1. Quy định pháp luật
Việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được quy định tại Điều 21, Điều 22, Điều 23 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Nghị định số 123/2015/NĐ-CP); Điều 12 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (Thông tư số 04/2020/TT-BTP). Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như sau:
Về thẩm quyền: Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam. Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì UBND cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Quy định này cũng được áp dụng để cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, nếu có yêu cầu.
Về thủ tục: Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp tờ khai theo mẫu quy định. Trường hợp yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nhằm mục đích kết hôn thì người yêu cầu phải đáp ứng đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh.
Công dân Việt Nam đã ly hôn, hủy việc kết hôn ở nước ngoài, sau đó về nước thường trú hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì phải ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy kết hôn đã được giải quyết ở nước ngoài (gọi là ghi chú ly hôn). Trường hợp đã nhiều lần ly hôn hoặc hủy việc kết hôn thì chỉ làm thủ tục ghi chú ly hôn gần nhất. Trong trường hợp này thì người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân phải nộp bản sao trích lục hộ tịch ghi chú ly hôn.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu. Nếu người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký cấp 01 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu. Nội dung Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi đúng tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu và mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.
Ngay trong ngày nhận được văn bản trả lời, nếu thấy đủ cơ sở, Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người yêu cầu.
Trường hợp cá nhân yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác hoặc do Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã hết thời hạn sử dụng theo quy định thì phải nộp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đó.
Trường hợp người yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn mà không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đây, thì người yêu cầu phải trình bày rõ lý do không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản trao đổi với nơi dự định đăng ký kết hôn trước đây để xác minh. Trường hợp không xác minh được hoặc không nhận được kết quả xác minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân.
Trường hợp không nhận được kết quả xác minh: Theo quy định, người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau mà họ không chứng minh được tình trạng hôn nhân của mình thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó. Hoặc trường hợp người yêu cầu cấp lại Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn mà không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đây thì cơ quan đăng ký hộ tịch có văn bản trao đổi với nơi dự định đăng ký kết hôn trước đây để xác minh.
Trong các trường hợp phải xác minh nêu trên, nếu không xác minh được hoặc không nhận được kết quả xác minh thì sau thời hạn 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản yêu cầu xác minh mà không nhận được văn bản trả lời, cơ quan đăng ký tiếp tục giải quyết hồ sơ theo quy định. Trường hợp xác minh về tình trạng hôn nhân thì cho phép người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình.
Khi cho phép người yêu cầu lập văn bản cam đoan thì UBND cấp xã phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật. Cơ quan đăng ký từ chối giải quyết hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ kết quả đăng ký, nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan không đúng sự thật.
2. Hôn nhân thực tế và xác nhận trong trường hợp người yêu cầu đã chết
Tại Điều 33 Thông tư số 04/2020/TT-BTP về cách ghi Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Sổ cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có quy định rất rõ ràng cách ghi xác nhận tình trạng hôn nhân trong từng trường hợp cụ thể, phù hợp với pháp luật về hôn nhân và gia đình. Những trường hợp nam nữ sống chung trước ngày 03/01/1987 thì pháp luật công nhận là vợ chồng, không cần phải có Giấy chứng nhận kết hôn mới xác nhận là vợ chồng, thủ tục cấp xác nhận tình trạng hôn nhân cũng giống như những trường hợp khác. Tuy nhiên, thủ tục xác minh tình trạng hôn nhân của người đã chết để phục vụ cho các giao dịch dân sự, trong những trường hợp cụ thể thì Thông tư số 04/2020/TT-BTP không quy định rõ. Nhưng trên thực tế, nếu có phát sinh những yêu cầu xác minh thì UBND cấp xã cũng phải thực hiện mà không được từ chối. Tuy nhiên, những trường hợp không quy định thành thủ tục hành chính thì không xác định được thành phần hồ sơ gồm những loại giấy tờ gì, thời gian giải quyết, lệ phí… Cho nên có thể dẫn đến tình trạng công dân “cứ chờ” và cơ quan có thẩm quyền thì cứ “rủng rỉnh” về thời gian giải quyết mà không chịu trách nhiệm gì cả.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Pháp luật về cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hiện hành đã có quy định cụ thể đối với từng trường hợp và thủ tục đều có thể thực hiện được, phục vụ tốt nhu cầu của cá nhân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có những quy định đặt ra cho cơ quan có thẩm quyền được “tùy nghi” dẫn đến cách áp dụng pháp luật không linh hoạt, làm cho người yêu cầu gặp khó khăn, vướng mắc, chậm trễ, cụ thể:
Đối với trường hợp hôn nhân thực tế (chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987), pháp luật đã có quy định cụ thể. Tuy nhiên, vì thủ tục “rườm rà”, nên trong thực tiễn, quá trình thực hiện hồ sơ có nơi yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, có nơi chỉ cần giấy cam đoan. Do đó, theo tác giả, cần phải có quy định cụ thể, thống nhất trong những thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự nào quan trọng thì cần xác nhận tình trạng hôn nhân, còn giao dịch dân sự đơn giản thì chỉ cần cam đoan, với mong muốn đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh sự tùy tiện, “làm khó” của các cơ quan, tổ chức yêu cầu theo chủ quan, cảm tính.
Theo quy định, người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau thì cần hoàn thiện pháp luật theo hướng chỉ cần cam đoan của người yêu cầu về thời gian cư trú ở những nơi đó và tự chịu trách nhiệm về việc cam đoan, nếu phát hiện cam đoan sai thì chịu trách nhiệm (có thể trách nhiệm hình sự). Vì trong thực tiễn, các cơ quan ít phối hợp trong việc xác minh về tình trạng hôn nhân trong trường hợp đã “cắt khẩu” đi nơi khác. Mặt khác, cũng phù hợp với thông lệ quốc tế như một số quốc gia chỉ cần “tuyên thệ” mà không phải xác minh của các cơ quan, tổ chức./.
ThS. Nguyễn Quang Quý
Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai
Ảnh: internet