Nhiều vấn đề cần nghiên cứu, thảo luận
Thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, đối với các tội phạm kinh tế, tham nhũng thì lợi ích vật chất là mục tiêu chính của người phạm tội. Để đạt được mục tiêu đó, người thực hiện hành vi vi phạm thường tìm các thủ đoạn để tẩu tán, che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản thông qua hoạt động rửa tiền, chuyển dịch tài sản…
Các thủ đoạn này gây khó khăn cho việc phát hiện tội phạm cũng như cho quá trình xác minh, điều tra nguồn gốc tài sản của các cơ quan tiến hành tố tụng và trong nhiều trường hợp, tiền, tài sản liên quan đến tội phạm được tẩu tán, ngụy trang thành công, mà tội phạm vẫn không bị xử lý. Đây là một thách thức lớn đối với các cơ quan tư pháp. Thu hồi tài sản bị chiếm đoạt là một vấn đề rất phức tạp trong bối cảnh hoạt động che giấu, tẩu tán, tẩy rửa tiền, tài sản bất hợp pháp ngày càng trở nên tinh vi và có tính chất xuyên quốc gia.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị 04/CT-TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế “xây dựng về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội” và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 474/QĐ-TTg ngày 30/4/2019 về ban hành Kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019-2020, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ "Nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế thu hồi tài sản không thông qua thủ tục kết tội" và đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá pháp luật hiện hành, tham khảo kinh nghiệm các nước để đề xuất khả năng xây dựng cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội cũng như sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật có liên quan.
Chủ trì Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh, thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là cách tiếp cận mới trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng. Đây là giải pháp nảy sinh từ yêu cầu thực tiễn khi những biện pháp thu hồi tài sản theo cách thức truyền thống không giải quyết được các vấn đề bất cập của thực tiễn do gặp khó khăn trong xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội.
Thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước, không xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tội phạm, với mục đích thu hồi về cho ngân sách nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản.
Tuy nhiên, thực hiện cơ chế này cũng đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết như phạm vi và mục tiêu của cơ chế này nhằm vào nhóm tội phạm nào, các trường hợp nào cần thiết sử dụng cơ chế, phương thức tịch thu ra sao… Nếu thí điểm thì sẽ thí điểm vấn đề gì, công đoạn, cách thức nào để đạt mục tiêu của chính sách, bảo đảm phù hợp, khả thi trong bối cảnh ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội sẽ không hiệu quả nếu không tính đến các cơ chế hỗ trợ như tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan…
Qua nghiên cứu của một số chuyên gia, bà Hạnh nhận thấy, ưu điểm chính của các biện pháp tịch thu tài sản không qua kết tội là yêu cầu tiêu chuẩn về chứng cứ tại các phiên tòa dân sự thấp hơn so với các phiên tòa hình sự, qua đó tạo thuận lợi cho việc thu hồi tài sản. Nói cách khác, biện pháp thu hồi không thông qua thủ tục kết tội giúp khắc phục được một trong những khó khăn lớn nhất là việc phải chứng minh tội phạm và nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản được cho là do phạm tội mà có.
Ngoài ra, ưu điểm của biện pháp này còn thể hiện ở chỗ, việc khởi kiện dân sự có thể được mở rộng tới các bên thứ ba, có thể là bất kỳ ai đã hỗ trợ cho bị đơn chính, các thành viên gia đình, cộng sự thân thiết, các bên trung gian, các định chế tài chính, luật sư, kế toán.. và trong khởi kiện dân sự, các quan chức hoặc cựu quan chức và tài sản của họ không được hưởng quyền miễn trừ. Bà Hạnh khẳng định, đây là những vấn đề hết sức mới với Việt Nam, đòi hỏi phải nghiên cứu, thảo luận, tham khảo kinh nghiệm của các nước.
Tham mưu làm rõ lộ trình, bước đi phù hợp với thực tiễn Việt Nam
Đồng chủ trì Hội thảo, Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam Florian Feyerabend cho biết, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) đã dành 1 chương quy định về thu hồi tài sản. Theo đó, UNCAC khuyến nghị các nước thành viên theo pháp luật nước mình sẽ xem xét tiến hành các biện pháp cần thiết cho phép tịch thu tài sản mà chưa có bản án hình sự trong trường hợp không thể truy tố người vi phạm vì lý do người này đã chết, lẩn trốn hoặc vắng mặt, hoặc trong các trường hợp thích hợp khác. Tuy nhiên, ông cho hay, cơ chế thu hồi tài sản không qua truy tố hình sự có thể phức tạp vì cơ chế này có thể gây ra những quan ngại về quyền về tài sản.
Các đại biểu cũng đã nêu nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận cùng các chuyên gia về cơ chế tịch thu tài sản không qua kết tội, làm rõ tác động của cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội đối với quyền của cá nhân về tài sản, nguyên tắc suy đoán vô tội; những rào cản, khó khăn, thánh thức đối với Việt Nam khi xây dựng cơ chế này.
Những ý kiến thu nhận được từ Hội thảo góp phần là cơ sở để Bộ Tư pháp xây dựng và hoàn thiện nghiên cứu về tính khả thi của cơ chế tịch thu tài sản không qua kết tội, giúp cho Bộ Tư pháp có thể tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện, thực tiễn của Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả công tác tịch thu tài sản, đặc biệt là tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
(Theo Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)