Mục đích của chuyến công tác là tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác đặc biệt về pháp luật và tư pháp, đặc biệt là nối lại các hoạt động hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch Covid 19; tiến hành ký Chương trình hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp giai đoạn 2024-2025.
Tại buổi gặp và làm việc với Ủy ban Pháp luật Hạ Nghị viện An-giê-ri, ông Ahmed BOUBEKEUR, Chủ tịch Ủy ban đã nhấn mạnh, Việt Nam và An-giê-ri đang có cơ sở chính trị, ngoại giao rất vững chắc để tiến hành hợp tác toàn diện trên tất cả lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực pháp luật và tư pháp. Cụ thể, hai Bên thường xuyên tổ chức các đoàn tiếp xúc cấp cao cũng như trao đổi cấp Bộ, ngành. Tuy nhiên, ông Ahmed BOUBEKEUR cũng nhận định hợp tác giữa hai Bên trong các lĩnh vực trọng điểm như kinh tế và thương mại còn nhiều hạn chế (kim ngạch thương mại hai chiều mới đạt hơn 200 triệu USD). Trong các lĩnh vực hợp tác chung, hợp tác về pháp luật và tư pháp luôn đóng vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực khác. Do vậy, ông Chủ tịch Ủy ban Pháp luật An-giê-ri khẳng định Quốc hội An-giê-ri luôn ủng hộ sự hợp tác giữa các cơ quan pháp luật và tư pháp giữa hai nước, đặc biệt là giữa hai Bộ Tư pháp nói riêng, góp phần tích cực vào thúc đẩy quan hệ hợp tác đặc biệt giữa hai nước.
Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam gặp và làm việc với Chủ tịch Ủy ban Pháp luật Hạ Nghị viện An-giê-ri.
Cảm ơn ông Chủ tịch Ủy ban Pháp luật đã dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam nói chung, Bộ, Ngành Tư pháp Việt Nam nói riêng, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định riêng trong hợp tác pháp luật và tư pháp thì các Bộ, ngành của hai nước đã quan tâm thúc đẩy để ký 03 Hiệp định tương trợ tư pháp (về dân sự, thương mại; về hình sự và dẫn độ), đồng thời hai Bộ Tư pháp cũng đã ký Bản Ghi nhớ hợp tác từ năm 2010 và triển khai có hiệu quả cho đến khi dịch Covid 19 bùng phát. Hiện nay hai Bộ Tư pháp đều đang được giao nhiều chức năng, nhiệm vụ do đó việc trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bên là điều rất cần thiết. Thay mặt Bộ Tư pháp Việt Nam, Thứ trưởng mong muốn Quốc hội An-giê-ri và cá nhân ông Chủ tịch Ủy ban Pháp luật tiếp tục ủng hộ tăng cường quan hệ hợp tác giữa Bộ Tư pháp hai nước.
Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam gặp Chánh án Toà án tối cao An-giê-ri.
Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam thăm quan một số phòng ban của Toà án tối cao An-giê-ri.
Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam thăm Toà án tối cao An-giê-ri.
Tại buổi thăm và làm việc với Tòa án tối cao An-giê-ri, Chánh án Tòa án tối cao Tahar Mamouni và Viện trưởng Viện Công tố tối cao bên cạnh Tòa án tối cao Madjid Abderrahim đã giới thiệu khái quát về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Tòa án Tối cao An-giê-ri. Bên cạnh đó, Chánh án Tòa án tối cao và Viện trưởng Viện Công tố An-giê-ri đã mời Đoàn công tác của Bộ Tư pháp tới thăm và khảo sát thực địa cơ sở làm việc, Vụ Thư ký của Tòa án tối cao và Viện Công tố tối cao để giới thiệu về mô hình tòa án điện tử của An-giê-ri, qua đó chia sẻ kinh nghiệm của An-giê-ri trong việc ứng dụng công nghệ thông, chuyển đổi số trong công tác của ngành tòa án.
Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam trao đổi chuyên sâu với Bộ Tư pháp An-giê-ri.
Chiều ngày 14/9/2023, tại trụ sở Bộ Tư pháp An-giê-ri, đại diện các Tổng Vụ chức năng của Bộ Tư pháp Bạn đã trao đổi chuyên sâu với Đoàn công tác về một số lĩnh vực mà Đoàn quan tâm tìm hiểu như công tác bổ trợ tư pháp, thi hành án dân sự, đào tạo các chức danh tư pháp... Sau đó, Bộ trưởng Tư pháp An-giê-ri Abderrachid TABI đã dành thời gian tiếp Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và Đoàn công tác.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Tư pháp An-giê-ri khẳng định vai trò quan trọng của Bộ Tư pháp Bạn trong việc tổ chức triển khai Hiến pháp mới năm 2020, đặc biệt là việc đề xuất ban hành các đạo luật về tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, hoàn thiện pháp luật về hình sự, thiết lập và vận hành Tòa án Hiến pháp. Bộ trưởng nhắc lại Bản Ghi nhớ hợp tác giữa hai Bộ ký năm 2010 và đánh giá cao việc các đơn vị chức năng của 2 Bộ đã quan tâm triển khai một cách có hiệu quả thực chất.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc trao đổi với Bộ trưởng Tư pháp An-giê-ri.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã cảm ơn Bộ trưởng dành thời gian tiếp Đoàn, đồng thời tái khẳng định quan điểm của Bộ Tư pháp Việt Nam coi trọng thúc đẩy hợp tác với Bộ Tư pháp An-giê-ri. Trong thời gia qua hai Bên đã trao đổi nhiều đoàn công tác kể cả ở cấp Lãnh đạo Bộ nhằm chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và quản lý các lĩnh vực tư pháp thuộc chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bộ. Thứ trưởng cũng trân trọng chuyển lời mời của Bộ trưởng Tư pháp Việt Nam Lê Thành Long tới ngài Bộ trưởng thu xếp sớm thăm Việt Nam. Ngài Bộ trưởng cảm ơn và hứa sẽ sớm thu xếp chuyến thăm trong thời gian tới.
Đoàn công tác Bộ Tư pháp Việt Nam ký Chương trình hợp tác 2024-2025 giữa hai Bộ Tư pháp.
Sau buổi tiếp, trước sự chứng kiến của Bộ trưởng Tư pháp An-giê-ri, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc và ông Bensalem Abdarrazzak, Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ các vấn đề pháp luật và tư pháp đã tiến hành ký Chương trình hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp giai đoạn 2024-2025 (với nhiều nội dung ưu tiên hợp tác giữa hai Bộ như trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, công chứng, thi hành án dân sự, số hóa dữ liệu hộ tịch, hiện đại hóa công tác tư pháp, thi hành phán quyết trọng tài thương mại quốc tế, bảo vệ dữ liệu cá nhân…). Phát biểu tại Lễ ký, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ vui mừng được thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp Việt Nam ký với đại diện Bộ Tư pháp An-giê-ri bản Chương trình hợp tác giai đoạn 2024-2025 giữa Bộ Tư pháp hai nước. Chương trình hợp tác này đã được hai Bên chuẩn bị kỹ và và đúng ra đã được ký trước đây 2 năm tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 nên hôm nay mới thực hiện được. Việc ký Chương trình hợp tác này tái khẳng định mong muốn và quyết tâm của Bộ Tư pháp hai nước trong việc việc tiếp tục tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp để giúp cho 2 Bộ Tư pháp thực hện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp tích cực vào củng cố quan hệ hữu nghị tốt đẹp gữu hai nước. Mặc dù khoảng cách địa lý xa xôi nhưng Việt Nam và An-giê-ri luôn sát cánh bên nhau qua kể từ năm 1962 khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và đã được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Riêng trong hợp tác pháp luật và tư pháp thì các Bộ, ngành của hai nước đã quan tâm thúc đẩy để ký 03 Hiệp định tương trợ tư pháp (về dân sự, thương mại; về hình sự và dẫn độ). Trong quan hệ giữa hai Bộ Tư pháp thì Bản Ghi nhớ hợp tác về pháp luật giữa hai Bộ Tư pháp đã được ký từ năm 2010 và đã được hai Bên quan tâm thực hiện tốt cho tới khi đại dịch Covid 19 bùng phát. Cụ thể hai Bộ đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác trong đó có việc trao đổi các đoàn cấp Bộ, cấp Vụ, chuyên gia... nhằm chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác pháp luật và tư pháp, đặc biệt là công tác xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, quản lý các nghề tư pháp, đào tạo bồi dưỡng cán bộ tư pháp...Bối cảnh toàn cầu hóa , hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng khá nhiều thách thức cho Bộ, ngành Tư phảp hai nước trong việc quản lý công tác tư pháp, nhất là việc chuyển đổi số, hiện đại hóa ngành tư pháp ở mỗi nước. Việc chọn ra các lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa Bộ trong giai đoạn tới tập trung vào bổ trợ tư pháp, thi hành án dân sự...gắn liền với chuyển đổi số cơ bản đáp ứng tốt nhiệm vụ đặt ra cho Bộ Tư pháp mỗi nước hiện nay. Thứ trưởng đề nghị cả 2 Bộ Tư pháp nỗ lực thực hiện tốt và vượt các hoạt động đã được nêu trong Chương trình hợp tác vừa ký, đồng thời đề nghị Vụ Hợp tác quốc tế của hai Bộ phát huy tốt vai trò điều phối thực hiện chương trình hợp tác nhằm đảm bảo tính hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu của Bộ, ngành Tư pháp hai nước. Thứ trưởng cũng chân thành cảm ơn Bộ Tư pháp An-giê-ri đã tổ chức tiếp đón hết sức chu đáo và thu xếp chương trình làm việc hợp lý cho Đoàn công tác. Hy vọng rằng trong thời gian tới quan hệ hợp tác giữa Bộ, ngành Tư pháp hai nước sẽ tiếp tục đơm hoa kết trái, đóng góp tích cực vào phát triển quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – An-giê-ri./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp