Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được hoàn thiện như: Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998 (Pháp lệnh) và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế, chính sách cho công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó có quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên; năng lực của đội ngũ hòa giải viên nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả hòa giải ở một số địa phương; việc khen thưởng, chế độ đãi ngộ, thù lao đối với hòa giải viên chưa được ghi nhận; chính sách hỗ trợ về kinh phí cho hoạt động của Tổ hòa giải chưa được quy định, do đó, hoạt động của tổ hòa giải gặp nhiều khó khăn; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở chưa được quy định rõ, việc phân định trách nhiệm và cơ chế phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan Tư pháp từ Trung ương đến địa phương không rõ ràng, dẫn đến tình trạng nhiều nơi cho rằng công tác hòa giải ở cơ sở là công việc, trách nhiệm của ngành Tư pháp; trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan trong hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa được quy định; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải còn chung chung.
Do vậy, trong công cuộc đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy dân chủ, xuất phát từ vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đối với đời sống xã hội, từ tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua và thực trạng pháp luật hiện hành về lĩnh vực này, các chuyên gia pháp luật cho rằng, việc ban hành Luật Hòa giải cơ sở sẽ đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống khi mà các mâu thuẫn và tranh chấp trong nhân dân ngày càng tăng và rất đa dạng, do đó, cần xây dựng khung pháp lý cao hơn nhằm điều chỉnh hoạt động hòa giải ở cơ sở, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân.
Từ các vấn đề thực tiễn nêu trên, việc ban hành Luật Hòa giải ở cơ sở là hết sức cần thiết. Ngày 20/6/2013, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 5 đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở (Luật), Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014, bao gồm 5 chương, 33 điều quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên, tổ hòa giải; hoạt động hòa giải ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Dưới đây là một số điểm mới của Luật so với Pháp lệnh:
Thứ nhất, về phạm vi hòa giải ở cơ sở
Đây là điểm mới quan trọng của Luật so với Pháp lệnh trước đây. Luật quy định phạm vi hoà giải ở cơ sở theo hướng loại trừ, chỉ quy định các trường hợp không được hòa giải. Phạm vi hòa giải ở cơ sở được quy định với yêu cầu bảo đảm các vấn đề sau: Việc hòa giải ở cơ sở không được ảnh hưởng đến quá trình cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật, không được lợi dụng hòa giải ở cơ sở để trốn tránh trách nhiệm hành chính, hình sự.
Đối tượng của hòa giải được quy định tại Điều 3 của Luật, quy định việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau: Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải. Điều đó có nghĩa là, đối tượng hòa giải ở cơ sở là các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm mà theo quy định của pháp luật chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính; hòa giải ở cơ sở nhằm góp phần giảm nguy cơ phát sinh phức tạp từ các tranh chấp, mâu thuẫn; hướng đến xây dựng lối sống văn hóa, chia sẻ, đoàn kết trong cộng đồng dân cư; hạn chế các vụ, việc phải đưa đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Thứ hai, về tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên
Các quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên; thủ tục bầu, công nhận hòa giải viên và các trường hợp thôi làm hòa giải viên trong Luật cũng có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh trước đây.
Hòa giải viên là những người trực tiếp thực hiện hoạt động hòa giải và là trung tâm của hoạt động này. Luật quy định các tiêu chuẩn cơ bản của hòa giải viên người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn: Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.
Ngoài ra, Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ hòa giải và các quyền, nghĩa vụ của tổ trưởng tổ hòa giải. Bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của hòa giải viên, trong đó có quyền được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở; được hưởng thù lao khi thực hiện vụ, việc hòa giải; được khen thưởng; được hỗ trợ, tạo điều kiện để khắc phục hậu quả nếu gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải… cũng như một số nghĩa vụ cho phù hợp với tình hình mới, khắc phục hạn chế, bất cập của đội ngũ hòa giải viên hiện nay. Luật bỏ quy định về nhiệm kỳ của hòa giải viên nhưng quy định về thời điểm để kiện toàn tổ chức hòa giải ở cơ sở theo hướng hằng năm rà soát, đánh giá về tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải.
Việc quy định nhiều quyền lợi của hòa giải viên hơn so với Pháp lệnh xuất phát từ vai trò, ý nghĩa của hoạt động hòa giải cơ sở thời gian qua, đồng thời khẳng định những đóng góp không nhỏ của hòa giải viên trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư.
Thứ ba, về tổ hòa giải
Một điểm mới trong Luật là đưa vấn đề bình đẳng giới vào nguyên tắc hoạt động hòa giải. Theo đó công tác hòa giải phải bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động. Nguyên tắc này nhằm thực hiện pháp luật bình đẳng giới, đồng thời khắc phục tình trạng có nơi, có lúc còn phân biệt đối xử về giới trong thực tiễn hoạt động hòa giải: Luật bổ sung quy định về thành phần tổ hòa giải phải có hòa giải viên nữ. Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tổ hòa giải cần có hòa giải viên là người dân tộc thiểu số; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định số lượng tổ hòa giải, hòa giải viên trong một tổ hòa giải căn cứ vào đặc điểm, tình hình kinh tế - xã hội, dân số của địa phương và đề nghị của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.
Thứ tư, về chính sách của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở
Với chủ trương khuyến khích cá nhân tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở, xây dựng đội ngũ hòa giải viên có chất lượng, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ. Các tiêu chuẩn quy định trong Luật về cơ bản đã thể hiện bao quát các yêu cầu trên cũng như tạo sự linh hoạt trong quá trình bầu, lựa chọn hòa giải viên. Luật đã kế thừa các quy định về bầu hòa giải viên trong Pháp lệnh và sửa đổi một số quy định nhằm đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, thể hiện rõ hơn bản chất của hòa giải ở cơ sở là hoạt động xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, do nhân dân thực hiện.
Hơn nữa, theo quy định tại Điều 8 của Luật, hòa giải viên do chính người dân ở cơ sở tiến hành bầu, lựa chọn theo đúng tiêu chuẩn quy định, được sự đồng thuận và ủng hộ tối đa của người dân. Việc chủ trì, tổ chức thực hiện bầu hòa giải viên do Trưởng ban công tác Mặt trận tiến hành cùng với sự phối hợp của trưởng thôn, tổ trưởng dân phố. Luật quy định cụ thể hình thức tổ chức bầu hòa giải viên thông qua việc tổ chức cuộc họp đại diện các hộ gia đình hoặc phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố. Người được bầu làm hòa giải viên phải được trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố đồng ý. Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách người được đề nghị công nhận là hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để ra quyết định công nhận hòa giải viên. Quyết định công nhận hòa giải viên được gửi cho Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, hòa giải viên và thông báo công khai ở thôn, tổ dân phố.
Với quy định trên, khi người dân trực tiếp tham gia bầu hòa giải viên, nếu có mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, họ cũng dễ dàng chấp nhận hoặc tự nguyện nhờ hòa giải viên tiến hành hoà giải; hòa giải viên sẽ dễ dàng tiếp cận các bên để tìm hiểu thông tin, phân tích, hướng dẫn các bên tự nguyện hòa giải với nhau hoặc thoả thuận được về việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh. Thông qua việc bầu hoà giải viên sẽ giúp cho hòa giải viên nhận thức được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc hòa giải ở cơ sở, từ đó có ý thức nâng cao trách nhiệm của mình. Qua hoạt động bầu hòa giải viên sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân, tạo điều kiện để người dân tham gia, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Thứ năm, về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải
Một số điểm được cho là tiến bộ trong luật cũng có liên quan đến vai trò, trách nhiệm của hòa giải viên, cụ thể như quy định quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình hòa giải, phân công hòa giải viên, người được mời tham gia hòa giải; hòa giải giữa các bên; trách nhiệm thực hiện hòa giải thành của các bên, quy định rõ hơn quy trình hòa giải, bảo đảm tính linh hoạt trong hoạt động hòa giải, phát huy vai trò chủ động của hòa giải viên trong việc đôn đốc, theo dõi việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành.
Điều 17 của Luật quy định các bên có quyền lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải; đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải; yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai; được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải. Luật bổ sung quy định mới này nhằm bảo đảm cho việc thực hiện kết quả hòa giải được hiệu quả, thiết thực.
Thứ sáu, về căn cứ tiến hành hòa giải
Điều 16 của Luật quy định căn cứ tiến hành hòa giải như sau: “Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải; hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải; theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”. Quy định như vậy là nhằm đề cao tính tự nguyện, chủ động của các bên khi có nhu cầu hoà giải mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Thứ bảy, về hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở
Đây là điểm mới nổi bật so với Pháp lệnh và là một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm hiệu quả cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Điều 6 của Luật quy định: “Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc và hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở”.
Ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở. Nhà nước có chính sách để phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở, thể hiện đúng bản chất của hòa giải ở cơ sở là tự nguyện, tự quản. Đặc biệt, Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đối với việc tham gia quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở; vận động tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở; phối hợp kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng về hòa giải ở cơ sở.
Hòa giải ở cơ sở với tính chất là hoạt động tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư. Nhà nước chỉ thực hiện quản lý và hỗ trợ cho công tác này. Nếu Nhà nước bao cấp hoàn toàn cho hoạt động này thì sẽ làm mất đi tính xã hội hóa, tính tự nguyện, tự quản, đi ngược lại với bản chất của hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Sự ra đời của Luật là một bước tiến quan trọng cho hoạt động hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết tranh chấp trong cộng đồng dân cư, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác này. Do vậy, cần từng bước kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện và thống nhất về tổ chức, hoạt động của Tổ hòa giải trong cộng đồng dân cư; phát hiện và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ thuộc phạm vi hòa giải; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ theo dõi, hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên. Qua đó, góp phần giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.
Tài liệu tham khảo:
1. Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở năm 1998;
2. Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;
3. Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013.
Minh Minh