Tham dự Tọa đàm có Lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động Tạp chí; đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; đại diện Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông; thành viên Hội đồng tư vấn biên tập Tạp chí; đại diện một số Tạp chí trao đổi; các chuyên gia, nhà khoa học và một số cơ quan báo chí, truyền thông. Ông Trần Hoàng Hưng - Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Dân chủ và Pháp luật chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu dẫn đề Tọa đàm, ông Trần Hoàng Hưng khẳng định, việc xây dựng Tòa soạn Tạp chí Dân chủ và Pháp luật đáp ứng yêu cầu của Chiến lược chuyển đổi số báo chí quốc gia góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành và của đất nước theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 6/4/2023 phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, nội dung Tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm về một số nội dung cụ thể như: Vấn đề nâng cao chất lượng các ấn phẩm Tạp chí trong thời gian tới; xây dựng Tòa soạn Tạp chí đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; đổi mới, nâng cao hiệu quả truyền thông trên Tạp chí điện tử; kinh nghiệm mở rộng và nâng cao số lượng phát hành ấn phẩm Tạp chí.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm đánh giá cao vai trò, vị thế của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật với tư cách là cơ quan ngôn luận của Bộ Tư pháp trong hơn 45 năm qua trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động xây dựng, thực hiện pháp luật và công tác tư pháp góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật; tăng cường pháp chế, phát huy dân chủ, thực hiện công bằng xã hội.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của Bộ, ngành Tư pháp và của đất nước trong tình hình mới, các đại biểu cho rằng, Tạp chí cần có những định hướng đổi mới cụ thể để nâng cao chất lượng, cải tiến cách thức tổ chức và hình thức các ấn phẩm, vận hành hiệu quả Tạp chí Dân chủ và Pháp luật điện tử; không ngừng đổi mới công tác cộng tác viên, công tác hỗ trợ và phát triển bạn đọc... để đáp ứng yêu cầu đa dạng của các đối tượng độc giả trong cả nước. Cụ thể: (i) Đối với tạp chí in: Cần tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng khoa học của ấn phẩm tạp chí in; nghiên cứu đề xuất nâng điểm khoa học của Tạp chí; chú trọng liên kết xuất bản các ấn phẩm tạp chí chuyên sâu có hàm lượng khoa học cao, bám sát với thực tiễn đời sống pháp luật của đất nước; mở rộng đối tượng bạn đọc và phạm vi xuất bản ấn phẩm tạp chí in bên cạnh đối tượng đặt hàng của Nhà nước. (ii) Đối với Tạp chí điện tử: Cần tạo diễn đàn khoa học pháp lý trên môi trường mạng để trao đổi, tư vấn, phản biện chính sách về lĩnh vực pháp luật và tư pháp, phù hợp với xu thế và yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin; kết hợp giữa nội dung khoa học pháp lý và truyền thông chính sách, pháp luật và các nội dung chính trị - pháp lý để tạo dấu ấn đặc thù rõ nét hơn so với các tạp chí chuyên ngành khác, tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung theo đúng tôn chỉ, mục đích và đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu, thị hiếu bạn đọc; đồng hành và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong triển khai thi hành và thực thi pháp luật. Đồng thời cũng là diễn đàn để các nhà khoa học, các giảng viên, sinh viên công bố kết quả nghiên cứu, giao lưu trao đổi học thuật; các nội dung đăng tải hướng đến người đọc ở nhiều cấp độ, giúp người đọc không chỉ ở mức độ nhận biết mà còn phải hiểu, vận dụng, phân tích đánh giá và tổng hợp sáng tạo. (iii) Tăng cường các hoạt động liên kết xuất bản ấn phẩm nghiên cứu khoa học, truyền thông chính sách và pháp luật, tổ chức các sự kiện pháp lý để tuyên truyền chính sách, pháp luật không sử dụng ngân sách nhà nước; tìm phương án phát triển các hoạt động kinh tế báo chí để bảo đảm khả năng tự chủ và nâng cao đời sống cho viên chức, người lao động trong Tạp chí.
Huyền Bùi
Ảnh: Hải Việt