Ở nước ta, Hiến pháp năm 1992 sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, đã bộc lộ nhiều quy định không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời đại công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Do vậy, việc sửa đổi Hiến pháp này là yêu cầu tất yếu của thực tiễn.
Sau một thời gian tổ chức lấy ý kiến đóng góp của toàn thể quần chúng nhân dân và thông qua quá trình tiếp thu, chỉnh lý của cơ quan soạn thảo, sáng ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo, với 486 đại biểu tán thành trong tổng số 488 đại biểu có mặt (2 đại biểu không biểu quyết) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được thông qua sau 3 lần cho ý kiến tại các kỳ họp Quốc hội với tỷ lệ 97,59%. Có thể nói, đây là sự kiện có tính chất lịch sử quan trọng của đất nước ta trong thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Bản Hiến pháp trình Quốc hội thông qua lần này là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu, làm việc cần mẫn, tâm huyết, tận tụy, nghiêm túc chắt lọc tinh hoa trí tuệ của toàn dân, tiếp thu ý kiến xác đáng của cử tri trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà khoa học, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị của các vị đại biểu Quốc hội. Do đó, bản Hiến pháp mới thể hiện tinh thần đổi mới và thể hiện được ý Đảng, lòng dân, phản ánh được nguyện vọng của đại đa số nhân dân [2].
Như vậy, sau Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992, thì đây là bản hiến pháp thứ 5 trong lịch sử lập hiến của Việt Nam. Một số nội dung cơ bản của Hiến pháp sửa đổi là:
Thứ nhất, về chương Chế độ chính trị, quy định nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ đã thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Điều 2 khẳng định về nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã thể hiện bản chất của Nhà nước. Đây là vấn đề đã được thể hiện trong Cương lĩnh và thực tiễn hoạt động của Nhà nước. Còn ý “đại đoàn kết toàn dân tộc” là một trong những động lực rất quan trọng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Về vai trò lãnh đạo của Đảng: Bổ sung quy định trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Bản chất của Đảng tiếp tục được khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”.
Thứ hai, về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước
Chủ tịch nước: Hiến pháp khẳng định Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Bản dự thảo sau cùng đã làm rõ thêm thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và quy định mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp. Đồng thời làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước trong việc quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…; cùng với đó là bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch quyết định việc lực lượng vũ trang nước ta tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Dự thảo quy định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp. Chính phủ đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền của mình; trình dự án luật, dự án ngân sách nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phân định rõ thẩm quyền của tập thể Chính phủ trong việc tổ chức đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước theo ủy quyền của Chủ tịch nước; quyết định việc ký, gia nhập, phê duyệt hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ và thẩm quyền của Thủ tướng trong quyết định và chỉ đạo việc đàm phán, chỉ đạo việc ký, gia nhập điều ước quốc tế thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ; tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ ba, về các thành phần kinh tế, để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế nước ta thì việc quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là cần thiết, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, Hiến pháp mới tiếp tục khẳng định: "Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa" (Điều 51).
Thứ tư, về thu hồi đất, Hiến pháp giữ nội dung về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng thể hiện lại cho gắn kết với mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện. Theo đó. Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật
Điều 53 của Hiến pháp cũng nêu rõ: "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".
Thứ năm, chương Chính quyền địa phương được quy định khái quát theo hướng: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định” [3].
Việc tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cụ thể ở từng đơn vị hành chính sẽ được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương trên cơ sở tổng kết việc thực hiện chủ trương của Đảng thí điểm một số nội dung về tổ chức chính quyền đô thị và kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và các nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương [4].
Thứ sáu, vấn đề sửa đổi Hiến pháp, thực tiễn lập hiến ở Việt Nam cho thấy, nhân dân tham gia vào tất cả các công đoạn của quy trình lập hiến, từ việc tổng kết thi hành Hiến pháp đến việc xây dựng và tham gia ý kiến vào Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội thông qua. Do đó, về thực chất, Dự thảo Hiến pháp trước khi trình Quốc hội thông qua đã thể hiện ý chí và trí tuệ của nhân dân [5]. Vì vậy, Hiến pháp đã giao Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân quyết định việc trưng cầu dân ý. Cụ thể, Điều 120 quy định: Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp. Quốc hội quyết định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành
Trưng cầu ý dân về Hiến pháp là việc hệ trọng nên cần phải được cân nhắc một cách toàn diện, phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của nước ta. Do đó, Hiến pháp giữ quy định “việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp do Quốc hội quyết định” để kết hợp giữa thẩm quyền của Quốc hội và chủ quyền của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp.
Thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 103 của Hiến pháp hiện hành về nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước trong việc công bố Hiến pháp, Luật và Nghị quyết của Quốc hội, sáng ngày 8/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp.
Như vậy, Hiến pháp vừa được thông qua có tên là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) với 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến; bố cục hợp lý, chặt chẽ và khoa học, bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, có tính ổn định lâu dài; phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân; thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp.
Tài liệu tham khảo:
[1] Http://vi.wikipedia.org;
[2] Phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, ngày 28/11/2013;
[3] Báo cáo của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội;
[4] Phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII;
[5] Phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII.
Bùi Huyền
Ảnh: Sưu tầm