1. Quyền tiếp cận thông tin của doanh nghiệp đối với hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Ở Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật ghi nhận quyền được tiếp cận thông tin nói chung và quyền được tiếp cận thông tin liên quan đến quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nói riêng. Cụ thể, Điều 69 Hiến pháp năm 1992 đã nghi nhận: “Công dân có quyền được thông tin… theo quy định của pháp luật”. Tiếp đến, Điều 25 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do… tiếp cận thông tin”. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 thì thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu có sẵn, tồn tại dưới dạng bản viết, bản in, bản điện tử, tranh, ảnh, bản vẽ, băng, đĩa, bản ghi hình, ghi âm hoặc các dạng khác do cơ quan nhà nước tạo ra (Điều 2) và công dân được quyền tiếp cận thông tin của cơ quan nhà nước, trừ trường hợp đó là thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước… (Điều 6). Với cách quy định loại trừ này, có thể hiểu là tất cả những thông tin do Nhà nước tạo ra thì công dân đều có đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp thông tin để biết, để hiểu trừ những thông tin bị cấm hoặc tiếp cận có điều kiện theo quy định của pháp luật.
Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 được ban hành để thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền tiếp cận thông tin, nhưng những quy định tại Luật này mang tính nguyên tắc chung. Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành những quy định cụ thể để cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận thông tin trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước khác nhau. Liên quan đến quyền tiếp cận thông tin trong quá trình điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, Điều 74 và Điều 75 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 quy định bên liên quan trong vụ việc điều tra được tiếp cận thông tin, tài liệu mà bên liên quan khác đã cung cấp cho cơ quan điều tra, trừ thông tin, tài liệu liên quan đến vụ việc phải bảo mật thông tin, tài liệu theo yêu cầu của bên cung cấp thông tin, tài liệu. Theo Điều 9 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và các biện pháp phòng vệ thương mại, thì các bên được tiếp cận các thông tin mà các bên liên quan khác cung cấp cho cơ quan điều tra và tiếp cận các thông tin về vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của cơ quan điều tra, trừ những thông tin được bảo mật theo quy định tại Điều 11 Nghị định này. Đặc biệt, Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại cũng đã tiếp tục cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của doanh nghiệp trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Theo đó tại Điều 7 quy định về các thông tin được công khai trong trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại gồm: Tài liệu do bên liên quan cung cấp cho cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; các thông báo của cơ quan điều tra và Bộ Công Thương; tài liệu về các nội dung điều tra phòng vệ thương mại làm cơ sở để dẫn đến kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra; các thông tin khác do cơ quan điều tra xem xét công khai trong quá trình điều tra.
Từ những quy định trên có thể thấy, quyền được tiếp cận thông tin của doanh nghiệp đã được pháp luật ghi nhận. Có thể hiểu, doanh nghiệp với tư cách là bên yêu cầu điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có quyền tiếp cận bằng cách đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp 02 nhóm thông tin cơ bản là các thông tin mà bên bị điều tra cung cấp cho cơ quan điều tra và thông tin mà cơ quan điều tra tạo ra được trong quá trình điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Mặc dù việc ra đời của các quy định nêu trên góp phần làm cho quyền tiếp cận thông tin của doanh nghiệp ngày càng đầy đủ và chi tiết. Tuy nhiên, khi nghiên cứu chúng ta có thể thấy, các quy định này khó thực thi trên thực tế, đặc biệt việc tiếp cận nhóm thông tin do cơ quan điều tra tạo ra trong quá trình điều tra, áp dụng vụ việc phòng vệ thương mại. Bởi lẽ:
Thứ nhất, pháp luật không quy định trình tự, thủ tục để tiếp cận các thông tin từ cơ quan điều tra vụ việc phòng vệ thương mại
Luật quy định những thông tin cần được công bố công khai, doanh nghiệp được tiếp cận để sao, chép nhưng lại chưa quy định cụ thể doanh nghiệp phải tiến hành những bước nào để sao chụp, ghi chép các thông tin mình cần nắm bắt nhằm phục vụ cho quá trình yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Qua rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề công bố thông tin quá trình điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, thì chưa có văn bản nào quy định về trình tự, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận thông tin cần thiết, kể cả Thông tư số 06/2018/TT-BCT - văn bản được xem là quy định chi tiết về quyền tiếp cận thông liên quan đến quá trình điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Cách quy định này gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn tiếp cận để nắm bắt các thông tin từ cơ quan điều tra.
Thứ hai, không quy định cụ thể thời gian nào thì công bố thông tin cho doanh nghiệp biết hoặc doanh nghiệp được tiếp cận thông tin vào thời điểm nào
Mục đích của việc tiếp cận thông tin điều tra, áp dụng vụ việc phòng vệ thương mại nhằm giúp doanh nghiệp kịp thời có những phương án để đối phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đến từ doanh nghiệp nước ngoài, vì vậy việc tiếp cận thông tin kịp thời sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong việc đối phó và xây dựng phương án kinh doanh phù hợp trong từng tình huống cụ thể xảy ra. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định thời hạn cũng thời điểm được tiếp cận thông tin từ cơ quan điều tra. Do đó, doanh nghiệp không biết nên tiếp cận thông tin vào thời gian nào là phù hợp, kết thúc quá trình điều tra, hay trong thời điểm điều tra hay vào bất cứ thời điểm nào mà doanh nghiệp thấy cần thiết.
Thứ ba, doanh nghiệp không biết những thông tin nào được phép công khai và những thông tin nào do cơ quan điều tra xem xét công khai
Theo khoản 8 Điều 7 Thông tư 06/2018/TT-BCT, bên cạnh những thông tin buộc cơ quan điều tra phải công khai cho doanh nghiệp biết liên quan đến kết quả điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì điều luật tiếp tục cho phép cơ quan điều tra có quyền xem xét công khai hoặc không các thông tin khác. Đây được xem là quy định mang tính dự phòng cho những quan hệ phát sinh tiếp theo, tuy vậy cách quy định này là không phù hợp, chồng chéo với văn bản luật khác. Bởi vì, Luật Quản lý ngoại thương năm 2016 cũng như Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đã nghi nhận cụ thể những thông tin được phép công khai, tiếp cận, và những thông tin nào phải giữ bí mật hoặc hạn chế công khai, nhưng đến Thông tư 06/2018/TT-BCT hướng dẫn chi tiết thì nhà làm luật lại bổ sung quyền cho cơ quan điều tra được xem xét những thông tin nào cần được công khai tại khoản 8 Điều 7, cụ thể điều luật này quy định: “... Các thông tin khác do cơ quan điều tra xem xét công khai trong quá trình điều tra”. Quy định này đã làm thay đổi bản chất của quyền tiếp cận thông tin của doanh nghiệp, dẫn đến hệ quả: (i) Về phía doanh nghiệp - với tư cách là chủ thể có quyền tiếp cận thông tin lại rơi vào vị thế là chủ thể phải “đi chờ” ở cơ quan điều tra quyết định thông tin nào được, thông tin nào không được tiếp cận; (ii) Về phía cơ quan điều tra, chuyển từ chủ thể có nghĩa vụ cung cấp thông tin thành chủ thể có quyền được lựa chọn những thông tin để công khai cho doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp khó xác định thông tin nào được công khai và thông tin nào không, dẫn đến một thực tế là cơ quan điều tra công khai thông tin gì thì biết thông tin đó, nếu không thì cứ hiểu đó là thông tin không được công khai và doanh nghiệp cũng không có cách nào khác.
Thứ tư, pháp luật chưa quy định thông tin liên quan đến quá trình điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại được công khai ở đâu, cơ quan nào có nghĩa vụ công khai
Một vấn đề mà doanh nghiệp hết sức quan tâm là các thông tin mà cơ quan điều tra có nghĩa vụ phải công khai, được công khai ở đâu, công khai như thế nào, cơ quan nào có trách nhiệm phải công khai thông tin. Qua khảo tìm hiểu các quy định liên quan đến việc công khai thông tin trong vụ kiện phòng vệ thương mại có thể thấy, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đã quy định về phương tiện dùng để công khai thông tin, theo đó việc công khai thông tin được thực hiện qua phương thức điện tử hoặc phương thức khác phù hợp với hạ tầng kỹ thuật của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, liên quan đến địa chỉ công khai thông tin ở đâu, cơ quan nào có nghĩa vụ công khai thì pháp luật chưa quy định, dẫn đến việc doanh nghiệp muốn tiếp cận thông tin cũng không biết phải tìm đến địa chỉ nào và ở đâu.
2. Đề xuất hoàn thiện các quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin của doanh nghiệp đối với hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại
Trong kỷ nguyên của hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, việc thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đôi khi không xuất phát từ lợi ích của doanh nghiệp, của người tiêu dùng mà thay vào đó là sự tác động của vị thế kinh tế, mối quan hệ chính trị của các quốc gia liên quan đến vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Điều này được PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa[1] nhấn mạnh, để kiểm soát hiệu quả hành vi độc quyền cần tới nhiều thiết chế đa dạng… Cơ quan cạnh tranh Việt Nam sẽ gặp những thách thức từ tác động của độc quyền hành chính. Hoặc TS. Nguyễn Quý Trọng[2] khi đánh giá về thực tiễn áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại đã khẳng định: “… Phải chăng hoạt động của cơ quan điều tra trong quá trình thực thi có chịu sức ép hay không? Hay trong trường hợp này, chúng ta phải chịu sức ép về chính trị nhiều hơn sức ép về kinh tế”. Do đó, dẫn đến thực trạng là khi có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với doanh nghiệp nước ngoài thì cơ quan điều tra sẽ đặt lên “bàn cân” giữa lợi ích của doanh nghiệp với mệnh lệnh hành chính và mối quan hệ quốc gia. Trong bối cảnh đó, không ai dám khẳng định rằng, cơ quan điều tra sẽ phải thực thi pháp luật vì lợi ích của doanh nghiệp, bởi lẽ lúc này quyền tự quyết không thuộc về doanh nghiệp, chính vì lẽ đó, TS. Đoàn Trung Kiên[3] khi phân tích thực trạng các quy định về cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ của cơ quan chống bán phá giá của Việt Nam đã lo ngại rằng, quyền hạn của cơ quan điều tra là rất lớn, trong khi không có cơ quan nào giám sát hay tư vấn độc lập cho quá trình điều tra, có thể sẽ dẫn tới lạm dụng quyền lực.
Trước thực tế đó, với vị thế yếu hơn và là chủ thể không mang quyền lực nhà nước, để có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình, thì cần thiết phải có một cơ chế giúp doanh nghiệp giám sát độc lập, trực tiếp đối với hoạt động điều tra của cơ quan điều tra trong cả quá trình điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Một trong những công cụ để giám sát hiệu quả chính là trao cho doanh nghiệp quyền được tiếp cận các thông tin về vụ việc phòng vệ thương mại từ cơ quan điều tra bằng các quy phạm pháp luật. Tuy vậy, như đã phân tích ở trên, những quy định này còn rất nhiều những bất cập cần phải hoàn thiện theo hướng:
Thứ nhất, cần quy định trình tự, thủ tục để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thông tin trong vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại
Trình tự, thủ tục là con đường hướng dẫn doanh nghiệp tìm đến các thông tin trong vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Tuy vậy, pháp luật hiện hành quy định các thông tin doanh nghiệp được hoặc không được tiếp cận, nhưng lại không chỉ rõ các bước, cũng như thủ tục thế nào để tiếp cận các thông tin này. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi có thể cho doanh nghiệp để tiếp cận thông tin, Thông tư số 06/2018/TT-CP cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục để tiếp cận các thông tin trong vụ việc điều tra phòng vệ thương mại. Quy định cần làm rõ những vấn đề: Để tiếp cận các thông tin công khai hoặc tiếp cận các thông tin theo yêu cầu thì doanh nghiệp cần phải có những giấy tờ gì, gửi hồ sơ tới địa chỉ nào, thời gian trả lời yêu cầu là bao lâu, khiếu nại ở đâu nếu không đồng ý. Hoặc là tiếp cận trên phương tiện điện tử thì cần làm rõ: Địa chỉ nào công bố thông tin, thời gian công bố thông tin là khi nào, cơ quan nào phải có nghĩa vụ giải đáp thắc mắc?
Thứ hai, cần quy định cụ thể thời hạn công bố thông tin trong vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại
Thời hạn công khai các thông tin liên quan đến quá trình điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hết sức quan trọng và cần thiết đối với doanh nghiệp. Bởi lẽ, mục đích cuối cùng của việc tiếp cận thông tin là để doanh nghiệp kịp thời xây dựng các phương án kinh doanh phù hợp đối phó với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi các thông tin từ cơ quan điều tra để biết được mình phải làm gì, làm như thế nào khi doanh nghiệp nước ngoài bị hoặc không bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Vì thế, pháp luật không chỉ quy định cụ thể thời hạn công bố thông tin mà phải công bố một cách kịp thời, thường xuyên thông qua các phương tiện điện tử cũng như các cổng thông tin của cơ quan điều tra về hoạt động điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Vì lẽ đó, Thông tư số 06/2018/TT-BCT cần bổ sung quy định về thời hạn cơ quan nhà nước liên quan phải công bố về vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và thời hạn này phải bắt đầu từ thời điểm cơ quan điều tra nhận được đơn yêu cầu cho đến hết thời gian áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ ba, cần quy định thống nhất những thông tin nào doanh nghiệp không được phép tiếp cận hoặc tiếp cận hạn chế
Để đảm bảo tính thống nhất từ Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đến Thông tư số 06/2018/TT-CP trong việc quy định các loại thông tin nào được công khai, những thông tin nào cần bảo mật thì cần bỏ quy định tại khoản 8 Điều 7 Thông tư số 06/2018/TT-CP.
Thứ tư, cần quy định cụ thể địa chỉ công bố thông tin, cơ quan có nghĩa vụ phải công bố thông tin trong vụ việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại
Như đã phân tích trên đây, tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đã có quy định về phương tiện dùng để công khai thông tin là qua phương thức điện tử hoặc phương thức khác phù hợp với hạ tầng kỹ thuật của cơ quan điều tra. Tuy nhiên, Nghị định này chưa quy định cụ thể thông tin được công khai tại trụ sở hay trên website của cơ quan điều tra, đồng thời cơ quan nào có nghĩa vụ phải công bố thông tin. Vì vậy, cần quy định bổ sung địa chỉ công bố thông tin, cơ quan có nghĩa vụ công bố thông tin. Đồng thời, cần quy định nghĩa vụ công bố thông tin thuộc về cơ quan điều tra; địa chỉ để công bố thông tin tại trụ sở và trên website của cơ quan điều tra, đồng thời thông tin này phải được cập nhật trên các bản tin phòng vệ thương mại của Bộ Công thương.
Đại học Luật, Đại học Huế