Ngày 24/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Nghị định số 120/2021/NĐ-CP). Nghị định số 120/2021/NĐ-CP được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (Luật năm 2020), đồng thời, khắc phục những vướng mắc, bất cập xuất phát từ các quy định của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Nghị định số 111/2013/NĐ-CP), Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày 29/6/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (Nghị định số 56/2016/NĐ-CP) và những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn tổ chức thi hành biện pháp này.
Theo đó, Chương III Nghị định số 120/2021//NĐ-CP quy định về thi hành quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (GDTXPTT) là một trong những nội dung quan trọng, có tính chất “xương sống” của Nghị định này, với những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cơ bản, trên cơ sở kế thừa những quy định còn phù hợp với thực tiễn của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và Nghị định số 56/2016/NĐ-CP, tạo điều kiện thuận lợi trong thực tiễn áp dụng, đồng thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực thi hành biện pháp xử lý hành chính GDTXPTT nói riêng, thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung, qua đó góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa vi phạm hành chính, tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đưa các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính về áp dụng biện pháp GDTXPTT vào cuộc sống.
1. Phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục
Quy định về phân công người trực tiếp giúp đỡ người được giáo dục được quy định tại Điều 29 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP cơ bản kế thừa quy định tại Điều 25 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP). Theo đó, Điều 29 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP chia thành 02 khoản quy định về nguyên tắc phân công và thủ tục.
Thứ nhất, về nguyên tắc phân công: Điểm a khoản 1 Điều 29 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định người được phân công giúp đỡ phải là một trong những người sau: Cộng tác viên công tác xã hội; cộng tác viên trẻ em; người có uy tín trong dòng họ, cộng đồng dân cư; người có kinh nghiệm giáo dục, quản lý người chưa thành niên trong cơ sở bảo trợ xã hội có điều kiện, năng lực và kinh nghiệm giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục. Một người có thể được phân công giáo dục, quản lý, giúp đỡ nhiều người nhưng không quá 03 người cùng một thời điểm. Trường hợp người được phân công giúp đỡ không còn điều kiện giúp đỡ hoặc không hoàn thành trách nhiệm được giao, thì tổ chức được giao trách nhiệm giáo dục, quản lý phải kịp thời phân công người khác thay thế và phải thông báo bằng văn bản đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Đây là quy định mới được bổ sung tại điểm b khoản 1 Điều 29 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm việc phân công giúp đỡ được thực hiện hiệu quả, linh hoạt, tránh gián đoạn.
Thứ hai, về thủ tục: Khoản 2 Điều 29 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành hoặc nhận được quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở bảo trợ xã hội phân công một người trực tiếp giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục.
2. Về kế hoạch, nội dung, hình thức giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục, cam kết của người được giáo dục
Nghị định số 120/2021/NĐ-CP (từ Điều 30 đến Điều 32) đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung về kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục, nội dung, hình thức giáo dục, cam kết của người được giáo dục cho đầy đủ, toàn diện và thống nhất; đồng thời, bảo đảm hiệu quả thực hiện việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối tượng là người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy lần thứ ba không có nơi cư trú ổn định. Cụ thể:
Thứ nhất, về kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục: Khoản 1 Điều 30 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định phân công người trực tiếp giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục, căn cứ thời hạn áp dụng biện pháp, người được phân công phải xây dựng kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục.
Kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ gồm các nội dung chủ yếu như: Nội dung và hình thức giáo dục; các biện pháp cụ thể để giám sát, hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ người được giáo dục, thời gian thực hiện, việc phối hợp với gia đình và tổ chức, cá nhân khác có liên quan; nội dung phối hợp với các cơ quan, tổ chức xã hội liên quan tại địa phương đối với trường hợp người chưa thành niên ở tại cơ sở bảo trợ xã hội; ý kiến của người đứng đầu tổ chức được giao giáo dục đối với kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ.
Kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ phải được gửi cho người được giáo dục, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện và gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để lưu hồ sơ thi hành biện pháp GDTXPTT.
Thứ hai, về nội dung và hình thức giáo dục:
(i) Việc GDTXPTT được quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP gồm các nội dung cơ bản như: Phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân, các quy định của pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, về tác hại của việc sử dụng ma túy đối với sức khỏe, gia đình và cộng đồng cho đối tượng là người sử dụng trái phép chất ma túy; giáo dục về kỹ năng sống, hỗ trợ học văn hóa, hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ tìm việc làm cho người được giáo dục; tổ chức cho người được giáo dục tham gia các hoạt động công ích tại cộng đồng với hình thức phù hợp; giáo dục về truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước; các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy việc phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng.
(ii) Các hình thức giáo dục cơ bản (khoản 2 Điều 31 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP): Gặp gỡ trực tiếp gia đình, người được giáo dục; giới thiệu tham gia các lớp học về kỹ năng sống, các lớp hướng nghiệp, dạy nghề, tìm việc làm; cung cấp tài liệu GDTXPTT và mời chuyên gia, người có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ tham gia giáo dục cho người được giáo dục; thông báo bằng văn bản về gia đình, người được giáo dục về các biện pháp giáo dục, quản lý; yêu cầu người được giáo dục làm cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp giáo dục, quản lý; tổ chức cuộc họp góp ý tại địa bàn dân cư ở cơ sở trong trường hợp cần thiết.
Riêng đối với trường hợp người được giáo dục là người chưa thành niên thì không tổ chức cuộc họp góp ý.
Thứ ba, về cam kết của người được giáo dục: Nghị định số 120/2021/NĐ-CP cơ bản kế thừa các quy định về cam kết của người được giáo dục tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP). Theo đó, người được giáo dục gửi bản cam kết về việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT cho cơ quan, tổ chức được giao giáo dục, quản lý và phải nghiêm chỉnh thực hiện cam kết của mình. Khoản 2 Điều 32 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định 07 nội dung cam kết, trong đó, bổ sung 01 nội dung tại điểm g về việc thực hiện nghiêm quy định về việc vắng mặt tại nơi cư trú.
3. Về tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục
Các quy định liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch; thủ tục tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ người được giáo dục; quyền và nghĩa vụ của người được phân công giúp đỡ; quyền và nghĩa vụ của người được giáo dục trong thời gian chấp hành biện pháp GDTXPTT tại Nghị định số 120/2021/NĐ-CP (từ Điều 33 đến Điều 37) cơ bản kế thừa quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 156/2016/NĐ-CP). Theo đó, Nghị định này quy định cụ thể về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, cơ sở bảo trợ xã hội và người được phân công giúp đỡ trong việc theo dõi, quản lý, giám sát, báo cáo việc thực hiện nội dung kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ đối với người được giáo dục (Điều 33, Điều 37 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP). Đồng thời, Điều 34 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định rõ các bước và thủ tục tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục, quản lý, giúp đỡ đối với người được giáo dục, trong đó có quy định riêng đối với người được giáo dục là người chưa thành niên. Một điểm mới đáng chú ý là Điều 36 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP đã bỏ quy định về nghĩa vụ của người được giáo dục “hàng tháng phải báo cáo bằng văn bản với người được phân công giúp đỡ về tình hình học tập, lao động, rèn luyện, tu dưỡng, kết quả sửa chữa sai phạm và sự tiến bộ của mình” do nội dung này thực tế không mang lại hiệu quả, hơn nữa, nhiều đối tượng bị áp dụng biện pháp GDTXPTT không biết đọc, biết viết, gây khó khăn trong quá trình áp dụng trong thực tiễn.
4. Việc vắng mặt, thay đổi nơi cư trú của người được giáo dục tại nơi cư trú và người được giáo dục tại cơ sở bảo trợ xã hội
Để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Cư trú năm 2020, Nghị định số 120/2021/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về việc vắng mặt, thay đổi nơi cư trú của người được giáo dục tại Điều 38 và Điều 39.
Nếu trước đây, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 156/2016/NĐ-CP) chỉ quy định về việc đi lại, vắng mặt của người được giáo dục tại nơi cư trú (Điều 34) thì hiện nay, Điều 38 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định về việc vắng mặt của người được giáo dục tại cơ sở bảo trợ xã hội, đồng thời, sửa đổi tên gọi của Điều để bảo đảm thống nhất với nội dung. Theo đó, người được giáo dục được vắng mặt tại nơi cư trú hoặc vắng mặt tại cơ sở bảo trợ xã hội nếu có lý do chính đáng và phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú hoặc cơ sở bảo trợ xã hội được tính vào thời hạn chấp hành biện pháp GDTXPTT nhưng tổng số thời gian vắng mặt không được vượt quá 1/3 thời hạn áp dụng biện pháp, trừ trường hợp người được giáo dục ốm, bị bệnh phải điều trị tại các cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế. Khoản 3, khoản 4 Điều 38 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về thủ tục giải quyết đối với trường hợp người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú dưới 15 ngày hoặc từ 15 ngày trở lên và thủ tục giải quyết đối với trường hợp người được giáo dục vắng mặt tại cơ sở bảo trợ xã hội.
Về việc thay đổi nơi cư trú của người được giáo dục, Điều 39 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP cơ bản giữ nguyên quy định tại Điều 34 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 156/2016/NĐ-CP), chỉ bỏ cụm từ “cơ sở trợ giúp trẻ em” tại khoản 2 Điều 34 để bảo đảm thống nhất với quy định tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
5. Xử lý đối với trường hợp người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bị Tòa án xử phạt tù
Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 156/2016/NĐ-CP) quy định đối với trường hợp người bị áp dụng biện pháp GDTXPTT bị Tòa án xử phạt tù, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định GDTXPTT phải ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp.
Để bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 117 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), khoản 3 Điều 40 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP đã quy định về việc xử lý đối với trường hợp người bị áp dụng biện pháp GDTXPTT bị Tòa án xử phạt tù như sau: “Trường hợp người được tạm đình chỉ thi hành biện pháp bị Tòa án xử phạt tù thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án có hiệu lực pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT phải ra quyết định miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT”.
6. Chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Thứ nhất, khoản 1 Điều 41 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định: Người được giáo dục đã chấp hành ít nhất 1/2 thời gian GDTXPTT mà không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp và đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
Thứ hai, để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, khoản 2 Điều 41 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT phải ra quyết định chấm dứt việc áp dụng biện pháp và xử lý:
- Người từ đủ 12 tuổi trở lên đang trong thời gian chấp hành biện pháp mà bị xác định là nghiện ma túy thuộc trường hợp quy định tại các điều 30, 31 và 33 Luật Phòng, chống ma túy thì thực hiện việc cai nghiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy;
- Người từ đủ 18 tuổi trở lên đang trong thời gian chấp hành biện pháp mà bị xác định là nghiện ma túy thuộc trường hợp quy định tại Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy, thì lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
7. Miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định giáo dục tại xã, phường, thị trấn
Nghị định số 120/2021/NĐ-CP đã bỏ quy định về việc miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định áp dụng biện pháp GDTXPTT trong trường hợp đã chấp hành một nửa thời gian GDTXPTT mà có tiến bộ rõ rệt tại Điều 36 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 156/2016/NĐ-CP), để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), vì Luật này không quy định việc miễn chấp hành phần thời gian còn lại của quyết định GDTXPTT trong trường hợp này.
Cục Quản lý XLVPHC và TDTHPL, Bộ Tư pháp