Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta, thương mại điện tử đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu trong cuộc sống hiện đại. Thương mại điện tử mở ra nhiều cơ hội phát triển đối với doanh nghiệp nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với các cơ quan chức năng trong việc quản lý và truy thu thuế. Sự phức tạp trong các giao dịch trực tuyến và tính chất xuyên biên giới của thương mại điện tử làm cho các phương pháp quản lý truyền thống giảm hiệu quả, thậm chí không phát huy được hiệu quả. Trước thực trạng đó, hóa đơn điện tử được áp dụng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trở thành một công cụ hiện đại, giúp nâng cao khả năng quản lý thuế trong thương mại điện tử, đồng thời, thúc đẩy sự minh bạch và công bằng trong môi trường kinh doanh số.
Hóa đơn điện tử với khả năng tạo lập, truyền tải và lưu trữ dữ liệu theo thời gian thực đã trở thành giải pháp tối ưu, đáp ứng yêu cầu số hóa trong giao dịch thương mại, bảo đảm cho mọi giao dịch đều được ghi nhận và quản lý chặt chẽ. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng thất thu thuế do khai báo không trung thực hoặc gian lận. Hóa đơn điện tử cung cấp dữ liệu chi tiết tại từng thời điểm, đối với từng giao dịch, từ giá trị hàng hóa, dịch vụ đến các khoản thuế phải nộp. Điều này giúp cơ quan thuế dễ dàng xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử.
Trong môi trường thương mại điện tử, việc sử dụng hóa đơn điện tử bảo đảm rằng, mọi giao dịch đều được ghi nhận, ngăn chặn tình trạng “bán hàng không hóa đơn” hoặc khai báo thấp hơn doanh thu thực tế. Hóa đơn điện tử được tích hợp với hệ thống bán hàng của doanh nghiệp, hệ thống quản lý của cơ quan thuế, cho phép tự động kiểm tra, đối chiếu dữ liệu từ các doanh nghiệp. Tính tự động hóa này giảm thiểu rủi ro, gian lận như hóa đơn giả, hóa đơn khống, hoặc việc khai báo thuế không đúng.
Thời gian qua, cơ quan thuế đã tích cực xây dựng, hoàn thiện và triển khai đồng bộ hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước để phục vụ ngày càng tốt hơn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh, bình đẳng, thuận lợi, thông thoáng, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ chưa triệt để sử dụng hóa đơn điện tử, vì vậy, sự phát triển của thương mại điện tử đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý thu thuế. Trước tình hình này, ngày 09/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 129/CĐ-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác thu thuế đối với thương mại điện tử.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích của hóa đơn điện tử
Theo Công điện số 129/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tăng cường công tác tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc sử dụng hóa đơn điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích, hiệu quả cũng như trách nhiệm trong việc sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ nghĩa vụ chấp hành pháp luật về thuế; rà soát, hỗ trợ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp tới người tiêu dùng chính như: dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng, bán lẻ xăng dầu... bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn phối hợp với cơ quan thuế trong việc tuyên truyền, hỗ trợ, yêu cầu các cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp tới người tiêu dùng; đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với lĩnh vực bán lẻ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; phối hợp với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam để khuyến khích người tiêu dùng thực hiện lấy hóa đơn khi mua hàng hóa, dịch vụ.
Hoàn thiện chính sách pháp luật và ứng dụng công nghệ để quản lý thuế trong thương mại điện tử
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý các giao dịch trong hoạt động thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh của các cá nhân trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì việc kết nối dữ liệu dân cư với các cơ quan thuế và các cơ quan quản lý thuế, các địa phương để phối hợp phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm không thực hiện hóa đơn điện tử; tăng cường nghiên cứu phát triển hoặc tích hợp ứng dụng cổng thanh toán, ví điện tử hiện có tại Việt Nam lên ứng dụng công dân số quốc gia VNeID để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử.
Nâng cao vai trò của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc quản lý và thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tại địa phương trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, thanh tra, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp có quy định sử dụng hóa đơn điện tử mà không thực hiện.
Tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với cơ quan thuế các cấp trong công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại địa bàn; chỉ đạo cơ quan thuế trên địa bàn cùng các sở, ban, ngành địa phương rà soát, thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.
Kiên quyết xử lý những trường hợp không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trên cả nước chấp hành đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; thực hiện nghiêm túc quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng; phối hợp với cơ quan thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với Bộ Tài chính, cần tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu với các bộ, cơ quan liên quan, nhất là với Bộ Công an để quản lý thuế hiệu quả, đặc biệt là đối với các hoạt động thương mại điện tử, xăng dầu, kinh doanh trên nền tảng số, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Kiên quyết xử lý theo pháp luật những người cố tình không thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần: (i) chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu không chấp hành nghiêm quy định về hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 05/3/2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2024 và quy định của pháp luật; (ii) chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu thực hiện chuyển đổi số, áp dụng giải pháp kết nối tự động khi phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng; chậm nhất trong tháng 3/2025, số cửa hàng kinh doanh, bán lẻ xăng dầu áp dụng giải pháp kết nối tự động đạt tỷ lệ 100% tổng số cửa hàng kinh doanh bán lẻ trên toàn quốc.
Công điện số 129/CĐ-TTg đã thể hiện rõ tinh thần quyết liệt trong việc nâng cao hiệu quả quản lý thuế, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng tất yếu của nền kinh tế số. Việc triển khai hóa đơn điện tử không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn là một chính sách mang tính chiến lược nhằm minh bạch hóa các giao dịch kinh doanh, bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường niềm tin vào cơ chế quản lý của Nhà nước.
Việc thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử không chỉ giải quyết các thách thức về quản lý thuế trong thương mại điện tử mà còn góp phần xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Điều này là thực sự cần thiết nhằm đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế của nước ta trong thời đại số hóa và hội nhập quốc tế./.
Hoàng Trung