1. Sự cần thiết xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Xuất phát từ vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này. Trong rất nhiều văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước đã đề cập đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã khẳng định: “Triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật; huy động lực lượng của các đoàn thể chính trị, xã hội, nghề nghiệp, các phương tiện thông tin đại chúng tham gia các đợt vận động thiết lập trật tự, kỷ cương và các hoạt động thường xuyên xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong cơ quan nhà nước và trong xã hội’’. Nghị quyết số 08–NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới chỉ rõ cần: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú, sinh động, đặc biệt là thông qua các phiên toà xét xử lưu động và bằng những phán quyết công minh để tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân”. Hiến pháp năm 1992 giao Chính phủ nhiệm vụ: “Tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân”. Nhiều văn bản pháp luật của Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến việc tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 07/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay, Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật… Đặc biệt, Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (Chỉ thị số 32-CT/TW) đã khẳng định: “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Thực hiện các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật, thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương đã chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật đã được phổ biến bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng và địa bàn, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ và nhân dân; hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từng bước được nâng lên, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Mặc dù khẩu hiệu “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đã ra đời từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, nhiều thể chế được ban hành, nhiều giải pháp về phổ biến, giáo dục pháp luật đã được triển khai thực hiện, nhưng kết quả của công tác phổ biến giáo dục pháp luật vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong xã hội chưa cao, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do:
Thứ nhất, nhận thức của một số bộ, ngành, đoàn thể, địa phương về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự đầy đủ và chưa tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này.
Thứ hai, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật còn tản mạn, chưa đồng bộ, hiệu lực pháp lý chưa cao, chủ yếu mới chỉ dừng ở các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nên việc triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu cơ sở pháp lý để xác định trách nhiệm và cơ chế phối hợp, huy động nguồn lực có hiệu quả giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng như các tổ chức chính trị - xã hội trong phổ biến, giáo dục pháp luật, chưa có cơ chế pháp lý để thực hiện xã hội hóa hiệu quả công tác này theo chủ trương của Đảng.
Thứ ba, việc huy động nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được tiến hành một cách đồng bộ và rộng khắp. Tổ chức, nhân lực làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác này còn rất hạn hẹp, nhất là ở cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, pháp luật được ban hành ngày càng nhiều, nội dung đa dạng, phức tạp, điều chỉnh nhiều loại quan hệ xã hội phục vụ tiến trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, yêu cầu tăng cường, phát huy vai trò, hiệu lực của pháp luật theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đòi hỏi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải thực sự có chuyển biến căn bản, toàn diện. Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW (Kết luận số 04-KL/TW) đã chỉ rõ: “Đảng đoàn Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương xây dựng, ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật…”.
Từ thực trạng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật những năm qua và trước yêu cầu của thời kỳ phát triển mới của đất nước, việc xây dựng và ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật là rất cần thiết. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt; xác lập trách nhiệm và cơ chế phối hợp, huy động các nguồn lực của các cơ quan, tổ chức và xã hội nhằm tạo chuyển biến căn bản, bền vững về hiệu quả của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
2. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật
Việc xây dựng dự án Luật được dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:
Thứ nhất, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, đặc biệt là Chỉ thị số 32-CT/TW và Kết luận số 04-KL/TW.
Thứ hai, kế thừa những quy định phù hợp của pháp luật hiện hành về phổ biến, giáo dục pháp luật, luật hoá các quy định hiện hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về phổ biến, giáo dục pháp luật đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời bổ sung những nội dung mới; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Thứ ba, xác định phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước giữ vai trò nòng cốt. Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; quan tâm phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù, bao gồm: Người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo.
Thứ tư, công dân có quyền được thông tin pháp luật và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin về pháp luật; có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo đảm quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân thông qua công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhà nước thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, khuyến khích và có chính sách để các tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho phổ biến, giáo dục pháp luật; phát triển các dịch vụ pháp lý hỗ trợ công tác này.
Nguyễn Duy Lãm