1. Sự ghi nhận của pháp luật về quyền sở hữu tài sản trong doanh nghiệp và những tác động tích cực
Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2014 đã tiếp tục hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế, cũng như tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động góp vốn thành lập, tổ chức quản lý, chuyển nhượng vốn và rút khỏi thị trường của doanh nghiệp[1], đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy kiến tạo, phục vụ[2]. Trên thực tế, Nhà nước đã hình thành cơ sở pháp lý cần thiết để tổ chức, vận hành, quản lý nền kinh tế thị trường với hệ thống các quy phạm pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Một trong những nội dung quan trọng tác động đến sự phát triển bền vững hay suy vong của doanh nghiệp nói chung, công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) nói riêng đó là vấn đề tài sản, quyền sở hữu tài sản.
Quyền sở hữu tài sản là một trong những quyền cơ bản của quyền tự do kinh doanh. Việc xác lập và thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản đều phải dựa trên quy định của Bộ luật Dân sự[3]. Quyền sở hữu được xác lập đối với tài sản do lao động, do hoạt động sản xuất, kinh doanh hợp pháp, do hoạt động sáng tạo ra đối tượng quyền sở hữu trí tuệ; được chuyển quyền sở hữu theo thỏa thuận hoặc theo bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác; thu hoa lợi, lợi tức; tạo thành tài sản mới do sáp nhập, trộn lẫn, chế biến; được thừa kế…[4]. Trường hợp pháp luật có các quy định khác hoặc quy định đó trái với Bộ luật Dân sự thì quy định đó phải được thể hiện trong văn bản luật hoặc đạo luật khác do Quốc hội ban hành. Quyền sở hữu là một trong những tiền đề vật chất cho sự phát triển kinh tế, vì nó chính là mức độ xử sự mà pháp luật cho phép một chủ thể được thực hiện trong quá trình chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản.
Tài sản và quyền sở hữu tài sản tạo nên “xương sống” cho quá trình gia nhập, phát triển hay rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, trong đó có công ty TNHH hai thành viên trở lên. Nội dung của pháp luật điều chỉnh quyền sở hữu trong công ty TNHH hai thành viên trở lên thể hiện trên nhiều phương diện như: Chủ thể, đối tượng, xác lập, thay đổi hay chấm dứt quan hệ sở hữu tài sản… Quá trình thực thi về tài sản và quyền sở hữu tài sản trong doanh nghiệp nói chung, trong công ty TNHH hai thành viên trở lên nói riêng đã đạt được những kết quả nhất định trên nhiều phương diện khác nhau như: (i) Góp vốn của thành viên khi thành lập công ty; (ii) Thực hiện quyền chủ sở hữu tài sản và các quyền về tài sản qua chuyển nhương, mua lại tài sản là phần vốn góp; (iii) Thanh toán mọi hoạt động mua, bán, chuyển nhượng cổ phần và phần vốn góp và nhận cổ tức của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào công ty…
Những quy định của pháp luật về vấn đề này đã tạo “hành lang pháp lý” thúc đẩy hoạt động đầu tư của nhà đầu tư vào doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 06/2017, cả nước có 61.276 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 596.200 tỷ đồng, tăng 12,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,4% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới ở mức 9,7 tỷ đồng, tăng 24%. Nếu tính cả 859.200 tỷ đồng của 18.100 lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 06 tháng đầu năm 2017 là 1.455.400 tỷ đồng[5]. Các thiết chế pháp luật hiện hành cũng đã góp phần tác động tích cực đến hoạt động thu hút đầu tư, tính đến ngày 20/03/2017, cả nước có 23.071 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 300,7 tỷ USD. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với 175,57 tỷ USD, chiếm 59,3% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 52,58 tỷ USD (chiếm 17,48% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí nước với 12,9 tỷ USD (chiếm 4,29% tổng vốn đầu tư)[6].
2. Một số bất cập, hạn chế từ các quy định về quyền sở hữu tài sản trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên
Công ty TNHH hai thành viên trở lên là một pháp nhân, có quyền sở hữu tài sản đứng tên công ty và tài sản của công ty không phải là tài sản riêng của các thành viên công ty. Điều này thể hiện sự tách biệt về trách nhiệm bằng tài sản của pháp nhân với tài sản của các thành viên của pháp nhân. Công ty có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản công ty với tư cách là chủ sở hữu. Thành viên góp vốn bằng tiền hoặc bằng tài sản vào công ty, phần góp này trở thành tài sản của công ty[7] và không còn là tài sản của riêng thành viên đó nữa. Quá trình thực hiện quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp và các văn bản liên quan đến quyền sở hữu tài sản cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực cũng bộc lộ một số vướng mắc, hạn chế, gây khó khăn cho việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp, trong đó có công ty TNHH hai thành viên trở lên, bao gồm:
Một là, về vốn kê khai khi thành lập công ty
Trên thực tế có hai xu hướng kê khai và góp vốn điều lệ: (i) Kê khai mức vốn điều lệ rất lớn và lớn hơn nhiều so với số vốn thực tế các thành viên góp vào công ty do doanh nghiệp muốn tạo ấn tượng về khả năng tài chính trong kinh doanh để thuận lợi hơn trong vay vốn ngân hàng và tham gia đấu thầu; (ii) Kê khai mức vốn điều lệ nhỏ hơn so số tiền các thành viên thực góp vào công ty do sợ phải trả thuế nhiều. Vốn điều lệ của rất nhiều doanh nghiệp không thực sự đúng với số vốn mà thành viên công ty thực góp vào công ty. Hiện tượng “vốn ảo” trong công ty dẫn đến phần lớn tranh chấp giữa các thành viên trong công ty xuất phát từ việc các bên vi phạm nghĩa vụ góp vốn. Một trong những nguyên tắc cơ bản của Luật Doanh nghiệp năm 2014 là tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm của các bên trong góp vốn vào công ty, yêu cầu về góp vốn đúng và đủ theo cam kết. Mặc dù vậy, các bên chưa thực sự hiểu một cách đầy đủ và trong một số trường hợp còn vi phạm nguyên tắc này; còn thiếu cơ chế thúc đẩy cũng như để các bên liên quan giám sát quá trình này nhằm hạn chế gian lận. Ví dụ như việc kê khai mức vốn điều lệ lớn hơn nhiều so với số vốn thực tế các thành viên góp vào công ty do doanh nghiệp muốn tạo ấn tượng về khả năng tài chính trong kinh doanh để thuận lợi hơn trong vay vốn ngân hàng. Về vấn đề này, thì Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng mới chỉ quy định nguyên tắc xác lập quyền sở hữu mà chưa quy định nguyên tắc cho việc chấm dứt quyền này[8]. Chính vì vậy, khi xảy ra tranh chấp thì việc giải quyết gặp khá nhiều khó khăn và để lại những hệ lụy khôn lường ảnh hưởng tới quyền lợi của các thành viên và ngay chính cả lợi ích của công ty.
Hai là, về chuyển nhượng vốn, thừa kế phần vốn góp trong công ty
Sự biến động quyền sở hữu tài sản do chuyển nhượng vốn hay thừa kế phần vốn góp trong công ty TNHH hai thành viên trở lên làm tăng số lượng thành viên, số lượng thành viên có thể trên 50 thành viên. Mặc dù để xử lý trường hợp này theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, công ty sẽ phải tiến hành chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, do giao dịch chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên không liên quan đến hoạt động kinh doanh của công ty nên về lý thuyết công ty vẫn hoạt động bình thường với trên 50 thành viên trong lúc chờ chuyển đổi và như vậy là không phù hợp quy định của luật do Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không đăng ký là hành vi bị cấm[9]. Như vậy, việc chuyển nhượng vốn góp hay thừa kế phần vốn góp trong thực tế không chỉ gây biến động về quyền sở hữu tài sản mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Bên cạnh đó, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên nhưng không gây ra việc thay đổi tổng vốn điều lệ của công ty, khi đó khoản tiền chuyển nhượng được chuyển thẳng cho bên chuyển nhượng và nhà đầu tư nước ngoài gián tiếp sở hữu phần vốn góp mà bên chuyển nhượng đã góp vào công ty. Điều này có nghĩa, không có dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài chuyển vào công ty và quy định tại khoản 3 Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2014 về việc nhà đầu tư phải mở tài khoản vốn tại ngân hàng ở Việt Nam để thực hiện chuyển nhượng vốn rõ ràng không đạt được mục tiêu thông qua dòng tiền đầu tư để theo dõi, có chế tài kịp thời đối với tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở trường hợp này.
Bốn là, quy định về điều kiện chuyển nhượng vốn góp
Quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về việc thành viên công ty muốn chuyển nhượng phần vốn góp phải chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện[10] nhưng không nêu rõ điều kiện đó như thế nào sẽ làm nảy sinh hiện tượng thành viên công ty cố ý chào bán phần vốn góp của mình với giá nhiều hơn giá trị thực tế của phần vốn góp khiến các thành viên còn lại trong công ty không thể mua được, từ đó chuyển nhượng dễ dàng cho bên thứ ba định trước không phải là thành viên công ty. Hành động này sẽ làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu phần vốn góp của thành viên công ty và tính “đóng” của loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong thực tế.
Năm là, về người thành lập doanh nghiệp
“Người thành lập doanh nghiệp” là khái niệm mới được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014[11]. Đây là tổ chức, cá nhân thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp[12], tham gia quá trình thành lập doanh nghiệp và có thể ký “hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp”[13]. Luật Doanh nghiệp năm 2014 chưa đặt ra tiêu chí về mức độ trách nhiệm của người thành lập doanh nghiệp vào thời điểm trước khi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp. Do đó, trường hợp người thành lập doanh nghiệp thu lợi từ hợp đồng cho bản thân hoặc người có liên quan của mình, các thành viên công ty sẽ khó xác định trách nhiệm của chủ thể này. Trong khi đó doanh nghiệp khi được thành lập sẽ phải tiếp nhận quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các hợp đồng này và thanh toán nợ phát sinh bằng tài sản của công ty. Bên cạnh đó, một số quy định có liên quan về thực thi quyền sở hữu tài sản trong công ty TNHH hai thành viên trở lên liên quan đến người thành lập công ty cũng chưa minh bạch. Một số khái niệm “với cùng điều kiện”[14] hoặc “cam kết góp”[15] hay xác định mức độ trách nhiệm của người thành lập doanh nghiệp vào thời điểm trước khi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được cấp cũng chưa được làm rõ.
Sáu là, về nghị quyết của hội đồng thành viên
Nghị quyết của hội đồng thành viên có hiệu lực thi hành kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày có hiệu lực được ghi tại nghị quyết đó[16]. Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến nghị quyết của hội đồng thành viên về chuyển nhượng phần vốn góp hoặc tăng/giảm vốn điều lệ gây ảnh hưởng đến quyền sở hữu phần vốn góp, thành viên công ty khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết đã được thông qua cùng với việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đình chỉ thi hành một phần nghị quyết, lúc này nghị quyết của hội đồng thành viên tuy bị khởi kiện nhưng vẫn có hiệu lực thi hành theo quy định tại Điều 63 Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Trường hợp thành viên, nhóm thành viên yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết đã được thông qua thì nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi có quyết định của Tòa án hoặc Trọng tài có hiệu lực thi hành” ngay cả khi Tòa án trên cơ sở Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015[17] quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đình chỉ thi hành một phần nghị quyết của Hội đồng thành viên.
Bảy là, sự xung đột pháp luật về đối tượng góp vốn vào công ty TNHH hai thành viên
Khi tổ chức Việt Nam không có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản), các tổ chức được thành lập ở nước ngoài không có tư cách pháp nhân (một số quỹ đầu tư nước ngoài) góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên[18], các tổ chức này cử đại diện tham gia hội đồng thành viên để quản lý công ty. Dựa trên quan điểm rằng, tổ chức không có tư cách pháp nhân không thể tự mình thành lập và quản lý doanh nghiệp mà phải thực hiện quyền của mình qua các thành viên trong tổ chức đó và nhằm tránh hậu quả pháp lý không rõ ràng về chủ thể chịu trách nhiệm, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định tổ chức không có tư cách pháp nhân được quyền góp vốn nhưng không có quyền quản lý công ty[19]. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 với tư cách là luật chung vẫn cho phép tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia xác lập và thực hiện giao dịch dân sự và đặt ra nguyên tắc xác định trách nhiệm của các thành viên tổ chức này khi tham gia góp vốn. Có hai cách hiểu đối với quy định trên: (i) Theo quan điểm linh hoạt, tổ chức không có tư cách pháp nhân vẫn có thể góp vốn và sau đó tham gia quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên vì quy định hạn chế quyền quản lý công ty nằm tại Chương II Luật Doanh nghiệp năm 2014 và hạn chế về quyền quản lý doanh nghiệp không áp dụng cho trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đã được thành lập, rồi sau đó mới cho tổ chức không có tư cách pháp nhân góp vốn và tham gia hội đồng thành viên; (ii) Quan điểm thận trọng cho rằng, nếu tổ chức không có tư cách pháp nhân và không được quyền quản lý doanh nghiệp ngay từ thời điểm thành lập doanh nghiệp thì cũng sẽ không có quyền quản lý doanh nghiệp sau khi góp vốn, quan điểm này vẫn đang tồn tại[20].
Mặt khác, quá trình cụ thể hóa chính sách trong xây dựng pháp luật liên quan đến quyền sở hữu tài sản nói chung và quyền sở hữu tài sản của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên nói riêng đôi khi tạo ra sự chưa hợp lý, bất nhất. Ví dụ, tại khoản 6 Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định một trong các quyền của thành viên công ty là được chia lợi nhuận tương ứng với phần vốn góp (đây chính là một phần tài sản mà thành viên thu được thông qua hoạt động góp vốn vào công ty). Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định “quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản”[21]. Như vậy, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản là một phần quyền định đoạt và là căn cứ quan trọng của chấm dứt quyền sở hữu. Trong thực tế, bất cứ chủ thể nào không phân biệt mức độ hành vi dân sự cũng tiêu dùng được tài sản. Do vậy, quy định “việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện không trái quy định của pháp luật” là chưa hợp lý khi đưa “tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản”[22] vào khái niệm quyền định đoạt.
Hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, tính khả thi thấp, chậm đi vào cuộc sống. Cơ chế xây dựng, sửa đổi pháp luật còn nhiều bất hợp lý và chưa được coi trọng đổi mới, hoàn thiện. Tiến độ xây dựng luật và pháp lệnh còn chậm, chất lượng các văn bản chưa cao. Việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chưa được quan tâm đầy đủ. Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Thiết chế bảo đảm thi hành pháp luật còn thiếu và yếu[23]. Trong đó, pháp luật về quyền sở hữu tài sản và thực thi quyền sở hữu tài sản trong công ty TNHH hai thành viên trở lên mặc dù đã có những tác động tích cực trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy huy động vốn, phát triển, mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp; từng bước góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến đến quá trình hình thành, phát triển hay rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, tác động trực tiếp hay gián tiếp đến lợi ích của thành viên và công ty. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy định của pháp luật về tài sản, quyền sở hữu tài sản trong doanh nghiệp nói chung và công ty TNHH hai thành viên trở lên nói riêng luông mang tính cấp thiết và là bài toán cần có lời giải hữu hiệu hiện nay ở Việt Nam.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Bộ Tư pháp (2015), Đề cương giới thiệu Luật Doanh nghiệp năm 2014, Trang thông tin về phổ biến giáo dục pháp luật, tại địa chỉ http://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tl-pbgdpl/Pages/de-cuong.aspx?ItemId=202 ngày truy cập 03/7/2017.
[2]. Hướng tới sáng tạo, phát triển và dáp ứng nhu cầu của đời sống người dân và xã hội.
[3]. Khoản 1 Điều 160 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4]. Điều 221 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[5]. Tổng Cục thống kê (2017), “Tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017”, Trang thông tin tình hình kinh tế-xã hội, tại địa chỉ http://www.gso.gov.vn/default.aspx?tabid=621&ItemID=18471 ngày truy cập 03/7/2017.
[6]. Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017), “Tình hình thu hút Đầu tư nước ngoài Quý I năm 2017”, Trang thông tin điện tử đầu tư nước ngoài, tại địa chỉ https://dautunuocngoai.gov.vn/tinbai/5247/Tinh-hinh-thu-hut-Dau-tu-nuoc-ngoai-Quy-I-nam-2017 ngày truy cập 5/7/2017.
[7]. Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[8]. Đỗ Văn Đại (2016), Bình luận khoa học những điểm mới của Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb. Hồng Đức, TP.HCM, tr.212.
[9]. Khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[10]. Điểm a khoản 1 Điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[11]. Điều 15 Luật Doanh nghiệp năm 2005 tuy có đề cập đến “Người thành lập doanh nghiệp” nhưng chưa nêu rõ.
[12]. Khoản 19 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[13]. Khoản 1 Điều 19 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[14]. Điểm a khoản 1 Điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[15]. Điều 48 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[16]. Điều 63 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[17]. Điều 111 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
[18]. Khoản 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[19]. Điểm đ khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[20]. Trương Nhật Quang (2016), Pháp luật về doanh nghiệp - Các vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb. Dân Trí, Hà Nội, tr.99-100.
[21]. Điều 192 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[22]. Xem thêm Điều 193 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[23]. Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.