Làm thế nào để được lòng dân chính là gìn giữ “Quốc bảo”, điều đó được thể hiện trong tất cả những chủ trương, chính sách và trở thành hiện thực sinh động trong đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực pháp luật. Chủ tịch nước đã chỉ rõ: “Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, chăm lo việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân là nghĩa vụ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta, là bổn phận của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chúng ta”. Ngay những ngày đầu năm 2015, một loạt những quy định pháp luật, chính sách đã có hiệu lực với mục đích rõ ràng là “khoan sức dân”, là giữ gìn “Quốc bảo” thể hiện ở những chính sách thuế, mở mang các điều kiện kinh doanh, tạo môi trường phát triển kinh tế,... Năm 2014, Chính phủ có Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và lập tức phát huy hiệu quả trong cuộc sống. Đã có đà và được bổ sung bằng các văn bản pháp luật thông thoáng, “mở cửa và cởi trói” cho doanh nghiệp, hy vọng năm nay sẽ là một năm khởi sắc cho nền kinh tế.
Trong các mặt hoạt động của công tác tư pháp thì chủ trương vì dân được thể hiện rất rõ ràng qua việc thực hiện những chức năng, nhiệm vụ của mình và các công việc cụ thể, từ ban hành và kiểm tra các văn bản pháp luật đến quán triệt thái độ phục vụ nhân dân của toàn thể đội ngũ cán bộ tư pháp trong cả nước. Một dẫn chứng mang tính thuyết phục cho tư tưởng vì dân là việc Bộ Tư pháp soạn thảo và trình Quốc hội thông qua hai đạo luật, đó là Luật Hôn nhân và gia đình và Luật Hộ tịch thì những quan điểm rất nhân văn như việc mang thai hộ hoặc cấp giấy khai sinh với những thủ tục đơn giản, rút gọn đã giảm rất nhiều phiền hà cho người dân tại lĩnh vực này. Năm 2015, Ngành Tư pháp lại là “đầu mối” cho việc xây dựng Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự sửa đổi, liên quan rất nhiều đến lợi ích cơ bản của công dân. Có những việc làm vì dân cụ thể hơn khi phát hiện những văn bản pháp luật “không vì dân” thì “thổi còi” ngay lập tức, ví dụ gần đây nhất là việc đề nghị chấm dứt tình trạng “vẽ rắn thêm chân”, gây phiền hà cho người dân, như hành nghề xe ôm cũng bắt phải đăng ký kinh doanh. Bộ trưởng Hà Hùng Cường từng phát biểu khi ông nhậm chức: “Sẽ luôn cố gắng nhìn nhận công tác tư pháp dưới con mắt người dân”. Lời nói tâm huyết đó đã dần dần trở thành hiện thực qua các hoạt động của Ngành Tư pháp trong những năm gần đây, ngày một gắn bó với cuộc sống, suy nghĩ của người dân. Điều đó chứng tỏ rằng thông điệp đầu năm của Chủ tịch nước về lòng dân cũng là phương châm hành động của Ngành Tư pháp chúng ta.
Ở các lĩnh vực khác, việc giữ lòng dân được thể hiện như chú trọng vấn đề an sinh xã hội, tạo điều kiện cho một bộ phận nhân dân thoát nghèo và ngay những chính sách cụ thể để giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
“Quốc bảo lòng dân” phải được giữ gìn bởi những phương pháp quản lý xã hội, thái độ với những hành vi xâm lấn đất nước và trong từng động thái ứng xử với người dân. Quan hệ giữa chính quyền và người dân cũng cần có những thay đổi mạnh mẽ để lấy được niềm tin yêu của người dân. Khoan sức dân cũng là một cách giữ gìn “Quốc bảo”!
“Quốc bảo lòng dân” càng được trân trọng qua Hiến pháp năm 2013 và các văn kiện dự thảo chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới, trong đó chữ Nhân dân được viết hoa. Đó là việc chưa từng có trong các văn bản chính thức, xác định vị trí của Nhân dân xứng đáng được vinh danh và giữ gìn lòng dân như “Quốc bảo”!
Bình Sơn