Tuy nhiên, trên thực tế, các tranh chấp về quyền SHTT chưa được giải quyết một cách hiệu quả tại Tòa án, thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài, phải xét xử nhiều lần, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời còn nhiều hạn chế. Do đó, việc thành lập Tòa chuyên trách về SHTT thực sự trở nên cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả xét xử, bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, thiết lập môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam.
1. Thực tiễn giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại Tòa án Việt Nam
Có thể thấy, thực tiễn giải quyết tranh chấp về SHTT tại Tòa án Việt Nam chưa hiệu quả, cụ thể:
Thứ nhất, thời gian giải quyết tranh chấp về SHTT tại Tòa án thường bị kéo dài. Theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với vụ án dân sự (tranh chấp về SHTT thuần túy là tranh chấp dân sự) là 04 tháng, đối với các vụ án kinh doanh, thương mại (tranh chấp về SHTT giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận) là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 02 tháng đối với vụ án dân sự và 01 tháng đối với vụ án kinh doanh, thương mại. Bên cạnh đó, pháp luật cũng đã quy định thời hạn của từng giai đoạn tố tụng và thời hạn đối với các tình huống phát sinh trong quá trình xét xử nhưng nhìn chung, các Tòa án thường phải gia hạn thời gian xét xử. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là hầu hết các tranh chấp về SHTT là những tranh chấp tương đối phức tạp, bao gồm cả các vấn đề về quyền nhân thân và quyền tài sản, tranh chấp liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều quan hệ cũng như các yếu tố của quyền SHTT khó định lượng, các quy định của pháp luật về xác định hành vi xâm phạm còn chưa thực sự cụ thể nên trong quá trình giải quyết vụ án, các Tòa án thường phải trưng cầu ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT và các cơ quan chức năng có liên quan để có kết luận đối với hành vi xâm phạm, xác định mức bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, việc nhìn nhận, đánh giá về các hành vi xâm phạm quyền SHTT của các cơ quan nhiều khi chưa thống nhất nên thời gian giải quyết thường kéo dài. Trên thực tế, có nhiều trường hợp, Tòa án còn phải ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự với lý do cần chờ kết quả trả lời của các cơ quan quản lý nhà nước về SHTT và các cơ quan chuyên môn.
Ví dụ như vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty sữa Foremost Việt Nam và Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh đã diễn ra trong thời gian 03 năm (từ năm 2000 đến năm 2002) và Tòa án đã phải xử lý các ý kiến khác nhau của các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Thương mại, Bộ Y tế, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo quan điểm của Bộ Thương mại, thì sản phẩm sữa đặc có đường mang nhãn hiệu “Trường Sinh” của Công ty sữa Foremost Việt Nam thuộc nhóm 29 trong danh mục hàng hóa của Bộ Thương mại, còn sản phẩm sữa đậu nành mang nhãn hiệu “Trường Sinh” của Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh thuộc nhóm 32, do đó, đây là hai sản phẩm không cùng nhóm và không có sự xâm phạm. Theo quan điểm của Bộ Y tế, thì đây là hai sản phẩm có chất dinh dưỡng khác nhau, nhưng việc có vi phạm hay không thì thuộc kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ. Cục Sở hữu trí tuệ thì cho biết đã từ chối cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa đối với nhãn hiệu “Sữa đậu nành cao cấp Trường Sinh” của Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh ở thời điểm năm 1998 và sau khi Công ty sữa Foremost Việt Nam có đơn gửi Cục Sở hữu trí tuệ về việc Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh đã xâm phạm quyền được bảo hộ của mình thì Cục đã hai lần gửi văn bản yêu cầu Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh chấm dứt ngay việc sử dụng nhãn hiệu Trường Sinh cho sản phẩm sữa đậu nành[1].
Thứ hai, việc giải quyết tranh chấp về SHTT tại Tòa án hiện nay thường phải xét xử nhiều lần, nhiều cấp, tốn kém thời gian, chi phí và công sức của các bên đương sự. Sở dĩ tồn tại thực trạng này là do SHTT là một lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam và rất nhiều cán bộ xét xử, các chủ thể tiến hành tố tụng chưa được đào tạo chuyên sâu về SHTT, trong khi đó, đây lại là lĩnh vực phức tạp, yêu cầu cao về trình độ kỹ thuật, khả năng đánh giá toàn diện cũng như khả năng tiếp cận nguồn thông tin, chứng cứ còn hạn chế. Chính bởi vậy, trên thực tế, gần 80% các vụ án liên quan đến SHTT xét xử ở cả cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Trong nhiều vụ việc, Tòa phúc thẩm đã có quyết định khác với quyết định của Tòa sơ thẩm như trong vụ tranh chấp giữa hai nhà nghiên cứu Truyện Kiều liên quan đến quy định về trích dẫn hợp lý tác phẩm[2], tranh chấp giữa Công ty Secom Việt Nam với Công ty Se Com liên quan đến việc sử dụng tên thương mại “Công ty TNHH Secom” cho dịch vụ lắp đặt, sửa chữa, bảo trì, mua bán thiết bị phòng cháy, chữa cháy, camera quan sát[3]. Thậm chí, có những vụ việc kéo dài đến 05 năm, từ năm 2004 đến năm 2009, Tòa án nhân dân tối cao phải ra quyết định giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm do chưa xác định được chính xác mức thiệt hại thực tế của nguyên đơn trong vụ tranh chấp về đòi bồi thường thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu công nghiệp giữa Công ty GEDEON RICHTER Ltd và Công ty Dược phẩm Trung Nam liên quan đến việc sử dụng mẫu mã, kiểu dáng bao bì và cách đóng gói vỉ thuốc tránh thai[4]. Thực tế này là yếu tố khiến cho các chủ sở hữu quyền mặc dù bị vi phạm nhưng không muốn giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Ở khía cạnh khác, nhiều người Việt Nam vẫn còn tâm lý e ngại khi phải ra Tòa, họ coi việc ra Tòa là một sự phiền hà, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân. Bên cạnh đó, về phía chủ sở hữu, trong nhiều trường hợp, mặc dù hành vi xâm phạm và thiệt hại thực tế đã xảy ra nhưng họ không đưa ra được chứng cứ chứng minh (như không có đủ sổ sách kế toán, giấy tờ) hành vi xâm phạm của bị đơn hay thiệt hại của mình. Chính bởi vậy, các chủ thể thường ít đưa các tranh chấp của mình ra giải quyết tại Tòa án.
Thứ ba, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Tòa án chưa hiệu quả, chưa ngăn chặn được kịp thời thiệt hại và hành vi tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ, dẫn đến khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Khoản 1 Điều 206 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 (Luật Sở hữu trí tuệ) quy định, khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện, chủ thể quyền SHTT có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Như vậy, việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không được tiến hành trước khi khởi kiện vụ án, điều này đã gây ra không ít khó khăn cho nguyên đơn trong quá trình thu thập chứng cứ. Hơn nữa, thực tế có nhiều trường hợp đương sự chỉ muốn yêu cầu Tòa án áp dụng ngay một biện pháp cần thiết để bảo toàn tài sản, bảo vệ quyền lợi của mình mà không muốn khởi kiện bởi họ không có tranh chấp hoặc có tranh chấp nhưng tranh chấp đó đã được giải quyết sau khi Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cần thiết (trường hợp này, biện pháp khẩn cấp tạm thời có ý nghĩa như một biện pháp phòng ngừa cho tranh chấp hai bên không xảy ra) hoặc bản thân đương sự biết mình không đáp ứng đủ điều kiện khởi kiện luật định nhưng dựa vào quy định trên nhằm yêu cầu Tòa án bảo vệ tài sản của mình. Quy định như hiện nay đã làm cho đương sự phải lựa chọn khởi kiện vụ án dân sự ngay cả khi họ không muốn khởi kiện.
Ngoài ra, Điều 207 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền SHTT, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó, chủ thể quyền có thể yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như thu giữ, kê biên, niêm phong, cấm thay đổi hiện trạng, cấm di chuyển, cấm chuyển dịch quyền sở hữu. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được áp dụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Như vậy, có thể thấy, theo quy định của pháp luật hiện hành, các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể áp dụng trong các vụ án tranh chấp về quyền SHTT là tương đối ít, đặc biệt là các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự chưa được cụ thể hóa đối với các tranh chấp về quyền SHTT, còn mang tính chung chung. Điều này đã gây không ít khó khăn cho chủ thể quyền SHTT trong việc yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Các quy định của pháp luật hiện hành về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chưa góp phần ngăn chặn một cách nhanh chóng, kịp thời các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ưu thế về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của biện pháp dân sự chưa được phát huy trên thực tế. Thực tiễn giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền SHTT trong những năm qua cho thấy, rất ít trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía các chủ thể quyền SHTT.
Như vậy, với thời gian giải quyết kéo dài cùng với việc các hành vi xâm phạm chưa được ngăn chặn một cách kịp thời có thể là nguyên nhân dẫn đến việc các chủ thể quyền SHTT e ngại việc khởi kiện ra Tòa án để xử lý bằng biện pháp dân sự cũng như áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà thay vào đó, họ chọn việc xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính.
2. Nhu cầu thực tiễn của việc giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại Tòa án hiện nay
Quyền SHTT là một quyền dân sự nên trong các biện pháp để thực thi quyền SHTT, biện pháp dân sự chiếm một vị trí quan trọng. Mục đích của biện pháp này là yêu cầu người thực hiện hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi của mình; giải quyết vấn đề bồi thường đối với thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra; định đoạt về hàng hóa xâm phạm theo cách thức thích hợp (tiêu hủy hoặc loại bỏ ra ngoài kênh thương mại thông thường); định đoạt về phương tiện được sử dụng để phục vụ hoạt động xâm phạm và lệnh ngăn cấm hành vi xâm phạm tiếp theo. Thực tế cho thấy, trong hầu hết hệ thống pháp luật trên thế giới, các hành vi xâm phạm chủ yếu được giải quyết thông qua các thủ tục dân sự. Điều này là hợp lý bởi quyền SHTT là quyền đối với tài sản trí tuệ (tài sản vô hình), do vậy, việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền của các chủ thể cũng như giải quyết tranh chấp phát sinh trong lĩnh vực này đương nhiên sẽ tuân thủ theo thủ tục tố tụng dân sự. Hơn nữa, so với các thủ tục thực thi quyền SHTT khác, thủ tục dân sự chiếm ưu thế bởi khả năng duy trì cũng như bảo đảm sự bình đẳng của các bên chủ thể. Ngoài ra, đây cũng được xem là biện pháp giải quyết thỏa đáng những thiệt hại mà chủ thể quyền bị xâm phạm phải gánh chịu, đảm bảo tính công bằng, dân chủ.
Trong hệ thống tư pháp Việt Nam hiện nay, chưa có một cơ quan chuyên biệt để giải quyết các tranh chấp về SHTT, tuy rằng đây là một lĩnh vực phức tạp và được xã hội rất quan tâm nhưng vai trò của các Tòa án ở thời điểm hiện tại lại rất mờ nhạt. Từ khi Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 có hiệu lực (ngày 01/7/2006), số lượng các vụ xét xử các vụ án về quyền SHTT là rất ít nếu không nói là không đáng kể so với các lực lượng thực thi hành chính như: Hải quan, quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành, công an. Theo Báo cáo Tổng kết Chương trình hành động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2012 - 2015, Tòa án nhân dân đã giải quyết 177 vụ việc, trong đó, xét xử là 55 vụ (12 vụ án hình sự), công nhận thỏa thuận là 16 vụ, chuyển là 15 vụ, đình chỉ là 91 vụ[5]. Ở Việt Nam, giải quyết tranh chấp về SHTT tại Tòa án còn hạn chế do các còn tồn tại quan niệm những gì liên quan đến Tòa án thường rất phức tạp, mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí… Trong khi đó, nếu chỉ giải quyết bằng xử phạt vi phạm hành chính, tiền xử phạt nộp vào ngân sách nhà nước thì bên bị xâm phạm quyền SHTT không được bồi thường gì. Để giải quyết cả hai vấn đề trên và góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống SHTT Việt Nam, cần phải xây dựng mô hình Tòa chuyên trách về SHTT phù hợp. Tòa không chỉ xử lý tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn trong các vụ tranh chấp liên quan, mà còn xử lý cả tranh chấp giữa người nộp đơn đăng ký với cơ quan SHTT. Thêm vào đó, để đảm bảo tính chuyên môn trong quá trình xét xử, cần xây dựng cơ chế phù hợp nhằm huy động sự tham gia của các chuyên gia, thẩm định viên… vào quá trình xét xử của Tòa án.
3. Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới đã thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ
Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đã thành lập Tòa chuyên trách về SHTT như Anh, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan…
Tại Anh, Tòa chuyên trách về SHTT bao gồm Tòa Patent (Patent Court) là một bộ phận thuộc Tòa dân sự tối cao và Tòa dân sự Patent (Patent County Court) là Tòa địa phương, không xét xử các vụ án có tính hình sự.
Tại Nhật Bản, Tòa SHTT được thành lập vào tháng 04/2005. Tòa được tổ chức ở cấp tỉnh với thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự, hình sự về xâm phạm quyền SHTT và các vụ án hành chính phát sinh trong quá trình đăng ký các đối tượng SHTT tại Cơ quan SHTT Nhật Bản (JPO).
Tại Malaysia, Tòa chuyên trách về SHTT được chính thức thành lập ngày 17/7/2007 sau một thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Chính phủ Malaysia đã phê chuẩn thành lập 15 Tòa có thẩm quyền thụ lý và giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến SHTT tại 15 bang (bao gồm cả Putrajaya) và 06 Tòa có thẩm quyền thụ lý và giải quyết các vụ án dân sự và phúc thẩm tại các bang Kuala Lumpur, Selangor, Johor, Perak, Sabah và Sarawak[6]. Các Tòa chuyên trách về SHTT bao gồm các Tòa chuyên trách theo phiên thuộc hệ thống Tòa án cấp dưới và các Tòa chuyên trách cấp cao thuộc hệ thống Tòa án tối cao. Theo đó, các tranh chấp về SHTT sẽ được giải quyết trước hết ở các Tòa chuyên trách theo phiên ở cấp dưới, sau đó, nếu các bên chủ thể chưa hài lòng với phán quyết của Tòa này có thể làm thủ tục phúc thẩm vụ việc lên Tòa chuyên trách cấp cao. Về thẩm quyền đặc biệt trong lĩnh vực SHTT của các Tòa chuyên trách về SHTT, các Tòa chuyên trách được trao quyền năng đặc biệt duy nhất để xét xử những vụ việc về vi phạm quyền SHTT, bao gồm các hành vi xâm phạm quy định tại Điều 41 Luật về quyền tác giả năm 1987 và Luật Mô tả thương mại năm 2011. Mặc dù Tòa chuyên trách có thể thông qua bất cứ bản án nào nếu cho rằng nó là phù hợp, ngoại trừ bản án tử hình thì với tư cách là Tòa chuyên về SHTT, thẩm quyền của các Tòa này cũng bị chính Luật Sở hữu trí tuệ giới hạn. Ngoài ra, Malaysia còn có cơ chế giúp việc cho Tòa chuyên trách về SHTT, bao gồm: Công tố viên ủy quyền thường trực (Dedicated Deputy Public Prosecutor) chuyên phụ trách hoạt động công tố đối với các vụ việc hoặc vụ án về quyền SHTT; trợ lý Ban Thi hành án (The Assistant Given by the Enforcement Division); các tòa nhà năng lực (Capacity Building) nơi cung cấp nhân lực giàu chuyên môn để giúp việc cho các thẩm phán tại Tòa chuyên trách về SHTT, các cơ sở vật chất, trung tâm nghiên cứu, những hỗ trợ từ nền công nghiệp.
Tại Thái Lan, mô hình Tòa SHTT và Thương mại quốc tế Thái Lan (Tòa IPIT) là một trong những mô hình Tòa chuyên trách đóng vai trò quan trọng và hoạt động hiệu quả nhất của khu vực châu Á. Tòa án này được thành lập ngày 01/12/1997 với thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự, dân sự và là Tòa chuyên trách về SHTT đầu tiên ở Đông Nam Á. Các thẩm phán của Tòa IPIT thường xuyên được đào tạo nghiệp vụ. Thẩm phán nghiệp vụ trong IPIT sẽ được bổ nhiệm từ các quan chức tư pháp có thẩm quyền[7], những thẩm phán này là những người có kiến thức về các vấn đề liên quan đến quyền SHTT hoặc thương mại quốc tế. Các thẩm phán chuyên trách sẽ được bổ nhiệm từ các chuyên gia SHTT hoặc thương mại quốc tế bởi Ủy ban Tư pháp, tuy nhiên, ngoài những yêu cầu khác thì những người được bổ nhiệm này không thể là luật sư[8]. Hội đồng xét xử bao gồm tối thiểu 02 thẩm phán nghiệp vụ và 01 thẩm phán chuyên trách. Phán quyết hoặc lệnh của Tòa án được đưa ra khi có đa số phiếu thông qua. Nếu trong vụ án hình sự có một hành vi vi phạm một số tội hoặc một số hành vi vi phạm nhiều tội khác liên quan mà một số tội không thuộc thẩm quyền của Tòa IPIT thì Tòa án cũng sẽ chấp nhận giải quyết vụ án bao gồm cả các tội danh khác[9].
Nhu vậy, có thể thấy, việc thành lập Tòa chuyên trách để giải quyết các tranh chấp liên quan đến SHTT là cần thiết, đặc biệt, số lượng các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực SHTT phát sinh ngày một nhiều và có xu hướng phức tạp hơn tại Việt Nam. Chính bởi vậy, pháp luật về tố tụng cần phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng với nhu cầu thành lập Tòa chuyên trách về SHTT. Tòa SHTT có thể được thành lập tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp cao. Tòa SHTT nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án liên quan tới SHTT theo quy định của pháp luật. Bản án, quyết định của Tòa SHTT có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành. Bên cạnh đó, do đặc thù của lĩnh vực SHTT, thẩm phán Tòa chuyên trách phải được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ sâu về SHTT và có trình độ tiếng Anh tốt. Trong công tác tuyển dụng thẩm phán, ưu tiên tuyển dụng người có công trình nghiên cứu về SHTT, đã được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về SHTT ở nước ngoài hay có kiến thức về khoa học, công nghệ.
Đại học Luật Hà Nội
ThS. Đinh Đồng Vang
Công ty TNHH Sơn Akjonobel Việt Nam
[1]. Công ty Luật TNHH Minh Khuê, Những tranh chấp nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đăng tại https://luatminhkhue.vn/tu-van-luat-so-huu-tri-tue/nhung-tranh-chap-nhan-hieu-vi-pham-quyen-so-huu-tri-tue-.aspx, ngày 01/7/2019.
[2]. Phương Thảo - Cấn Cường, Vụ kiện giữa hai nhà nghiên cứu Truyện Kiều đã ngã ngũ, đăng tại https://dantri.com.vn/xa-hoi/vu-kien-giua-hai-nha-nghien-cuu-truyen-kieu-da-nga-ngu-1167200638.htm, ngày 26/12/2006.
[3]. Bản án số 53/2013/KDTM-PT ngày 08/01/2013 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh
[4]. Xem thêm tại Thư viện Pháp luật, https://banan.thuvienphapluat.vn/ban-an/quyet-dinh-giam-doc-tham-292009dsgdt-ngay-09092009-ve-doi-boi-thuong-thiet-hai-do-hanh-vi-canh-170.
[5]. Đỗ Thị Minh Thủy - Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Thực thi và giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam - Mười năm nhìn lại, đăng tại https://thanhtra.most.gov.vn/thanhtra/tin-tuc/4/27/thuc-thi-va-giai-quyet-tranh-chap-quyen-so-huu-tri-tue-tai-viet-nam-muoi-nam-nhin-lai.aspx, ngày 20/12/2016.
[6]. Hoàng Hà, Bảo vệ quyền SHTT: Cần có Tòa chuyên trách, đăng tại https://thongtinphapluatdansu. edu.vn/2008/06/04/12312/, ngày 04/6/2008.
[7]. Điều 14 Luật Thủ tục tố tụng của Tòa SHTT và Thương mại quốc tế Thái Lan (The Act for the Establishment of and Procedure for Intellectual Property and International Trade Court, B.E. 2539 (1996)).
[8]. Điều 15 Luật Thủ tục tố tụng của Tòa SHTT và Thương mại quốc tế Thái Lan (The Act for the Establishment of and Procedure for Intellectual Property and International Trade Court, B.E. 2539 (1996)).
[9]. Điều 35, Điều 36 Luật Thủ tục tố tụng của Tòa SHTT và Thương mại quốc tế Thái Lan (The Act for the Establishment of and Procedure for Intellectual Property and International Trade Court, B.E. 2539 (1996)).