Theo dõi thi hành pháp luật là một nhiệm vụ mới được giao cho các ngành, các cấp chính quyền. Để triển khai nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1987/QĐ-TTg ngày 30/11/2009 về phê duyệt Đề án “Triển khai thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật”. Đây là Đề án thực hiện thí điểm ở một số bộ, ngành, địa phương mà Hà Nội là một trong 06 địa phương được chọn tổ chức triển khai thí điểm công tác này. Ngày 23/7/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện việc theo dõi thi hành pháp luật một cách toàn diện và thống nhất. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác này vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định mà nguyên nhân chủ yếu là do đây vẫn là một nhiệm vụ mới, có tính chất phức tạp, có phạm vi rộng. Để nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật trên toàn quốc nói chung và trên địa bàn TP. Hà Nội nói riêng, thì việc phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội là thực sự cần thiết. Nhằm giúp độc giả tìm hiểu thêm về yêu cầu đặt ra cũng như đề xuất, kiến nghị về sự tham gia của các tổ chức này trong công tác theo dõi thi hành pháp luật, tác giả Tống Thị Thanh Nam – Sở Tư pháp TP. Hà Nội đã có bài viết “Sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong công tác theo dõi thi hành pháp luật tại địa phương” đăng trên Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 64 trang tháng 4/2014. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Hà Phương