Thỏa thuận hòa giải là kết quả của hoạt động hòa giải, tự giải quyết tranh chấp thương mại của các bên, dưới sự tư vấn, hướng dẫn của hòa giải viên. Về thực chất, đây là sự thỏa thuận “hợp đồng” giữa các bên, thỏa thuận hòa giải phải tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng theo quy định pháp luật. Nếu vi phạm các quy định đó, kết quả hòa giải sẽ không được Tòa án công nhận và không có hiệu lực pháp lý.
1. Thỏa thuận hòa giải thương mại và thực hiện thỏa thuận hòa giải thương mại
Hòa giải là quá trình các bên đàm phán với nhau về việc giải quyết tranh chấp với sự trợ giúp của một bên thứ ba độc lập (hòa giải viên). Hòa giải khác với phương thức thương lượng ở sự có mặt của bên thứ ba (hòa giải viên) và cũng khác với phương thức trọng tài ở chỗ, hòa giải viên không có quyền xét xử và ra phán quyết như trọng tài viên. Vai trò của hòa giải viên trong quá trình hòa giải chỉ dừng lại ở việc khuyến khích và trợ giúp các bên tìm ra một giải pháp mang tính thực tế mà tất cả các bên liên quan đều có thể chấp nhận sau khi xem xét, nghiên cứu những lợi ích và nhu cầu của họ. Tùy thuộc nội dung, tính chất của vụ tranh chấp và sự thỏa thuận của các bên, số lượng hòa giải viên có thể là một hoặc nhiều người. Theo thông lệ quốc tế, căn cứ vào tổ chức đứng ra thực hiện việc hòa giải, hòa giải được chia thành hai hình thức là hòa giải công (public mediation) và hòa giải tư (private mediation). Hòa giải công do các cơ quan nhà nước thực hiện. Hòa giải tư thường do các tổ chức trọng tài thương mại hoặc các tổ chức hòa giải thương mại chuyên nghiệp tiến hành. Ngoài ra, các bên cũng có thể yêu cầu các cá nhân (thường là chuyên gia về hòa giải hoặc về lĩnh vực đang có tranh chấp) đứng ra hòa giải. Hiện nay, ở Việt Nam, cơ sở pháp lý cho phương thức hòa giải thương mại là Nghị định số 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại (Nghị định số 22/2017/NĐ-CP), trong đó quy định khá đầy đủ và chi tiết về nguyên tắc, trình tự, thủ tục hòa giải, tiêu chuẩn hòa giải viên, thành lập và hoạt động của tổ chức hòa giải thương mại[1]. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã rất chú trọng đến vấn đề này khi dành riêng Chương XXXIII quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án[2]. Đây cũng là văn bản quan trọng, khi tiến hành hòa giải các bên có thể phải áp dụng, bởi lẽ, về thực chất hòa giải thương mại là một loại hòa giải dân sự đặc thù.
Thỏa thuận hòa giải là kết quả của hoạt động hòa giải, tự giải quyết tranh chấp thương mại của các bên, dưới sự tư vấn, hướng dẫn của hòa giải viên. Về thực chất, đây là sự thỏa thuận “hợp đồng” giữa các bên, thỏa thuận hòa giải phải tuân thủ các điều kiện có hiệu có hiệu lực của hợp đồng theo quy định pháp luật[3]. Nếu vi phạm các quy định đó, kết quả hòa giải sẽ không được Tòa án công nhận và không có hiệu lực pháp lý. Bàn về điều kiện hiệu lực của kết quả hòa giải thương mại cũng cần lưu ý đến những quy định quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về điều kiện được Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành[4].
Thỏa thuận hòa giải thành cần có những nội dung theo quy định của pháp luật, bao gồm: Căn cứ tiến hành hòa giải; thông tin cơ bản về các bên; nội dung chủ yếu của vụ việc; thỏa thuận đạt được và giải pháp thực hiện; các nội dung khác theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của pháp luật[5]. Về hình thức, thỏa thuận hòa giải thương mại phải được thể hiện dưới hình thức văn bản, với tên gọi là “Biên bản hòa giải thành”, có chữ ký của các bên và hòa giải viên thương mại. Văn bản về thỏa thuận hòa giải thành được xem xét và công nhận theo thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, để thỏa thuận hòa giải có giá trị thi hành bắt buộc, các bên phải yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hoà giải thành. Các điều kiện để một thỏa thuận hòa giải thành được công nhận bao gồm: Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải (trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý); một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận; nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba[6].
Thực hiện kết quả hòa giải là bước cuối cùng của quá trình hòa giải thương mại. Đây là bước quan trọng của quá trình hòa giải thương mại, có ý nghĩa quyết định tính hiệu quả của quá trình này. Bởi lẽ, hòa giải thương mại chẳng còn ý nghĩa khi kết quả hòa giải không được thực thi. Việc thực hiện kết quả hòa giải cũng phải tuân thủ các nguyên tắc thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật, như: (i) Thực hiện đúng, đầy đủ các thỏa thuận trong nội dung của hợp đồng; (ii) Thực hiện hợp đồng một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau; (iii) Khi thực hiện hợp đồng không được làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Tuy nhiên, trên thực tế, bởi nhiều lý do khác nhau mà không ít các trường hợp kết quả hòa giải không được các bên tự nguyện thi hành. Để bảo đảm hiệu quả cho công tác hòa giải thương mại, bảo đảm các cam kết thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành của các bên tranh chấp được thực thi trên thực tế, Bộ Tư pháp sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Theo đó, áp dụng quy định tại Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án.
Việc công nhận kết quả hòa giải thành phải đáp ứng đủ 05 điều kiện[7]: (i) Các bên tham gia thỏa thuận phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. (ii) Vụ việc được hòa giải phải tuân thủ đúng quy định pháp luật về hòa giải. (iii) Các bên tham gia thỏa thuận phải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý. (iv) Có văn bản hòa giải thành. Nội dung hòa giải thành là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với nhà nước hoặc người thứ ba. (v) Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc. Quyết định công nhận hay không công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
2. Thực tiễn hoạt động hòa giải thương mại ở Việt Nam hiện nay và một số kiến nghị
Một khảo sát doanh nghiệp về vấn đề hòa giải thương mại và giải quyết tranh chấp tại Việt Nam do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank Group) thực hiện cho thấy, nhu cầu của doanh nghiệp Việt Nam đối với phương pháp giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải là rất cao. 78% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ sẵn sàng thử phương thức hòa giải. Có 64 doanh nghiệp có kinh nghiệm hòa giải (41 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, còn lại là lĩnh vực thương mại). Trong số này, 77% doanh nghiệp hài lòng với kết quả hòa giải, 79% sẽ tiếp tục sử dụng phương thức hòa giải, 78% doanh nghiệp sẽ giới thiệu với doanh nghiệp khác và chỉ có 2% tuyên bố sẽ không sử dụng dịch vụ hòa giải nữa[8]. Sau khi Nghị định số 22/2017/NĐ-CP được ban hành, ngày 27/04/2018, Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) chính thức thành lập theo Quyết định số 279/QĐ-VIAC của Chủ tịch VIAC. VMC là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ hòa giải thương mại chuyên nghiệp theo quy định tại Nghị định số 22/2017/NĐ-CP. Tính đến nay, cả nước đã có 07 Trung tâm hòa giải thương mại được Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập, 03 Trung tâm trọng tài được bổ sung chức năng hòa giải thương mại, chủ yếu là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với gần 100 hòa giải viên thương mại vụ việc đã đăng ký tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, một số hòa giải viên thương mại được công nhận là hòa giải viên của các Trung tâm hòa giải quốc tế có uy tín như ICC, KCAB. Qua khảo sát cho thấy, hầu hết các Trung tâm hòa giải mới thành lập đang dừng lại ở việc kiện toàn tổ chức, chưa thực hiện hoạt động hòa giải, mới chỉ có một Trung tâm hòa giải duy nhất (VMC) thụ lý một số vụ (05 vụ) để hòa giải theo Nghị định số 22/2017/NĐ-CP. Vì vậy, cũng chưa có thực tiễn công nhận kết quả hoà giải thành ngoài Toà án được ghi nhận.
Nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động hòa giải thương mại nói chung, cũng như thỏa thuận hòa giải thương mại nói riêng, hỗ trợ cá nhân, tổ chức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội, đáp ứng nhu cầu phát triển của kinh tế thị trường, cần quan tâm một số giải pháp sau đây:
Một là, trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về hòa giải thương mại, nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, tính hiệu quả của hòa giải trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong việc tiếp cận dịch vụ hòa giải thông qua các hình thức như tổ chức hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền, phổ biến, quảng bá hoạt động hòa giải trên các báo, đài, mạng internet.
Hai là, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, hướng dẫn Tòa án nhân dân các cấp triển khai các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực thi thỏa thuận hòa giải đã cam kết; chỉ đạo Tòa án địa phương tuyên truyền, hướng dẫn, cho các bên về phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án như trọng tài, hòa giải để các bên lựa chọn, trước khi đưa tranh chấp ra tòa nhằm giảm tải công tác xét xử của Tòa án đã quá tải từ lâu; tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ thẩm phán của các Tòa án địa phương về kiến thức pháp luật và kỹ năng giải quyết các vụ việc liên quan đến hòa giải thương mại.
Ba là, đội ngũ hòa giải viên thương mại cần chủ động tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hỗ trợ giải quyết tranh chấp đặc biệt là trong các lĩnh vực chuyên sâu như đầu tư, thương mại quốc tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Các Trung tâm hòa giải thương mại cần có chính sách quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu, uy tín cho Trung tâm; bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao tính chuyên nghiệp, trình độ cho đội ngũ hòa giải viên thương mại của Trung tâm qua đó tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Đại học Luật Hà Nội
[1]. Xem thêm: Lê Thị Hương Giang (2017), “Một số bình luận về Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hoà giải thương mại”,
[2]. Xem: Từ Điều 416 đến Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[3]. Xem: Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[4]. Xem: Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[5]. Xem: Khoản 2 Điều 15 Nghị định 22/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ về hòa giải thương mại.
[6]. Xem: Các điều từ Điều 416 đến Điều 419 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.