1. Khái quát về rà soát các quy định pháp luật nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh
1.1. Khái niệm
Trên cơ sở đánh giá, chỉ ra sự mâu thuẫn, chồng chéo của quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc rà soát cũng phải đánh giá về sự phù hợp với thực tiễn của các quy định thông qua việc quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực; các kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp... Từ đó, để đề xuất các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới để thay thế, giải phóng nguồn lực, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển, ứng phó với những tác động của đại dịch Covid-19.
Rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh hay rà soát các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh tế là việc rà soát một lĩnh vực pháp luật rất rộng, bao quát tất cả các lĩnh vực kinh tế nói chung, cụ thể: Pháp luật về quyền con người trong lĩnh vực kinh tế; pháp luật về sở hữu trí tuệ; pháp luật về thương mại, du lịch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; pháp luật về doanh nghiệp, hợp tác xã; phá sản, cạnh tranh; kinh doanh có điều kiện; pháp luật về đầu tư; đầu tư công; đấu thầu; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; pháp luật về năng lượng (gồm điện lực, năng lượng nguyên tử, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả); pháp luật về khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đo lường; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; pháp luật về hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp; pháp luật về khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; pháp luật về thông tin và truyền thông, bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện; pháp luật về ngân sách nhà nước, quỹ tài chính; pháp luật về nợ công, quản lý tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; pháp luật về dự trữ quốc gia; pháp luật về kế toán, kiểm toán; quy hoạch, kế hoạch; pháp luật về thuế (trừ pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu); pháp luật phí, lệ phí; giá; pháp luật về thủy sản; thú y; bảo vệ kiểm dịch thực vật; thủy lợi; đê điều; lâm nghiệp, nông nghiệp, nông dân và nông thôn; pháp luật về tín dụng, ngân hàng; bảo hiểm tiền gửi, kinh doanh bảo hiểm; chứng khoán; các công cụ chuyển nhượng; xổ số, đặt cược, trò chơi điện tử có thưởng, casino; kinh doanh vàng; pháp luật về đất đai, tài nguyên, khoáng sản; pháp luật về môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, khí tượng thủy văn; phòng, chống thiên tai; pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản, đô thị, kiến trúc, quy hoạch đô thị; pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động; pháp luật về chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, bồi dưỡng, sinh hoạt phí đối với cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong lực lượng vũ trang, cơ yếu, người lao động và học sinh, sinh viên, người làm nghề công tác xã hội; pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; pháp luật về việc làm; pháp luật về giáo dục nghề nghiệp; pháp luật về bảo trợ xã hội; chế độ, chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên; trợ giúp xã hội đột xuất; chính sách hỗ trợ về kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; pháp luật về hoạt động dân sự, thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao, điện ảnh, di sản văn hóa, y tế, y tế dự phòng, dược, báo chí, xuất bản và hoạt động in ấn, giao thông (trừ giao thông hàng hải, hàng không)[1].
Do đó, việc rà soát các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ để rà soát, tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp. Qua đó, góp phần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật.
1.2. Mục đích, yêu cầu
- Mục đích của việc rà soát các quy định pháp luật nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng phải tuân thủ các mục đích chung theo quy định tại điểm 1 Mục I Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành kèm theo Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
+ Xác định nội dung các công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật.
+ Xây dựng báo cáo của Chính phủ về rà soát văn bản các lĩnh vực quản lý nhà nước, báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020.
Ngoài những mục đích nêu trên, rà soát các quy định pháp luật nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh còn nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, ứng phó với những tác động của dịch Covid-19 để khôi phục phát triển kinh tế.
- Yêu cầu của việc rà soát các quy định pháp luật nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng phải tuân thủ các yêu cầu chung theo quy định tại điểm 2 Mục I Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Kèm theo Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
+ Việc tổ chức, thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bám sát yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiệm vụ được Chính phủ giao tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phát huy vai trò chủ động, tích cực và trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm thực hiện rà soát văn bản, cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác rà soát văn bản.
+ Phải nêu cao trách nhiệm của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công; xác định cụ thể thời gian, tiến độ hoàn thành công việc.
+ Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang trong phạm vi, lĩnh vực (sản xuất, kinh doanh) thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình phải chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức, cá nhân có liên quan; tham vấn rộng rãi và thực chất đối tượng điều chỉnh của pháp luật nhất là về các giải pháp, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quá trình rà soát văn bản.
+ Kế thừa, sử dụng hiệu quả kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2014 - 2018 để cập nhật, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thể chế hóa các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền; tạo thuận lợi, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số theo tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan có trách nhiệm rà soát văn bản trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, chủ động, tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các công việc theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; bảo đảm tiến độ, chất lượng, tính toàn diện và hệ thống của Báo cáo kết quả rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ; chỉ rõ các vướng mắc, chồng chéo của hệ thống pháp luật và kiến nghị cụ thể phương án sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
1.3. Đối tượng, phạm vi, nguyên tắc của việc rà soát các quy định pháp luật nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh
Đối tượng, phạm vi rà soát các quy định pháp luật nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh là toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đến hết ngày 30/6/2020 còn hiệu lực (bao gồm cả các văn bản đã được ban hành nhưng đến hết ngày 30/6/2020 chưa có hiệu lực, trừ Hiến pháp) thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định tại Điều 170 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và khoản 1 Điều 139 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015[2].
Hiện nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định cụ thể nguyên tắc về rà soát các quy định pháp luật nói chung, rà soát các quy định pháp luật nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nói riêng, nhưng qua công tác rà soát các quy định pháp luật nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục rà soát văn bản văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính minh bạch trong rà soát văn bản văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm tính khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, dễ tiếp cận, dễ thực hiện của văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm công khai, dân chủ trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình rà soát văn bản văn bản quy phạm pháp luật.
2. Nguyên nhân, biện pháp khắc phục tình trạng các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập
2.1. Nguyên nhân
Trong thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ quan tâm, chỉ đạo. Theo đó, hệ thống pháp luật cơ bản được được hoàn thiện, hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc và thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, nhận thấy một số nguyên nhân của tình trạng các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, chậm được khắc phục như sau:
Một là, kinh tế - xã hội có sự biến động nhanh, nhiều quan hệ xã hội mới phát sinh, khó dự báo.
Hai là, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 mới có hiệu lực 03 năm quy định nhiều điểm mới mang tính đột phá, đặc biệt là tách quy trình xây dựng chính sách ra khỏi quy trình soạn thảo, yêu cầu chặt chẽ về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản. Do đó, việc đề nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số loại văn bản phải trải qua 02 quy trình nên thời gian xây dựng văn bản thường kéo dài, dẫn đến tình trạng chậm ban hành.
Ba là, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định trách nhiệm của các các bộ, cơ quan ngang bộ phải chủ động rà soát để sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn (Điều 12, Điều 170). Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật các bộ, cơ quan ngang bộ vẫn chưa chủ động thực hiện tốt các quy định này dẫn tới vẫn còn tồn tại những quy định mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.
Bốn là, cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu về số lượng, chất lượng, năng lực chuyên môn trong công tác rà soát văn bản còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo kỹ năng chuyên sâu, cũng như nghiệp vụ rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
2.2. Biện pháp khắc phục
Để khắc phục tình trạng các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, chậm được khắc phục thì trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về trình tự, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ cần chủ động tiến hành việc rà soát để sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh không còn phù hợp, chồng chéo, mâu thuẫn;
- Tăng cường đầu tư nguồn lực, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thực hiện việc rà soát các quy định pháp luật về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh;
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quy định về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh;
- Thu hút sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chuyên gia pháp lý vào quá trình xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là có sự tham vấn ý kiến các đại biểu Quốc hội ngay từ giai đoạn đầu.
Ngoài ra, về phía Bộ Tư pháp cần tiếp tục và đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp sau: Một là, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì lập đề nghị, chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ với các luật hiện hành có liên quan đến sản xuất, kinh doanh trước khi đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; hai là, nâng cao chất lượng công tác thẩm định; đồng thời, thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để báo cáo Quôc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo; ba là, tiếp tục quan tâm và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thực hiện công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền để đảm bảo phát hiện và xử lý kịp thời những văn bản trái pháp luật.
3. Một số nhiệm vụ rà soát các quy định của pháp luật cần ưu tiên triển khai thực hiện trong thời gian tới
Trong thời gian tới, cần ưu tiên triển khai thực hiện một số nhiệm vụ rà soát các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cụ thể sau:
- Các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật (nghị định, thông tư) trong các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản, thuế, hải quan, tài chính, ngân sách nhà nước, tín dụng - ngân hàng, lao động… nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 và thời kỳ hậu Covid-19.
- Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2020 và Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ: (i) Rà soát quy định pháp luật về hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp; (ii) Rà soát quy định pháp luật về tài chính, thuế; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; (iii) Rà soát quy định pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, kinh doanh, bất động sản; (iv) Rà soát quy định về pháp luật lao động, việc làm và an sinh xã hội; (v) Nghiên cứu, tiếp thu các góp ý, đề xuất, kiến nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về đối với các nội dung và các vấn đề liên quan đến rà soát pháp luật về đơn giản thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để thực hiện việc rà soát các quy định pháp luật nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nước ta đang ứng phó với những tác động của dịch Covid-19 để khôi phục phát triển kinh tế, việc rà soát các quy định pháp luật cần tập trung, ưu tiên các chuyên đề chuyên sâu như: (i) Điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp; (ii) Phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư (gồm cả dự án đầu tư công); (iii) Tài chính, thuế; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; (iv) Đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản; (v) Lao động, việc làm và an sinh xã hội; (vi) Hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp; (vii) Kiểm tra chuyên ngành (trọng tâm là kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu); (viii) Bổ trợ tư pháp, tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; (ix) Phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế; (x) Các quy định pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; (xi) Rà soát, kiến nghị xử lý các quy định gây cản trở sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế. Đây là các nội dung liên quan mật thiết đến hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các quy định pháp luật trong các lĩnh vực này luôn tiềm ẩn nguy cơ mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn.
Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp