báo Miranda đều được mặc định đương nhiên là kết quả của sự cưỡng ép nhưng lời khai được mặc định là không tự nguyện đó có thể dẫn đến các chứng cứ vật lý được chấp nhận tại Tòa[24].
Thứ hai, lời khai được xem là cưỡng ép do sự tác động của các sự ép buộc chính thức, như lệnh của người có thẩm quyền, hoặc phi chính thức, như đe dọa, tra tấn, hoặc dụ dỗ. Tòa án Hoa Kỳ thường loại trừ bất kỳ chứng cứ vật lý nào được thu thập dựa trên thông tin của lời khai bị cưỡng ép trong trường hợp này[25].
1.5. Đánh giá lời khai
Tại Hoa Kỳ, để một lời khai của người bị buộc tội được chấp nhận tại Tòa án, lời khai đó cần phải trải qua thủ tục Due Process Voluntariness Test (Tạm dịch: Trình tự công bằng kiểm tra tính tự nguyện), hay còn được gọi là Test of Totality of the Circumstances (Tạm dịch: Kiểm tra toàn bộ hoàn cảnh). Tại thủ tục này, hoàn cảnh khách quan của cuộc thẩm vấn và tính cách cá nhân của người bị thẩm vấn đều được xem xét[26].
Về mặt lịch sử, những quy định đầu tiên về tính hợp pháp của lời khai được định hình vào khoảng thế kỷ thứ 18, chủ yếu chú trọng vào tính chất đáng tin cậy (trustworthiness) của lời khai, tức một lời khai mang tính cưỡng ép nhưng chứa đựng thông tin xác thực vẫn có thể được chấp nhận. Từ những năm 1940, đặc biệt là từ sau án lệ Miranda và Arizona vào năm 1966, tính chất tự nguyện (voluntariness) lại được xem xét như là quy chuẩn chủ yếu của thủ tục này.[27] Nghĩa là, một lời khai phải mang tính tự nguyện mới được chấp nhận tại phiên tòa.
Thủ tục này, về cơ bản, sẽ trải qua hai giai đoạn: Kiểm tra người bị thẩm vấn có biết về quyền im lặng của mình hay không (need be knowing) và kiểm tra tính tự nguyện của lời khai (voluntary).
Đối với giai đoạn đầu tiên, “need be knowing”, cảnh báo Miranda về quyền im lặng trước mỗi cuộc thẩm vấn là yêu cầu duy nhất để lời khai vượt qua giai đoạn này. Cảnh báo này đơn giản là giúp người bị thẩm vấn biết rõ về quyền im lặng của họ. Quan trọng hơn, cảnh báo này chỉ ra rằng, người tiến hành thẩm vấn hiểu rõ và sẵn sàng đáp ứng sự im lặng của người bị thẩm vấn. Nếu một cuộc thẩm vấn bắt đầu mà không có cảnh báo Miranda, bất kỳ lời khai nào được đưa ra đương nhiên được xem như là kết quả của sự cưỡng ép và do đó, không thể được chấp nhận và sử dụng tại phiên tòa như là chứng cứ. Cảnh báo Miranda là một đảm bảo pháp lý mang tính chất thủ tục, nhằm bảo vệ quyền im lặng của người bị buộc tội[28].
Sau khi một lời khai vượt qua giai đoạn “need be knowing”, giai đoạn thứ hai kiểm tra tính chất tự nguyện (voluntary) được Tòa án Hoa Kỳ áp dụng các tiêu chuẩn định tính, có thể thay đổi theo từng vụ án cụ thể, để xem xét khía cạnh khách quan và khía cạnh chủ quan của cuộc thẩm vấn. Kết hợp với nhau, tính khách quan và tính chủ quan của cuộc thẩm vấn cho phép thẩm phán xác định lời khai được đưa ra có phải là sản phẩm của một ý chí tự do (product of freedom of will)[29] hay không.
Khía cạnh khách quan (objective standards), nghĩa là Tòa án sẽ xem xét đến cách thức mà cuộc thẩm vấn được thực hiện, thời gian, địa điểm và các yếu tố khác[30]. Tại án lệ Bram và United States, Tòa án tối cao đã quy định rằng, một lời khai tự nguyện phải không được thu thập bởi bất kỳ sự uy hiếp hoặc xâm phạm nào về thể chất, tinh thần hoặc bởi lời hứa hẹn nào[31]. Một số ví dụ cụ thể, như tại án lệ và , Tòa án xác định rằng, việc tra tấn tinh thần cùng sự đe dọa sử dụng bạo lực cấu thành sự cưỡng ép, từ đó đã loại trừ lời khai của nghi phạm[32]. Hoặc tại án lệ và , Tòa án tuyên bố cuộc thẩm vấn kéo dài liên tục 36 giờ đã tạo ra áp lực về mặt tinh thần cho người bị thẩm vấn, từ đó lời khai được thu thập từ cuộc thảm vấn đó đã bị loại trừ[33].
Khía cạnh chủ quan (subjective standards), bao gồm tất cả các đặc điểm về thể chất, tinh thần của người bị thẩm vấn, ví dụ như tuổi tác, thể trạng, mức độ ổn định tâm thần hoặc các vấn đề bệnh lý khác[34]. Ví dụ, tại án lệ Gallegos và Colorado, Tòa án xác định rằng lời khai của nghi phạm 14 tuổi là không hợp pháp bởi cuộc thẩm vấn tuy không ảnh hướng lớn đến người thành niên nhưng có thể tác động đến não bộ trẻ tuổi của nghi phạm[35]. Một ví dụ khác, tại án lệ Spano và New York, Tòa án đã loại trừ lời khai của nghi phạm Spano vì tâm lý không ổn định của nghi phạm đã bị ảnh hưởng bởi chiến thuật thẩm vấn của cảnh sát[36].
Tóm lại, tính tự nguyện đóng vai trò chủ yếu trong việc đánh giá lời khai của người bị buộc tội tại Hoa Kỳ. Dù sự giải thích cho tính tự nguyện có thể khác nhau theo từng trường hợp cụ thể nhưng điều cốt lõi của mọi lời khai tự nguyện là liệu sự tự cho về ý chí khi đưa ra lời khai của nghi phạm.
2. Một số kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ các quy định về quyền im lặng của Hoa Kỳ, một số kinh nghiệm sau có thể được cân nhắc áp dụng cho chế định quyền im lặng tại Việt Nam:
Thứ nhất, đối với chủ thể được trao quyền im lặng, hiện nay Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ quy định người bị buộc tội có quyền im lặng, gồm bốn chủ thể: Người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo[37]. Tuy nhiên, đối với chủ thể tham gia tố tụng không bị buộc tội như người làm chứng, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan thì không được luật trao cho quyền im lặng và đều có nghĩa vụ phải khai báo trung thực về các tình tiết liên quan đến vụ án[38]. Việc Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không trao quyền im lặng cho các chủ thể này có khả năng khiến họ bị buộc phải đưa ra lời khai tự buộc tội trong một số trường hợp, từ đó xâm phạm giá trị cốt lỗi được bảo vệ bởi quyền im lặng là sự tự do ý chí cá nhân.
Do đó, nên cân nhắc trao quyền im lặng cho các chủ thể không phải là người bị buộc tội một cách hạn chế. Nghĩa là những chủ thể này chỉ được từ chối trả lời một số câu hỏi nhất định, kèm theo nghĩa vụ chứng minh lý do cho sự từ chối đó. Trên cơ sở lý lẽ của sự từ chối, cơ quan tố tụng có quyền quyết định chấp nhận yêu cầu sử dụng quyền im lặng của họ. Nhưng nếu cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận, thì cần đảm bảo rằng lời khai nếu được thu thập, sử dụng trong một vụ án thì không được dùng làm chứng cứ trong vụ án khác và nếu các chứng cứ được thu thập là dựa trên lời khai đó cũng sẽ bị vô hiệu về mặt pháp lý. Quy định này nhằm đảm bảo những người tham gia tố tụng sẽ đưa ra lời khai trong một vụ án mà không phải đối mặt với nguy cơ bị chính các lời khai đó chống lại chính mình trong một vụ án khác, từ đó đảm bảo quyền im lặng của họ.
Thứ hai, nên mở rộng phạm vi tác động của quyền im lặng không chỉ với lời khai mà còn với các hành vi tự buộc tội. Căn cứ theo phân tích câu từ, phạm vi tác động của quyền im lặng theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ bao gồm lời khai chống lại mình và lời nhận tội (gọi chung là lời khai). Bên cạnh đó, căn cứ theo bối cảnh ra đời của quyền im lặng, có thể thấy mục tiêu của các nhà làm luật khi thông qua quyền im lặng là nhằm bảo vệ người bị buộc tội trước tình trạng dùng nhục hình của cơ quan điều tra nhằm thu thập lời khai[39]. Có nghĩa là, quyền im lặng tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chỉ có phạm vi tác động đến lời khai. Tuy nhiên, quyền im lặng, về bản chất không phải là một quyền để bảo vệ người bị buộc tội trước nhục hình như mục tiêu của các nhà làm luật ở Việt Nam, mà là một quyền không bị buộc phải buộc tội chính mình, tức nhấn mạnh vào sự tự do ý chí đối với sự tự buộc tội. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, bên cạnh lời khai, việc buộc tội còn dựa trên các chứng cứ khác gồm: Vật chứng; dữ liệu điện tử; kết luận giám định, định giá tài sản; biên bản trong hoạt động tố tụng; kết quả ủy thác tư pháp và các tài liệu, đồ vật khác[40].
Như vậy, nếu căn cứ theo cách tiếp cận của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, một người hoàn toàn có thể bị buộc phải thực hiện một số hành vi để tạo lập các chứng cứ đó. Có nghĩa là, người đó bị ép buộc phải tự buộc tội bản thân thông qua hành vi của chính mình. Việc quy định như vậy đã trực tiếp xâm phạm đến giá trị cốt lỗi được bảo vệ bởi quyền im lặng là sự tự do cá nhân trước sự tự buộc tội. Do đó, nên mở rộng phạm vi tác động của quyền im lặng đến cả các hành vi tự buộc tội, mà thông qua hành vi đó có thể tiết lộ suy nghĩ của người thực hiện. Nghĩa là, một hành vi bị xem là vi phạm quyền im lặng nếu thỏa mãn ba yếu tố sau: (i) Bị buộc phải thực hiện; (ii) Hành vi có tính chất tự buộc tội; (iii) Sự buộc tội được thể hiện ra bên ngoài thông qua hành vi có nguồn gốc từ suy nghĩ của người thực hiện hành vi.
Thứ ba, nên cân nhắc xây dựng lại quy chuẩn đánh giá lời khai của người bị buộc tội. Hiện nay, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, một lời khai sẽ được sử dụng như là chứng cứ nếu mang đầy đủ ba tính chất khách quan, liên quan và hợp pháp[41]. Nói cách khác, quyền im lặng không đóng bất kỳ một vai trò nào trong việc đánh giá lời khai. Như vậy, có thể nói rằng, luật cho phép người bị buộc tội có quyền im lặng nhưng trong trường hợp quyền im lặng bị xâm phạm bởi hành vi bức cung, nhục hình, dụ cung hoặc các biện pháp cưỡng ép khác thì sự xâm phạm đó cũng không ảnh hưởng đến tính hợp pháp của lời khai. Do đó, cần bổ sung các quy định về đánh giá lời khai của người bị buộc tội trong sự liên hệ với quyền im lặng. Cụ thể, một mặt, liệt kê định danh cụ thể một số biện pháp lấy lời khai thể hiện rõ sự cưỡng ép và nếu cuộc thẩm vấn rơi vào các trường hợp này sẽ đương nhiên khiến lời khai không có giá trị pháp lý. Ví dụ như, hành vi dùng nhục hình, hành vi đe dọa, hành vi dụ cung, hành vi dụ dỗ, hành vi lừa dối hoặc các hành vi tương tự khác thể hiện rõ sự ép buộc. Mặt khác, quy định một tiêu chuẩn pháp lý theo hướng mở, mang tính chất định tính, để kiểm tra tính tự nguyện của người bị buộc tội trong các trường hợp khác.
Thứ tư, nên áp dụng hạn chế nguyên tắc “fruit of poisonous tree” trong mối liên hệ với quyền im lặng. Có thể thấy rằng, trong một vài trường hợp, lực lượng điều tra có thể chấp nhận vi phạm trình tự, thủ tục hoặc quyền im lặng nhằm lấy được những lời khai mang giá trị thông tin, từ đó dẫn dắt họ đến các loại chứng cứ khác có giá trị trong vụ án. Như vậy, nếu căn cứ theo quy định pháp luật, thì chỉ lời khai ban đầu là không có giá trị pháp lý vì đã không tuân thủ trình tự, thủ tục, còn các loại chứng cứ khác được thu thập theo đúng trình tự, thủ tục dựa trên lời khai đó vẫn được xem xét như chứng cứ. Việc quy định như vậy dễ dẫn đến tình trạng chấp nhận đánh đổi lời khai vô giá trị lấy các chứng cứ khác của lực lượng điều tra và từ đó xâm phạm đến quyền im lặng của người bị buộc tội.
Do đó, các chứng cứ trên nên được quy định là đương nhiên vô hiệu, trừ khi chứng minh được việc thu thập lời khai bất hợp pháp không phải do lỗi cố ý của lực lượng điều tra mà chỉ là sơ suất nghiệp vụ. Lý giải cho điều này, có thể thấy, trong nhiều trường hợp, lực lượng điều tra không cố ý dùng các phương pháp bất hợp pháp để lấy lời khai rồi từ đó truy tìm ra chứng cứ, mà đôi khi chỉ do sơ suất nghiệp vụ hoặc do tâm lý của người được lấy lời khai có vấn đề trong quá trình lấy lời khai, dẫn đến lời khai bị vô hiệu. Do đó, nếu xác định toàn bộ các chứng cứ được thu thập dựa trên thông tin từ lời khai bất hợp pháp là vô giá trị, thì sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong việc xử lý tội phạm.
Quyền im lặng có một lịch sử phát triển lâu dài và khá hoàn thiện tại Hoa Kỳ. Do đó, cân nhắc và vận dụng hợp lý những kinh nghiệm của Hoa Kỳ về quyền im lặng vào bối cảnh tại Việt Nam là cần thiết để có thể hoàn thiện tốt hơn chế định về quyền im lặng tại Việt Nam, từ đó đảm bảo các giá trị cốt lõi của quyền im lặng là bảo vệ sự tự do ý chí của cá nhân trước việc tự buộc tội.
Viện kiểm sát nhân dân quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ