Hiện nay, sự tác động mạnh mẽ và rộng khắp của cách mạng thông tin, khoa học và công nghệ, mà biểu hiện rõ nhất hiện nay là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với yêu cầu bảo đảm quyền con người,
Hiện nay, sự tác động mạnh mẽ và rộng khắp của cách mạng thông tin, khoa học và công nghệ, mà biểu hiện rõ nhất hiện nay là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với yêu cầu bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã tạo ra những động lực thúc đẩy các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính tăng cường bảo đảm quyền tiếp cận thông tin. Cách thức tiếp cận thông tin của người dân, doanh nghiệp đã có sự thay đổi căn bản về chất, mang tính chủ động nhiều hơn do phương thức cung cấp thông tin đã mở rộng, mang tính số hóa, tự động, nhanh chóng, kịp thời hơn. Internet và sức mạnh của truyền thông số, các dịch vụ có tính lan tỏa, gắn kết cộng đồng như mạng xã hội đã xóa nhòa ranh giới về không gian, thời gian trong tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, việc xây dựng Chính phủ mở, Chính phủ điện tử, thực hiện chính sách thông tin mở có tác động không nhỏ đến nhận thức, tầm nhìn, thay đổi cách tư duy và phương thức quản lý, điều hành của các Chính phủ trong thời đại công nghệ thông tin, hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó có việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các chủ thể này.
Startup là những công ty mới thành lập, tuổi còn non trẻ, được thiết kế trong tình huống có độ rủi ro cao; người sáng lập của startup thường là các cá nhân trẻ, ít kinh nghiệm. Do vậy, các chủ thể khởi nghiệp có nhu cầu tiếp cận thông tin trong nhiều lĩnh vực từ phía các cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, qua rà soát quy định pháp luật và thực tiễn triển khai thi hành quy định pháp luật về tiếp cận thông tin cho thấy, rào cản về mặt thể chế là không đáng kể, mà chủ yếu là các rào cản, bất cập liên quan đến vấn đề tổ chức thi hành các quy định pháp luật về bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, kính mời quý độc giả tìm đọc bài viết: “Rào cản trong tiếp cận thông tin đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp – Thực trạng và giải pháp” đăng tải trên ấn phẩm 200 trang “Nhận diện rào cản pháp lý đối với hoạt động khởi nghiệp” năm 2019 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật. Trong bài viết, tác giả Đỗ Thị Huệ đã khái quát về quyền tiếp cận thông tin của các chủ thể khởi nghiệp, nêu lên thực trạng pháp luật và thực thi pháp luật về tiếp cận thông tin trong hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam hiện nay, thực trạng tiếp cận thông tin trong hoạt động khởi nghiệp, phân tích nguyên nhân của những tồn tại và đưa ra các giải pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của các chủ thể khởi nghiệp.