Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Đặc điểm chung của các startup là có độ rủi ro rất cao. Theo thống kê, 90% các startup sẽ biến mất trong khoảng 03 - 05 năm, tức là trước khi họ có thể mở rộng hoạt động, xây dựng mạng lưới khách hàng, tuyển thêm nhân sự và sẵn sàng "chiến đấu" với các đối thủ khác trên thương trường. Vì vậy, giai đoạn 05 năm “đầu đời” cũng chính là giai đoạn mà các startup cần sự hỗ trợ nhiều nhất từ Nhà nước. Đây cũng là lý do Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tại Điều 17 quy định đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ nếu có thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần. Bên cạnh đó, ở Việt Nam thường hay có sự nhầm lẫn giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay nhầm lẫn giữa khởi nghiệp và lập nghiệp.
Qua bài viết “Rào cản pháp lý trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và lao động - Yếu tố tác động đến hoạt động khởi nghiệp” đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Nhận diện rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp” năm 2019 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, TS. Lưu Hương Ly giới thiệu với bạn đọc về khái niệm khởi nghiệp, các giai đoạn phát triển của khởi nghiệp và những luận cứ phân biệt giữa doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp truyền thống. Đồng thời, trong bài viết, tác giả cũng chỉ ra các rào cản pháp lý trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và lao động của các chủ thể khởi nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp trong xây dựng và thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực khoa học kỹ thuật và lao động của chủ thể khởi nghiệp.