Dệt may được xem là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong những năm vừa qua. Sản phẩm dệt may Việt Nam được xuất khẩu đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu luôn ở mức cao1. Ngành Dệt may Việt Nam nhiều năm liền được đánh giá cao từ thị trường thế giới, có sức hấp dẫn đối với các thương nhân và các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng có những biện pháp ưu tiên và khuyến khích đầu tư vào Ngành Dệt may như ưu đãi thuế nhập khẩu cho các nguyên liệu thô với mục đích sản xuất các sản phẩm may tái xuất khẩu trong 3 đến 4 tháng, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp… nên sản phẩm dệt may của Việt Nam đã được nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản chấp nhận.
Tuy nhiên, hiện nay Ngành Dệt may Việt Nam đang gặp những khó khăn nhất định khi hàng may mặc xuất khẩu phần lớn theo phương thức gia công, khâu thiết kế chưa phát triển, tỷ lệ làm hàng theo phương thức FOB (phương thức mà các doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình sản xuất, từ việc mua nguyên liệu đến cho ra sản phẩm cuối cùng) thấp; nhiều mặt hàng còn phổ thông, chưa đa dạng, chưa có những mặt hàng chất lượng và kỹ thuật may mặc ở trình độ cao, chưa có chiến lược đào tạo bài bản nguồn nhân lực dệt may chất lượng cao và đội ngũ thiết kế có khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác. Hơn nữa, năng lực tiếp thị của Ngành Dệt may Việt Nam còn hạn chế, phần lớn các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam chưa khẳng định được thương hiệu, uy tín của mình trên thị trường quốc tế.
Trong những năm tới đây, hoạt động sản xuất và kinh doanh của Ngành Dệt may Việt Nam đang đứng trước những vận hội mới khi nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm đến Việt Nam để đầu tư, bởi đây được coi là một thị trường kinh doanh tốt; tiếp cận vốn, công nghệ, kỹ thuật, nhân sự dễ dàng hơn những quốc gia phát triển khác trên thế giới. Ngoài ra, thị trường nội địa cũng là một môi trường kinh doanh tự do, thoải mái cho Ngành Dệt may Việt Nam nhằm đáp ứng những yêu cầu trong đời sống sinh hoạt của người dân Việt Nam. Ngay từ khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được các quốc gia thành viên chấp thuận, thì Ngành Dệt may Việt Nam lại có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài để tăng cường trình độ công nghệ, kỹ thuật và khả năng cạnh tranh của Ngành Dệt may Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới.
Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn khi tham gia TPP, đó là: Ngành Dệt may còn nhiều yếu kém, xuất phát điểm không cao so với cùng ngành ở thị trường thế giới; công nghiệp dệt may, máy móc, thiết bị chưa phát triển; nhân công, nguyên liệu còn nghèo nàn…; môi trường pháp lý chưa thực sự thông thoáng, bởi chưa nội luật hóa các quy định được ghi nhận trong TPP; có khá nhiều doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam với quy mô nhỏ nên sức cạnh tranh với các thị trường rộng lớn trên thế giới còn yếu.
Theo các chuyên gia nước ngoài, hiện Việt Nam là quốc gia được đánh giá có năng lực cạnh tranh cao tại chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Việc chọn Việt Nam làm trung tâm sản xuất hàng dệt may xuất khẩu đang là đích đến của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Năm 2014, đã có gần 20 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới đầu tư vào lĩnh vực dệt may. Như vậy, cùng với dư địa phát triển lớn đến từ thị trường thế giới, Ngành Dệt may có nhiều cơ hội bứt phát trong những năm tới. Với tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định, Ngành Dệt may không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với mục tiêu phục hồi đà tăng trưởng kinh tế, mà còn đảm bảo cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam. Do vậy, ngành sẽ còn nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ chiến lược từ Chính phủ, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để có được năng lực cạnh tranh ổn định trên thị trường, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho chiến lược nghiên cứu thị trường và công tác thiết kế.
2. Tác động của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương tới Ngành Dệt may Việt Nam
TPP tác động đến Ngành Dệt may trên nhiều phương diện, ở nhiều góc cạnh khác nhau như:
Một là, tác động tích cực: Việc tham gia Hiệp định TPP mở ra cơ hội đưa Ngành Dệt may vươn xa và hội nhập sâu hơn vào thị trường thế giới. Các nước thành viên của TPP sẽ giảm thuế suất xuống tới 0% cho đại bộ phận các hàng dệt may của nước ta khi xuất khẩu vào các nước này. Đây được coi là một lợi thế lớn để Ngành Dệt may cạnh tranh thị phần với các quốc gia thành viên của TPP. Ngoài ra, nếu như TPP có hiệu lực đồng nghĩa với tỉ trọng xuất khẩu hàng dệt may đến các quốc gia thành viên, đặc biệt Hoa Kỳ và Nhật Bản của Việt Nam sẽ tăng cao2. Theo dự đoán từ Ngân hàng Thế giới (WB), thì đến năm 2020, sản lượng Ngành Dệt may sẽ tăng 21%; tốc độ tăng trưởng chung cho toàn ngành có thể đạt 41% tương ứng với giá trị xuất khẩu tăng thêm 11,5 tỷ USD, trong đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể đạt kỷ lục 90%. Thêm vào đó là, TPP góp phần thúc đẩy đầu tư nguyên liệu, thị trường lao động trong nước thay đổi nhiều, tỉ lệ người lao động có việc làm trong Ngành Dệt may sẽ tăng cao khi đòi hỏi chất lượng sản phẩm và số lượng sản phẩm hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên nhiều hơn trước đó. Như vậy, khi Hiệp định TPP có hiệu lực, thì thuế suất đối với hoạt động xuất khẩu hàng may mặc giảm đáng kể và gần như bằng 0; tỉ suất kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trong khu vực TPP sẽ tăng cao; các lao động nói chung và lao động ở nông thôn nói riêng sẽ có cơ hội tiếp xúc với công việc trong lĩnh vực dệt may với mức lương đáng kể; các nhà đầu tư nước ngoài được thu hút đầu tư nguồn vốn, nguyên liệu, công nghệ, nhân lực vào Ngành Dệt may Việt Nam; tăng cường khả năng cạnh tranh lành mạnh, minh bạch cho các doanh nghiệp dệt may trên thị trường nội địa và quốc tế; góp phần gia tăng, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Hai là, tác động tiêu cực: Một trong những thách thức của TPP được các nước thành viên đưa ra đó là “nguyên tắc xuất xứ của sản phẩm hàng dệt may”, hiểu một cách đơn giản, thì để được hưởng những ưu đãi từ các quốc gia trong TPP, thì Việt Nam phải đưa ra được nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu sẵn có trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước là thành viên của TPP, chứ không phải là nguyên vật liệu từ các nước ngoài TPP. Điều này là một trở ngại khá lớn mà TPP gây ra cho Ngành Dệt may của Việt Nam trong khi đa số nguyên liệu được nhập từ các quốc gia không nằm trong TPP như Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN… Nói cách khác, theo ước tính, hiện nay có tới 80% nguyên liệu sản xuất của Việt Nam có yếu tố phụ thuộc từ quốc gia ngoài TPP. Thật khó cho Việt Nam khi xuất khẩu các sản phẩm hàng dệt may và hưởng ưu đại thuế suất khi có quá nhiều sự phụ thuộc về nguyên liệu sản xuất ban đầu. Thêm vào đó, thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực dệt may ở Việt Nam là điều tất yếu khi hầu hết các doanh nghiệp này khả năng cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài đều rất yếu vì nguồn vốn mỏng, nhân lực chất lượng cao ít, công nghệ cũ, chưa đổi mới, lỗi thời… Đặc biệt, năng suất lao động ở Việt Nam tương đối thấp (chỉ xấp xỉ bằng 2,4), điều này có tác động tiêu cực khi các doanh nghiệp Việt Nam “cố tình” tăng cao giá sản phẩm của mình với cùng chất lượng giá trị của các sản phẩm cùng loại trong thị trường cạnh tranh quốc tế. Trong phạm vi TPP, việc tăng giá sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường của các nước thành viên là điều không hợp lý và có thể dẫn đến hậu quả không tốt trong quá trình cạnh tranh.
Xét trong tổng thể tác động của TPP đến nền kinh tế Việt Nam, rõ ràng Ngành Dệt may nhận được những tác động mạnh mẽ từ TPP. Tuy nhiên, không phải tất cả các tác động từ TPP mang lại đều có ý nghĩa tích cực, mà đằng sau đó còn có cả những tính trái chiều, tiêu cực. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường tiềm lực và lợi thế cạnh tranh của mình với các doanh nghiệp cùng ngành trong nội địa và quốc tế.
3. Một số đề xuất
Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, hàng loạt các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đón nhận những kết quả tích cực và đồng thời cũng hứng chịu những hậu quả tiêu cực. Do đó, việc nhìn nhận cách thức vận động cũng như đường hướng, chiến lược phát triển trong tương lai ngay từ bây giờ là điều mà các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam nói riêng và Ngành Dệt may Việt Nam nói chung buộc phải làm. Dước góc độ nghiên cứu về tác động của TPP đối với Ngành Dệt may tại Việt Nam, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, hiện nay có 80% nguyên vật liệu sản xuất, khâu đầu vào của ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc vào các quốc gia ngoài khu vực TPP. Do đó, hoạt động đầu tiên cần làm để đáp ứng những yêu cầu mà TPP đặt ra đối với Việt Nam đó là tách khỏi sự phụ thuộc. Muốn làm được điều nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cần phải xây dựng một quy trình hoạt động mang tầm chiến lược để tạo nên sự liên kết bền chặt giữa các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trong hoạt động chung. Theo đó, cần hình thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ xây dựng quy trình đến khâu thiết kế sản phẩm, từ việc sử dụng nguyên vật liệu sẵn có hoặc nhập khẩu ở các quốc gia thành viên TPP đến khâu thành phẩm và phân phối sản phẩm. Các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam nếu như không có sự liên kết chỉnh chu và toàn diện ở các khâu, thì khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế, vì hầu hết đa số doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam được xây dựng nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cơ sở vật chất tốt và đội ngũ nhân lực chất lượng cao.
Thứ hai, sở dĩ sản phẩm dệt may của Việt Nam được ưa chuộng ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản bởi giá thành khá rẻ và chất lượng tương đối tốt. Do vậy, nếu như vẫn tiếp tục giữ được những ưu thế, lợi thế riêng của mình, thì Ngành Dệt may Việt Nam luôn có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, muốn làm tốt điều này, thì các doanh nghiệp dệt may lớn và doanh nghiệp dệt may vừa, nhỏ cần tập trung đầu tư vốn, kỹ thuật, công nghệ, nhân lực và đặc biệt có sự hỗ trợ đắc lực từ cơ quan nhà nước khi gặp khó khăn trong hoạt động cạnh tranh.
Thứ ba, đối với các doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam, việc nghiên cứu, các quy định của TPP đối với Ngành Dệt may và áp dụng phù hợp đối với doanh nghiệp mình để tăng cường sự cạnh tranh trong thị trường quốc tế là điều cần thiết. Theo đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có sự đầu tư chuẩn bị nguồn nhân lực, thiết bị công nghệ mới và sở hữu trí tuệ, trang bị những kiến thức liên quan đến TPP phục vụ cho hội nhập sắp tới. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có những hướng dẫn cụ thể các nội dung quy định về thuế, hải quan, tiêu chuẩn TPP để giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội xuất khẩu với những ưu đãi thuế quan giúp các doanh nghiệp dệt may hội nhập thành công. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần có nhận thức đúng đắn và đầu tư thích hợp cho việc phát triển thị trường nội địa. Bởi vì, đây cũng là nơi bắt đầu của quá trình xây dựng thương hiệu và uy tín của sản phẩm dệt may để tăng cường cơ hội vươn ra thị trường quốc tế.
Thứ tư, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phối hợp với các doanh nghiệp ở một vài lĩnh vực khác như truyền thông, tổ chức sự kiện, quảng bá hình ảnh, cung cấp thị trường và nhu cầu… để cộng tác trong hoạt động đưa tin, truyền bá sản phẩm hàng may mặc của Việt Nam trong khuôn khổ khu vực TPP; cần có nhiều cuộc đàm thoại, hội thảo để trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc. Song song với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm quốc tế cũng cần được tổ chức thường xuyên hơn để nhanh chóng đưa Ngành Dệt may của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam nói riêng tạo dựng được uy tín, thương hiệu của mình khi cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế cùng ngành.
Thứ năm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cần kết hợp với các cơ quan chức năng liên quan, cũng như các doanh nghiệp may mặc ở nước ta tổ chức một cuộc khảo sát quy mô rộng để nhằm mục đích loại khỏi thị trường những doanh nghiệp dệt may yếu kém về năng lực, chất lượng và hợp nhất những doanh nghiệp này vào kết cấu kinh tế lớn hơn. Điều này góp phần làm trong sạch và phát triển vững mạnh cho Ngành Dệt may tại Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nền tảng để các doanh nghiệp dệt may lớn khẳng định được kinh nghiệm, chất lượng của mình trong quá trình cạnh tranh với thị trường quốc tế.
Nguyễn Sĩ Anh