Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có vị trí, vai trò rất quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, đặc biệt là trong điều kiện nước ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Thông qua công tác PBGDPL, quyền được thông tin về pháp luật của công dân được đảm bảo, từ đó giúp cho cán bộ và nhân dân nâng cao hiểu biết pháp luật, có niềm tin và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Cùng với những chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, những năm qua, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 14/7/2015 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân; Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 về tăng cường công tác PBGDPL giai đoạn 2016 - 2020; hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các kế hoạch để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện.
Các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh đã chung tay, chung sức triển khai thực hiện công tác PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung, hình thức được mở rộng, đa dạng và có chiều sâu, được áp dụng thiết thực, gần gũi, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, trong đó có nhiều hình thức PBGDPL phù hợp, có hiệu quả như: Thông qua hội nghị tập huấn, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức “Ngày Pháp luật”, tọa đàm, lồng ghép thông qua sinh hoạt chi bộ, phát tài liệu PBGDPL, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh cơ sở…
Nguồn nhân lực trong công tác PBGDPL thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng và phát huy vai trò tích cực trong thực hiện nhiệm vụ PBGDPL cho cán bộ và nhân dân. Đến nay, Hội đồng Phối hợp PBGDPL cấp tỉnh có 21 người, cấp huyện có gần 200 người; có 154 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 195 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 10.000 hòa giải viên và 5.454 tuyên truyền viên pháp luật. Hầu hết các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp nhà nước đã bố trí được cán bộ pháp chế làm công tác PBGDPL.
Công tác PBGDPL luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các văn bản pháp luật mới được triển khai tuyên truyền kịp thời bằng các hình thức phong phú phù hợp với từng đối tượng. Trong năm 2016 đã tuyên truyền có hiệu quả pháp luật về bầu cử đến cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh, nhằm phục vụ tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền các chính sách pháp luật về khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường, đê điều, giao thông đường thủy và các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân và thực hiện các biện pháp bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo đảm phát triển bền vững.
PBGDPL thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia. Thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật góp phần nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể các cấp; ý thức pháp luật của cán bộ và nhân dân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật, để từ đó có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, phát huy quyền dân chủ của mình, tạo sức lan tỏa sâu rộng, hình thành văn hóa pháp lý trong nhân dân.
Mô hình sinh hoạt “Ngày Pháp luật” trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành triển khai thực hiện có chất lượng đã đem lại hiệu quả cao. Các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, địa phương quản lý triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11) hàng năm như: Thông qua các buổi họp giao ban, các buổi sinh hoạt định kỳ, thông qua sinh hoạt chi bộ, mở hội nghị, tọa đàm, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật thông qua phương tiện truyền thông.
Hoạt động PBGDPL thông qua xét xử lưu động được tăng cường. Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh và các sở, ngành đã phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua các phiên tòa xét xử lưu động, các buổi tiếp công dân. Trong năm 2016, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và huyện đã xét xử lưu động 243 vụ án. Ngoài hoạt động xét xử tại phiên tòa, các Tòa án nhân dân còn tăng cường đưa một số vụ án ra xét xử lưu động tại địa bàn nơi xảy ra tội phạm hoặc nơi xảy ra tranh chấp với mục đích tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhằm tạo sự công bằng và tin tưởng vào pháp luật trong nhân dân.
Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù được quan tâm thực hiện. Đã có hàng trăm cuộc hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người lao động trong các doanh nghiệp, nạn nhân bạo lực gia đình, người nghiện ma túy và sau cai nghiện… Tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của từng đối tượng.
Có thể khẳng định rằng, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đã không ngừng được đẩy mạnh, dần đi vào nề nếp, chất lượng, hiệu quả được nâng cao. Thông qua công tác PBGDPL đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó chấp hành thực hiện tốt quy định của pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ tích cực cho nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PBGDPL còn một số tồn tại, hạn chế sau:
- Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL còn chưa thường xuyên. Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp có lúc, có việc còn chưa kịp thời; công tác tham mưu của cán bộ tư pháp xã còn có hạn chế nhất định.
- Một bộ phận đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật chưa thực sự tâm huyết, kỹ năng PBGDPL còn hạn chế, chưa tham gia tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ PBGDPL tại cơ quan, đơn vị, địa phương.
- Chưa có nhiều đổi mới trong nội dung cũng như hình thức PBGDPL đến các đối tượng đặc thù.
- Tủ sách pháp luật chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Việc khai thác, sử dụng và luân chuyển sách pháp luật tại Tủ sách pháp luật ở cơ sở chưa có hiệu quả cao.
Để phát huy những kết quả đạt được và tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần tiến hành một số giải pháp sau:
Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PBGDPL. Chú trọng thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quá trình triển khai thực hiện. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch PBGDPL bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chương trình, nhiệm vụ thường xuyên của ngành, đơn vị, địa phương.
Hai là, thường xuyên xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có kỹ năng truyền đạt, am hiểu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tâm huyết, nhiệt tình tham gia công tác PBGDPL.
Ba là, cần tiếp tục đa dạng hóa và đổi mới cách thức thực hiện, đảm bảo các hình thức, nội dung được triển khai thực hiện trên cơ sở bám sát định hướng chỉ đạo về công tác PBGDPL của cấp trên, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù của từng đơn vị, địa phương, cộng đồng dân cư, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, người dân, nhất là người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng đặc thù thuận lợi trong việc tiếp cận, tìm hiểu pháp luật.
Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác có hiệu quả các văn bản pháp luật cập nhật, lưu trữ trên mạng tin học của Chính phủ, mạng Internet; xây dựng và đưa vào sử dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử... để đáp ứng yêu cầu của công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay.
Năm là, tăng cường PBGDPL thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý, xét xử lưu động; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước, góp phần nâng cao ý thức tự giác, hình thành nhân cách và từng bước hình thành văn hóa pháp lý trong nhân dân.
Sáu là, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa công tác PBGDPL nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tích cực tham gia công tác PBGDPL.
Bảy là, tăng cường công tác kiểm tra và tự kiểm tra, theo dõi việc thực hiện công tác PBGDPL; nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả và quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị phục vụ cho PBGDPL nhất là ở cơ sở.
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc