Sơn La với đặc điểm là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, trình độ dân trí không đồng đều; là một trong những địa bàn các thế lực thù địch tập trung thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, truyền và học đạo trái phép, vượt biên trái phép, gây rối trật tự an ninh biên giới; tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, do đó vấn đề tuyên truyền, PBGDPL là rất quan trọng và cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn đó, trong những năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh đã rất quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL. Vì vậy, công tác tuyên truyền, PBGDPL đã đạt được kết quả tích cực.
Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan Thường trực Hội đồng PBGDPL tỉnh đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành; trên cơ sở Kế hoạch PBGDPL hàng năm của Bộ Tư pháp, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL; hầu hết các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể và địa phương đều ban hành Kế hoạch để triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua theo dõi, tổng hợp, các cấp, các ngành đã tổ chức được nhiều đợt tuyên truyền, PBGDPL với hàng nghìn lượt người tham gia (như trong năm 2015, các cấp, các ngành đã thực hiện được 8.420 cuộc tuyên truyền với trên 578.928 lượt người).
Các cơ quan chủ trì các Đề án tuyên truyền, PBGDPL đều triển khai thực hiện tốt các Đề án như: “Tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013 - 2016” do Thanh tra tỉnh chủ trì; “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, người dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016” do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì; “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2013 - 2016” do Hội Luật gia tỉnh chủ trì, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, đặc biệt người dân ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng cao, biên giới.
Sở Tư pháp cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện tốt việc hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (09/11) hàng năm, như tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai Ngày Pháp luật với những hình thức, phương pháp tuyên truyền, PBGDPL phong phú, đa dạng phù hợp với từng đối tượng. Các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đã hưởng ứng nhiệt tình Ngày Pháp luật thông qua các hình thức tuyên truyền pháp luật như treo mắc băng rôn, khẩu hiệu, pano, cờ… tại trụ sở cơ quan hoặc tại những tuyến đường phố chính; tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, đặc biệt tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành, liên quan trực tiếp đến đời sống, quyền lợi và nghĩa vụ của người dân; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật thu hút được đông đảo người dân tham gia, hưởng ứng. Đồng thời, Sở Tư pháp tham mưu cho Hội đồng phối hợp PBGDPL thường xuyên kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Hiện nay, đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh có 97 đồng chí; cấp huyện có 313 đồng chí; cấp xã có 4.266 tuyên truyền viên; hướng dẫn Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện, thành phố kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL theo hướng Chủ tịch UBND cấp huyện là Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành của tỉnh cũng đã thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền, PBGDPL, không chỉ dừng lại ở những hình thức truyền thống như: tuyên truyền miệng, tổ chức hội nghị… mà đã được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như tổ chức hội thi, tuyên truyền trên sóng phát thanh - truyền hình, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, in tờ rơi, tờ gấp với hình ảnh trực quan, sinh động, nội dung cô đọng, xúc tích giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ; thông qua hình thức sân khấu hóa, các lễ hội văn hóa dân tộc, thông qua công tác trợ giúp pháp lý, xét xử lưu động, hòa giải ở cơ sở…; nội dung tuyên truyền thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, gần gũi với người dân hơn. Ví dụ: Trong năm 2015, Trường Cao đẳng Sơn La đã tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật với hình thức sân khấu thu hút được hơn 1000 sinh viên tham gia; Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tìm hiểu pháp luật trong các trường dân tộc nội trú thu hút được hơn 500 em tham gia…
Đặc biệt, trong năm 2015, hưởng ứng cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được phát động trên toàn quốc, Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp năm 2013” và giúp UBND tỉnh chuẩn bị các điều kiện phục vụ cuộc thi. Tham mưu giúp Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh tiếp nhận 6.865 bài dự thi của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên, các tầng lớp nhân dân đang sinh sống, học tập, công tác tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố; trong đó có 6.805 bài của 23 cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh; 60 bài của 12 huyện, thành phố. Kết quả, Ban Tổ chức cuộc thi đã chọn được những bài dự thi xứng đáng để trao giải, có 2 bài dự thi đạt giải khuyến khích ở cấp trung ương; tham mưu tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Có thể nói, việc tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là thành tích nổi bật của Sở Tư pháp trong công tác tuyên truyền, PBGDPL năm 2015, đây là một đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, thu hút đông đảo các thành phần xã hội tham gia, cả đồng bào, chiến sĩ ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Cuộc thi đã hình thành ý thức tự giác, tích cực tìm hiểu, chấp hành và bảo vệ Hiến pháp trong nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh Sơn La trong thời gian qua vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu do một số tồn tại hạn chế sau:
Thứ nhất, một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác PBGDPL; việc tuyên truyền, PBGDPL nhiều nơi vẫn còn mang tính phong trào, hình thức, chưa thực sự đi sâu vào những nội dung pháp luật mà người dân cần; hình thức PBGDPL chưa thực sự đa dạng, phong phú, chưa thu hút được sự tập trung chú ý của người dân.
Thứ hai, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng PBGDPL dẫn tới việc tuyên truyền, PBGDPL chưa thực sự hiệu quả.
Thứ ba, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thực sự chặt chẽ, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm phối hợp trong công tác PBGDPL; kinh phí chi cho công tác PBGDPL của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương còn nhiều khó khăn...
Thứ tư, chưa có tiêu chí để đánh giá, xác định hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL, nên việc đưa ra nhận xét, đánh giá cũng như giải pháp để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL còn mang tính chung chung, chưa cụ thể.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cụ thể sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác tuyên truyền, PBGDPL; thường xuyên xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL tại từng cấp, từng ngành đảm bảo phù hợp với từng đối tượng và điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về tuyên truyền, PBGDPL, kịp thời đôn đốc, chỉ đạo xử lý những vướng mắc nảy sinh trong quá trình tuyên truyền, PBGDPL.
Hai là, thường xuyên đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL thông qua những phiếu điều tra, khảo sát, trắc nghiệm nhận thức về pháp luật của người dân, thống kê, tổng hợp chính xác về tỷ lệ tăng, giảm các hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực…
Ba là, đổi mới hình thức, phương pháp tuyên truyền, PBGDPL phong phú, đa dạng; nội dung ngắn gọn, xúc tích phù hợp với từng đối tượng; thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo người dân.
Bốn là, quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Năm là, tăng cường tuyên truyền, PBGDPL không tách rời với việc nâng cao trình độ dân trí và cải thiện đời sống cho nhân dân; trang bị cho người dân thói quen tự tìm hiểu, học tập và áp dụng các quy định của pháp luật một cách đúng đắn.
Sáu là, đảm bảo đủ kinh phí, cơ sở vật chất kỹ thuật cho hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác này.
Bảy là, đề nghị UBND tỉnh quan tâm đến kinh phí hàng năm cho công tác PBGDPL, đảm bảo cấp kinh phí đầy đủ, kịp thời cho công tác PBGDPL.
Tám là, đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền, PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; nghiên cứu đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền PBGDPL; sớm nghiên cứu đưa ra bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng vùng, miền, từng đối tượng.
Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật