1. Về cơ chế pháp luật điều chỉnh trách nhiệm bồi thường
Tại Nhật Bản, hiện nay đang tồn tại hai cơ chế điều chỉnh về chế độ trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo Luật BTNN năm 1947 và Luật ĐBHS năm 1950.
Luật BTNN của Nhật Bản điều chỉnh hành vi của công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có lỗi và gây thiệt hại, cụ thể: Nếu nhân viên Chính phủ khi thực thi công quyền của Nhà nước hoặc của chính quyền địa phương, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình cố ý hoặc vô ý đã gây ra thiệt hại cho người liên quan, Nhà nước hoặc cơ quan công quyền hữu quan sẽ chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại đó. Trong trường hợp nêu trên, nếu nhân viên Chính phủ liên quan có lỗi cố ý hoặc vô ý một cách rõ ràng, Nhà nước hoặc chính quyền địa phương sẽ có quyền được hoàn trả khoản bồi thường từ nhân viên đó (Điều 1 Luật BTNN của Nhật Bản).
Khác với quy định trên, Luật ĐBHS điều chỉnh hành vi không căn cứ yếu tố lỗi, theo đó, trường hợp người mà bị bắt giữ hoặc bị giam giữ mà được tha hoặc trường hợp người mà được Tòa tuyên là vô tội (khoản 1 và khoản 2 Điều 1 Luật ĐBHS của Nhật Bản) thì sẽ được bồi thường.
So với Nhật Bản, Việt Nam chỉ có một luật điều chỉnh chung về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, không có sự phân biệt như Nhật Bản.
2. Luật Bồi thường nhà nước Nhật Bản năm 1947
So với Luật TNBTNN của Việt Nam hiện hành, Luật BTNN của Nhật Bản ít hơn về số điều, nội dung cũng không quá chi tiết, cụ thể và nhiều nội dung được dẫn chiếu áp dụng pháp luật khác có liên quan; hai luật có nhiều điểm tương đồng cũng như khác biệt, cụ thể như sau:
2.1. Về phạm vi trách nhiệm bồi thường
Luật BTNN của Nhật Bản chỉ quy định những điều kiện mang tính chất định tính, làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà không liệt kê cụ thể từng trường hợp được bồi thường. Như vậy, giữa Luật TNBTNN của Việt Nam và Luật BTNN của Nhật Bản có sự khác nhau trong quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường, Luật BTNN của Nhật Bản không giới hạn phạm vi trách nhiệm bồi thường còn Luật TNBTNN của Việt Nam thì có sự giới hạn về phạm vi trách nhiệm bồi thường chỉ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án[i]. Luật BTNN của Nhật Bản mở rộng hơn không chỉ đối với hành vi công quyền mà còn đối với cả những hành vi phi công quyền, hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập. Dưới đây là một ví dụ điển hình.
Một vụ việc cụ thể là các học sinh đang học tập tại một trường trung học cơ sở tại Tokyo, trong một giờ tập thể dục với bộ môn ném lao đã ném trúng đầu một người (khi đó 14 tuổi) đi ngang qua đó. Hậu quả là người đó bị thương rất nặng. Tuy nhiên có một vấn đề là giáo viên thể dục đã không có mặt tại sân khi tai nạn xảy ra[ii]. Như vậy, ví dụ này cho thấy phạm vi bồi thường của Nhật Bản còn bao gồm hành vi phi công quyền, hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập.
Luật BTNN của Nhật Bản không có điều luật nào quy định về phạm vi các lĩnh vực hoạt động nào của Nhà nước chịu sự điều chỉnh của Luật mà chỉ quy định về các trường hợp mà Nhà nước phải bồi thường (Điều 1- Bồi thường do thiệt hại gây ra bởi thiếu sót trong xây dựng và quản lý công trình công cộng). Điều này dẫn tới hai cách hiểu: Thứ nhất, Luật không quy định thì khó xác định trách nhiệm đối với Nhà nước; Thứ hai, Luật không quy định đồng nghĩa với việc luật không loại trừ bất cứ lĩnh vực hoạt động nào của Nhà nước[iii].
2.2. Về đối tượng được bồi thường
Pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản quy định rất khác nhau về vấn đề này. Luật TNBTNN của Việt Nam quy định không hạn chế về đối tượng được bồi thường, theo đó bất kỳ là cá nhân, tổ chức nào bị thiệt hại thì được Nhà nước bồi thường, miễn là trường hợp họ bị thiệt hại phải đáp ứng yêu cầu là thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Điều 2 Luật TNBTNN của Việt Nam). Trong khi đó, Luật BTNN của Nhật Bản quy định về đối tượng yêu cầu bồi thường là người bị thiệt hại; đối với người nước ngoài là người bị thiệt hại sẽ được áp dụng chỉ trong những trường hợp có sự bảo đảm nguyên tắc có đi có lại (Điều 5 Luật BTNN của Nhật Bản). Như vậy, pháp luật của Nhật Bản sẽ áp dụng đối với người nước ngoài là người bị thiệt hại khi quốc gia mà người nước ngoài đó mang quốc tịch cũng có quy định về trách nhiệm của công dân nước ngoài trong điều kiện tương tự.
2.3. Về bản chất pháp lý của trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Luật TNBTNN của Việt Nam, Nhật Bản đều xác định bản chất pháp lý của trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTNN) là một loại trách nhiệm dân sự. Luật BTNN của Việt Nam không quy định trực tiếp quan hệ pháp luật TNBTNN là một quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, trong các quy định của Luật BTNN cũng như các quy định pháp luật khác có liên quan thì có thể khẳng định Luật BTNN của Việt Nam coi quan hệ pháp luật TNBTNN là một quan hệ pháp luật dân sự.
Trách nhiệm bồi thường do công chức, viên chức, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra đã được quy định mang tính nguyên tắc trong Bộ luật Dân sự. Về các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Điều 6 Luật TNBTNN của Việt Nam quy định các điều kiện này bao gồm: Thiệt hại thực tế xảy ra, hành vi gây thiệt hại, có lỗi (lỗi không phải là yếu tố bắt buộc trong mọi trường hợp) và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại thực tế xảy ra - các điều kiện này có nhiều điểm tương đồng với quy định của Bộ luật Dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Bên cạnh đó, cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại hoặc tham gia tố tụng tại Tòa án với tư cách là bị đơn trong trường hợp người bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường (khoản 2 và 3 Điều 8 Luật TNBTNN của Việt Nam).
Theo Luật BTNN của Nhật Bản, những quy định của Bộ luật Dân sự cũng sẽ được áp dụng đối với trách nhiệm pháp lý của Nhà nước hoặc cơ quan công quyền đối với những thiệt hại có thể được bồi thường (Điều 4). Các vụ kiện yêu cầu bồi thường nhà nước được coi là vụ kiện dân sự và được nhìn nhận là vụ việc phức tạp, được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự thông thường.
2.4. Các điều kiện xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Khác so với Luật TNBTNN của Việt Nam, Luật BTNN của Nhật Bản không quy định rõ các căn cứ mà quy định tại khoản 1 Điều 1 khẳng định lỗi là yếu tố bắt buộc có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý. Quy định này khác so với Luật BTNN của Việt Nam, theo đó Luật TNBTNN của Việt Nam không quy định lỗi là căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như hành vi không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật và được xác định trong văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 2 Điều 3). Như vậy, về mặt nguyên tắc Luật không quy định lỗi là yếu tố bắt buộc trừ một số trường hợp được quy định trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính thì đòi hỏi lỗi cố ý đối với trường hợp “Ra bản án, quyết định mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án” (khoản 4 Điều 28) và trong lĩnh vực thi hành án dân sự thì đòi hỏi lỗi cố ý đối với trường hợp “không ra quyết định về thi hành án” và “không tổ chức thi hành các quyết định về thi hành án” (Điều 38).
2.5. Về thủ tục giải quyết bồi thường
Luật BTNN của Nhật Bản quy định người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án để yêu cầu Nhà nước bồi thường.
Đối với Luật TNBTNN của Việt Nam, người bị thiệt hại không được kiện thẳng ra Tòa án ngay mà phải được giải quyết tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường trước. Việc nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường, xác minh thiệt hại, thủ tục thương lượng việc bồi thường là thủ tục bắt buộc; trường hợp mà người bị thiệt hại không đồng ý thì mới có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường ra Tòa.
2.6. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Luật TNBTNN của Việt Nam quy định nguyên tắc “cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại” là cơ quan có trách nhiệm bồi thường (khoản 4 Điều 3).
Luật BTNN Nhật Bản quy định về nguyên tắc, khi có thiệt hại xảy ra thì nguyên đơn có quyền khởi kiện tại Tòa án. Trong vụ kiện tại Tòa án, Nhà nước sẽ là bị đơn trong vụ kiện và Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người đại diện cho Nhà nước để tham gia tố tụng[iv]. Như vậy, về cơ chế giải quyết bồi thường, trong vụ việc tại Tòa án thì theo Luật BTNN của Nhật Bản thì Bộ Tư pháp luôn đại diện cho Nhà nước là bị đơn, còn theo Luật TNBTNN của Việt Nam thì đại diện của từng cơ quan sẽ đại diện cho Nhà nước với tư cách là bị đơn[v].
2.7. Về quyền yêu cầu bồi thường
Theo Luật TNBTNN của Việt Nam trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án có quy định người bị thiệt hại muốn thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình thì trong hồ sơ yêu cầu bồi thường bắt buộc phải có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, trong khi đó, Luật BTNN của Nhật Bản quy định đơn giản hơn, theo hướng, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện ngay ra Tòa án để yêu cầu Nhà nước bồi thường.
2.8. Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ
Luật TNBTNN của Việt Nam và Nhật Bản có nhiều quy định khác nhau về vấn đề trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ. Luật BTNN của Nhật Bản có quy định nếu nhân viên chính phủ liên quan có lỗi cố ý hoặc vô ý một cách rõ ràng, Nhà nước hoặc chính quyền địa phương sẽ có quyền được yêu cầu một khoản bồi hoàn từ nhân viên đó. Theo quy định Luật TNBTNN của Việt Nam, trách nhiệm hoàn trả là một nghĩa vụ bắt buộc, người thi hành công vụ có lỗi khi gây ra thiệt hại thì phải hoàn trả. Cụ thể, “Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền” (khoản 1 Điều 56). Riêng trong hoạt động tố tụng hình sự, Luật TNBTNN của Việt Nam có sự phân biệt giữa lỗi cố ý và vô ý theo đó thì người thi hành công vụ chỉ phải chịu trách nhiệm hoàn trả khi có lỗi cố ý (khoản 2 Điều 56).
Như vậy, trách nhiệm bồi hoàn hay hoàn trả của công chức theo quy định của pháp luật Nhật Bản rất linh hoạt có tính đến yếu tố tiêu cực - mặt trái của chế định pháp luật này; theo đó, công chức chỉ phải hoàn trả khi gây thiệt hại mà có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, trên thực tiễn áp dụng pháp luật bồi thường nhà nước Nhật Bản từ năm 1947 cho đến nay, chưa có trường hợp nào mà công chức Nhật Bản phải thực hiện trách nhiệm hoàn trả lại cho Nhà nước, mà việc xử lý công chức đó như thế nào sẽ phụ thuộc vào các hình thức xử lý mà pháp luật về công chức của Nhật Bản quy định[vi].
3. Luật Đền bù hình sự của Nhật Bản năm 1950
Luật ĐBHS của Nhật Bản lầu đầu tiên được ban hành năm 1913, tuy nhiên, những điều kiện cần thiết để được bồi thường là tương đối hạn chế so với Luật ĐBHS hiện hành. Trước Chiến tranh ở Nhật Bản, vấn đề thực hiện công quyền, hệ thống trách nhiệm của Nhà nước đã không được sử dụng, việc ban hành Luật ĐBHS là một việc làm được đánh giá là có ý nghĩa. Điều 40 của Hiến pháp Nhật Bản quy định một người bất kỳ nếu không bị kết tội sau khi bị tạm giam hoặc bị giam, có thể yêu cầu Nhà nước bồi thường theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, quyền đòi bồi thường thiệt hại hình sự đã được đặt ra như quyền do Hiến pháp quy định. Căn cứ vào điều luật này, Luật ĐBHS mới được ban hành, được công bố và có hiệu lực vào năm 1950 thay thế luật cũ[vii]. Luật ĐBHS của Nhật Bản năm 1950 không kết cấu thành các chương, gồm 26 Điều và những quy định bổ sung ở các văn bản dưới luật và các luật sửa đổi, bổ sung.
3.1. Về các trường hợp được bồi thường
Nếu như Luật TNBTNN của Việt Nam có quy định về các trường hợp được bồi thường từ giai đoạn khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án (Điều 26) thì Luật ĐBHS của Nhật Bản quy định về các trường hợp được bồi thường tại giai đoạn xét xử khi có phán quyết của Tòa án. Theo đó, khoản 1 Điều 1 Luật ĐBHS của Nhật Bản quy định: Trường hợp một người bất kỳ đã được phán quyết vô tội theo thủ tục thông thường, thủ tục tái thẩm, hoặc thủ tục kháng cáo đặc biệt theo quy định tại Bộ luật tố tụng Hình sự, đã bị đặt trong tình trạng bị bắt giữ, bị giam giữ chờ xét xử theo quy định có thể yêu cầu Nhà nước bồi thường cho việc bị bắt giữ hoặc bị giam giữ đó; khoản 2 Điều 1 Luật ĐBHS của Nhật Bản quy định: Trường hợp một người bất kỳ đã được tuyên bố "vô tội" bằng một quyết định theo thủ tục kháng cáo do đã khôi phục quyền kháng cáo, thủ tục xét xử lại, hoặc thủ tục kháng cáo đặc biệt, mà đã chấp hành hình phạt theo bản án sơ thẩm, hoặc đã bị tù giam theo các quy định tại Bộ luật Hình sự có thể yêu cầu Nhà nước bồi thường cho việc chấp hành hình phạt hoặc bị tù giam đó.
3.2. Trường hợp không được bồi thường
Thứ nhất, khoản 1 Điều 3 Luật ĐBHS của Nhật Bản và khoản 2 Điều 27 Luật TNBTNN của Việt Nam quy định giống nhau về trường hợp không được bồi thường do việc khai báo gian dối, việc lập lời thú tội gian dối với mục đích làm sai lệnh việc điều tra hoặc xét xử, hoặc do cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật, việc giả mạo những chứng cứ khác dẫn đến việc kết án đó.
Thứ hai, khoản 2 Điều 3 Luật ĐBHS của Nhật Bản và khoản 3 Điều 27 Luật TNBTNN của Việt Nam quy định giống nhau về trường hợp một người phạm nhiều tội, nhưng được ra quyết định "vô tội" đối với một tội trong những tội người này phạm phải, nhưng bị kết án bằng quyết định đối với những tội khác.
Ngoài ra, Luật TNBTNN của Việt Nam quy định về các trường hợp không được bồi thường như: Miễn trách nhiệm hình sự, vụ án được đình chỉ do người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố, do thay đổi chính sách pháp luật.
3.3. Thủ tục yêu cầu bồi thường hình sự
Nếu như Luật TNBTNN của Việt Nam, người bị thiệt hại không được kiện thẳng ra Tòa án ngay mà phải được giải quyết tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường trước. Việc nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường, xác minh thiệt hại, thủ tục thương lượng việc bồi thường là thủ tục bắt buộc; trường hợp mà người bị thiệt hại không đồng ý thì mới có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường ra Tòa.
Luật ĐBHS của Nhật Bản theo đó, yêu cầu bồi thường của người bị oan sai được gửi đến Tòa án đã xử cho họ vô tội. Yêu cầu bồi thường có thể thực hiện thông qua người đại diện. Người đã nộp yêu cầu bồi thường mà sau đó rút đơn thì người đã rút đơn không thể yêu cầu bồi thường được nữa. Khi nhận đơn yêu cầu Tòa án đã thụ lý phải hỏi ý kiến của kiểm sát viên và người đệ đơn yêu cầu để ra quyết định về mức bồi thường. Trường hợp yêu cầu bồi thường có căn cứ, Tòa án sẽ ra phán quyết về mức bồi thường; nếu không có căn cứ, Tòa án sẽ bác đơn. Nếu người yêu cầu thấy mức bồi thường mà Tòa án phán quyết không thỏa đáng thì có thể kháng cáo lên Tòa án phúc thẩm[viii].
3.4. Về mức bồi thường hình sự
Theo đó, Luật ĐBHS của Nhật Bản quy định mức bồi thường cụ thể: Mức bồi thường hình sự đối với việc bị bắt, giam giữ, tù khổ sai, tù cầm cố, tiền bồi thường sẽ tương ứng với số ngày bị bắt, giam giữ theo mức từ 1000 yên đến không quá 12.500 yên/ ngày. Mức bồi thường đối với án từ hình sai là 30 triệu yên, trường hợp chứng minh được tổn thất về mặt tài sản phát sinh do cái chết của đương sự, tiền bồi thường được tính trong phạm vi bị tổn thất của đương sự cộng với 30 triệu yên. Đồng thời, Luật ĐBHS của Nhật Bản cũng quy định bồi thường đối với án phạt tiền hoặc phạt tiền mức nhẹ, bồi thường đối với tài sản bị tịch thu[ix]. Luật BTNN của Việt Nam không định lượng cụ thể số tiền mà xác định dựa trên mức lương tối thiểu.
Trong mối quan hệ với Luật BTNN của Nhật Bản, Luật ĐBHS sẽ áp dụng đối với một người bất kỳ được nhận một khoản tiền bồi thường từ việc yêu cầu đền bù thiệt hại theo các quy định của Luật BTNN và các đạo luật khác. Nếu người được quyền nhận bồi thường thiệt hại hình sự đã được bồi thường thiệt hại về cùng một lý do theo quy định của các đạo luật khác, thì không được bồi thường thiệt hại hình sự nếu khoản bồi thường thiệt hại đã nhận đó là bằng với hoặc vượt quá khoản bồi thường thiệt hại hình sự sẽ được trả theo Luật này.Trường hợp khoản bồi thường thiệt hại đã nhận ít hơn khoản bồi thường thiệt hại hình sự sẽ được trả theo Luật này, khoản bồi thường thiệt hại hình sự sẽ được xác định bằng cách trừ đi khoản bồi thường thiệt hại đã nhận. Nếu người được quyền nhận bồi thường theo các luật khác đã được bồi thường thiệt hại hình sự phù hợp với Luật này về cùng một lý do, Tòa án sẽ ấn định tổng số bồi thường thiệt hại bằng cách trừ khi khoản bồi thường thiệt hại hình sự đã nhận (Điều 5 Luật ĐBHS).
Cục Bồi thường nhà nước