Trong hoạt động kinh doanh, rủi ro luôn là một thách thức đối với doanh nghiệp. Hậu quả của rủi ro kinh doanh rất lớn, nó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp hay nhà đầu tư, mà cho toàn xã hội. Các vụ kiện của nước ngoài là một trong những thử thách đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập. Một trong những nguyên nhân gây ra tranh chấp là do doanh nghiệp của Việt nam chưa có đầy đủ những thông tin pháp luật.
Thời gian qua, nhu cầu tìm hiểu thông tin và mong muốn áp dụng đúng pháp luật đã bắt đầu hình thành đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có quy mô trung bình và doanh nghiệp có quy mô lớn hoặc các doanh nghiệp kinh doanh những ngành nghề đặc biệt. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc chủ động tìm hiểu thông tin pháp luật và ý thức thi hành pháp luật còn hạn chế. Vấn đề vi phạm pháp luật của doanh nghiệp diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực, nhưng thường tập trung vào chấp hành pháp luật về thuế, gian lận thương mại, kinh doanh khi chưa có đủ điều kiện hoặc không bảo đảm các điều kiện kinh doanh, gây ô nhiễm môi trường, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, người lao động... Bởi vậy, cần có biện pháp để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, thực hiện đúng pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu và áp dụng pháp luật là:
Từ phía Nhà nước: Hệ thống pháp luật có tiến bộ, nhưng đan xen nhiều nguyên tắc khác nhau dẫn đến thiếu nhất quán, cồng kềnh, mẫu thuẫn, chồng chéo và không ổn định. Pháp luật vẫn nặng về quản lý nhà nước và can thiệp hành chính, chưa thực sự bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và không thân thiện với thương mại.
Tính công khai và minh bạch của hệ thống pháp luật chưa được bảo đảm, doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận thông tin pháp luật, đặc biệt là thông tin từ các cơ quan nhà nước.
Cơ sở dữ liệu pháp luật Việt Nam mới được xây dựng, không tập trung. Các thông tin phần lớn là “thô”, dưới dạng văn bản hoàn chỉnh, chưa được xử lý, phân loại theo nội dung, chủ đề khó tiếp cận... nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Việc phổ biến pháp luật chưa thực sự hiệu quả, đôi khi trở thành nhàm chán, không thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp: Cơ chế kế hoạch hóa tập trung đã ăn sâu vào ý thức của các doanh nghiệp, nên doanh nghiệp dù tự chủ nhưng chưa có thói quen tự giải quyết, tự tìm tư vấn cho những vướng mắc của mình. Hầu hết giao dịch của doanh nghiệp thực hiện không có sự tư vấn của luật sư hoặc chỉ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý khi vấn đề đã xảy ra.
2. Biện pháp tăng cường nhận thức và áp dụng pháp luật cho doanh nghiệp
Thứ nhất, theo tác giả Hồ Quang Huy và Nguyễn Thị Ngân tiếp cận trong bài viết “Đồng hành cùng doanh nghiệp - Khởi nguồn từ xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật”[1], thì vấn đề đầu tiên là các văn bản pháp luật được ban hành phải có chất lượng tốt, theo các nguyên tắc của thị trường. Nói cách khác là thân thiện với thị trường, đề cao việc bảo vệ quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích của người kinh doanh, doanh nghiệp. Sự can thiệp của Nhà nước (quản lý nhà nước) chỉ được thực hiện trên nguyên tắc để bảo vệ lợi ích công, như bảo vệ môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ đại chúng… Sự can thiệp của Nhà nước mặc dù chủ yếu là biện pháp hành chính nhưng phải trên cơ sở các tiêu chí thương mại. Đây là vấn đề Việt Nam đã cam kết trong nhiều hiệp định thương mại[2].
Thứ hai, tăng niềm tin của doanh nghiệp đối với hệ thống tư pháp, nhất là Tòa án. Thủ tục giải quyết tại Tòa án phải thân thiện với thương mại và bảo vệ đúng quyền và lợi ích của các bên.
Thứ ba, minh bạch hóa thông tin pháp luật. Yêu cầu về thông tin pháp luật tập trung theo các tiêu chí: (i) Sự sẵn có; (ii) Sự tiện lợi; (iii) Tính công khai; (iv) Độ tin cậy của thông tin; (v) Chi phí thấp và hiệu quả cao.
Công khai hóa thông tin pháp lý là một trong các yêu cầu về tính minh bạch trong điều kiện hội nhập. Nếu các doanh nghiệp không có điều kiện tiếp cận các thông tin pháp lý thì sẽ rất khó thi hành đúng pháp luật.
Xây dựng cơ sở thông tin dữ liệu quốc gia: Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia đã xây dựng cơ sở dữ liệu và thường xuyên cập nhật hệ thống văn bản pháp luật[3]. Một cơ sở dữ liệu pháp luật có khả năng cập nhật và được truyền tải trên internet là giải pháp tối ưu để cho doanh nghiệp chủ động tra cứu, thu thập thông tin. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật sẽ giúp luật sư dễ dàng tiếp cận với thông tin pháp lý và cập nhật văn bản pháp luật để thực hiện tốt hơn hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.
Cần hình thành một trung tâm thông tin dữ liệu pháp luật quốc gia duy nhất, cập nhật thường xuyên và được xử lý về kỹ thuật để có thể tìm kiếm theo chủ đề phù hợp với mục đích sử dụng. Việc đăng tải trên internet phải được thực hiện và việc truy cập miễn phí với tính chất là một dịch vụ công. Mạng thông tin cung cấp thông tin pháp lý được cập nhật cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật, các hiệp hội doanh nghiệp... Mạng thông tin phải có đường dẫn đến các mạng thông tin pháp luật quốc tế và các nước khác, nhất là các nước là bạn hàng thường xuyên của doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ tư, bồi dưỡng kiến thức pháp lý. Nhà nước chỉ nên tập trung vào tổ chức đào tạo và bồi dưỡng kiến thức pháp lý liên quan đến quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp và các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước (luật công), ví dụ như về thủ tục hành chính, pháp luật thuế, pháp luật hải quan... Các lĩnh vực pháp luật khác nên khuyến khích các hiệp hội, các công ty tư vấn, văn phòng luật sư, kể cả văn phòng luật sư nước ngoài thực hiện. Các hiệp hội, công ty tư vấn, văn phòng luật sư không bị hạn chế về phạm vi nội dung vì họ sẽ thực hiện trên cơ sở yêu cầu của chính các doanh nghiệp.
Thứ năm, hướng dẫn pháp luật. Cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích những vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến pháp luật về quản lý nhà nước và các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước (luật công). Những vấn đề thuộc về luật tư, doanh nghiệp phải nhờ sự hỗ trợ của thị trường dịch vụ pháp lý. Thị trường dịch vụ pháp lý cũng hỗ trợ những vấn đề thuộc về luật công.
Thứ sáu, cần xác định hiệp hội doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề là một trong những thiết chế quan trọng nhất thực hiện hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có hỗ trợ pháp lý.
Thứ bảy, phát triển thị trường dịch vụ pháp lý, nhất là dịch vụ pháp lý do luật sư cung cấp. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, luật sư có vai trò quan trọng trong việc cố vấn pháp luật cho hoạt động của doanh nghiệp, họ là người tư vấn, đại diện cho doanh nghiệp. Các luật sư không chỉ cung cấp dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, mà thông qua đó còn góp phần quảng bá chính sách, pháp luật của Nhà nước. Như vậy, họ đã góp phần trong việc nâng cao ý thức thực thi pháp luật của các doanh nghiệp và thu hút đầu tư.
Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội
[1]. Xem thêm: Hồ Quang Huy và Nguyễn Thị Ngân, “Đồng hành cùng doanh nghiệp - Khởi nguồn từ xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật” trên www.moj.gov.vn, ngày 17/05/2017.
[2]. Đoạn 78, 79 Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO): “Tất cả các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước hay do Nhà nước kiểm soát, kể cả các doanh nghiệp đã được cổ phần hóa nhưng Nhà nước vẫn nắm giữ quyền kiểm soát, và các doanh nghiệp được hưởng đặc quyền hay độc quyền sẽ thực hiện việc mua sắm không phục vụ cho nhu cầu của Chính phủ và bán hàng trong hoạt động thương mại quốc tế chỉ dựa trên các tiêu chí thương mại, tức là các tiêu chí về giá cả, chất lượng, khả năng bán ra thị trường, khả năng cung cấp, và rằng các doanh nghiệp của các thành viên WTO khác sẽ có cơ hội thỏa đáng, theo đúng với tập quán kinh doanh thông thường, khi cạnh tranh để tham gia vào các giao dịch mua bán với các doanh nghiệp này mà không bị phân biệt đối xử. Chính phủ Việt Nam sẽ không tác động dù là trực tiếp hay gián tiếp tới các quyết định thương mại của các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, do Nhà nước kiểm soát, hay các doanh nghiệp được hưởng đặc quyền hay độc quyền, gồm các quyết định về số lượng, giá trị hay nước xuất xứ của bất kỳ hàng hóa nào được mua hay bán, trừ trường hợp can thiệp theo cách thức phù hợp với các quy định của Hiệp định WTO và các quyền tương tự quyền dành cho các chủ doanh nghiệp hay cổ đông khác không phải là Chính phủ (Đoạn 78)”.
Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) yêu cầu các nước thành viên tuân thủ 03 nghĩa vụ, trong đó, nghĩa vụ 1 là không hỗ trợ phi thương mại riêng/chủ yếu cho doanh nghiệp nhà nước đến mức có thể gây ra tác động tiêu cực tới lợi ích của thành viên TPP khác.
[3]. Kinh nghiệm của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), xem Báo cáo về các nguyên tắc cơ bản của OECD nhằm đảm bảo chất lượng và tính hiệu quả của pháp luật, bản dịch tiếng Việt do GTZ cung cấp.