Abstract: In the context of the current market economy and international integration, the contract of association is an indispensable contract in social life due to the objective needs of the people. Relying on the different bases, the contract of association can be divided into many different types. They have quite different legal regulations, including the negotiation and signing of each type of contract.
1. Đàm phán hợp đồng lập hội
Nói tới đàm phán hợp đồng là nói tới sự gặp gỡ, trao đổi để đi đến sự thống nhất ý chí giữa những người giao kết hợp đồng. Hợp đồng lập hội được phân chia thành hai loại lớn có tính cách tổng quát là hợp đồng tạo lập nên một hội nhất định và hợp đồng gia nhập một hội nhất định. Hai loại hợp đồng này có sự khác nhau liên quan tới đàm phán để giao kết hợp đồng lập hội. Tuy nhiên, khó có thể làm rõ sự khác biệt này nếu không có sự phân loại tiếp đối với hai phân loại tổng quát này.
Hợp đồng tạo lập nên một hội nhất định có thể được phân loại thành hợp đồng lập hội không mở ra cho sự gia nhập của các thành viên mới (hội đóng) và hợp đồng lập hội có mở ra cho sự gia nhập của các thành viên mới (hội mở). Đối với hợp đồng gia nhập một hội nhất định, thì việc đàm phán được tiến hành giữa hội và hội viên mong muốn gia nhập. Tuy nhiên vấn đề đàm phán chỉ được đặt ra trong trường hợp hội yêu cầu thành viên mong muốn gia nhập phải làm hoặc không làm một hay một số việc gì đó để đáp ứng nhu cầu của hội. Tất nhiên, các điều kiện của hợp đồng không có sự thay đổi bởi đàm phán. Hợp đồng trong trường hợp này được xem là hợp đồng gia nhập, có nghĩa là hợp đồng với các điều kiện được dựng sẵn bởi các thành viên tạo lập hội từ ban đầu. Việc đàm phán trong trường hợp này có thể gọi là “đàm phán về tư cách” của người gia nhập.
Đàm phán hợp đồng lập hội đóng có đặc điểm là các thành viên của hội phải cùng nhau đàm phám để đi đến ưng thuận về các điều kiện của hợp đồng. Việc đàm phán này không khác gì các cuộc đàm phán thông thường khác. Thông thường các bên cùng nhau thảo luận vì một mục đích chung là tạo lập ra một hội mà trong đó thể hiện được lợi ích của các và từng thành viên (người tham gia đàm phán). Những thành viên này có thể trực tiếp đàm phán hoặc có thể ủy quyền cho người khác thể hiện ý chí của mình. Đàm phán hợp đồng lập hội mở đòi hỏi những thành viên sáng lập hoặc những sáng lập viên phải đàm phán với nhau để thiết lập nên các điều kiện của một hội trong tương lai rồi kêu gọi sự gia nhập hội đó, chẳng hạn đối với hội không có mục đích kinh tế như một đảng phái chính trị hay một hội nghề nghiệp; đối với hội có mục đích kinh tế như công ty cổ phần gọi vốn công khai từ công chúng. Việc đàm phán này có thể liên quan tới nhiều loại hợp đồng tiền lập hội. Thực tế đối với việc thành lập công ty cổ phần, nhiều hệ thống pháp luật qui định rất chi tiết về các loại hợp đồng này và thủ tục đàm phán, giao kết chúng.
Các luật gia Hoa Kỳ cho rằng, có bốn dạng hợp đồng trong giai đoạn tiền công ty: (i) Thỏa thuận giữa các sáng lập viên nhằm tạo thành công ty; (ii) Các thỏa thuận cổ đông; (iii) Thỏa thuận lập hội; (iv) Thỏa thuận giữa các sáng lập viên và người thứ ba1. Trong các hợp đồng tiền công ty, có thỏa thuận lập hội. Thực chất hợp đồng này là loại hợp đồng định hình rõ hội ra đời trong tương lai, nhưng không phải vì thế mà có sự tách biệt ba loại hợp đồng còn lại. Tổng thể chúng là những hợp đồng bắt buộc trong qui trình giao kết hợp đồng lập hội nói chung. Sáng lập viên được xem là người có sáng kiến muốn lập công ty, đứng ra kết hợp hội viên, kêu gọi góp vốn, thu thập tiền vốn và làm những thể lệ cần thiết cho công ty được thành lập2.
2. Giao kết hợp đồng lập hội
Hợp đồng lập hội có các thủ tục và trình tự giao kết khác nhau tùy thuộc vào mục đích tạo lập nên loại hội nào của hợp đồng lập hội. Khoa học pháp lý thường phân loại hội theo luật điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của hội. Theo cách phân loại này, hội được chia thành hội được thành lập theo luật công và hội được thành lập theo luật tư. Hội được thành lập theo luật tư lại được phân loại thành hội dân sự (được thành lập theo luật dân sự) và hội thương mại hay còn gọi là thương hội hay công ty (được thành lập theo luật thương mại). Tuy nhiên, chỉ có các thương hội hay các công ty là có dấu hiệu nhận biết rõ ràng bởi tính hình thức chặt chẽ và mục tiêu lợi nhuận của loại hội này. Hội dân sự nếu mục đích hoạt động liên quan tới quyền nhân thân, trong nhiều trường hợp, rất khó phân biệt với hội được thành lập theo luật công. Đơn cử, khoản 1, Điều 3 Dự thảo Luật về Hội ngày 16/09/2016 có định nghĩa: “Hội là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của cá nhân, tổ chức cùng chung mục đích; hoạt động không vì lợi nhuận; nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hội viên và cộng đồng theo quy định của pháp luật; góp phần thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực hoạt động”. Định nghĩa này không có khuynh hướng phân biệt giữa hội thành lập theo luật công và hội thành lập theo luật tư, trừ trường hợp phân biệt với thương hội. Vì vậy, hội những bà mẹ đơn thân, hội những người chuyển đổi giới tính, hội những người hiến tạng... được điều chỉnh bởi cùng một quy chế đối với hội hỗ trợ bảo vệ biển đảo, hội chống xâm lược văn hóa... Cách thức điều chỉnh này làm đơn giản hóa đi phần nào việc tiếp cận tới quy chế thành lập hội, nhưng cũng gây khó khăn hơn cho việc cá biệt hóa hội để điều chỉnh thật cụ thể.
Hợp đồng lập hội được giao kết với các thủ tục và quy trình phức tạp, nhất là các hội mở và các loại hội có tác động lớn tới xã hội. Pháp luật thường giao sự kiểm soát trình tự và thủ tục giao kết hợp đồng lập hội cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và hội thông thường chỉ có tư cách pháp lý để được hoạt động sau khi đã tuân thủ đúng trình tự và thủ tục giao kết. Các bước giao kết hợp đồng lập hội có thể bao gồm:
Bước 1: Kiểm soát tính mục đích của việc thành lập hội
Bước này nếu có chỉ áp dụng đối với các hội có mục đích phi kinh tế. Ngoài ra bước này còn được sử dụng để kiểm soát hoạt động đầu tư vào nước sở tại để thành lập những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Những người có ý tưởng sáng lập hội phải xin phép để được vận động thành lập hội. Xét từ phương diện hợp đồng thì đây là bước xin phép để được tiến hành đàm phán và giao kết hợp đồng lập hội.
Bước 2: Xây dựng và xuất trình bằng chứng của việc thống nhất ý chí thành lập hội
Thông thường dù có hay không điều chỉnh cụ thể các thỏa thuận tiền lập hội, thì hầu hết các hệ thống pháp luật đều quan tâm tới việc những người có sáng kiến thành lập hội đưa ra bằng chứng về việc thống nhất ý chí thành lập hội. Bước này thực chất là để kiểm soát việc đáp ứng các điều kiện thành lập hội như điều kiện về sự biểu lộ và thống nhất ý chí, điều kiện về chủ thể giao kết hợp đồng lập hội, điều kiện về động cơ, mục đích của việc thành lập hội và các điều kiện khác tùy thuộc vào nhu cầu kiểm soát của nước sở tại3. Các bằng chứng này tập hợp lại thành bộ hồ sơ lập hội hay hồ sơ xin đăng ký kinh doanh mà thông qua đó bước đầu người ta có thể hình dung được hình hài của hội và hệ quả của hội đối với xã hội4. Trong bộ hồ sơ này luôn phải có điều lệ của hội. Văn bản này được ví như “hiến pháp” của hội, có nghĩa là văn bản chứa đựng các nguyên tắc và quy tắc cao nhất liên quan tới việc thành lập và hoạt động của hội. Ngoài ra trong bộ hồ sơ này còn phải có các giấy tờ, tài liệu chứng minh nhân thân của các thành viên sáng lập hội. Pháp luật của mỗi nước có thể yêu cầu thêm các giấy tờ, tài liệu khác liên quan tới phương hướng hoạt động, tài sản, trụ sở... Bộ hồ sơ này gửi kèm theo đơn xin thành lập hội mà thực chất là văn bản yêu cầu cho phép hay đăng ký thành lập hội cùng với các yêu cầu khác liên quan cụ thể như lĩnh vực, khu vực hoạt động.
Bước 3: Chính thức hóa giao kết hợp đồng lập hội
Sau khi bộ hồ sơ thành lập hội được chấp nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhiều hệ thống pháp luật cho rằng hội đã chính thức được thành lập, nhưng có một số hệ thống pháp luật quy định những thành viên của hội trong tương lai phải cùng nhau tổ chức đại hội thành lập để thông qua chính thức điều lệ và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó, dù như thế nào, hội cũng phải công khai hóa việc thành lập hội trước cộng đồng bằng cách bố cáo thành lập để mọi thành viên trong xã hội được biết. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định cả hai cách thức trên cho hai loại hội có hoặc không có mục đích kinh tế. Đối với hội có mục đích kinh tế, khoản 2 Điều 47, khoản 2 Điều 110 và khoản 2 Điều 172 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, có nghĩa là kể từ khi kết thúc bước 2 trong trình tự giao kết hợp đồng lập hội. Với trường hợp này, bước 3 chỉ dành cho việc công khai hóa công ty. Trong khi đó, Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội quy định: Trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày quyết định cho phép thành lập hội có hiệu lực, ban vận động thành lập hội phải tổ chức đại hội; nếu quá thời hạn trên không tổ chức đại hội, thì trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày hết thời hạn tổ chức đại nói trên, ban vận động thành lập hội có văn bản gửi cơ quan nhà nước đã quyết định cho phép thành lập hội đề nghị gia hạn, thời gian gia hạn không quá ba mươi ngày, nếu quá thời gian được gia hạn mà không tổ chức đại hội thì quyết định cho phép thành lập hội hết hiệu lực (Điều 10). Các quy định này cho thấy, sau khi hồ sơ lập hội đối với hội không có mục tiêu lợi nhuận được chấp nhận, thì việc thành lập hội về thực chất mới được tiến hành dù trước đó việc thống nhất ý chí đã có minh chứng đầy đủ.
Khi giao kết hợp đồng lập hội cần chú ý tới các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng lập hội và hệ quả của việc vi phạm các điều kiện này. Hợp đồng lập hội cũng giống như bất kể loại hợp đồng nào đều phải đáp ứng các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, vì nếu không đáp ứng một trong các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng có thể dẫn đến hợp đồng vô hiệu. Các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng dựa trên các yếu tố căn bản để hình thành hợp đồng, bao gồm yếu tố ưng thuận, yếu tố năng lực, yếu tố đối tượng và yếu tố nguyên nhân của nghĩa vụ hợp đồng5. Các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng lập hội cũng dựa trên các yếu tố này.
Trước hết, về sự ưng thuận của hợp đồng lập hội. Hợp đồng lập hội có thể là hợp đồng song phương hoặc hợp đồng đa phương, song các bên giao kết hợp đồng này phải biểu lộ rõ ràng sự ưng thuận về việc thành lập hội mà họ là thành viên và về các điều kiện của hội. Sự ưng thuận được xem là được đáp ứng nếu được các thành viên thể hiện ý chí giao kết hợp đồng theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Việc nhầm lẫn, lừa dối hoặc đe dọa có thể dẫn tới hợp đồng lập hội bị vô hiệu. Pháp luật của hầu hết các nước đều có quy định khác nhau về điều kiện năng lực (hay chủ thể) của hợp đồng lập hội dựa trên việc phân loại hợp đồng lập hội hướng tới thành lập ra loại hội nào. Ví dụ đối với công ty hợp danh, tất cả các thành viên hợp danh đều phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ bởi loại công ty này là công ty đối nhân, có nghĩa là các thành viên xem trọng tới nhân thân của nhau mà tin tưởng lẫn nhau trong hoạt động kinh doanh. Trong khi đó các hội được thành lập theo luật công, vấn đề độ tuổi hay năng lực hành vi không được đặt ra mà tùy thuộc vào điều lệ của hội, chẳng hạn như hội đồng đội, đoàn thanh niên, đội thiếu niên, hội bảo vệ những người khuyết tật, hội khám chữa bệnh miễn phí… Tuy nhiên, ở đây cần có sự phân biệt phần nào đó liên quan tới việc hợp đồng tạo lập nên hội và hợp đồng gia nhập hội. Thông thường việc tạo lập nên hội là một công việc hết sức nghiêm túc và cẩn trọng bởi sự ảnh hưởng của nó tới xã hội và tới bản thân các thành viên của hội. Vì vậy, pháp luật cần kiểm soát năng lực hành vi của người giao kết hợp đồng tạo lập nên hội.
Đối tượng của hợp đồng lập hội nói chung là sự liên kết giữa các hội viên vì lợi ích vật chất hoặc tinh thần của chính họ hoặc của một cộng đồng nhất định. Tuy nhiên, hợp đồng lập hội không thể chống lại trật tự công cộng và đạo đức xã hội, ví dụ không thể thành lập hội để chống lại tổ quốc, và cũng không thể thành lập hội để quảng bá hình ảnh khiêu dâm trẻ em… Dự thảo Luật về Hội ngày 16/09/2016 của Việt Nam có đặt ra nhiều điều cấm liên quan tới thành lập hội như cấm lợi dụng việc thành lập, tổ chức, hoạt động hội nhằm: “(a) Làm phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích của Nhà nước; đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; truyền thống văn hóa và bản sắc dân tộc; quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; (b) Gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; (c) Tuyên truyền trái chính sách, pháp luật của Nhà nước; gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đất nước, danh nhân, anh hùng dân tộc; (d) Rửa tiền, tài trợ khủng bố” (Điều 9, khoản 3). Pháp luật nói chung của bất kỳ quốc gia nào về mặt nguyên tắc không cho phép bất kỳ hành vi nào chống lại trật tự công và chống lại đạo đức xã hội. Liên quan tới quyền tự do lập hội, Hiến pháp Bahrain năm 2002 tuyên bố: “Quyền tự do lập hội và công đoàn..., nhằm các mục tiêu hợp pháp và bằng các phương pháp hòa bình được bảo đảm theo các quy tắc và các điều kiện được quy định bởi luật và trong chừng mực mà các nguyên tắc cơ bản của tín ngưỡng và trật tự công cộng không bị vi phạm. Không ai có thể bị cưỡng bức gia nhập bất kỳ một hội hay một công đoàn nào hoặc tiếp tục là một thành viên của những tổ chức đó” (Điều 27). Các quy định cấm như vậy có thể được thể hiện cụ thể trong các điều luật quy định trực tiếp về hợp đồng lập hội hoặc có thể được thể hiện ở các quy định có tính nguyên tắc chung cho hợp đồng, hành vi pháp lý hay ở các quy định mang tính hiến pháp. Nghĩa vụ hợp đồng phải có nguyên nhân, nguyên nhân phải hợp pháp và nguyên nhân không được giả tạo là điều kiện có hiệu lực không thể thiếu của hợp đồng lập nói chung và của hợp đồng lập hội nói riêng. Hợp đồng lập hội giả tạo xuất hiện khá nhiều hiện nay ở Việt Nam, chẳng hạn thành lập một công ty để nhận ủy thác mua bán hàng hóa nhưng thực chất là để tàng trữ trái phép những vật cấm lưu thông, hay thành lập một công ty cung cấp dịch vụ karaoke nhưng thực chất là chứa gái mại dâm… Những hợp đồng này gây ảnh hưởng rất xấu cho xã hội, do đó cần phải bị kiểm soát bởi pháp luật bằng chế định hợp đồng vô hiệu.
Khi chống lại các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thì hợp đồng vô hiệu hoặc có thể bị vô hiệu. Các hệ thống pháp luật đều rất xem trọng chế định pháp luật này để bảo vệ cộng đồng và bảo vệ chính những người giao kết hợp đồng. Ngoài việc phân loại hợp đồng vô hiệu thành vô hiệu toàn bộ và vô hiệu từng phần, khoa học pháp lý rất chú ý tới phân loại hợp đồng vô hiệu thành vô hiệu tương đối và vô hiệu tuyệt đối. Hợp đồng lập hội có một số đặc thù được xét trên căn bản những vấn đề pháp lý quan trọng này.
Giống như các loại hợp đồng khác, hợp đồng lập hội có thể bị vô hiệu nếu sự ưng thuận bị nại ra. Việc nại ra sự vô hiệu thuộc về đương sự. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hợp đồng lập hội có thể bị tuyên vô hiệu một phần mà phần đó liên quan tới người giao kết yêu cầu tuyên vô hiệu, bởi hợp đồng vô hiệu hoàn toàn có nghĩa là không có hội nào được tạo lập hay nói cách khác hội đó bị hủy trong khi các thành viên khác hoàn toàn chấp nhận hợp đồng dù đã biết các tì ố của sự ưng thuận, chưa kể tới những người không liên quan tới tì ố. Ví dụ A, B và C cùng nhau thành lập một công ty trách nhiệm hữu hạn. C bị A lừa dối để lập nên thương hội này. C nại ra Tòa yêu cầu tuyên hủy hợp đồng lập hội này. Tòa án có thể xem xét và hủy cam kết của C với A và B mà trong đó có cả cam kết góp vốn bằng quyền hưởng dụng một ngôi nhà.
Hành vi pháp lý là căn cứ để trở thành thành viên của hội có thể bị hủy bỏ do vô hiệu trong trường hợp vi phạm điều kiện về năng lực giao kết hợp đồng. Để luận giải cho vấn đề này, người ta không thể bỏ qua việc phân loại hội. Đối với thương hội, việc quy định về độ tuổi để giao kết hợp đồng lập hội và trở thành thành viên của hội là một việc làm thiết yếu để bảo vệ hội, các thành viên và xã hội. Do đó, pháp luật thường quy định người giao kết hợp đồng phải có năng lực giao kết hợp đồng một cách độc lập vì vào hội có nghĩa là phải định đoạt tài sản. Độ tuổi này có thể được quy định chung cho tất cả những người giao kết các loại hợp đồng. Vi phạm các điều kiện này, hợp đồng lập hội có thể bị vô hiệu tùy thuộc vào sự nại ra của đương sự hoặc của Tòa án. Tuy nhiên, người không hoặc chưa có năng lực giao kết hợp đồng lập hội có thể trở thành thành viên của công ty bởi thừa kế theo di chúc hoặc theo luật định. Đây là các quy định chung cho các thương hội. Tuy nhiên, đối với các loại công ty đối nhân, người giao kết hợp đồng để trở thành thành viên hợp danh của công ty phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và đáp ứng đầy đủ các điều kiện để trở thành thương nhân, thể nhân vì thành viên này có tư cách thương nhân. Người hưởng thừa kế của thành viên này chỉ có thể trở thành thành viên hợp danh của công ty nếu được tất cả các thành viên hợp danh khác đồng ý. Nếu không có sự nhất trí đó thì người này chỉ có thể trở thành thành viên góp vốn của công ty, có nghĩa là trở thành người không có tư cách thương nhân, không là đại diện theo pháp luật của công ty và chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn tới phần vốn góp của mình vào công ty.
Hợp đồng lập hội bị vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được hoặc đối tượng bị cấm hay hạn chế lưu thông. Vô hiệu này thường là vô hiệu tuyệt đối. Hợp đồng lập hội có thể tạo ra nghĩa vụ đóng góp tài sản. Nếu tài sản này là những vật bị cấm hoặc hạn chế lưu thông thì vấn đề hợp đồng vô hiệu bị đặt ra. Nếu nghĩa vụ tạo ra bởi hợp đồng lập hội là một công việc nhưng công việc ấy bị cấm, chẳng hạn như mại dâm, thì hợp đồng bị vô hiệu. Hợp đồng trong trường hợp này có thể vô hiệu toàn bộ hay vô hiệu từng phần phụ thuộc vào tài sản đó hay công việc đó ảnh hưởng tới một phần hay toàn bộ hợp đồng. Hợp đồng lập hội bị vô hiệu tuyệt đối nếu là hợp đồng giả tạo để che đậy một hành vi khác. Việc tuyên hợp đồng vô hiệu có nghĩa là hủy bỏ hội đã lập bởi hợp đồng đó. Một trường hợp đặc trưng quan trọng nữa của hợp đồng lập hội vô hiệu là hợp đồng lập hội vi phạm hình thức hợp đồng lập hội. Nếu pháp luật đòi hỏi hội phải đăng ký thành lập, thì hợp đồng lập hội bị vô hiệu tuyệt đối do không tuân thủ đòi hỏi đó. Việc hủy bỏ hội do vô hiệu được xem như hội chưa bao giờ được lập và có hậu quả pháp lý như hậu quả đối với các loại hợp đồng khác bị hủy do vô hiệu.
Tổng Cục Khí tượng và Thủy văn
[1]. Harry G. Henn, John R. Alexander, Laws of Corporations, West Publishing Co., USA, 1983
[2]. Ngô Huy Cương (2014), “Dự án sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2005: Bình luận những vấn đề pháp lý chủ yếu”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, Số 13 (269) Kỳ 1 - tháng 07/2014, tr. 26.
[3]. Ngô Huy Cương (2016), Hợp đồng lập hội, Bài giảng điện tử.
[4]. Ngô Huy Cương (2016), Môi trường pháp lý kinh doanh, Bài giảng điện tử.
[5]. Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật hợp đồng phần chung - Dùng cho đào tạo sau đại học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 303 - 304.