(Kết luận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại Hội nghị Tổng kết thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh)
Các báo cáo cũng như ý kiến tham gia tại Hội nghị đã cho chúng ta thấy bức tranh thực tiễn khá chi tiết về tình hình, kết quả đạt được, những thuận lợi cũng như những khó khăn, tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm chế định này. Các ý kiến tham gia tại Hội nghị rất đa dạng, phong phú, có ý kiến còn để ngỏ, tuy nhiên đều có một điểm chung là đánh giá cao kết quả thực hiện thí điểm Thừa phát lại trong thời gian qua, khẳng định vị trí, vai trò, hiệu quả kinh tế - xã hội của mô hình này, cũng như thống nhất chủ trương đề nghị với các cơ quan Đảng và Nhà nước nhân rộng, tiến tới chính thức hóa chế định Thừa phát lại trong đời sống tư pháp của đất nước.
Tôi xin thay mặt Bộ Tư pháp và Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh kết luận về hai vấn đề lớn như sau:
Vấn đề thứ nhất: Việc thực hiện thí điểm Thừa phát lại đã được thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, từ đó đã khẳng định vị trí, vai trò của mô hình Thừa phát lại đối với xã hội, đối với hoạt động tư pháp
Báo cáo tổng kết, tham luận của các đại biểu đã đề cập tương đối đầy đủ về việc thực hiện chế định Thừa phát lại trong thời gian qua trên các mặt, từ việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật; quán triệt, tuyên truyền, quảng bá về Thừa phát lại; chỉ đạo, tổ chức thực hiện; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; thành lập, kiện toàn tổ chức, hoạt động Thừa phát lại, cho đến công tác quản lý, phối hợp triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động Thừa phát lại…Tôi chỉ xin khái quát một số vấn đề như sau:
Một là, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh được quan tâm, thực hiện tốt. Mặc dù đây là vấn đề mới và chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với các Bộ, Ngành ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện, như: Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/9/2009 của Bộ Tư pháp, Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BTP-TANDTC-BTC ngày 24/6/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Thông tư liên tịch số 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 7/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố nhiều lần chỉ đạo và Ủy ban nhân dân Thành phố cũng đã ban hành Chỉ thị về vấn đề này. Các văn bản nêu trên đã tạo cơ sở chính trị pháp lý tương đối đầy đủ cho tổ chức và hoạt động Thừa phát lại.
Hai là, việc quán triệt chủ trương, quan điểm của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ về thí điểm Thừa phát lại đã được thực hiện một cách quyết liệt, đặc biệt là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra sự đồng thuận chung của các cấp, các ngành trên địa bàn Thành phố trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về Thừa phát lại cũng đã được thực hiện thường xuyên, với nhiều hình thức khác nhau, đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của Thừa phát lại, giúp cho việc triển khai thí điểm đạt hiệu quả.
Ba là, công tác quản lý, phối hợp, chỉ đạo triển khai thực hiện việc thí điểm cũng đã được Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan thực hiện một cách bài bản, có trách nhiệm. Bộ Tư pháp, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm, chỉ đạo các đơn vị chức năng của mình thường xuyên nắm bắt tình hình, hướng dẫn chỉ đạo việc thí điểm, đã tổ chức sơ kết, qua đó việc bổ nhiệm Thừa phát lại, thành lập, đăng ký hoạt động các văn phòng Thừa phát lại đã được thực hiện một cách chặt chẽ, đúng quy định pháp luật; các Thừa phát lại được quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; công tác kiểm tra giám sát hoạt động của Thừa phát lại được chú trọng thực hiện, kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong tổ chức và hoạt động cũng như tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đến nay, tại thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 08 văn phòng Thừa phát lại với 33 Thừa phát lại và 68 Thư ký nghiệp vụ đang hành nghề. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đánh giá cao Báo cáo số 49/BC-ĐĐB ngày 14/5/2012 của Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh về kết quả giám sát việc thực hiện thí điểm về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Bốn là, các văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện tốt các chức năng nhiệm vụ theo quy định. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song các Thừa phát lại đã thể hiện tinh thần tâm huyết với công việc, với nghề, với việc thực hiện một chủ trương mới của Đảng, Nhà nước. Trong hoạt động, về cơ bản trình tự, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại đảm bảo đúng quy định pháp luật, chưa xẩy ra sai sót, kể cả trong một số việc lớn, như đồng chí Bí thư Quận ủy Quận Bình Thạnh và đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân Quận 10 đã khẳng định. Vì vậy, mặc dù thời gian thí điểm chưa nhiều, số lượng còn ít, nhưng hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại đã thu được kết quả đáng khích lệ, được xã hội đón nhận, qua đó khẳng định được vị trí của mình trong đời sống pháp luật của Thành phố, cụ thể là tạo lập một nghề nghiệp mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính - tư pháp; hoạt động của Thừa phát lại đã đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tích cực bước đầu, như giảm tải nhân lực, thời gian và chi phí của các cơ quan tòa án, thi hành án của Thành phố; tạo lập cơ chế pháp lý để tăng cường tính chủ động, tích cực công dân trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự, hành chính. Những kết quả này là phù hợp với các mục tiêu cải cách hành chính, cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh thành quả đã đạt được, việc thí điểm cũng đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, bộc lộ một số tồn tại làm hạn chế kết quả đạt được. Tôi xin nhấn mạnh một số khó khăn, hạn chế cơ bản sau:
Một là, nhận thức của người dân và của các cơ quan, tổ chức về vấn đề này còn những hạn chế nhất định. Những hạn chế về nhận thức không những ảnh hưởng đến công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm triển khai thực hiện, mà còn hạn chế rất nhiều đến hiệu quả hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại.
Hai là, pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại bước đầu đã được xây dựng, song vẫn còn nhiều điểm cần sửa đổi, bổ sung, có điểm cần được giải thích rõ kể cả Nghị quyết của Quốc hội (ví dụ về chấm dứt thí điểm). Bên cạnh đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực liên quan như tố tụng, thi hành án dân sự, bảo hiểm, ngân hàng… cũng chưa đồng bộ với các quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.
Ba là, quá trình triển khai thực hiện một số mặt còn chưa kịp thời, như việc chậm ban hành các Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành, việc thành lập và đi vào hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại còn chậm so với yêu cầu về thời gian mà Nghị quyết Quốc hội đã đề ra. Bên cạnh đó, trong thời gian đầu, việc triển khai thực hiện các mặt công tác còn lúng túng, thiếu đồng bộ; công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ có lúc, có việc chưa thực sự quyết liệt, còn chậm.
Bốn là, kết quả hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại chưa đồng đều, trong đó, việc trực tiếp tổ chức thi hành án còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu về xã hội hóa công tác này.
Năm là, việc triển khai thí điểm mới được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, chưa được nhân rộng đến các địa phương khác như Nghị quyết của Quốc hội đã xác định. Điều đó cũng làm hạn chế phần nào việc đánh giá một cách toàn diện mô hình này.
Những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Về khách quan, chế định Thừa phát lại là mới, do đó người dân, xã hội chưa biết nhiều, còn e ngại trong việc đón nhận mô hình này. Trong khi đó điều kiện kinh tế - xã hội, cơ chế trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước hiện hành cũng còn nhiều điểm chưa thực sự tạo điều kiện cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại và liên quan còn nhiều hạn chế như đã nêu trên, dẫn đến việc cần phải tháo gỡ khi có cách hiểu khác nhau về mô hình đầy đủ và mô hình không đầy đủ của chế định Thừa phát lại.
Về chủ quan, trong quá trình thực hiện, một số cơ quan, tổ chức chưa nhận thức được một cách sâu sắc vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm của mình trong việc thực hiện thí điểm; công tác phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện còn chưa thực sự chặt chẽ, thống nhất, đặc biệt là việc phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong hoạt động Thừa phát lại, một số vướng mắc phát sinh, ví dụ cách hiểu về thời điểm thí điểm kết thúc chưa được tháo gỡ kịp thời, hay như chưa thí điểm được tại nơi khác. Bên cạnh đó, đội ngũ Thừa phát lại, thư ký và nhân viên giúp việc tại các văn phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng không đồng đều, còn thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong giải quyết công việc, không ít trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực công tác.
Tóm lại, mặc dù còn một số hạn chế, tồn tại, song Hội nghị chúng ta đã đi đến thống nhất cao là về cơ bản việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội đã được thực hiện nghiêm túc, bài bản và thành công. Hình ảnh Thừa phát lại bước đầu đã đi vào lòng dân và xã hội như người trợ thủ đắc lực trong công tác thi hành án dân sự và công tác tư pháp khác. Điều đáng mừng là, mặc dù việc thí điểm mới được thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng trên cơ sở kết quả đã đạt được, rất nhiều địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương đã chính thức có văn bản đề xuất và chủ động xây dựng đề án thực hiện thí điểm mô hình này tại địa phương mình. Đây là cơ sở, tiền đề vững chắc để chúng ta đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép thực hiện và mở rộng đến nhiều địa phương khác trong thời gian tới.
Vấn đề thứ hai: Từ tình hình, kết quả đạt được trong việc thí điểm chế định Thừa phát lại, Hội nghị chúng ta đã có được nhận thức chung trên một số vấn đề lớn còn vướng mắc, đồng thời nhất trí cao trong việc xác định định hướng để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục thực hiện mô hình này trong phạm vi cả nước với lộ trình phù hợp
Thứ nhất, thống nhất nhận thức về thời điểm chấm dứt thực hiện thí điểm và kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao về thí điểm phải thực hiện mô hình đầy đủ.
Thứ hai, về định hướng trong thời gian tới, Hội nghị nhất trí cao đề xuất với Chính phủ, Quốc hội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Bộ Chính trị cho phép tiếp tục thực hiện mô hình Thừa phát lại, nhân rộng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác, tiến tới luật hóa chế định này.
Để thực hiện định hướng này, cần thực hiện các công việc sau đây:
Trước mắt, cần tháo gỡ ngay vướng mắc trong nhận thức về việc thực hiện thí điểm sau ngày 01/07/2012, Bộ Tư pháp đã có các công văn gửi Tòa án nhân dân tối cao và gửi Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại sau ngày 01/07/2012, tới đây Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính sẽ họp liên ngành để thống nhất về hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 1/7/2012; hoàn thiện Báo cáo tổng kết để báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, đặc biệt báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về tiếp tục thực hiện mô hình Thừa phát lại (nghiên cứu mô hình đầy đủ, lấy kinh nghiệm từ Bulgari, Luật Công chứng ở Việt Nam), trên cơ sở đó kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009. Trong thời gian chờ hướng dẫn, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao và Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục phối hợp với các văn phòng Thừa phát lại hoạt động bình thường.
Về lâu dài, nhất trí với kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh về việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (hiện đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII) hoặc ban hành Luật Thừa phát lại cùng thời điểm sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cộng với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và các đạo luật có liên quan.
Để thực hiện các công việc nêu trên, tôi đề nghị Tổng cục Thi hành án dân sự, các đơn vị thuộc Bộ và Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh tổng hợp đầy đủ các vướng mắc, ý kiến nêu ra tại Hội nghị để nghiên cứu thấu đáo, đề xuất tháo gỡ trước mắt cũng như lâu dài.
Cuối cùng, nhân Hội nghị này, thay mặt Ban Cán sự và Lãnh đạo Bộ Tư pháp, tôi xin trân trọng cảm ơn Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là các đồng chí Lãnh đạo Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, cá nhân đồng chí Nguyễn Văn Đua – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã tích cực chỉ đạo, quan tâm phối hợp, tạo điều kiện để triển khai thực hiện chế định này; tôi cũng cảm ơn các phương tiện thông tin đại chúng đã quan tâm và đưa tin về Hội nghị. Đồng thời, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp, tạo điều kiện nhiều hơn, hiệu quả hơn của các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương và địa phương, của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.
Đặc biệt, cảm ơn Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Cục Thi hành án dân sự thành phố Hồ Chí Minh, Quận ủy, Ủy ban nhân dân các quận, huyện đã giúp Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thực hiện việc thí điểm chế định Thừa phát lại; trân trọng sự hưởng ứng, tình cảm yêu ngành, yêu nghề, sự dũng cảm của các Thừa phát lại đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh. Mong các vị yên tâm hoạt động nghề nghiệp, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh luôn đứng sau các vị, ủng hộ, khuyến khích các vị, chờ mong những kết quả ngày càng tốt hơn của các vị. Chúc các vị thành công hơn nữa.