Có thể thấy, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được nâng cao, nội dung bảo đảm tính hợp hiến, cơ bản bảo đảm tính hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nhiều văn bản có tính đột phá về thể chế cho phát triển ngành, lĩnh vực, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc, bất cập trên thực tiễn, góp phần kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đắc lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; các quy định ngày càng chặt chẽ, bảo đảm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Dự báo trong những năm tới, tình hình quốc tế, khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; xung đột vũ trang trên thế giới, dịch bệnh và thiên tai gia tăng; thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen tác động, ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Bối cảnh đó đòi hỏi các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để bảo đảm thích nghi, phù hợp với tình hình thực tế. Trước tình hình trong nước và thế giới với nhiều thách thức và yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng thể chế, đòi hỏi hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, công bằng, khả thi, chi phí tuân thủ thấp để biến thách thức thành thời cơ phát triển thì việc nghiên cứu, đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là rất cần thiết.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập Đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) để thay thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 hiện hành. Để phục vụ cho việc nghiên cứu sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là vô cùng cần thiết, giúp cơ quan chủ trì soạn thảo chọn lọc những kinh nghiệm phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế xã hội phù hợp với Việt Nam là vô cùng cần thiết.
Trong khuôn khổ Dự án JICA giai đoạn 2021 - 2025, ngày 10/9/2024, Bộ Tư pháp đã phối hợp cùng với Dự án JICA tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm nước ngoài về xây dựng, ban hành văn bản pháp luật”. Hội thảo đã nghe kinh nghiệm của 20 nước trên thế giới về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và trao đổi, thảo luận các vấn đề như: (i) Tổng quan nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về xây dựng, ban hành văn bản pháp luật; (ii) Quy định về hoạt động lập pháp của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và một số nước Châu Á; (iii) Kinh nghiệm nước ngoài về phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật; (iv) Kinh nghiệm nước ngoài về xây dựng văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn, nguyên tắc áp dụng văn bản; (v) Kinh nghiệm nước ngoài về ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn vào công tác xây dựng pháp luật; (vi) Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về xây dựng văn bản pháp luật.
Qua nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới, các chuyên gia cũng đã chọn lọc một số quy định ưu việt của các quốc gia và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục giảm bớt các hình thức văn bản quy phạm pháp luật bằng cách quy định mỗi chủ thể chỉ ban hành một loại văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, quy định rõ thứ bậc hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật. Xác định luật có hiệu lực cao hơn nghị quyết của Quốc hội như Luật Văn bản pháp luật của Lào.
Thứ ba, chỉ quy định về Chương trình xây dựng luật với đầy đủ trình tự, thủ tục như hiện nay (lập đề nghị xây dựng luật, đánh giá tác động của chính sách, lấy ý kiến, thẩm định, trình Chính phủ thông qua, thẩm tra…).
Thứ tư, bỏ giai đoạn chính sách đối với việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Thứ năm, bổ sung chủ thể có quyền giải thích theo hướng cơ quan ban hành văn bản có quyền giải thích văn bản đó để góp phần nâng cao hiệu quả thi hành văn bản, đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay và trong thời gian tới.
Thứ sáu, cho phép nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định hiệu lực trở về trước để khắc phục trường hợp văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương đã quy định về các chính sách, chế độ, nhưng Hội đồng nhân chưa kịp họp để ban hành nghị quyết thực hiện, gây thiệt thòi cho những chủ thể được hưởng chính sách, chế độ đã được quy định tại văn bản của trung ương.
Thứ bảy, sửa đổi Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 theo hướng xác định lại là ưu tiên áp dụng quy định chứ không phải ưu tiên áp dụng văn bản.
Thứ tám, nhận diện về nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật là những hành vi nào; xác định các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực cao để yêu cầu bắt buộc về việc đánh giá nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng pháp luật; nghiên cứu, đánh giá nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực trong xây dựng pháp luật theo 02 giai đoạn: (i) Giai đoạn đầu là phân tích sơ bộ dự thảo văn bản pháp luật để trả lời cho các câu hỏi cơ bản liên quan đến tham nhũng; lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; xem xét những bất cập về quy định như mâu thuẫn, chồng chéo về thẩm quyền xây dựng các quy định hoặc giám sát việc thực hiện quy định. (ii) Giai đoạn thứ hai liên quan đến việc xem xét nguy cơ tham nhũng tập trung vào các quy định cụ thể của văn bản pháp luật như quy định thẩm quyền quá rộng; ủy quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quá rộng; thiếu các đánh giá về tài chính và chi phí tuân thủ; thiếu hoặc không quy định của các thủ tục hành chính...
Tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo, Bộ Tư pháp thấy rằng các chia sẻ của chuyên gia từ Dự án JICA rất hữu ích, có thể chắt lọc những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng pháp luật ở Nhật Bản cho việc hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam. Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Bộ Tư pháp cảm ơn sự hỗ trợ của Dự án JICA trong việc tổ chức Hội thảo và mong muốn trong thời gian tới, Dự án JICA cùng các chuyên gia sẽ hỗ trợ và tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình xây dựng hệ thống pháp luật Việt Nam./.
Hồng Minh
Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp