Khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định: “Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: a) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật; b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật”. Đồng thời, khoản 4 Điều 14 Luật này quy định: “Chính phủ quy định chi tiết điều này”.
Trước khi Quốc hội ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nói chung, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (khoảng 97%)[1] được quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Nghị định số 66/2008/NĐ-CP). Trong năm 2017 và đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP[2]. Kết quả tổng kết công tác hỗ trợ pháp lý của Bộ Tư pháp trong thời gian qua cho thấy, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã từng bước đi vào nền nếp, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và hình thành thói quen sử dụng tư vấn pháp luật của doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh và gia tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong một số trường hợp, ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức; chưa có trọng tâm, trọng điểm; còn trùng lặp; chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng; kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa được quan tâm bố trí thỏa đáng[3]. Một trong những nguyên nhân của các hạn chế này là do một số quy định trong Nghị định số 66/2008/NĐ-CP còn vướng mắc, bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.
Ngày 01/01/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, trong đó giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng “Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP)” trình Chính phủ ban hành trong năm 2018[4].
Do đó, việc xây dựng, ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) nhằm mục đích quy định chi tiết hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời khắc phục các vướng mắc, bất cập của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP là cần thiết. Nghị định mới về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa hoạt động hỗ trợ pháp lý này đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đó là: (i) Quy định chi tiết, đầy đủ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; (ii) Kế thừa và phát huy các quy định còn có giá trị, hợp lý; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP; (iii) Đảm bảo các quy định của Nghị định phải cụ thể, chi tiết, thiết thực, khả thi; thiết lập được các cơ chế, nguồn lực đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; tránh trùng lặp, lãng phí hay hình thức[5].
2. Đề xuất các nội dung trọng tâm trong Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
- Đề xuất phạm vi điều chỉnh của Nghị định
Nghị định quy định chi tiết các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Đề xuất nguyên tắc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định cần xác định rõ 05 nguyên tắc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm: (i) Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực; đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả; không chồng chéo, trùng lặp; (ii) Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan; (iii) Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ưu tiên thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý; (iv) Căn cứ nguồn lực, chương trình hỗ trợ, cơ quan, tổ chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quyết định hỗ trợ theo thứ tự ưu tiên như sau: Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước; doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước; (v) Nhà nước khuyến khích và có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Những nguyên tắc nêu trên được phát triển dựa trên các nguyên tắc quy định tại Điều 5 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Điều 4 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phù hợp với thực tiễn hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Đề xuất hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nghị định cần quy định chi tiết hai nhóm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, gồm: (i) Nhóm hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật (từ Điều 5 đến Điều 9); (ii) Nhóm hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 10 đến Điều 13).
Việc đảm bảo nhân lực, tài chính để thi hành Nghị định sau khi Chính phủ ban hành là rất cần thiết, chính vì vậy, Nghị định cần quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc đảm bảo nguồn nhân lực, tài chính cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Điều kiện bảo đảm thi hành Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (thay thế Nghị định số 66/2008/NĐ-CP) là kinh phí bảo đảm cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí từ nguồn kinh phí được giao tự chủ, là khoản chi thường xuyên ngoài định mức trong dự toán ngân sách hàng năm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được huy động, sử dụng kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật; Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là khoản kinh phí đang được bố trí để thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng như kinh phí để thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.
Về nhân lực thực hiện, Nghị định cần quy định: “Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ làm đầu mối triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định này, xây dựng mạng lưới tư vấn viên pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ. Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm đầu mối để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và chủ trì thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi địa phương”. Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Như vậy, nguồn nhân lực thực hiện là không đổi; tuy nhiên, cần nâng cao chất lượng thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa[6].
Các điều kiện khác bao gồm: Tuyên truyền, phổ biến Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tới các cơ quan, tổ chức và cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Nhà nước; bám sát việc triển khai thực tế các quy định của Nghị định; tổ chức tiếp nhận phản hồi từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và giải đáp kịp thời các vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị định. Việc kiểm tra, giám sát thi hành Nghị định cần được nghiên cứu và hoàn thiện nhằm tạo ra cơ chế hỗ trợ pháp lý hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam trong thời gian tới.
Công ty Cổ phần Tư vấn Chính sách Hà Nội - Berlin (HB Policy)
[1]. Báo cáo ngày 11/4/2017 của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố chỉ số phát triển doanh nghiệp đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016.
[2]. Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đề xuất, kiến nghị.
[3]. Kết quả khảo sát năm 2017 của Bộ Tư pháp (Phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện - GIG) cho thấy: Trong thời gian qua, 51% cơ quan nhà nước được khảo sát có bố trí kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, còn lại 49% cơ quan nhà nước không bố trí kinh phí dành cho công tác này (Xem Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đề xuất, kiến nghị).
[4]. Trong thời gian chưa ban hành “Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, Nghị định số 66/2008/NĐ-CP còn hiệu lực thi hành.
[5]. Xem: Dự thảo Tờ trình ngày 12/6/2018 của Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn: moj.gov.vn/dtvb/pagis/chi-tiet.aspx?itemid=479.
[6]. Xem: Dự thảo Tờ trình ngày 12/6/2018 của Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn: moj.gov.vn/dtvb/pagis/chi-tiet.aspx?itemid=479.