Sự phát triển của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) và ứng dụng của nó vào đời sống thực tế đã và đang làm thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống. Nhiều người coi đây là “một cuộc cách mạng”. Nghề luật sư không nằm ngoài xu thế này. Tập đoàn đầu tư Goldman Sachs ước tính khoảng 44% công việc luật sư sẽ được tự động hóa bởi AI. Khảo sát của Thomson Reuters cho thấy, hơn 67% các luật sư được khảo sát cho rằng, các công cụ AI và AI tự tạo nội dung/tạo sinh (generative AI như ChatGPT, Gemini, Claude...) sẽ có tác động mang tính thay đổi bản chất hay ít nhất là tác động sâu sắc đến nghề luật sư trong 05 năm tới. Việc phát triển và sử dụng các công cụ AI đang đặt ra các thách thức mới về vấn đề: Tuân thủ pháp luật hiện hành (khi phát triển hay sử dụng một công cụ AI) và sửa đổi các quy định của pháp luật (để điều chỉnh hành vi phát triển hay sử dụng công cụ AI). Các lĩnh vực pháp luật chính cần được tuân thủ và/hoặc sửa đổi khi phát triển hay sử dụng công cụ AI, bao gồm sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, an toàn thông tin mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong khía cạnh nghề luật sư còn bao gồm nội dung tuân thủ nghĩa vụ nghề nghiệp được nêu tại các văn bản pháp luật và các quy định nội bộ của nghề nghiệp luật sư, như Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp. Nói cách khác, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư cũng cần được rà soát để xem có cần sửa đổi, bổ sung nhằm điều chỉnh hành vi phát triển và/hoặc sử dụng công cụ AI của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư hay không.
Về vấn đề này, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật trân trọng giới thiệu bài viết “Sự phát triển của các công cụ trí tuệ nhân tạo và nghề luật sư” trong ấn phẩm 200 trang “Hoàn thiện pháp luật về luật sư tại Việt Nam”, xuất bản năm 2024.
Kính mời độc giả nghiên cứu nội dung bài viết tại file đính kèm: