Toàn cảnh phiên họp
Trao đổi về sự cần thiết phải xây dựng dự thảo Nghị quyết, đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 13/11/2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, trước bối cảnh phát triển của thành phố Hải Phòng với những thách thức, cơ hội đan xen đã dẫn đến thực tiễn triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội còn chậm, chưa được áp dụng như: về vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; chính sách phí, lệ phí; mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố.... Điều này đòi hỏi cần thiết phải có một Nghị quyết mới thay thế, trong đó, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, đồng thời, quy định về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển thành phố Hải Phòng trong kỷ nguyên mới.
Đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại phiên họp
Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị quyết mới được xây dựng với tên gọi là Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng gồm 03 chương, 12 điều, tập trung quy định 06 nhóm chính sách lớn với 42 chính sách cụ thể, bao gồm: (i) quản lý đầu tư (01 chính sách); (ii) quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (05 chính sách); (iii) quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trường (07 chính sách); (iv) quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (08 chính sách); (v) thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hải Phòng quản lý (01 chính sách); (vi) thành lập Khu thương mại tự do Hải Phòng (20 chính sách).
Đại biểu trao đổi tại phiên họp
Tại phiên họp, các thành viên hội đồng thẩm đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu một số nội dung như: (i) bổ sung các nội dung về đánh giá tính tương thích của dự thảo Nghị quyết với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (ii) việc thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 6 dự thảo Nghị quyết về thực hiện chuẩn bị thu hồi đất đối với các dự án khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung có quy mô trên 100 ha; cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn, dự án đầu tư trong khu kinh tế, trung tâm logistics có quy mô trên 50 ha; dự án mà công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tách thành dự án độc lập theo quy định pháp luật đầu tư công có thể dẫn đến trường hợp một trình tự, thủ tục phải chịu sự điều chỉnh của 03 văn bản. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại nội dung này nhằm tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản, gây ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; (iii) đối với các nội dung tại Điều 10 dự thảo Nghị quyết, cần nghiên cứu bổ sung cụm từ “với nhau” vào điểm b khoản 5, cụ thể: các doanh nghiệp có trụ sở chính trong khu thương mại tự do Hải Phòng được niêm yết, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán, nhận thanh toán với nhau bằng ngoại tệ chuyển khoản từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ” nhằm giới hạn phạm vi hoạt động đầu tư, kinh doanh; nghiên cứu bỏ nội dung quy định “cho phép các ngân hàng và tổ chức tài chính thành lập trong khu thương mại tự do Hải Phòng được phép tự thiết lập lãi suất cho vay và tiền gửi theo định hướng thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế” tại điểm c khoản 5 do nội dung này có thể gây ảnh hưởng lớn đến an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng và chính sách kinh tế vĩ mô; (iv) nghiên cứu bổ sung quy định về đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng của các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập ở các cấp bậc học như giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp là ngành, nghề ưu đãi đầu tư...
Đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên họp. Ngoài ra, cần rà soát lại các quy định của dự thảo Nghị quyết về phân cấp, phân quyền bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về sắp xếp chính quyền hai cấp và sáp nhập tỉnh; bổ sung nguồn lực tài chính, nguồn nhân lực trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết; làm rõ thủ tục hành chính về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; cân nhắc, xem xét lại quy định tại khoản 4 Điều 6 về việc thu hồi đất phải phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 54 Hiến pháp năm 2013...
Thùy Dung