Toàn cảnh Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Mai Lương Khôi ghi nhận những đóng góp của công tác bổ trợ tư pháp vào thành tích chung của Bộ, ngành Tư pháp. Thứ trưởng cho biết, Hội nghị là cơ hội để Bộ, ngành Tư pháp nhìn nhận, đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện và đề xuất giải pháp khắc phục; đặc biệt, trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Hội nghị được tổ chức trong chuỗi các hoạt động chuyên môn để đảm bảo sự thành công, hiệu quả của Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2025, diễn ra vào ngày 17/12/2024.
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề lớn trong công tác bổ trợ tư pháp; nhận diện khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn quản lý; qua đó xác định rõ, sát các nhiệm vụ trọng tâm của công tác bổ trợ tư pháp trong năm 2025 và đưa ra các giải pháp, bài học kinh nghiệm… Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng mong muốn các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra các ý kiến để góp phần hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực công chứng, đấu giá, luật sư, giám định tư pháp.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi.
Báo cáo tóm tắt tình hình công tác bổ trợ tư pháp năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, tại Hội nghị, đồng chí Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp cho biết, hoạt động bổ trợ tư pháp năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực, như:
Về công tác xây dựng thể chế, Bộ Tư pháp đã trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công chứng (sửa đổi) và Thông tư số 03/2024/TT-BTP ngày 15/5/2024 của Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung 08 thông tư liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đang xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 11 văn bản, đề án, nghị quyết.
Về công tác thi hành pháp luật, nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức về vị trí, vai trò của hoạt động bổ trợ tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực; số lượng người hành nghề bổ trợ tư pháp và mạng lưới các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp phát triển, phân bổ rộng khắp trên phạm vi cả nước đáp ứng cơ bản yêu cầu dịch vụ bổ trợ tư pháp của cá nhân, tổ chức trong xã hội. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, công chứng viên được củng cố, kiện toàn từ Trung ương tới địa phương để thực hiện nhiệm vụ tự quản; công tác quản lý nhà nước đã đi vào nề nếp và từng bước đã phát huy được hiệu quả.
Một số tổ chức hành nghề luật sư bước đầu phát huy được thế mạnh, xây dựng được thương hiệu của mình, tạo được sự tín nhiệm trên thị trường dịch vụ pháp lý trong khu vực và quốc tế. Đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta ngày càng phát triển; chất lượng đội ngũ công chứng viên ngày càng được nâng cao, quy mô, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp. Hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản ngày càng được tăng cường cả ở Trung ương và địa phương.
Đồng chí Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp.
Số lượng các cuộc đấu giá tài sản ngày càng tăng; các hình thức đấu giá được áp dụng phong phú, đa dạng; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá được quan tâm và đã thu được những kết quả ban đầu.
Công tác giám định có những bước chuyển biến tích cực, ngày càng nền nếp, hiệu quả; hệ thống các quy định pháp luật về giám định tư pháp ở các lĩnh vực tiếp tục được hoàn thiện. Đội ngũ người làm giám định tư pháp, hệ thống tổ chức giám định tư pháp tiếp tục được củng cố và phát triển; hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ngày càng được nâng cao; quản lý nhà nước về giám định tư pháp từng bước đổi mới, đi vào chiều sâu và toàn diện hơn; về cơ bản đã phục vụ tốt hơn cho hoạt động tố tụng.
Đồng thời, đồng chí cũng đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025: (i) hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo hướng chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật để vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích, sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về bổ trợ tư pháp: tham mưu thực hiện quy trình xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp...Triển khai có hiệu quả các văn bản, các chỉ đạo trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, nhất là Luật Công chứng năm 2024, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. (ii) tăng cường việc thực hiện tốt các công cụ quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp; nâng cao trách nhiệm, vai trò tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng. (iii) tăng cường công tác phối hợp với bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác quản lý về bổ trợ tư pháp để kịp thời có giải pháp xử lý các hiện tượng tiêu cực hoặc tiềm ẩn nguy cơ vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp gây mất trật tự xã hội. (iv) nâng cao nhận thức đúng đắn của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của hoạt động bổ trợ tư pháp, không đồng nhất các nghề bổ trợ tư pháp với các nghề kinh doanh thông thường, qua đó tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan đến hoạt động bổ trợ tư pháp. (v) thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe đồng chí Nguyễn Tấn Cường, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp trình bày tóm tắt điểm mới của Luật Công chứng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản và cùng trao đổi, thảo luận những vướng mắc, khó khăn trong thực hiện công tác bổ trợ tư pháp tại địa phương./.
PV