
Việt Nam có tài nguyên nước thuộc loại trung bình trên thế giới, song ẩn chứa nhiều yếu tố kém bền vững. Tổng trữ lượng nước mặt của Việt Nam khoảng 830-840 tỷ m3, trong đó, khoảng 63% lượng nước là từ nước ngoài chảy vào nước ta. Tình trạng suy kiệt nguồn nước trong hệ thống sông, hạ lưu các hồ chứa trên cả nước và nước dưới đất ở nhiều vùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Trong những năm qua, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, sự gia tăng dân số, quá trình đô thị hóa đòi hỏi nhu cầu nước cho sản xuất và dân sinh ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, trữ lượng nguồn nước. Nhu cầu về nước ngày càng tăng dẫn đến việc khai thác sử dụng tài nguyên nước ngày càng nhiều, nước sạch đang ngày một khan hiếm. An ninh về nước cho đời sống và phát triển kinh tế một cách bền vững và bảo vệ môi trường đã và đang không được bảo đảm ở nhiều nơi.
Việc tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông ở Việt Nam hiện nay là một vấn đề cấp bách để đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của con người.
Qua bài viết "Việc tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông ở Việt Nam" đăng tải trên Tạp chí phát hành hàng tháng số tháng 8 (269) năm 2014 của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, tác giả Lê Phương Linh đã chỉ rõ nhu cầu quản lý và bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông và việc tăng cường các thiết chế quản lý và bảo vệ nguồn nước các lưu vực sông ở Việt Nam. Kính mời quý độc giả quan tâm đón đọc!
Đình Nguyên