Vì sao tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước lại đặt việc cổ phần hóa là trọng tâm. Đơn giản, cổ phần hóa được thì tình trạng “cha chung không ai khóc” hoặc coi sự đầu tư của Nhà nước, tài sản của nhân dân là “tiền chùa” sẽ chấm dứt. Cổ phần hóa sẽ đổi mới quản lý (có thể còn “thay máu” các vị trí lãnh đạo CEO – nhân tố quyết định hiệu quả kinh doanh), nâng cao hoạt động doanh nghiệp và tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân (vì sự ưu đãi sẽ bị hạn chế).
Nói đến ưu đãi thì quả là doanh nghiệp nhà nước từ trước đến nay vẫn no nê với “bầu vú ngân sách”, có đến 60% vốn tín dụng mà chỉ đóng góp cho GDP 30% là thấp, trong khi đó lỗ tới 16%. Nhắc đến doanh nghiệp nhà nước là người ta nghĩ ngay đến đạo đức của lãnh đạo có vấn đề, nợ xấu, đầu tư ngoài ngành tràn lan, độc quyền,… Đến nỗi, vị Chủ tịch Ngân hàng BIDV phải thốt lên: “Năm ngoái, có một vài tập đoàn hư hỏng thôi mà trước Quốc hội, trong dư luận “chúng em” bị đánh tràn lan, khiến cho đi đâu “chúng em” cũng bị nhìn như những con vi trùng hết, buồn lắm”. Chúng ta có thể chia sẻ với ông nỗi bức xúc này, nhưng với hiện trạng của các “quả đấm thép” hiện nay thì để cho dư luận hiểu “doanh nghiệp nhà nước là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” như mong muốn của một vị trong Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương thì rất khó, mặc dù vị này đưa ra con số mà doanh nghiệp nhà nước đã dành hơn 10 nghìn tỷ đồng cho an sinh xã hội, đóng góp 37% (?) GDP và giải quyết việc làm cho 1,3 triệu lao động!
Nhân chuyện 10 nghìn tỷ dành cho an sinh xã hội của các doanh nghiệp nhà nước, thì cũng nên phân định rạch ròi chuyện hoạt động công ích và hoạt động kinh doanh. Có nhà kinh tế học coi đây là “lỗ hổng” trong cổ phần hóa, không thể để lãnh đạo doanh nghiệp tự quyết định việc này. Ví dụ như khai thác và sản xuất dầu khí thì đó là tài nguyên quốc gia, phải có nguyên tắc quy định địa tô/dầu tô thuộc quốc gia chứ không phải thuộc Tập đoàn Dầu khí.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp bị chậm là do có quá nhiều bê bối xảy ra tại các đơn vị này. Thanh tra Chính phủ đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty, chủ yếu là việc đầu tư ngoài ngành tràn lan, kém hiệu quả, tiến độ thực hiện dự án chậm, gây thiệt hại nhiều,… Lý do là Hội đồng thành viên được giao quyền quá lớn, đại diện cho sở hữu nhà nước mà không gắn với nghĩa vụ và trách nhiệm, cộng với tư duy nhiệm kỳ... Nếu cổ phần hóa thành công thì coi như sự “giao quyền quá lớn” này sẽ không có lý do tồn tại. Nhưng trước mắt, nhìn vào sự đầu tư kém hiệu quả này, nợ đầm đìa, khó thu hồi vốn đầu tư,… thì ai dám mua, nên đây là sự cản trở rất lớn cho cổ phần hóa.
Do đầu tư ngoài ngành tràn lan, kém hiệu quả nên vấn đề thoái vốn trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được đặt ra như một nhiệm vụ trọng tâm. Chẳng hạn như EVN, phải thoái vốn 18 nghìn tỷ đồng và hạn chót là năm 2015!
Lần này, thì Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và áp dụng những biện pháp mạnh như lãnh đạo mà không thực hiện nghiêm túc hoặc kết quả thực hiện kém trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí cách chức, miễn nhiệm. Tái cơ cấu sẽ làm nhiều vị tái mặt, còn dư luận thì hy vọng sự quyết liệt và đúng hướng của việc này sẽ mang lại khởi sắc cho nền kinh tế nước nhà!
PhaLy