Trong bài viết này, tác giả quan tâm đến các biện pháp bảo đảm bằng tài sản, phân tích nội dung và mức độ về khả năng tác động vào tài sản bảo đảm của chủ thể có quyền theo Bộ luật Dân sự năm 2015, nói các khác là sự vận dụng lý thuyết vật quyền trong quan hệ bảo đảm này. Tuy nhiên, trong bản thân mối quan hệ này, chúng ta sẽ thấy yếu tố trái quyền của quan hệ, bởi vốn dĩ vật quyền và trái quyền là hai mặt đối lập của sự việc. Khi xây dựng quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến vật (tài sản), nếu đặt nặng yếu tố trái quyền thì yếu tố vật quyền sẽ mờ nhạt và ngược lại. Đối chiếu với những quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, có thể thấy rằng, bên cạnh những mặt tích cực, hiện đại, Bộ luật này chưa thể hiện mạnh mẽ tính chất vật quyền đối với một số quy định liên quan đến bảo đảm nghĩa vụ. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và vận dụng lý thuyết vật quyền trong các quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm cần tiếp tục thực hiện nhằm tận dụng ưu điểm của học thuyết, bảo vệ tốt hơn quyền của các bên trong quan hệ bảo đảm.
1. Vật quyền trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
Trong quan niệm Latinh, vật quyền (jus in re) được hiểu là quyền được chủ thể (người có quyền) thực hiện trực tiếp và tức thì trên một vật mà không cần vai trò trung gian của một người khác[1]. Tính chất trực tiếp và tức thì của việc thực hiện vật quyền được thể hiện ngay trong cách thức tác động bằng hành vi vật chất (và cả hành vi pháp lý) của chủ thể lên đối tượng của quyền. Quan hệ vật quyền được xác lập trên nguyên tắc giải quyết mối quan hệ giữa hai yếu tố: Chủ thể của quyền (con người) và đối tượng của quyền (tài sản).
Quan hệ vật quyền trong quan hệ bảo đảm cho phép chủ thể có quyền “áp đặt” quyền của mình lên tài sản, mà không cần đến sự đồng ý hoặc không đồng ý của chủ thể khác. Đây chính là sự khác biệt cơ bản giữa vật quyền với quan hệ trái quyền (trong quan hệ trái quyền thì quyền của chủ thế này đồng thời là nghĩa vụ của chủ thể khác).
Trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, quyền ưu tiên và quyền truy đòi (quyền theo đuổi) là hai vật quyền tiêu biểu của bên nhận bảo đảm đối với vật bảo đảm (tài sản bảo đảm). Quyền theo đuổi là quyền của chủ thể có thể tác động vào tài sản bảo đảm ngay cả khi tài sản không còn nằm trong tay bên bảo đảm. Chẳng hạn, đối với vật quyền là quyền theo đuổi, chủ sở hữu tài sản thế chấp (ngay cả chủ sở hữu này không phải là bên thế chấp) phải tôn trọng quyền kê biên tài sản của chủ nợ nhận thế chấp[2]. Quyền ưu tiên là quyền được thanh toán trước các chủ nợ khác, ví dụ, chủ nợ nhận thế chấp có quyền nhận tiền thu được từ việc bán tài sản thế chấp để trừ nợ trước các chủ nợ thường… Đây là một dạng quyền năng hạn chế đối với vật, các quyền năng này chỉ phát huy tác dụng trong những trường hợp được ghi nhận trong luật và được thực hiện theo những thể thức nghiêm ngặt.
Vật quyền trong quan hệ bảo đảm nghĩa vụ có những đặc điểm cụ thể sau đây:
Thứ nhất, vật quyền trong quan hệ bảo đảm luôn xuất hiện song song với quan hệ nghĩa vụ bởi mục đích của vật quyền được đặt ra là nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Do đó, chủ thể của vật quyền trong quan hệ bảo đảm cũng chính là bên có quyền trong quan hệ bảo đảm. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng là điều kiện bên có vật quyền có quyền tác động vào tài sản bảo đảm để thỏa mãn lợi ích cho mình.
Thứ hai, khi xác lập vật quyền đối với tài sản, mục đích chính của chủ thể có quyền không phải hướng tới thực hiện nội dung của vật quyền mà là sự an toàn lợi ích của chính mình trong quan hệ với chủ thể có nghĩa vụ khi bị vi phạm. Đối tượng của vật quyền trong quan hệ bảo đảm là các tài sản được pháp luật cho phép là đối tượng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Đối với các vật quyền khác, sự quan tâm chính yếu của chủ thể mang quyền là đối với tài sản, đối với chủ thể có vật quyền đối với tài sản bảo đảm thì sự quan tâm chính yếu là giá trị kinh tế của tài sản.
Thứ ba, vật quyền đối với tài sản bảo đảm chỉ được thực hiện khi thỏa mãn những điều kiện nhất định. Bởi vật quyền đối với tài sản bảo đảm được sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ nên việc tác động trực tiếp vào tài sản (xử lý) chỉ được thực hiện khi thỏa mãn những điều kiện nhất định như: Bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ như đã thỏa thuận… Do đó, quy định về bảo đảm quyền của chủ thể có vật quyền cũng như chủ sở hữu tài sản này được ghi nhận cụ thể và nghiêm ngặt như phải thông qua bán đấu giá tài sản chẳng hạn.
Thứ tư, vật quyền đối với tài sản bảo đảm cho phép chủ thể thực hiện quyền của mình đối với tài sản ngay cả khi tài sản đó đang thuộc chủ thể khác chiếm hữu (gọi là quyền theo đuổi), theo Điều 297 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền này được gọi là quyền truy đòi. Ví dụ, bên nhận thế chấp có quyền đối với tài sản thế chấp nhưng người giữ tài sản thế chấp lại chính là chủ sở hữu tài sản thế chấp. Chủ nợ được phép thực hiện quyền đối với giá trị tiền tệ của tài sản bảo đảm, chứ không phải đối với quyền sở hữu tài sản đó. Chủ thể có vật quyền được phép thực hiện quyền của mình trên vật bất kể vật nằm trong tay ai.
Thứ năm, vật quyền đối với tài sản bảo đảm cho phép bên có quyền “chống lại” các chủ thể khác có liên quan đến tài sản bảo đảm (gọi là quyền đối kháng). Điều này có nghĩa, khi vật quyền đối với tài sản bảo đảm đã được công khai với bên thứ ba (thông qua cơ chế đăng ký hoặc chiếm giữ, nắm giữ tài sản) thì quyền ưu tiên chính thức được xác lập lên tài sản mà không phụ thuộc vào ý chí của chủ thể nhận bảo đảm sau[3].
2. Đánh giá một số quy định về bảo đảm nghĩa vụ dưới góc độ vật quyền
Vật quyền được xác lập trên tài sản bảo đảm dựa theo ý chí của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Trong số các biện pháp bảo đảm đối vật như thế chấp, cầm cố, cầm giữ tài sản thì vật quyền đối với tài sản bảo đảm được xác lập là do sự thỏa thuận của các bên thông qua hợp đồng bảo đảm. Khác hơn thế chấp, cầm cố là những biện pháp bảo đảm được xác lập trên cơ sở thỏa thuận, biện pháp cầm giữ tài sản thì vật quyền được xác lập cho bên cầm giữ tài sản trên cơ sở là một dạng đặc quyền do luật định. Đồng thời, trong nội dung của mỗi biện pháp bảo đảm đối vật, quyền của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm có sự khác nhau. Chẳng hạn, đối với biện pháp cầm cố, hoặc cầm giữ tài sản, tài sản bảo đảm do bên nhận bảo đảm nắm giữ, tuy nhiên, đối với biện pháp thế chấp, tài sản thế chấp vẫn thuộc sự chiếm giữ và khai thác của bên bảo đảm, bởi đây là biện pháp bảo đảm không chuyển giao tài sản từ bên bảo đảm cho bên nhận bảo đảm.
2.1. Nội dung vật quyền trong biện pháp cầm cố
Vật quyền đối với tài sản cầm cố được xác lập trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng cầm cố tài sản. Theo Điều 309 Bộ luật Dân sự năm 2015, thì cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố là bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ chính và biện pháp cầm cố là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ nghĩa vụ chính này. Khi thực hiện việc cầm cố, bên cầm cố phải giao tài sản bảo đảm cho bên nhận cầm cố hoặc cho người thứ ba theo thỏa thuận của các bên. Do đó, biện pháp cầm cố tài sản là biện pháp tạo ra vật quyền trọn vẹn cho bên nhận cầm cố, bởi bên nhận cầm cố được trực tiếp nắm giữ tài sản cầm cố và được quyền chi phối trực tiếp đối với tài sản cầm cố đó. Vật quyền trong cầm cố có thể được xác lập trên cả tài sản phải đăng ký và tài sản không phải đăng ký, trên cả động sản và bất động sản. Thời điểm phát sinh vật quyền của bên nhận cầm cố phụ thuộc vào thời điểm có hiệu lực của hợp đồng và hiệu lực đối kháng với bên thứ ba. Khi hợp đồng cầm cố có hiệu lực sẽ phát sinh vật quyền đối với tài sản cầm cố với bên cầm cố, hoặc phát sinh hiệu lực đối với mọi chủ thể khi hợp đồng cầm cố phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba. Trong quan hệ cầm cố, hiệu lực đối kháng với bên thứ ba phát sinh khi từ thời điểm bên nhận cầm cố nắm giữ tài sản, trong trường hợp tài sản cầm cố là bất động sản thì hiệu lực đối kháng phát sinh từ thời điểm đăng ký (Điều 310 Bộ luật Dân sự năm 2015). Nắm giữ tài sản ở đây cần hiểu là nắm giữ thực tế vật, không phải nắm giữ về mặt pháp lý. Bởi lẽ, khi chuyển giao tài sản cầm cố là động sản chính là việc chuyển giao trực tiếp tài sản, nên sẽ hợp lý để làm cơ sở cho việc xác định hiệu lực đối kháng. Sự phân định giữa thời điểm giao dịch có hiệu lực giữa các bên và thời điểm có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba là một điểm rất tiến bộ của Bộ luật Dân sự năm 2015, điều này cho phép xác định vật rõ vật quyền đối với tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm trong những trường hợp cụ thể.
Xét về vật quyền là quyền quản lý và sử dụng đối với tài sản cầm cố, trong quan hệ cầm cố, khi hợp đồng cầm cố có hiệu lực, bên nhận cầm cố có quyền quản lý tài sản cầm cố, đồng thời nếu được bên cầm cố đồng ý, bên nhận cầm cố có quyền sử dụng tài sản cầm cố. Có thể thấy, vật quyền quản lý được xác lập cho bên nhận cầm cố, nhưng quyền sử dụng tài sản lại mang yếu tố trái quyền, bởi bên nhận bảo đảm chỉ được thực hiện quyền này khi có sự đồng ý của bên bảo đảm.
2.2. Nội dung vật quyền trong biện pháp thế chấp
Điều 317 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp). Cũng như biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản nhằm bảo đảm cho bên có nghĩa vụ trong nghĩa vụ chính phải thực hiện nghĩa vụ. Điểm khác biệt giữa thế chấp tài sản với cầm cố tài sản chính là không có hành vi giao tài sản bảo đảm từ bên thế chấp sang bên nhận thế chấp.
Trong biện pháp thế chấp, tài sản vẫn do bên thế chấp nắm giữ và khai thác mà không chuyển giao cho bên nhận thế chấp. Với quy định hiện hành, khi nghĩa vụ chính bị vi phạm (nghĩa vụ được bảo đảm bởi tài sản), bên nhận thế chấp cũng không được phép tác động trực tiếp lên tài sản, không thể thu giữ tài sản mà chỉ có quyền yêu cầu bên thế chấp hoặc bên thứ ba đang giữ tài sản giao tài sản cho mình xử lý. Tức là nếu bên thế chấp hoặc bên thứ ba không giao tài sản cho mình xử lý thì chủ thể này chỉ có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bên vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ mà không thể thực hiện các quyền đương nhiên của họ đối với tài sản bảo đảm (xem Điều 323 Bộ luật Dân sự năm 2015). Nói cách khác, bên nhận thế chấp không được phép tự cưỡng đoạt tài sản thế chấp nếu bên thế chấp hoặc người thứ ba không giao tài sản. Trước đó, Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm (Nghị định số 163/2006/NĐ-CP) đã từng cho phép bên nhận thế chấp có quyền thu giữ tài sản sau khi thông báo trước cho người giữ tài sản trong khoản thời gian hợp lý. Nghị định số 163/2006/NĐ-CP cũng đưa ra giải pháp về quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân xã và cơ quan công an hỗ trợ cho việc thu giữ an toàn và trật tự. Tuy nhiên, cơ chế này cũng chưa được thực thi trên thực tế, bộ máy chính quyền và an ninh địa phương chưa thể được huy động để can thiệp vào quan hệ dân sự mang tính bình đẳng, tự thỏa thuận và định đoạt giữa các bên. Chính vì thế, để trực tiếp thu giữ tài sản, rõ ràng bên nhận bảo đảm rất khó để tự mình thu giữ tài sản bởi tự họ không thể cưỡng chế để thu giữ, vì vậy, nếu cần dùng sức mạnh cưỡng chế có khả năng dẫn đến sự lạm dụng dùng xã hội đen để thu giữ tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Có lẽ vì thế mà Bộ luật Dân sự năm 2015 đã không còn ghi nhận quyền thu giữ tài sản của bên nhận bảo đảm, theo đó, Điều 301 quy định: Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Tuy nhiên, với tình hình nợ xấu gia tăng, cộng thêm sự chây ỳ của bên bảo đảm trong việc giao tài sản cho bên nhận bảo đảm để xử lý đã gây rất nhiều khó khăn cho các ngân hàng thương mại trong thời gian qua, với việc không ghi nhận quyền thu giữ tài sản thì khả năng thực hiện xử lý tài sản đối với các khoản nợ xấu càng khó khăn hơn. Gần đây, Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn về vấn đề thực hiện thu giữ tài sản thế chấp để xử lý, theo đó Tòa án sẽ thực hiện thủ tục xét xử rút gọn đối với những tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm với bên nắm giữ tài sản bảo đảm, qua đó phần nào giảm được thời gian cho bên nhận thế chấp thay vì xét xử theo thủ tục thông thường. Qua phán quyết của Tòa án, bên nhận thế chấp thông qua cơ chế thi hành án để thu giữ tài sản và xử lý tài sản bảo đảm[4]. Có thể nói, quy định này nhất thời có thể giải quyết được vấn đề, nhưng vẫn chưa bảo vệ tốt nhất quyền lợi của bên nhận bảo đảm. Quyền thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý là một vật quyền quan trọng, có thể nói việc không thể trực tiếp thu giữ tài sản bảo đảm mà phải thông qua tố tụng ảnh hưởng không nhỏ đến bên nhận bảo đảm, tốn thời gian và công sức cho họ. Do vậy, nên chăng chúng ta vẫn cho phép thu giữ tài sản là động sản với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về an ninh, trật tự và được xem như là một dịch vụ công, có chi phí cho dịch vụ này. Chi phí này được tính vào chi phí thu giữ tài sản và được khấu trừ vào tài sản bảo đảm. Bộ luật Dân sự năm 2015 dù không ghi nhận quyền trực tiếp thu giữ tài sản nhưng cũng không có quy định cấm việc trực tiếp thu giữ tài sản, và giao tài sản để xử lý được quy định là nghĩa vụ của bên bảo đảm. Do vậy, nếu văn bản hướng dẫn theo quan điểm trên cũng không thể nói là trái luật.
Đối với quan hệ thế chấp cũng như cầm cố tài sản, trong số các vật quyền, việc ghi nhận và bảo đảm quyền truy đòi và quyền ưu tiên thanh toán là những quyền quan trọng, được xem quyền xương sống trong quan hệ bảo đảm. Tuy nhiên, việc vận dụng lý thuyết vật quyền theo pháp luật Việt Nam chưa triệt để. Nếu như ở nhiều nước trên thế giới, trong quan hệ bảo đảm, do tài sản bảo đảm chưa chuyển giao quyền sở hữu cho bên nhận bảo đảm và tài sản này hoàn toàn có thể chuyển giao cho các chủ thể khác, ngoài ý chí của chủ thể nhận bảo đảm (ví dụ, Bộ luật Dân sự Pháp cho phép bên bảo đảm được chuyển nhượng tài sản đã sử dụng để bảo đảm nghĩa vụ). Bởi lẽ, để bảo đảm quyền lợi, chủ thể mang quyền trong quan hệ bảo đảm không thể trông chờ vào sự hợp tác hay thiện chí của bên thứ ba mà phải có cơ chế vững chắc cho họ quyền đối với tài sản bảo đảm, bất kể tài sản đó ở đâu và thuộc quản lý của chủ thể này[5]. Tuy nhiên, Việt Nam có quy định khác hơn, thay vì cho phép bên nhận bảo đảm tự do chuyển nhượng tài sản thì luật lại hạn chế quyền định đoạt của chủ thể bảo đảm[6] và một khi chủ thể bảo đảm định đoạt tài sản trái quy định pháp luật, lúc bấy giờ quyền theo đuổi của bên nhận bảo đảm còn bị chi phối bởi các quy định về đòi lại sản liên quan đến giao dịch vô hiệu, điều này đôi khi tạo nên sự phức tạp khi giải quyết quyền lợi liên quan đến các chủ thể.
Ngoài ra, đối với các quyền khác đối với tài sản, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận quyền được chuyển giao đối với quyền bề mặt, có nghĩa chủ thể có quyền bề mặt cũng có thể cầm cố, thế chấp quyền bề mặt để bảo đảm nghĩa vụ, có thể hiểu đây là một quy định ngoại lệ liên quan đến bảo đảm nghĩa vụ, bởi quyền bề mặt vốn là một quyền đối với tài sản, không là một dạng tài sản. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự không có quy định nào liên quan đến giao dịch bảo đảm có đối tượng là quyền bề mặt. Quyền và nghĩa vụ các bên trong quan hệ bảo đảm, đặc biệt là vấn đề xử lý đối tượng bảo đảm khi bên bảo đảm không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ. Thiết nghĩ, trong thời gian tới cần có hướng dẫn cụ thể các vấn đề trên.
2.3. Nội dung vật quyền trong biện pháp cầm giữ tài sản
Cầm giữ là một dạng vật quyền trong quan hệ bảo đảm được ghi nhận tại Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”. Theo quy định này, thì cầm giữ là quyền của bên mang quyền trong hợp đồng song vụ. Quyền cầm giữ tài sản phát sinh khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Do đó, có thể thấy quyền cầm giữ là quyền phát sinh trên cơ sở luật định mà không từ sự thỏa thuận của các bên.
Theo Điều 346 Bộ luật Dân sự năm 2015, đối tượng của cầm giữ tài sản phải là tài sản và là đối tượng của hợp đồng song vụ. Tuy nhiên, luật chuyên ngành có một số quy định khác, không chỉ là đối tượng của hợp đồng song vụ mà có thể là bất kỳ tài sản nào có thể cầm giữ. Bên cạnh đó, tài sản cầm giữ có thể là tài sản thuộc sở hữu của bên vi phạm khác, cũng có thể là tài sản của người khác[7]. Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng không khẳng định nhưng cũng không buộc tài sản bị cầm giữ là tài sản của bên có nghĩa vụ vi phạm, đồng thời các luật chuyên ngành cũng có những quy định cụ thể về vấn đề này, thậm chí tài sản đó có thể là đối tượng của biện pháp bảo đảm[8].
Xét về bản chất, cầm giữ tài sản theo Bộ luật Dân sự năm 2015 mang các đặc trưng quan trọng của một biện pháp bảo đảm. Bởi vì bên cầm giữ tài sản có quyền nắm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ để buộc bên có nghĩa vụ thanh toán các nghĩa vụ đã đến hạn. Tuy nhiên, quyền chi phối và các quyền khác đối với tài sản lại không đầy đủ. Cụ thể, quyền khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức lại phụ thuộc vào bên có nghĩa vụ. Do đó, ở khía cạnh này, quyền khai thác tài sản bị cầm giữ có thể nói là một loại trái quyền chứ không phải vật quyền. Hơn nữa, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng không có quy định cho phép bên cầm giữ tài sản được quyền xử lý tài sản cầm giữ để thanh toán nghĩa vụ, nên trong nhiều trường hợp, bên thanh toán không thanh toán nghĩa vụ mà bên cầm giữ cũng chỉ được cầm giữ tài sản mà không được xử lý, khiến cho việc cầm giữ trở nên vô nghĩa. Do vậy, để đảm bảo cầm giữ là một biện pháp bảo đảm đúng bản chất của nó, để bên cầm giữ thật sự có vật quyền đối với tài sản cầm giữ là tài sản bảo đảm, theo đó nên sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng xác định quyền được khai thác tài sản cầm giữ đối với bên có quyền. Đồng thời, cần quy định thời hạn cầm giữ cho phép bên cầm giữ bảo đảm việc thanh toán nghĩa vụ.
Tóm lại, xét dưới khía cạnh vật quyền nói chung, vật quyền trong quan hệ bảo đảm nói riêng, đối chiếu với những quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, chúng ta nhận thấy bên cạnh những mặt tích cực, hiện đại, Bộ luật này chưa thể hiện mạnh mẽ tính chất vật quyền đối với một số quy định liên quan đến bảo đảm nghĩa vụ như đã nêu trên. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và vận dụng lý thuyết vật quyền trong các quy định liên quan đến giao dịch bảo đảm cần tiếp tục thực hiện nhằm tận dụng ưu điểm của học thuyết, bảo vệ tốt hơn quyền của các bên trong quan hệ bảo đảm.
Đại học An Giang
[1]. Nguyễn Ngọc Điện (2010), “Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật quyền và trái quyền trong luật dân sự”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp (23) (184), tr. 56.
[2]. Điều 297 Bộ luật Dân sự năm 2015 không sử dụng thuật ngữ “quyền theo đuổi” mà sử dụng thuật ngữ “quyền truy đòi”, quyền truy đòi này phát sinh khi biện pháp bảo đảm phát sinh hiệu lực đối kháng với bên thứ ba. Khác với quyền của chủ thể có quyền đối với tài sản bảo đảm trong mối quan hệ với bên bảo đảm được áp dụng theo quy chế hợp đồng cũng như các quy định tương ứng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong trái quyền để điều chỉnh.
[3]. Xem thêm: Nguyễn Minh Oanh và các tác giả (2018), Vật quyền trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, tr. 323 và tiếp theo.
[4]. Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân.
[5]. Xem thêm: Nguyễn Thị Oanh và các tác giả (2018), Vật quyền trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện đại, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội.
[6]. Khoản 8 Điều 320 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này”; khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác”.
[7]. Xem khoản 1 Điều 40 Bộ luật Hàng hải năm 2015, theo đó có thể thấy người bồi thường có thể là chủ tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu, trong khi tàu bị cầm giữ có thể không thuộc quyền sở hữu của họ.
[8]. Theo khoản 4 Điều 40 Bộ luật Hàng hải năm 2015, thì người có khiếu nại hàng hải có quyền cầm giữ hàng hải đối với tàu biển để bảo đảm cho các khiếu nại hàng hải, mặc dù tàu biển đó đã được thế chấp hoặc chủ tàu đã thực hiện giao dịch bảo đảm khác để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác trên cơ sở hợp đồng.