Có thể nói, sau hơn 4 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tình hình sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2015 về cơ bản đã đạt được những kết quả nhất định. Hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước có nhiều cải thiện; vốn chủ sở hữu tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn và doanh thu đạt 10 - 15%, nộp ngân sách nhà nước tăng 27%/năm, đóng góp khoảng 30% thu ngân sách nhà nước, 32% GDP. Trên 80% doanh nghiệp nhà nước có lãi và 11,7% doanh nghiệp lỗ. Vốn chủ sở hữu năm 2012 tăng 26% so với năm 2011, năm 2013 tăng 4,1% so với năm 2012; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu so tương ứng là 16,37%. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,52 lần, nằm trong giới hạn cho phép (3 lần). Kết quả này là do tiến độ sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước đã được thực hiện khẩn trương về mọi mặt.
Tuy nhiên, vấn đề tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hiện nay không chỉ đơn thuần là sắp xếp, tổ chức lại như vẫn thường làm, mà đòi hỏi sự đổi mới có chiều sâu, đi vào những vấn đề cốt lõi để phát hiện các nguyên nhân làm gia tăng hoặc giảm giá trị, phát huy các tiềm năng, khắc phục các tồn tại, bất cập của doanh nghiệp nhà nước. Qua đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường vai trò dẫn dắt nền kinh tế của doanh nghiệp nhà nước, hình thành các doanh nghiệp nhà nước vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Có nhiều khía cạnh được đề cập trong hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.
Trong bài viết "Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cần đột phá từ khâu quản trị" đăng trên Số định kỳ 64 trang tháng 11/2015 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, tác giả Phạm Thị Hồng Nhung đã đề xuất một số giải pháp hoàn thiện thể chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước theo các nguyên tắc quản trị tốt, góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu lực quản trị doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Kính mời độc giả đón đọc!
Huyền Trang