Hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt vì nó tước đi quyền sống - quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người, tước bỏ đi cơ hội phục thiện, tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án, loại bỏ mọi khả năng giáo dục, cải tạo người phạm tội và có tác dụng phòng ngừa tái phạm một cách triệt để. Trong xã hội ngày nay, khi mà nhân loại càng tiến bộ, xã hội càng phát triển thì phạm vi áp dụng hình phạt tử hình càng có xu hướng thu hẹp, tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình. Theo pháp luật các quốc gia còn lưu giữ hình phạt tử hình, thì hình phạt này chỉ thường áp dụng cho các tội phạm có tính nguy hiểm đặc biệt cao, xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng hòa bình thế giới, các tội phạm ma túy, giết người,… Chủ trương từng bước hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, giảm tối đa quy định hình phạt tử hình đối với các tội phạm được thể hiện trong thực tiễn xây dựng pháp luật hình sự của nước ta từ năm 1985 đến nay, cũng như trong Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Bài viết “Sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự về hình phạt tử hình” của tác giả Lê Thị Hòa đã được Tạp chí Dân chủ và Pháp luật lựa chọn đăng tải trong Số chuyên đề tháng 8/2014 về “Xây dựng Dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi”. Trong bài viết này, thông qua việc phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành về hình phạt tử hình, tác giả đã đưa ra một số đánh giá, nhận xét và đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) theo hướng: (1) Quy định cụ thể và chặt chẽ hơn các điều kiện áp dụng hình phạt từ hình và (2) Loại bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh cụ thể. Mời các quý độc giả quan tâm tìm đọc!
Như Quỳnh