
Nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật
Với vai trò, trách nhiệm thành viên Ban chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh Lai Châu, Sở Tư pháp đã chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ trong lĩnh vực cải cách thể chế trên địa bàn tỉnh. Công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được Ủy ban nhân dân tỉnh xác định là nhiệm vụ then chốt, mang tính đột phá trong việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương và Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, cũng như phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Tư pháp đã thường xuyên hướng dẫn, theo dõi tiến độ, đôn đốc các cơ quan được giao xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, trên cơ sở đó giúp các cơ quan nâng cao tính chủ động, kịp thời trong công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, chính quyền cấp tỉnh đã ban hành 368 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó: 100 nghị quyết của Hội đồng nhân dân, 268 quyết định của Ủy ban nhân dân; chính quyền cấp huyện ban hành 119 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó: 03 nghị quyết của Hội đồng nhân dân, 116 quyết định của Ủy ban nhân dân; chính quyền cấp xã ban hành 32 quyết định quy phạm pháp luật.
Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trong nhiệm kỳ vừa qua Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 04 văn bản quy phạm pháp luật, trực tiếp thực hiện thẩm định 428 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (đạt 100%), tham gia ý kiến vào gần 1.000 lượt dự thảo văn bản các loại, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, công tác tham mưu xây dựng, ban hành văn bản pháp luật của tỉnh có chuyển biến mạnh mẽ, đã dần đi vào nề nếp; hệ thống văn bản pháp luật của tỉnh từng bước được hoàn thiện, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.
![]() |
Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu họp triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. |
Tăng cường kiểm tra, rà soát và hệ thống hóa văn bản pháp luật
Song song với công tác xây dựng văn bản, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, xử lý văn bản quy phạm pháp luật. Trong nhiệm kỳ, Sở đã thực hiện kiểm tra 119/119 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố ban hành và tự kiểm tra 100% các văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
Công tác rà soát văn bản cũng được chú trọng thực hiện thường xuyên, hoàn thành công tác hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019 - 2023 ở tỉnh và cấp huyện. Đặc biệt, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện các đợt rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề, theo ngành, lĩnh vực, điển hình như: Rà soát chuyên đề về các Chương trình mục tiêu quốc gia; rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06; tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chịu tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn; tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật chịu tác động theo định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 (theo mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp)…
Việc xử lý văn bản không phù hợp pháp luật đã được thực hiện ngày càng nghiêm túc, hiệu quả hơn. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan thực hiện xử lý 07 văn bản theo kết luận kiểm tra và kiến nghị của Bộ Tư pháp đảm bảo kịp thời, đúng quy trình.
![]() |
Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu tổ chức Tọa đàm |
Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật
Nhằm đưa pháp luật đi vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, phổ biến, triển khai việc thi hành pháp luật đã được tiến hành thường xuyên, triển khai sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng. Trong giai đoạn 2021 - 2025, Sở Tư pháp đã tổ chức thành công 16 hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật quan trọng, tổ chức được trên 36 nghìn buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật với gần 2,5 triệu lượt người tham gia.
Công tác kiểm tra, theo dõi, đánh giá việc thi hành pháp luật luôn được quan tâm chú trọng triển khai thực hiện. Hằng năm, Sở Tư pháp đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch về công tác pháp chế, theo dõi thi hành pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, thực hiện kiểm tra về công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong nhiều lĩnh vực trọng tâm, liên ngành như: Đất đai, công thương, các chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
Một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác cải cách thể chế của tỉnh Lai Châu vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:
(i) Chất lượng một số dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do một số cơ quan, đơn vị tham mưu chưa đảm bảo thu cầu.
(ii) Mặc dù các quy định eo yêpháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc đã được rà soát, phát hiện nhưng việc xử lý có văn bản còn chưa kịp thời, chưa triệt để và chưa thực sự kết nối hiệu quả giữa kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật với hoạt động xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Do số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngày càng nhiều, nội dung văn bản phức tạp trong khi nguồn lực đầu tư cho các công tác này tại một số cơ quan chưa thực sự tương xứng, chưa phù hợp với đặc trưng công việc, yêu cầu nhiệm vụ.
Lãnh đạo một số cơ quan chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng như chưa nhận thức thật sự đầy đủ về nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng, cải cách thể chế. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc xử lý kết quả rà soát văn bản đối với các nội dung mang tính liên ngành còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cải cách thể chế trong thời gian tới
Để công tác hoàn thiện, cải cách thể chế ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng thực tiễn và yêu cầu đặt ra trong thời gian tới, Sở Tư pháp xin đề xuất một số nhóm giải pháp chủ yếu như sau:
Một là, các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, thống nhất nhận thức, chỉ đạo các cơ quan đơn vị về vị trí, vai trò của công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; tập trung tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật theo quy định, gắn với việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật.
Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về rà soát văn bản quy phạm pháp luật, trong đó bảo đảm xác định rõ việc rà soát văn bản là trách nhiệm phải được tiến hành thường xuyên, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương.
Ba là, chú trọng, lồng ghép hoạt động rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng nhằm phát hiện tối đa “từ sớm, từ xa” các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc khoảng trống pháp luật sau khi ban hành.
Bốn là, tiếp tục nâng cao chất lượng, số lượng, tính ổn định của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật; đồng thời, cần quan tâm đầu tư kinh phí, bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ công tác xây dựng pháp luật nói chung và rà soát, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật nói riêng.
Trong bối cảnh chung của đất nước, của tỉnh, ngành Tư pháp sẽ có những thời cơ, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức, song với bề dày truyền thống của ngành, mỗi cán bộ, công chức của Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và cống hiến để Sở tiếp tục khẳng định được vị thế, vai trò của mình, xứng đáng là cơ quan “gác cổng” về pháp luật đáng tin cậy ở địa phương./.