Tóm tắt: Quyền sở hữu trí tuệ không chỉ đơn thuần là các quyền dân sự, mà còn là một loại tài sản đặc biệt và có giá trị to lớn trong nền kinh tế tri thức hiện nay. Xuất phát từ các đặc trưng của loại tài sản này mà việc góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ cũng có những điểm riêng biệt và gặp phải nhiều rủi ro pháp lý hơn so với góp vốn bằng các loại tài sản thông thường khác.
Abstract: Intellectual property right is not merely civil right, but also a special property and has great value in the current intellectual economy. From characteristics of this property kind, the company capital contribution by intellectual property also has special points and faces many legal risks more than the capital contribution by other ordinary properties.
1. Đặc trưng của góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ
Thứ nhất, đối tượng của góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là một loại tài sản vô hình. Do đó, đối với quyền SHTT, không giống như các loại tài sản hữu hình sử dụng để góp vốn, quyền sở hữu loại tài sản này không mang tính tuyệt đối. Bên cạnh các chủ sở hữu quyền SHTT, các chủ thể được chủ sở hữu cho phép sử dụng quyền SHTT, thì các tổ chức, cá nhân khác trong một số trường hợp vẫn được phép sử dụng mà không cần có sự đồng ý của chủ sở hữu loại tài sản này. Vì vậy, đối với loại tài sản này, chủ sở hữu chỉ có quyền chiếm hữu về mặt pháp lý mà không thể chiếm hữu về mặt thực tế. Bên cạnh đó, nếu như sử dụng các loại tài sản khác để góp vốn thì giá trị tài sản sẽ thường bị giảm sút theo thời gian do sự hao mòn về đặc tính vật lý của đối tượng. Tuy nhiên, đối với quyền SHTT dùng để góp vốn, thì đây là loại tài sản không bị hao mòn theo thời gian sử dụng mà giá trị tăng hay giảm của loại tài sản này phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của công ty.
Thứ hai, chủ thể sử dụng quyền SHTT để góp vốn phải là chủ sở hữu quyền SHTT. Tuy nhiên, nếu như đối với các loại tài sản khác, thông thường chỉ có một chủ sở hữu, thì đối với cùng một đối tượng của quyền SHTT có thể có rất nhiều các chủ sở hữu. Người nắm giữ một trong số các quyền tài sản thì được xác định là chủ sở hữu quyền SHTT. Ví dụ, đối với cùng một tác phẩm nhưng sẽ có các chủ sở hữu các quyền tài sản như sao chép tác phẩm, quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng, quyền làm tác phẩm phái sinh, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng. Chỉ cần sở hữu một trong các quyền này thì chủ thể đó được xác định là chủ sở hữu quyền SHTT. Bên cạnh đó, đối với cũng một quyền SHTT nhưng ở các phạm vi không gian khác nhau, thì có thể có nhiều chủ sở hữu khác nhau.
Thứ ba, góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT bị giới hạn phạm vi về thời gian, không gian góp vốn. Sở dĩ như vậy là vì quyền SHTT bị giới hạn về không gian và thời gian bảo hộ. Đối với hầu hết các tài sản hữu hình, pháp luật không quy định giới hạn về thời hạn sở hữu đối với tài sản đó, nhưng tài sản thuộc quyền SHTT thì pháp luật chỉ ghi nhận quyền sở hữu trong một thời hạn nhất định. Bên cạnh giới hạn về thời gian, góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT còn bị giới hạn bởi phạm vi không gian. Quyền SHTT chỉ được ghi nhận và bảo hộ trong phạm vi một quốc gia hoặc một số quốc gia.
Thứ tư, đối tượng của quyền SHTT sử dụng để góp vốn thành lập công ty bị giới hạn bởi hoạt động và lĩnh vực kinh doanh của công ty. Khi nhận góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT, các công ty thường hướng tới việc khai thác giá trị của quyền SHTT góp vốn. Mặc dù hầu hết các đối tượng góp vốn của quyền SHTT đều có thể khai thác thương mại, tuy nhiên, khi nhận góp vốn, các chủ thể thường chỉ lựa chọn chấp nhận những đối tượng SHTT phù hợp với hoạt động kinh doanh của công ty. Điều này sẽ giúp cho công ty nhận góp vốn giảm thiểu được những chi phí nhất định cho việc phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh cho công ty ở giai đoạn đầu tiên khi mới thành lập.
Thứ năm, góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT luôn bị hạn chế về tỷ lệ vốn SHTT trong tổng số vốn góp. Vốn SHTT là một phần quan trọng của vốn công ty, nhưng tài sản này chỉ có thể phát huy hiệu quả của nó nếu được phân bổ hợp lý với tài sản hữu hình. Mặc dù góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT là yêu cầu tất yếu trong sự phát triển của nền kinh tế tri thức, tuy nhiên, việc chấp nhận vốn góp bằng loại tài sản này lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Do đó, để bảo toàn vốn cũng như bảo vệ lợi ích của các chủ nợ của công ty, một số quốc gia hiện nay có quy định về hạn chế tỷ lệ vốn góp bằng quyền SHTT trong tổng vốn góp. Trong trường hợp pháp luật quốc gia không có quy định về hạn chế số vốn góp bằng quyền SHTT, thì thực tế cho thấy rằng, không có một công ty nào chấp nhận 100% vốn góp là quyền SHTT.
Thứ sáu, góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT thường gặp nhiều rủi ro hơn góp vốn bằng các loại tài sản khác.
2. Rủi ro pháp lý đối với góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ và giải pháp phòng ngừa
Việc nhận góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT cần hết sức thận trọng, bởi lẽ, với những đặc trưng của loại tài sản này mà việc góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT sẽ phải đối diện với những rủi ro pháp lý.
Một là, rủi ro về tính hợp pháp của quyền sở hữu trí tuệ góp vốn
Về nguyên tắc, để sử dụng quyền SHTT góp vốn, chủ thể góp vốn phải là chủ sở hữu hợp pháp của quyền SHTT[1], nếu không, việc góp vốn sẽ không được pháp luật công nhận. Đối với các tài sản hữu hình, điều này gần như không thể xảy ra, nhưng đối với quyền SHTT, do tính chất vô hình của loại tài sản này mà việc một chủ thể không phải là chủ sở hữu hợp pháp quyền SHTT vẫn có thể sử dụng quyền này để góp vốn là điều rất có thể xảy ra trên thực tế. Trường hợp này thường xảy ra đối với các đối tượng mà quyền SHTT không phải xác lập quyền trên cơ sở thủ tục đăng ký bảo hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, ngay đối với các đối tượng phải đăng ký bảo hộ thì điều này vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Một số trường hợp sau việc góp vốn thành lập công ty bằng quyền sở hữu trí tuệ sẽ không hợp pháp: (i) Chủ thể sử dụng quyền SHTT góp vốn là chủ thể có được quyền SHTT một cách bất hơp pháp; (ii) Người sáng tạo đối tượng sở hữu trí tuệ trên cơ sở nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng tự ý sử dụng quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng mình tạo ra để góp vốn; (iii) Một hoặc một số đồng chủ sở hữu sử dụng quyền sở hữu trí tuệ góp vốn để thành lập công ty mà không được sự đồng ý của tất cả các đồng chủ sở hữu; (iv) Chủ thể sử dụng quyền SHTT góp vốn chỉ có quyền sử dụng quyền SHTT mà không có quyền sở hữu.
Ngoài các trường hợp nói trên, cá biệt hơn có thể xảy ra trường hợp, đó là tại thời điểm góp vốn, chủ thể góp vốn vẫn là chủ sở hữu hợp pháp của quyền SHTT nhưng sau đó, văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ hiệu lực. Đối với quyền SHTT, văn bằng bảo hộ được xem là sự chứng nhận tư cách hợp pháp của chủ thể quyền SHTT. Tuy nhiên, ngay cả khi một chủ thể đã được cấp văn bằng bảo hộ để chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp đối với đối tượng SHTT thì văn bằng bảo hộ vẫn có thể bị hủy bỏ hiệu lực[2]. Điều này đồng nghĩa với việc độc quyền SHTT cũng sẽ bị mất đi. Khi đó, hoặc là đối tượng đó không còn tiếp tục được bảo hộ và bất kỳ một chủ thể nào đều có quyền sử dụng; hoặc là đối tượng đó vẫn tiếp tục được bảo hộ nhưng quyền sở hữu không thuộc về chủ sở hữu trước đó. Cả hai trường hợp này bên nhận góp vốn đều bị ảnh hưởng.
Hai là, rủi ro về giới hạn quyền sở hữu trí tuệ
Ngay cả khi không có tranh chấp về quyền SHTT xảy ra thì góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT vẫn có thể có các rủi ro pháp lý khác. Các quyền SHTT luôn luôn bị giới hạn bởi phạm vi không gian và thời gian[3]. Các quyền này hầu như không được bảo hộ vô thời hạn, cũng như không phải trong tất cả các phạm vi lãnh thổ. Vì vậy, rủi ro sẽ xảy ra nếu quyền SHTT góp vốn đã hết hoặc sắp hết thời hạn bảo hộ hoặc không nằm trong phạm vi lãnh thổ được bảo hộ. Quyền SHTT chỉ bảo hộ độc quyền cho các chủ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Hết thời hạn bảo hộ, độc quyền SHTT sẽ không còn và bất kỳ chủ thể nào đều có thể sử dụng quyền SHTT. Bên cạnh đó, quyền SHTT cũng chỉ được bảo hộ trong phạm vi không gian nhất định. Ngoài phạm vi đó, các chủ thể không thể đòi hỏi bất cứ sự bảo vệ nào đối với quyền SHTT.
Ba là, rủi ro về chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ góp vốn
Chuyển nhượng quyền SHTT cho bên nhận góp vốn là nghĩa vụ của chủ thể góp vốn. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng quyền SHTT góp vốn phải đảm bảo về mặt hình thức đối với chuyển nhượng quyền SHTT nói chung. Việc chuyển nhượng luôn phải bằng văn bản và một số trường hợp, hợp đồng phải thực hiện đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu không tuân theo quy định về hình thức của chuyển nhượng quyền SHTT, việc chuyển nhượng sẽ không có giá trị pháp lý. Điều này đồng nghĩa với việc nghĩa vụ thanh toán của chủ thể góp vốn đã không được thực hiện và bên nhận góp vốn sẽ không xác lập tư cách chủ sở hữu hợp pháp đối với quyền SHTT góp vốn.
Bốn là, rủi ro về định giá quyền sở hữu trí tuệ
Xuất phát từ tính chất độc quyền của quyền SHTT và không có giá trị thống nhất nên giá trị của quyền SHTT cần được đánh giá trong quá trình góp vốn. Tuy nhiên, để tính toán được giá trị quyền SHTT một cách chính xác là điều không hề dễ dàng. Trong quá trình định giá quyền SHTT, giá trị thường bị đánh giá quá cao. Điều này sẽ khiến cho các thành viên, cổ đông sáng lập đối diện với các trách nhiệm pháp lý liên quan đến định giá sai tài sản góp vốn.
Như vậy, việc góp vốn và nhận góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT có thể gặp những rủi ro nhất định. Trên thực tế, ngày càng có nhiều tranh chấp về quyền SHTT, nếu điều này xảy ra, hoạt động của bên nhận góp vốn bằng quyền SHTT sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, để ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra khi góp vốn và nhận góp vốn thành lập công ty bằng quyền SHTT, các bên cần phải lưu ý các vấn đề sau:
Thứ nhất, cần xem xét kỹ về tư cách chủ thể góp vốn đối với quyền sở hữu trí tuệ góp vốn. Điều này có thể thực hiện bằng cách xem lại văn bằng bảo hộ đã được cấp cho các chủ thể đó. Một số trường hợp, có thể phải xem xét lại hợp đồng gốc để xác định đúng tư cách của các chủ thể đối với quyền sở hữu trí tuệ. Đối với các đối tượng không bắt buộc phải đăng ký bảo hộ quyền SHTT tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền như phần mềm máy tính, bản quyền khác thì có thể không có các giấy chứng nhận quyền do cơ quan có thẩm quyền cấp. Điều này sẽ gây trở ngại trong việc xác định về tính hợp pháp của quyền. Vì vậy, đối với trường hợp này, bên nhận góp vốn nên yêu cầu các chủ thể góp vốn phải thực hiện thủ tục đăng ký và cung cấp cho bên nhận góp vốn giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Thứ hai, để tránh các trường hợp quyền SHTT góp vốn bị hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ, bên nhận góp vốn cần xem xét cụ thể các tài liệu, giấy tờ liên quan đến đối tượng của quyền SHTT góp vốn cũng như nắm bắt thêm các thông tin về các đối tượng tương tự, có liên quan với đối tượng của quyền SHTT góp vốn để kiểm tra về tính hợp lệ của văn bằng bảo hộ đã cấp cho đối tượng SHTT.
Thứ ba, xác định đúng thời điểm bắt đầu và kết thúc của thời hạn bảo hộ cũng như phạm vi không gian mà quyền SHTT được bảo hộ. Từ đó, xác định cụ thể phạm vi thời gian và không gian góp vốn bằng quyền SHTT. Việc xác định thời hạn bảo hộ không gặp nhiều khó khăn bởi lẽ thông thường, đối với các đối tượng đã được cấp văn bằng bảo hộ thì thời hạn bảo hộ đã được ghi rõ trong văn bằng bảo hộ.
Thứ tư, nắm rõ các quy định của pháp luật về hình thức chuyển nhượng đối với quyền SHTT cho từng đối tượng SHTT để đảm bảo việc chuyển nhượng tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đối với chuyển nhượng quyền SHTT góp vốn, ngoài việc tuân thủ các quy định pháp luật doanh nghiệp nói chung về chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn nói chung còn phải tuân theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về chuyển nhượng quyền SHTT.
Thứ năm, đối với hoạt động định giá quyền SHTT góp vốn, nên có sự tham gia của tổ chức thẩm định giá và lấy mức giá mà tổ chức thẩm định giá đưa ra để làm căn cứ cho mức thỏa thuận của các chủ thể góp vốn thành lập công ty. Các chủ thể góp vốn thành lập công ty có thể thỏa thuận về mức giá nhưng không nên cao hơn mức giá mà tổ chức thẩm định giá đã đưa ra.
Khoa Luật, Đại học Vinh
[1]. Khoản 2 Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2014.
[2]. Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi, bổ sung năm 2009.
[3]. Phạm Văn Tuyết và Lê Kim Giang (2008), “Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ”, Nxb. Tư pháp, tr. 23 - 30.