Đó là “kênh thông tin” giúp công khai, minh bạch về giao dịch bảo đảm nói chung, tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm nói riêng. Việc công khai, minh bạch về tài sản bảo đảm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp chủ động tra cứu thông tin hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm, trên cơ sở đó quyết định việc ký kết, thực hiện giao dịch (như mua bán, chuyển nhượng…) hoặc cho vay vốn phục vụ đầu tư, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, góp phần đảm bảo sự an toàn, lành mạnh trong giao dịch cũng như hoạt động tín dụng. Trong thời gian qua, pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm và hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm tại Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ngày 23/7/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2010NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm (Nghị định số 83/2010/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/03/2000 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm. Nghị định số 83/2010/NĐ-CP được ban hành đã bước đầu thống nhất pháp luật trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, góp phần tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và từng bước cải cách, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm. Trên cơ sở các quy định của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn Nghị định, công tác đăng ký giao dịch bảo đảm trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần làm minh bạch hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch, tài sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, qua tổng kết thực tiễn thi hành Nghị định số 83/2010/NĐ-CP cho thấy, một số quy định của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP không còn phù hợp trong tổng thể hệ thống pháp luật có liên quan, đồng thời thiếu những quy định cần thiết để điều chỉnh việc đăng ký so với yêu cầu của thực tiễn, gây khó khăn, lúng túng cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Một là, pháp luật liên quan có những sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm dẫn tới một số quy định của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP không còn phù hợp.
- Ngày 24/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017, trong đó, có nhiều quy định mới liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm như: Bộ luật đã bổ sung 02 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mới là bảo lưu quyền sở hữu và cầm giữ tài sản; thay đổi tên gọi từ “giao dịch bảo đảm/đăng ký giao dịch bảo đảm” sang tên gọi “biện pháp bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm”. Bộ luật Dân sự năm 2015 đã tách biệt giữa thời điểm có hiệu lực của giao dịch bảo đảm và thời điểm biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba, đồng thời hoàn thiện cơ chế làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm thông qua việc đăng ký hoặc nắm giữ, chiếm giữ tài sản… Với những sửa đổi nêu trên của Bộ luật Dân sự năm 2015 cho thấy, bảo lưu quyền sở hữu cũng là biện pháp bảo đảm cần được bổ sung vào trường hợp đăng ký nếu cá nhân, tổ chức có yêu cầu. Ngoài ra, quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP (Các giao dịch bảo đảm bằng tài sản không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được đăng ký khi cá nhân, tổ chức có yêu cầu) cũng cần phải sửa đổi cho phù hợp, theo đó biện pháp cầm cố, đặt cọc, ký cược, ký quỹ sẽ không thuộc trường hợp đăng ký vì các biện pháp này có hiệu lực đối kháng kể từ thời điểm bên nhận bảo đảm nắm giữ, chiếm giữ tài sản bảo đảm.
- Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật nói chung đã có sự sửa đổi, hoàn thiện trên nền tảng của Hiến pháp năm 2013, trong đó, Luật Đất đai năm 2013, Luật Nhà ở năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2014, Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, Luật Phí và lệ phí năm 2015... đã có sự thay đổi về một số nội dung dẫn đến các quy định trong Nghị định số 83/2010/NĐ-CP không còn phù hợp. Cụ thể là: Luật Nhà ở năm 2014 đã cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai, trong khi đó việc đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất theo Nghị định số 83/2010/NĐ-CP không bao gồm nhà ở hình thành trong tương lai do Nghị định được xây dựng trên tinh thần của Luật Đất đai năm 2003 và Luật Nhà ở năm 2005. Theo điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, thời điểm đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất là thời điểm cơ quan đăng ký nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, trong khi đó, khoản 7 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 quy định “việc đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào Sổ địa chính”. Theo Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký, người yêu cầu cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm phải nộp lệ phí đăng ký, phí cung cấp thông tin, tuy nhiên, Luật Phí và lệ phí năm 2015 đã sửa lệ phí thành phí đăng ký giao dịch bảo đảm...
Hai là, một số quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm trong Nghị định số 83/2010/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn thi hành chưa phù hợp với thực tiễn, thiếu hoặc chưa rõ ràng nên đã dẫn đến tình trạng lúng túng trong quá trình áp dụng pháp luật.
- Điều 11 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP chưa quy định hết các trường hợp từ chối đăng ký giao dịch bảo đảm xảy ra trong thực tiễn. Thực tế cho thấy, có trường hợp quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất không đủ điều kiện thực hiện giao dịch theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật xây dựng và pháp luật có liên quan hoặc tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, nhà ở đang có tranh chấp hoặc đang bị kê biên thi hành án hoặc khi có yêu cầu tạm dừng, dừng trong trường hợp thi hành án theo khoản 1 Điều 178 Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Tuy nhiên, Điều 11 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP chưa bao quát hết các trường hợp này dẫn đến việc cơ quan đăng ký không có căn cứ để từ chối.
- Điểm đ khoản 1 Điều 13 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP quy định việc xóa đăng ký trong trường hợp “tài sản bảo đảm bị tiêu hủy; tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Thực tế áp dụng cho thấy, quy định này chưa đầy đủ, do thực tiễn phát sinh nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất bị thu hồi đất, hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cấp không đúng đối tượng theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước hoặc theo bản án, quyết định của tòa án nhưng chưa có căn cứ pháp lý để giải quyết.
Ngoài ra, điểm e khoản 1 Điều 13 Nghị định số 83/2010/NĐ-CP quy định xóa đăng ký giao dịch bảo đảm trong trường hợp “có bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật về việc hủy bỏ giao dịch bảo đảm, tuyên bố giao dịch bảo đảm vô hiệu, đơn phương chấm dứt giao dịch bảo đảm hoặc tuyên bố chấm dứt giao dịch bảo đảm trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Trên thực tế, có trường hợp đã có bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài nhưng trong thời gian chưa thi hành án, người phải thi hành án vẫn thế chấp. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự quy định: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm trở đi mà người phải thi hành án thế chấp, cầm cố tài sản của mình cho người khác, thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án”. Do đó, cần bổ sung quy định xóa đăng ký giao dịch bảo đảm đối với trường hợp tài sản bị kê biên để thi hành án.
- Ngoài việc quy định cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm theo yêu cầu, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP cũng chưa quy định về trách nhiệm chủ động cung cấp thông tin của cơ quan đăng ký đối với biện pháp bảo đảm được đăng ký mà tài sản bảo đảm có giá trị lớn, giao dịch nhiều trên thị trường, thường phát sinh tranh chấp, dẫn đến rủi ro cao như: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai thuộc dự án xây dựng nhà ở của chủ đầu tư...
- Vấn đề chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai sang nhà ở đã hình thành (đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng) có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo lưu thời điểm đăng ký thế chấp nhà ở. Vấn đề này được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT ngày 23/6/2016 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT). Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy việc áp quy định này gặp nhiều vướng mắc, cụ thể là: Luật Nhà ở quy định việc thế chấp nhà ở phải lập thành văn bản và hợp đồng thế chấp nhà ở phải được công chứng. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển tiếp đăng ký thế chấp trong trường hợp nêu trên thì hồ sơ chuyển tiếp đăng ký thế chấp, pháp luật không quy định phải có hợp đồng thế chấp nhà ở. Như vậy, mặc dù pháp luật cho phép chuyển tiếp trạng thái thế chấp quyền tài sản sang thế chấp nhà ở có sẵn nhưng trong hồ sơ thế chấp không cần hợp đồng thế chấp là chưa phù hợp với pháp luật về nhà ở. Trong khi đó, hợp đồng thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở không thuộc diện bắt buộc phải công chứng. Trường hợp người yêu cầu đăng ký muốn công chứng hợp đồng thế chấp nhà ở để đảm bảo phù hợp với pháp luật về nhà ở thì cũng không thực hiện được do Luật Nhà ở quy định giao dịch về nhà ở (đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng) phải có giấy chứng nhận. Do đó, đây cũng là vấn đề cần sửa đổi, hoàn thiện khi xây dựng Nghị định về biện pháp bảo đảm.
Ba là, một số quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm chưa tập trung, thống nhất.
Một số nội dung về đăng ký giao dịch bảo đảm hiện đang được quy định rải rác trong các thông tư, thông tư liên tịch dẫn đến thiếu tập trung, gây khó khăn cho người nghiên cứu và thực hiện pháp luật. Bên cạnh đó, các quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm nằm trong các văn bản quy phạm có giá trị pháp lý chưa cao (tầm thông tư) cũng phần nào dẫn đến hiệu quả của việc thực thi pháp luật, ví dụ như việc đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư công trình xây dựng; chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở sang đăng ký thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT hoặc cơ chế trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm hiện quy định tại Thông tư liên tịch số 15/2013/TTLT-BTP-BGTVT-BTNMT-BCA. Ngoài ra, qua rà soát pháp luật hiện hành cho thấy, quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất vẫn còn tương đối dài, phức tạp; thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm còn tình trạng trùng lặp, chưa thể hiện triệt để mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin. Trong Nghị định số 83/2010/NĐ-CP vẫn thiếu các quy định về việc tích hợp hồ sơ, liên thông quy trình trong việc đăng ký thế chấp đối với quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai...
2. Xây dựng Nghị định về biện pháp bảo đảm để thay thế Nghị định số 83/2010/NĐ-CP là giải pháp quan trọng để thực thi Bộ luật Dân sự năm 2015 và khắc phục bất cập của pháp luật hiện hành
Từ việc phân tích những tồn tại, bất cập của pháp luật hiện hành cũng như những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai công tác đăng ký giao dịch bảo đảm cho thấy, việc xây dựng Nghị định về biện pháp bảo đảm để thay thế Nghị định số 83/2010/NĐ-CP là giải pháp quan trọng để thực thi Bộ luật Dân sự năm 2015 và khắc phục bất cập của pháp luật. Ngoài ra, việc hoàn thiện các quy định về đăng ký biện pháp bảo đảm cũng là yêu cầu khách quan của quá trình hội nhập quốc tế và yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, với việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, Nhà nước sẽ tạo dựng hành lang pháp lý để tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân khai thác giá trị của tài sản bảo đảm và dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, an toàn, phục vụ tích cực, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng xã hội.
Xuất phát từ yêu cầu nêu trên, thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2016 và Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 05/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, trong thời gian vừa qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định về đăng ký biện pháp bảo đảm (dự thảo Nghị định). Có thể nói, việc thay thế Nghị định số 83/2010/NĐ-CP nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thiện pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, đáp ứng yêu cầu tăng cường công khai minh bạch về tài sản, giao dịch gắn với cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký biện pháp bảo đảm; tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Việc thay thế Nghị định số 83/2010/NĐ-CP được thực hiện dựa trên quan điểm chỉ đạo về thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Chính phủ trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như: Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 31/01/2008 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã nêu: “Phát triển đồng bộ các dịch vụ tư vấn pháp luật, công chứng, thẩm định, đấu giá, đăng ký giao dịch... tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho các giao dịch...”; Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/04/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã nêu: “Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế theo hướng tiếp tục thể chế hóa các quyền về tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, minh bạch về nghĩa vụ và trách nhiệm trong thủ tục hành chính nhà nước và dịch vụ công; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về các công cụ quản lý kinh tế vĩ mô, bao gồm: Thuế và các công cụ hỗ trợ quản lý vĩ mô như thống kê, đăng ký giao dịch, đăng ký tài sản”; chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, phục vụ nhân dân, hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Dự thảo Nghị định cơ bản kế thừa cơ cấu, bố cục của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, theo đó có những sửa đổi, bổ sung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về tên gọi của dự thảo Nghị định: Bộ luật Dân sự năm 2015 (Điều 292 và khoản 3 Điều 298) sử dụng cụm từ “biện pháp bảo đảm và đăng ký biện pháp bảo đảm” thay cho cụm từ “giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm” được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005. Việc thay đổi tên gọi nhằm bảo đảm phù hợp với thực tế là không phải trong mọi trường hợp các biện pháp bảo đảm đều có nguồn gốc từ các giao dịch được xác lập dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên1; đồng thời đáp ứng mục đích của việc đăng ký là công khai nội dung về việc bên bảo đảm dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm (công khai biện pháp bảo đảm); tách biệt giữa thời điểm có hiệu lực của giao dịch bảo đảm và thời điểm có hiệu lực đối kháng với người thứ ba của biện pháp bảo đảm. Do vậy, để thống nhất với Bộ luật Dân sự năm 2015, dự thảo Nghị định cũng đã thay đổi tên gọi từ “đăng ký giao dịch bảo đảm” sang “đăng ký biện pháp bảo đảm”.
Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh: Về cơ bản dự thảo Nghị định kế thừa phạm vi điều chỉnh được quy định tại Nghị định số 83/2010/NĐ-CP với việc điều chỉnh kỹ thuật. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định về hồ sơ, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng tài sản (sau đây gọi chung là đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm); quản lý nhà nước về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Thứ ba, về các trường hợp đăng ký: Để phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về các biện pháp bảo đảm, thời điểm có hiệu lực của giao dịch bảo đảm và của việc đăng ký biện pháp bảo đảm và nhằm thống nhất với quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Bộ luật Hàng hải Việt Nam... và kế thừa quy định còn phù hợp của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, dự thảo Nghị định đã sửa đổi quy định về đối tượng đăng ký như sau: (i) Bổ sung biện pháp bảo lưu quyền sở hữu thuộc đối tượng đăng ký; (ii) Tách bạch rõ 02 trường hợp đăng ký gồm đăng ký bắt buộc (áp dụng cho các trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất; cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; thế chấp tàu biển; bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán tàu bay, tàu biển có bảo lưu quyền sở hữu) và đăng ký theo yêu cầu (áp dụng đối với các trường hợp thế chấp động sản trừ tàu bay, tàu biển; thế chấp tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; bảo lưu quyền sở hữu trong trường hợp mua bán tài sản gắn liền với đất, động sản khác có bảo lưu quyền sở hữu).
Thứ tư, về thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm:
- Về đăng ký thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở hình thành trong tương lai: Để có những căn cứ chứng minh các loại tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai này đang và sẽ được hình thành trên thực tế, dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau: Quyết định giao đất, cho thuê đất; bản vẽ thiết kế thể hiện được mặt bằng công trình của dự án; hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai; văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở…
- Về đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất không phải là nhà ở đã hình thành nhưng chưa được chứng nhận quyền sở hữu trên giấy chứng nhận: Dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký thế chấp trong 02 trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất là một chủ thể hoặc hai chủ thể khác nhau. Theo đó, người yêu cầu đăng ký nộp đồng thời hồ sơ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và hồ sơ đề nghị chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.
- Về việc đăng ký chuyển tiếp đối với các biện pháp bảo đảm được đăng ký phù hợp với từng giai đoạn hình thành của tài sản bảo đảm: Dự thảo Nghị định bổ sung và pháp điển hóa các quy định của Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT về đăng ký chuyển tiếp biện pháp bảo đảm liên quan đến hồ sơ chuyển tiếp đăng ký, thủ tục đăng ký chuyển tiếp, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng đăng ký biện pháp bảo đảm với nhau trong hệ thống và thời điểm đăng ký.
Thứ năm, về từ chối đăng ký: Về nguyên tắc, trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đang có tranh chấp thì cơ quan đăng ký có thẩm quyền từ chối đăng ký. Tuy nhiên, để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau trong việc xác định thế nào là tài sản bảo đảm đang có tranh chấp, dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa rõ hơn tiêu chí này theo hướng “khi đã có văn bản thụ lý hoặc văn bản chứng minh việc thụ lý giải quyết tranh chấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.
Thứ sáu, về hồ sơ đăng ký: Căn cứ vào các tiêu chí về bảo lưu quyền sở hữu, đặc biệt tiêu chí “trong hợp đồng mua bán” quy định tại khoản 1 Điều 331 Bộ luật Dân sự năm 2015, dự thảo Nghị định đã quy định rõ thành phần hồ sơ đăng ký biện pháp bảo lưu quyền sở hữu theo hướng đơn giản tối đa các giấy tờ cần phải có, cụ thể là: Phiếu yêu cầu đăng ký; hợp đồng chuyển nhượng, mua bán có bảo lưu quyền sở hữu; văn bản ủy quyền (nếu có).
Việc đăng ký bảo lưu quyền sở hữu đối với từng loại hình tài sản được quy định tách bạch tại từng chương, mục của dự thảo Nghị định tương ứng và phù hợp với chức năng, phạm vi đăng ký của từng cơ quan, tổ chức đó.
Thứ bảy, việc trao đổi thông tin về tình trạng pháp lý của tài sản bảo đảm, công bố thông tin về biện pháp bảo đảm: Nhằm nâng cao trách nhiệm trao đổi thông tin giữa cơ quan đăng ký biện bảo đảm với cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản, giữa cơ quan thi hành án với cơ quan đăng ký biện pháp bảo đảm liên quan đến tài sản bảo đảm, dự thảo Nghị định đã pháp điển các quy định tại Thông tư liên tịch số 15/2013/TTLT-BTP-BGTVT-BTNMT-BCA về nguyên tắc trao đổi, phạm vi tài sản bảo đảm được trao đổi, thủ tục trao đổi thông tin giữa các cơ quan nêu trên.
Ngoài ra, để cụ thể hóa tinh thần mới quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/20182 và đảm bảo các thông tin liên quan đến tài sản bảo đảm, đăng ký biện pháp bảo đảm được công khai, minh bạch và có tính tiếp cận cao, dự thảo Nghị định đã bổ sung và quy định rõ cơ chế về công bố thông tin của các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước và tổ chức, đơn vị có chức năng đăng ký biện pháp bảo đảm, cụ thể: Lĩnh vực thông tin cần được công bố; chủ thể thực hiện; thời gian công bố; hình thức thực hiện.
& Dương Thị Thu Trang
Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp
[1]. Ví dụ: Biện pháp cầm giữ quy định tại Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015 là một loại biện pháp bảo đảm được xác lập theo luật định.
[2]. - Khoản 2 Điều 17 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016: “Ngoài thông tin quy định tại khoản 1 Điều này, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ quan nhà nước chủ động công khai thông tin khác do mình tạo ra hoặc nắm giữ.”.
- Khoản 1 Điều 18 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016: “Các hình thức công khai thông tin bao gồm: a) Đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước…”.
Các tin khác
Bất cập trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Bộ luật Tố tụng dân sự Vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hoạt động tranh tụng của luật sư tại phiên toà hình sự Hoàn thiện thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm theo tinh thần cải cách tư pháp Bàn về thẩm quyền đề nghị miễn thi hành án khoản tiền phạt theo Bộ luật Hình sự Những vướng mắc trong phối hợp thực hiện quy định về “cưỡng chế trả giấy tờ” Sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật Báo cáo thống kê thi hành án dân sự - Một số vấn đề từ thực tiễn Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về phiên tòa giám đốc thẩm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp