Một trong những yếu tố không kém phần quan trọng để tạo nên sức hút cho môi trường đầu tư ở mỗi quốc gia đó là vấn đề thủ tục đầu tư. Thực tế cho thấy, cùng với các yếu tố khác, một môi trường đầu tư với các thủ tục đầu tư tinh gọn, đơn giản, thống nhất sẽ có sức hút hơn so với một môi trường đầu tư với các thủ tục đầu tư phức tạp, rườm rà, không có sự đồng bộ, thống nhất. Ở Việt Nam, để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư, vấn đề cải cách thủ tục đầu tư đang được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Các văn bản pháp luật khi quy định về các thủ tục đầu tư ở nước ta ngày càng được tinh giảm theo hướng gọn nhẹ, đơn giản và đi đến thống nhất, tránh gây phiền hà, mất thời gian cho nhà đầu tư. Những thủ tục này không những tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong việc nhanh chóng triển khai thực hiện dự án đầu tư mà ngay cả khi có sự điều chỉnh đối với dự án đầu tư.
Hiện nay, Luật Đầu tư năm 2014 quy định có bốn hình thức đầu tư tại Việt Nam, bao gồm: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng đối tác công tác công tư (hợp đồng PPP) và đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC). Trong đó, thủ tục đăng ký đầu tư khi đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế bao gồm: Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư (quyết định chủ trương đầu tư bởi Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, khi có sự điều chỉnh đối với dự án đầu tư, nhà đầu tư cũng sẽ thực hiện các thủ tục tương ứng: Thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư (bài viết này không đề cập đến những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội); Thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với những dự án đầu tư không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư.
1. Thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
1.1. Thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm những dự án đầu tư thuộc diện phải được quyết định chủ trương đầu tư (quyết định chủ trương đầu tư bởi Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và không thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư. Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, những dự án đầu tư phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm: Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và dự án đầu tư của tổ chức kinh tế được quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2014[1]. Trong đó: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”[2] và tổ chức kinh tế được quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2014 là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh hoặc có tổ chức kinh tế theo quy định trên nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế theo quy định trên nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên[3]. Đối với những dự án đầu tư hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu có sự điều chỉnh đối với dự án đầu tư thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Một là, thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư. Thủ tục này bao gồm những dự án đầu tư do nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế (được quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2014) thực hiện và không thuộc đối tượng dự án được quy định tại Điều 30, Điều 31 và Điều 32 Luật Đầu tư năm 2014. Đối với những dự án đầu tư này, khi đăng ký đầu tư thì cơ quan đăng ký đầu tư căn cứ vào hồ sơ hợp lệ mà nhà đầu tư đã nộp và các điều kiện: Mục tiêu của dự án đầu tư không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; dự án đầu tư đáp ứng điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài[4], để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. Do đó, khi có sự thay đổi một trong các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ mã số dự án đầu tư, thì nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư, căn cứ vào hồ sơ hợp lệ mà nhà đầu tư đã nộp, cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. Thủ tục này được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, nếu xét về những dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư thì vẫn còn hai trường hợp: Thứ nhất, dự án đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với dự án này, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến thẩm định các cơ quan nhà nước có liên quan để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư[5]. Những dự án đầu tư này nếu không phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư trước khi được cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Thứ hai, dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư năm 2014[6] phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt vàthuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan có liên quan để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư[7]. Cũng tương tự như trên, những dự án đầu tư này nếu không phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trước khi được cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đối với những dự án đầu tư thuộc một trong hai trường hợp này thủ tục đăng ký đầu tư mặc dù không phải quyết định chủ trương đầu tư nhưng cơ quan đăng ký đầu tư phải thực hiện lấy ý kiến các cơ quan nhà nước có liên quan hoặc lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan nhà nước có liên quan rồi mới tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. Thủ tục đăng ký đầu tư rõ ràng khác với những dự án do nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế được quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2014 thực hiện và không thuộc các đối tượng dự án được quy định tại các Điều 30, 31 và 32 Luật Đầu tư năm 2014. Vậy những dự án đầu tư này, nếu có sự điều chỉnh một trong các nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì vẫn thuộc trường hợp nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với những dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 33 Nghị định 118/2015/NĐ-CP. Nhưng nếu áp dụng thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với những dự án đầu tư này theo quy định tại Điều 33 Nghị định 118/2015/NĐ-CP thì không thống nhất với thủ tục đăng ký đầu tư như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, Điều 33 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP lại không có quy định riêng về thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với những dự án đầu tư này. Mặt khác, nếu áp dụng thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 34, 35 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP cũng không phù hợp. Bởi, đối với thủ tục này, trước khi cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư thì dự án đầu tư phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhưng những dự án đầu tư này khi đăng lý đầu tư thì không phải được quyết định chủ trương đầu tư nên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ cũng không có cơ sở để quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Như vậy, với quy định đồng nhất thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả những dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư như tại Điều 33 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP hiện nay là chưa phù hợp.
Hai là, thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với những dự án đầu tư thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư. Đối với thủ tục này, bài viết đề cập đến hai trường hợp sau:
Thứ nhất, những dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Đây là những dự án đầu tư do nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế được quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2014 thực hiện và thuộc các đối tượng dự án được quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư năm 2014. Những dự án đầu tư này khi đăng ký đầu tư phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư trước khi cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Do đó, khi dự án đầu tư có sự điều chỉnh mục tiêu, địa điểm đầu tư, công nghệ chính; tăng hoặc giảm vốn đầu tư trên 10% tổng vốn đầu tư làm thay đổi mục tiêu, quy mô và công suất của dự án đầu tư; điều chỉnh thời hạn thực hiện của dự án đầu tư hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có)[8] thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điều 34 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Theo đó, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư hợp lệ từ nhà đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến các cơ quan nhà nước có liên quan, lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, căn cứ vào quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. Thủ tục này được thực hiện thống nhất với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định tại Điều 30 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Trường hợp điều chỉnh các nội dung không được đề cập ở trên, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tương ứng tại Điều 33 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP như đã phân tích ở trên.
Ngoài ra, những dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh còn có trường hợp dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan có liên quan, lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, căn cứ vào quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. Những dự án đầu tư này nếu không phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt phải được quyết định chủ trương đầu tư bởi Thủ tưởng Chính phủ trước khi được cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, nếu áp dụng thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điều 34 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP như trên thì không phù hợp với thủ tục đăng ký đầu tư đối với những dự án đầu tư này. Bởi nếu áp dụng Điều 34 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì cơ quan đăng ký đầu tư không cần lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng khi thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư, những đối tượng dự án này phải được lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây rõ ràng là một thiếu sót của Điều 34 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Với thiếu sót này sẽ gây không ít lúng túng cho cơ quan đăng ký đầu tư khi thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư khi rơi vào trường hợp này. Nếu cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ dự án đầu tư cần điều chỉnh để lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì sẽ vấp phải sự phản ứng của nhà đầu tư bởi thủ tục tại Điều 34 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP không quy định, nhưng nếu không lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì không phù hợp với thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ban đầu. Còn nếu áp dụng thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 35 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP cho những dự án thì cũng không phù hợp. Bởi dự án này chỉ được cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, dự án này khi đăng ký đầu tư lại được quyết định chủ trương đầu tư bởi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên Thủ tướng Chính phủ sẽ không có cơ sở để quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Thứ hai, những dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những dự án đầu tư do nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế được quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2014 thực hiện và thuộc các đối tượng dự án được quy định tại Điều 31 Luật Đầu tư năm 2014. Những dự án đầu tư này khi đăng ký đầu tư phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trước khi được cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Do đó, khi có sự điều chỉnh mục tiêu, địa điểm đầu tư, công nghệ chính; tăng hoặc giảm vốn đầu tư trên 10% tổng vốn đầu tư làm thay đổi mục tiêu, quy mô và công suất của dự án đầu tư; điều chỉnh thời hạn thực hiện của dự án đầu tư hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có), nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điều 35 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Theo đó, sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ từ nhà đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lấy ý kiến các cơ quan nhà nước có liên quan, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để gửi ý kiến cho Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lập báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, căn cứ vào quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư. Thủ tục này được thực hiện thống nhất với thủ tục đăng ký đầu tư đối với những dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ được quy định tại Điều 31 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP. Trường hợp điều chỉnh các nội dung không được đề cập ở trên, nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện phải quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tương ứng tại Điều 33 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP như đã phân tích ở trên.
1.2. Thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Như đã đề cập ở trên, những dự án phải được quyết định chủ trương đầu tư là những dự án thuộc đối tượng được quy định tại Điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư. Đồng thời theo quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Đầu tư năm 2014 thì những dự án sau sẽ không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế: Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước hoặc dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Đầu tư năm 2014. Trong đó, “nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”[9] và tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2014 là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông nhưng không thuộc các tổ chức kinh tế được quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư năm 2014[10] như đã phân tích ở trên. Những dự án đầu tư này phải được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư và không cần phải được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với những dự án đầu tư này thực hiện theo quy định tương ứng tại Điều 30, 31 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP (trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội). Do đó, khi có sự điều chỉnh mục tiêu, địa điểm đầu tư, công nghệ chính; Tăng hoặc giảm trên 10% tổng vốn đầu tư làm thay đổi mục tiêu, quy mô và công suất của dự án đầu tư; Điều chỉnh thời hạn thực hiện của dự án đầu tư hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có)[11], nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó, thủ tục này cũng thực hiện theo quy định tương ứng tại Điều 34, 35 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP cho đến khi Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư[12].
Sự thống nhất trong quy định tại Điều 36 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP với các quy định trước đó tại Điều 32 Nghị định này thể hiện ở chỗ khoản 3 và khoản 4 Điều 36 đã tách thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với những dự án đầu tư thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 32 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ra thành quy định riêng. Bởi những dự án đầu tư này khi đăng ký đầu tư được thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư khác với những dự án khác thuộc đối tượng dự án được quy định tại Điều 31, 32 Luật Đầu tư năm 2014. Do đó, khi có sự điều chỉnh một số nội dung được quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, nhà đầu tư sẽ thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư theo quy định riêng tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều 36 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thay vì được Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Theo đó:
Thứ nhất, “đối với dự án quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định này, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế lấy ý kiến thẩm định theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định này liên quan đến nội dung điều chỉnh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến thẩm định, Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư”[13]. Những dự án đầu tư được quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP là dự án đầu tư được nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất, dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư năm 2014 thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Những dự án đầu tư này, khi đăng ký đầu tư sẽ được quyết định chủ trương đầu bởi Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế sau khi cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến các cơ quan nhà nước có liên quan. Do đó, quy định tại khoản 3 Điều 36 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP khi thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư là thống nhất với thủ tục quyết định chủ trương đầu tư quy định tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định này.
Thứ hai, đối với dự án quy định tại khoản 3 Điều 32 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP liên quan đến nội dung điều chỉnh để quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định sau:
Một, đối với dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan có liên quan, cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Ủy ban nhân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của cơ quan đăng ký đầu tư. Văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư được gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư[14]. Dự án đầu tư quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP là những dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên quy định tại khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư năm 2014 phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư. Những dự án đầu tư này khi đăng ký đầu tư sẽ được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư (thay vì Thủ tướng Chính phủ) sau khi nhận được báo cáo thẩm định từ cơ quan đăng ký đầu tư. Do đó, với quy định về thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với những dự án này tại điểm a khoản 4 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP là phù hợp và thống nhất với thủ tục quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 32 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP.
Hai, đối với dự án đầu tư quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 32 Nghị định 118/2015/NĐ-CP, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan có liên quan, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư được gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhà đầu tư[15]. Dự án đầu tư quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 32 Nghị định 118/2015/NĐ-CP là dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên quy định tại Khoản 2 Điều 31 Luật Đầu tư phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư là Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Những dự án đầu tư này khi đăng ký đầu tư sẽ được quyết định chủ trương đầu tư bởi Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế sau khi nhận được ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan nhà nước có liên quan. Do đó, quy định về thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư tại điểm b khoản 4 Điều 36 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP là phù hợp và thống nhất với thủ tục quyết định chủ trương đầu tư quy định tại điểm b khoản 3 Điều 32 Nghị định này.
Mặc dù Điều 36 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP đã có sự quy định rõ ràng đối với những thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đặc biệt phù hợp với khoản 2 và khoản 3 Điều 32 của Nghị định, nhưng quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định này lại bộc lộ điểm bất cập nhất định. Theo đó: “Trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tương ứng tại Điều 34 và Điều 35 Nghị định này”[16]. Nhưng tại khoản 2 Điều 34 và khoản 2 Điều 35 của Nghị định lại dẫn chiếu đến thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điều 33 của Nghị định, trong khi đó, những dự án thuộc đối tượng điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư nhưng không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điều 36 của Nghị định thì không thể áp dụng Điều 33 của Nghị định bởi những dự án này khi đăng ký đầu tư không bắt buộc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, do đó, không thể điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Như vậy, khoản 2 Điều 36 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP không nhất thiết phải dẫn chiếu đến cả Điều 34 và Điều 35 của Nghị định vì dẫn chiếu như vậy sẽ bị thừa và không cần thiết.
2. Một số kiến nghị, đề xuất
Để tạo sự thống nhất giữa thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư hoạt động theo quyết định chủ trương đầu tư với thủ tục đăng ký đầu tư, tác giả đề xuất một số nội dung sau:
Một là, thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 33 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP cần được sửa đổi theo hướng bổ sung thêm hai khoản phù hợp với thủ tục đăng ký đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 30 và điểm b khoản 9 Điều 31 Nghị định này. Theo đó, Điều 33 sẽ bổ sung thêm khoản 4 và khoản 5, đồng thời chuyển khoản 4 như quy định hiện hành thành khoản 6, cụ thể như sau:
“Điều 33. Thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư
1. Trường hợp thay đổi tên dự án đầu tư, địa chỉ của nhà đầu tư hoặc thay đổi tên nhà đầu tư, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư cho Cơ quan đăng ký đầu tư kèm theo tài liệu liên quan đến việc thay đổi tên, địa chỉ của nhà đầu tư hoặc tên dự án đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
2. Trường hợp điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng; mục tiêu, quy mô dự án đầu tư; vốn đầu tư của dự án, tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn; thời hạn hoạt động của dự án; tiến độ thực hiện dự án đầu tư; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư (nếu có) và các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có), nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư, gồm:
a) Văn bản đề nghị điều chỉnh dự án đầu tư;
b) Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư đến thời điểm điều chỉnh;
c) Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư (đối với các trường hợp điều chỉnh nội dung quy định tại các Khoản 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 39 Luật Đầu tư);
d) Giải trình hoặc cung cấp giấy tờ liên quan đến việc điều chỉnh những nội dung quy định tại các Điểm b, c, d, đ, e, g Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư (nếu có).
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 2 Điều này, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
4. Đối với dự án quy định tại Khoản 7 Điều 30 Nghị định này, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến thẩm định theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định này liên quan đến nội dung điều chỉnh để cấp thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
5. Đối với dự quy định tại Điểm b Khoản 9 Điều 31 Nghị định này, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định này liên quan đến nội dung điều chỉnh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan có liên quan, cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
5.Việc điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện theo thủ tục quy định tại các Điều 37, 38 và 39 Nghị định này”.
Hai là, thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại Điều 34 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP cần được sửa đổi theo hướng bổ sung thêm một điểm vào khoản 1 cho phù hợp với thủ tục đăng ký đầu tư theo quy định tại điểm a khoản 9 Điều 31 Nghị định này, cụ thể như sau:
“Điều 34. Thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Trường hợp điều chỉnh mục tiêu, địa điểm đầu tư, công nghệ chính; tăng hoặc giảm vốn đầu tư trên 10% tổng vốn đầu tư làm thay đổi mục tiêu, quy mô và công suất của dự án đầu tư; điều chỉnh thời hạn thực hiện của dự án đầu tư hoặc thay đổi điều kiện đối với nhà đầu tư (nếu có), nhà đầu tư thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định sau:
a) Nhà đầu tư nộp 04 bộ hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định này cho Cơ quan đăng ký đầu tư;
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư gửi hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan để lấy ý kiến về những nội dung điều chỉnh;
c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan đăng ký đầu tư, các cơ quan quy định tại Điểm b Khoản này có ý kiến về nội dung điều chỉnh thuộc phạm vi quản lý của mình;
d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của cơ quan quy định tại Điểm c Khoản này, Cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định các nội dung điều chỉnh dự án đầu tư để trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
đ) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Cơ quan đăng ký đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư và gửi cho Cơ quan đăng ký đầu tư;
e) Căn cứ văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
g) Đối với dự án đầu tư quy định tại Điểm a Khoản 9 Điều 31 Nghị định này, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định này liên quan đến nội dung điều chỉnh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan có liên quan, cơ quan đăng ký đầu tư lập báo cáo thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định của Cơ quan đăng ký đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.
2. Trường hợp điều chỉnh các nội dung không được quy định tại Khoản 1 Điều này, nhà đầu tư thực hiện thủ tục theo quy định tương ứng tại Điều 33 Nghị định này”.
Ba là, thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư quy định tại Điều 36 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP, để tránh trường hợp khoản 2 Điều 36 dẫn chiếu đến Điều 34 và Điều 35, mà hai Điều này lại dẫn chiếu đến thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Điều 33 của Nghị định này thì không phù hợp, do đó, khoản 2 Điều 36 cần được sửa đổi như sau: “2. Trình tự, thủ tục quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tương ứng tạiKhoản 1 Điều 34 và Khoản 1 Điều 35 Nghị định này”. Các khoản còn lại của Điều 36 vẫn được giữ lại theo quy định hiện hành.
Trường Đại học Trà Vinh