Abstract: The article generally analyzes the right of access to information and current principles on access to information in land acquisition, compensation, support and resettlement. On the basis of this study, the author proposes some applicable resolutions with a view to overcome difficulties and to contribute to improving implementation effect of the Land Law of 2013 in general and regulations of access to information in recovered land by the State.
Trong xã hội hiện đại, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin thì nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt và vận dụng thông tin để giải quyết công việc lại càng thiết thực hơn bao giờ hết. Thông tin là một phần quan trọng, không thể thiếu được từ lĩnh vực đơn giản như giao tiếp xã hội đến những vấn đề mang tầm quốc gia như an ninh, chính trị, kinh tế cũng như việc bảo vệ quyền con người. Tiếp cận thông tin, trao đổi và thảo luận là đòi hỏi cần phải có của mỗi con người trong quá trình phát triển; đồng thời, việc công khai thông tin để mọi người tiếp cận được xem là một trong những thước đo để đánh giá tiến trình dân chủ hóa của một quốc gia.
Hiểu một cách chung nhất, quyền tiếp cận thông tin là quyền con người được nắm biết thông tin của Nhà nước thông qua các phương thức trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm đáp ứng nhu cầu của bản thân, qua đó có thể bảo vệ được các quyền khác mà pháp luật đã quy định. Đồng thời, quyền này cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan nhà nước có nghĩa vụ trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cung cấp thông tin cho người dân (ngoại trừ trường hợp pháp luật có quy định khác). Quyền tiếp cận thông tin có nguồn gốc từ quyền tự do biểu đạt (tự do ngôn luận), trong đó bao hàm quyền tìm kiếm và tiếp nhận các thông tin[1] trong đời sống xã hội. Trên bình diện quốc tế, quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận chính thức trong hai công ước quốc tế là Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người của Liên Hợp Quốc năm 1948 (UDHR) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR). Đây được xem là hai văn kiện pháp lý quốc tế mang tính nền tảng, thừa nhận các quyền cơ bản của con người, trong đó quyền tiếp cận thông tin được đề cập đến như là một trong các quyền thuộc nhóm quyền dân sự, chính trị. Điều 19 UDHR nêu rõ: “Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia” và khoản 2 Điều 19 ICCPR tiếp tục khẳng định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”.
Cho đến nay, quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được đề cập đến tại nhiều văn kiện quốc tế quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như: Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển năm 1992 (nguyên tắc 10), Công ước của Liên Hợp Quốc về phòng, chống tham nhũng năm 2003 (Điều 10, Điều 13)… Bên cạnh đó, dưới cấp độ khu vực, quyền được tiếp cận thông tin cũng nhận được sự quan tâm đáng kể tương tự như các quyền cơ bản khác của con người. Trong đó, có thể kể đến Hiến chương Châu Phi về quyền con người và quyền dân tộc năm 1981, Công ước nhân quyền của Châu Mỹ năm 1969... Các văn kiện này đều thừa nhận tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người và mỗi cá nhân đều có quyền được tiếp cận thông tin.
Dưới góc độ pháp luật quốc gia, tùy vào sự khác nhau về lịch sử phát triển, tình hình an ninh, chính trị và các điều kiện đặc thù mà mỗi quốc gia có sự thừa nhận hay không thừa nhận quyền tiếp cận thông tin của công dân. Tại Mỹ và hầu hết các nước Châu Âu, quyền tự do thông tin đã được ghi nhận và luật hóa. Trong khi đó, nhiều quốc gia Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ vẫn còn chưa dành sự lưu tâm đúng mức đối với quyền này. Có thể kể đến một số quốc gia đã thực hiện việc luật hóa quyền tiếp cận thông tin với nhiều tên gọi khác nhau như Luật Tự do thông tin (Hoa Kỳ), Luật về quyền được thông tin (Ấn Độ), Luật Thông tin chính thức (Thái Lan, New Zealand), Bộ luật về ứng xử (Hồng Kông), Luật về tiếp cận thông tin (Canada)[2]…
Tại Việt Nam, quyền được thông tin lần đầu tiên được ghi nhận chính thức tại Điều 69 Hiến pháp năm 1992: “Công dân… có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật”. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền này tiếp tục được khẳng định tại Điều 25 và được cụ thể hóa theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018). Theo đó, “thông tin” được văn bản này giải thích là “tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra”[3] và công dân được phép tiếp cận với thông tin của cơ quan nhà nước, trừ trường hợp đó là thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội…; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ và các thông tin được tiếp cận có điều kiện[4]. Bên cạnh Luật Tiếp cận thông tin nhằm thể thế hóa về vấn đề này mang tính nguyên tắc chung thì trong từng lĩnh vực cụ thể, các nhà lập pháp cũng dành một số quy định để công dân có thể tiếp cận thông tin trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.
2. Quy định về quyền tiếp cận thông tin trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Trong điều kiện hiện nay, khi nền kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới, nhu cầu sử dụng đất và thị trường bất động sản ngày càng trở nên sôi động, vì vậy, việc thu hồi đất để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh là vô cùng cần thiết[5]. Tuy nhiên, trong quá trình thu hồi đất, sự tác động của các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền lại có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong khu vực có đất bị thu hồi. Chính vì lẽ đó, công dân có quyền được biết, được tiếp cận và nắm bắt các thông tin có liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo quy định tại Điều 28 Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước sẽ phải thực hiện các công việc sau đây nhằm bảo đảm trách nhiệm xây dựng và cung cấp thông tin đất đai:
(i) Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai[6] và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai.
(ii) Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân, trừ những thông tin thuộc bí mật theo quy định của pháp luật.
(iii) Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp.
(iv) Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Như vậy, so với Luật Đất đai năm 2003, pháp luật đất đai hiện hành đã ghi nhận một điều khoản riêng biệt để quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân. Điều này, một mặt cho thấy sự thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước hiện nay, thay cơ chế “xin - cho” như trước đây bằng việc ghi nhận trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước đối với công dân trong vấn đề này; mặt khác, việc luật hóa quy định này còn thể hiện tầm quan trọng của việc công khai, minh bạch hóa thông tin, góp phần thực hiện dân chủ, công bằng trong quá trình quản lý, sử dụng và phân phối đất đai tại Việt Nam. Từ quy định chung mang tính nguyên tắc tại Điều 28, quyền tiếp cận thông tin của công dân trong quá trình Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được ghi nhận chi tiết trong từng giai đoạn.
Thứ nhất, trong giai đoạn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật Đất đai năm 2013, một trong các căn cứ thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Do vậy, có thể nói, một quy trình thu hồi đất hoàn chỉnh không phải từ khi có thông báo thu hồi đất mà phải xem xét đến giai đoạn cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong giai đoạn này, Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở từng cấp[7]. Hình thức để người dân có thể nắm bắt thông tin và phản hồi ý kiến của mình khá đa dạng và tùy theo đặc điểm của từng cấp. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh sẽ tiến hành thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong khi đó, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện[8]. Thông qua các hình thức công khai thông tin này, nhân dân có thể tiếp cận được những thông tin chính thống, chính xác, minh bạch trong quá trình nhà nước lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; từ đó, họ có thể biết được vị trí, diện tích đất phải thu hồi để thực hiện công trình, dự án sử dụng đất mà chủ động sắp xếp đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của mình trong tương lai.
Thứ hai, trong giai đoạn Nhà nước thực hiện thu hồi đất
Đây là một trong những giai đoạn quan trọng để Nhà nước giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch và tiến hành các hoạt động khai thác tiếp theo. Đây cũng là giai đoạn có ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến đời sống của người dân có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, nếu như Nhà nước thực hiện có hiệu quả các phần việc ở giai đoạn này cũng như thông tin kịp thời đến người dân các quy định của pháp luật có liên quan, một mặt có thể đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, mặt khác góp phần ổn định cuộc sống người dân, tạo niềm tin trong nhân dân đối với chính quyền. Chính vì vậy, Luật Đất đai năm 2013 đã cơ bản luật hóa các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc không còn quy định rải rác, tản mạn về quy trình thu hồi đất trong các văn bản dưới luật như trước đây không chỉ là một bước tiến về kỹ thuật lập pháp, mà hơn hết, điều này sẽ giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận được với quy định của Nhà nước liên quan đến xuyên suốt quá trình thu hồi quyền sử dụng đất - một loại tài sản quý giá của phần lớn hộ gia đình, cá nhân tại nước ta. Cụ thể, trong giai đoạn Nhà nước thu hồi đất, luật hiện hành quy định rõ ràng trách nhiệm của Nhà nước trong việc công khai các loại giấy tờ, phần việc đối với người dân. Theo quy định tại Điều 67, khoản 1 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 17 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai[9], thời điểm thực hiện thông báo thu hồi đất là trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Trong nội dung của thông báo thu hồi đất phải nêu rõ các thông tin sau đây cho người dân được biết là: (i) Lý do thu hồi đất; (ii) Diện tích, vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp thu hồi đất theo tiến độ thực hiện dự án thì ghi rõ tiến độ thu hồi đất; (iii) Kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm; (iv) Dự kiến về kế hoạch di chuyển và bố trí tái định cư. Đồng thời, Luật Đất đai hiện hành cũng quy định bốn phương thức thực hiện thông báo thu hồi đất để thông tin đến người dân, bao gồm: Gửi thông báo thu hồi đất đến từng người có đất thu hồi; họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi. Thông qua các quy định trên, có thể thấy, thông báo thu hồi đất là thủ tục bắt buộc thực hiện và giữ vai trò tiền đề để thực hiện các bước tiếp theo[10]. Ngoài ra, thông báo thu hồi đất còn là bước chuẩn bị quan trọng về mặt vật chất và tinh thần đối với người dân trong khu vực có đất bị thu hồi, giúp họ chủ động hơn để thu xếp mọi mặt trong đời sống sinh hoạt, lao động và sản xuất.
Thứ ba, trong giai đoạn lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Theo quy định của pháp luật hiện hành, trách nhiệm bồi thường được đặt ra khi Nhà nước thu hồi đất dùng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi này không phải xuất phát từ lỗi của người đang sử dụng đất mà là do phục vụ cho mục đích chung của toàn xã hội. Khi đất bị thu hồi, người có quyền sử dụng đất bị thiệt hại, quyền và lợi ích cũng bị ảnh hưởng, chính vì vậy, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp như vậy và người dân cần được tiếp cận các thông tin liên quan đến phương án bồi thường này. Theo quy định pháp luật, việc tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với những người dân có đất bị thu hồi. Đồng thời, Luật Đất đai còn yêu cầu niêm yết công khai phương án trên tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi[11]. Như vậy, có thể nhận thấy, trong giai đoạn này, người dân có thể tiếp cận được thông tin về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thông qua hai con đường trực tiếp và gián tiếp thay vì chỉ thực hiện niêm yết như các quy định trước đây[12]. Đây là một điểm mới, tiến bộ của Luật Đất đai năm 2013 trong việc công khai, minh bạch và dân chủ hóa trong quá trình cơ quan nhà nước quản lý đất đai. Tuy nhiên, về đối tượng lấy ý kiến theo quy định hiện hành là “người dân trong khu vực có đất bị thu hồi” thiết nghĩ còn có phần nào chưa thỏa đáng. Lý giải cho điều này là bởi vì ngoài những hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc thu hồi đất thì một số người dân khác sống trong khu vực này có thể chịu tác động ít nhiều từ dự án do sự thay đổi về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, môi trường... Do đó, những đối tượng này cũng nên biết được một số thông tin cần thiết và cơ bản để chủ động được quá trình lao động, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của mình. Ngoài ra, luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm chính trong việc công khai phương án này thuộc về tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi có nghĩa vụ phối hợp để hoàn thành phần công việc này.
3. Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định về quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Mặc dù việc tiếp cận thông tin đất đai nói chung và thu hồi đất nói riêng trong những năm gần đây đã được cải thiện, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tốt hơn; tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Người dân chưa thực sự hiểu rõ cách thức để tiếp cận thông tin trên trang thông tin điện tử của các cơ quan có thẩm quyền; thông tin đăng tải đôi khi còn mập mờ, chưa rõ ràng để mọi người có thể tiếp cận; một bộ phận công chức còn xem nhẹ việc cung cấp thông tin, không xem đó là trách nhiệm của mình, vấn đề tiêu cực, quan liêu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện quyền của người dân hay việc chế tài đối với các trường hợp bưng bít, gây khó dễ khi người dân muốn tìm hiểu thông tin về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền của người dân trong lĩnh vực này, thiết nghĩ, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần quy định trong Luật Đất đai cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành những quy định cụ thể về các thông tin phải được công khai, các bước trong quy trình để lấy ý kiến người dân trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Không dừng lại ở đó, các thông tin trên phải thường xuyên được cập nhật kịp thời để người dân truy cập khi cần thiết. Để làm được điều đó, các cơ quan có thẩm quyền cần chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung trong quá trình vận hành trang thông tin điện tử của mình.
Thứ hai, cần có các quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông không chính xác, sai lệch hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng khi người dân có nhu cầu được tiếp cận các thông tin có liên quan.
Thứ ba, tăng cường, phát triển các dịch vụ trực tuyến cung cấp thông tin trong lĩnh vực thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đương nhiên, dịch vụ này phải đảm bảo nguồn cung cấp thông tin chính xác và có giá trị pháp lý để người dân an tâm sử dụng dịch vụ. Hiện nay, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã có những quy định cụ thể về điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Cụ thể là, đối với tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp được hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Có chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với các tổ chức sự nghiệp của Nhà nước; (ii) Có ít nhất 10 cá nhân đối với hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp huyện, có ít nhất 15 cá nhân đối với hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh, cấp quốc gia đủ điều kiện theo quy định và (iii) Có hạ tầng, thiết bị công nghệ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bên cạnh đó, đối tượng là cá nhân được hành nghề xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong tổ chức hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (ii) Có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về quản lý đất đai, địa chính, trắc địa bản đồ, công nghệ thông tin và các chuyên ngành khác có liên quan đến cơ sở dữ liệu đất đai; (iii) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên đất hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai từ 24 tháng trở lên. Như vậy, trong tương lai gần, bên cạnh các thông tin được cung cấp bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người dân còn có thêm nhiều kênh thông tin khác để tiếp cận trong lĩnh vực đất đai nói chung và mảng thu hồi đất nói riêng.
Thứ tư, trách nhiệm của người cung cấp thông tin là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Do vậy, cần phải đẩy mạnh, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người có trách nhiệm cung cấp thông tin là điều cần thiết.
Thông tin là nhu cầu cần thiết của mỗi con người và các thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân có ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của họ như các vấn đề về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Đã đến lúc việc tiếp cận thông tin trong lĩnh vực này cần phải thực hiện nghiêm túc, kỷ cương, có chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực thu hồi đất không chỉ đảm bảo quyền lợi của người dân mà còn đóng vai trò phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành mục tiêu phấn đấu phát triển hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại, đáp ứng yêu cầu của mọi công dân trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.
Bùi Kim Trọng, Viện kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ
Các tin khác
Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự Vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà hình sự Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ” Sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Báo cáo thống kê thi hành án dân sự - Một số vấn đề từ thực tiễn Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên tòa giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp