Pháp luật điều chỉnh tất cả lĩnh vực, các mối quan hệ trong đời sống xã hội, chính vì vậy công tác tuyên truyền, PBGDPL cũng phải được thực hiện ở tất cả các lĩnh vực, các mối quan hệ trong đời sống xã hội. Theo Điều 10 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 quy định về nội dung PBGDPL gồm: (i) Quy định của Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là các quy định của pháp luật về dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, lao động, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, giao thông, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; (ii) Các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế; (iii) Ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật. Bởi vậy, khi thực hiện tuyên truyền, PBGDPL về một hoặc một số nội dung pháp luật, cần xem xét đến một số yếu tố khác có liên quan mật thiết, có tác động rõ nét đến hiệu quả tuyên truyền, đó là:
- Đối tượng được tuyên truyền có phù hợp hay không (cán bộ, công chức, thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, phụ nữ, ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số, nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính…). Đa số các văn bản pháp luật có đối tượng, phạm vi điều chỉnh rộng, nhưng cũng có một số văn bản điều chỉnh đối với một nhóm đối tượng, quan hệ xã hội nhất định.
- Nội dung tuyên truyền, PBGDPL cũng phải phù hợp với thời điểm, tình hình thực tế, xu thế hiện tại. Ví dụ, trong thời điểm Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nội dung tuyên truyền tập trung vào các quy định về Luật Biển Việt Nam, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Hàng hải hoặc thời điểm Quốc hội vừa thông qua các văn bản luật…
- Nội dung pháp luật phù hợp với địa bàn triển khai tuyên truyền. Việc lựa chọn nội dung tuyên truyền ngay trong một văn bản luật cũng rất quan trọng, không phải tất cả các quy định trong văn bản ấy đều được nói hết trong một buổi tuyên truyền, những quy định sát sườn với người dân được ưu tiên lựa chọn như: Quyền và nghĩa vụ; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; những hành vi bị nghiêm cấm, quy tắc xử sự trong từng mối quan hệ chế tài xử lý… Kinh nghiệm rút ra từ các đợt tuyên truyền là những người được tuyên truyền sẽ nghe những gì họ cần chứ không phải nghe những hiểu biết, kiến thức mà báo cáo viên pháp luật có. Ngoài ra, trong trường hợp địa bàn tuyên truyền đang xảy ra những “điểm nóng” cần được sớm giải tỏa, ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trong địa bàn thì việc lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp là hết sức cần thiết. Thực tế trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những “điểm nóng” về khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, đền bù, giải tỏa… có nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung là người dân chưa hiểu rõ những quy định pháp luật đất đai, khiếu nại, tiếp công dân… dẫn đến bức xúc lan tỏa. Báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật khi được giao nhiệm vụ triển khai tại các địa bàn này cần chọn lọc những nội dung cốt yếu để giải quyết vấn đề nêu trên.
2. Đa dạng về hình thức, cách thức thực hiện
Để những quy định pháp luật trở nên mềm mại, linh hoạt, người dân dễ tiếp cận và nắm bắt, thì việc lựa chọn hình thức, cách thức thực hiện là quan trọng. Thuật ngữ pháp luật luôn mang tính khô khan và khó hiểu, nên việc tuyên truyền miệng kết hợp với hình ảnh minh họa, dẫn chứng cụ thể bằng trực quan sinh động luôn đem lại hiệu quả cao hơn, gây sự chú ý và nhớ lâu cho đối tượng tuyên truyền. Mặt khác, hiện nay ở các địa phương, các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng đã bắt đầu có lồng ghép nội dung pháp luật, các cuộc họp của các cơ quan cũng dành một phần nội dung pháp luật, thực hiện sinh hoạt Ngày Pháp luật hàng tháng, các câu lạc bộ pháp luật của phụ nữ, nông dân, thanh niên cũng từ đó mà hình thành…
Theo Điều 11 của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, hình thức PBGDPL có thể được thực hiện thông qua họp báo, thông cáo báo chí; phổ biến pháp luật trực tiếp; tư vấn, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật; cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh, internet, pa-nô, áp phích, tranh cổ động; đăng tải trên công báo; đăng tải thông tin pháp luật trên Trang thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở, bảng tin của cơ quan, tổ chức, khu dân cư; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật; thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hoạt động khác của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, hòa giải ở cơ sở; lồng ghép trong hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp luật và các thiết chế văn hóa khác ở cơ sở; thông qua chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân...
Trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch, đề án về PBGDPL, mỗi đề án áp dụng cho những đối tượng khác nhau, lĩnh vực khác nhau, địa bàn khác nhau và do nhiều cơ quan khác nhau thực hiện. Các hình thức tuyên truyền theo quy định hầu hết đã được áp dụng một cách hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với từng nội dung pháp luật, từng đối tượng, từng địa bàn, từng hoàn cảnh, điều kiện của mỗi cơ quan. Các hình thức chủ yếu được thực hiện là tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền trực tiếp, xây dựng pa-nô, áp phích, sinh hoạt các câu lạc bộ pháp luật, sinh hoạt Ngày Pháp luật, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ở cơ sở, hình thức PBGDPL hiệu quả là thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, đài truyền thanh, các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư…
3. Đa dạng về người làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
Theo thống kê, hiện nay ở Quảng Ngãi, đội ngũ cán bộ quản lý về công tác tuyên truyền, PBGDPL hiện có 474 người. Về trình độ chuyên môn, có 294 người được đào tạo về chuyên ngành luật (14 người sau đại học; 129 người cao đẳng, đại học; 151 người trung cấp) và 180 người được đào tạo các chuyên ngành khác. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật trên địa bàn tỉnh hiện nay có 137 báo cáo viên cấp tỉnh, 189 báo cáo viên cấp huyện và 850 tuyên truyền viên pháp luật, 9.099 hòa giải viên ở cơ sở...[1] Hàng năm, đội ngũ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL được tập huấn nhiều đợt để nâng cao, bồi dưỡng kiến thức pháp luật theo các chương trình, đề án của trung ương, của tỉnh.
Cho đến thời điểm này, đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh rất đa dạng, ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Lực lượng này không chỉ là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang nhân dân, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật mà còn bao gồm những người có uy tín, kiến thức, am hiểu về pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở, giáo viên giảng dạy môn giáo dục công dân trong nhà trường hoặc thậm chí bao gồm cả những người đã được dự tập huấn, triển khai các văn bản pháp luật đều có thể trở thành tuyên truyền viên pháp luật tại địa phương, cộng đồng dân cư.
Có thể khẳng định, sự đa dạng trong công tác tuyên truyền, PBGDPL đã làm nên hiệu quả, chất lượng của công tác này. Điều quan trọng có tính chất quyết định là cơ quan, người thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL phải biết chọn lựa, kết hợp một cách phù hợp sự đa dạng ấy trong những trường hợp, điều kiện cụ thể; biết kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo giữa các hình thức tuyên truyền, PBGDPL, giữa hình thức và nội dung tuyên truyền, PBGDPL, đồng thời chú ý đến đối tượng tuyên truyền để lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp, đó là điểm mấu chốt đem lại hiệu quả thực sự trong công tác tuyên truyền, PBGDPL.
Phạm Thị Thanh Ngọc
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi