1. Một số vấn đề lý luận về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội
Định nghĩa về hình phạt là vấn đề quan trọng trong khoa học pháp lý. Việc quy định đầy đủ, chính xác khái niệm hình phạt không chỉ bảo đảm nhận thức thống nhất về hình phạt mà còn góp phần bảo đảm mục đích và hiệu quả của hình phạt trong thực tiễn áp dụng, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm hình phạt, cụ thể: Ở góc độ ngôn ngữ, theo Đại từ điển tiếng Việt thì hình phạt được hiểu là “hình thức trị tội tương ứng với tội trạng của phạm nhân”[1]. Tiếp cận dưới góc độ khoa học luật hình sự, theo PGS.TS. Trịnh Tiến Việt thì: Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, do Tòa án quyết định áp dụng trong bản án có hiệu lực pháp luật đối với người hoặc pháp nhân thương mại bị kết án có nội dung tước bỏ hay hạn chế quyền, lợi ích của các chủ thể tương ứng đó, qua đó nhằm giáo dục, cải tạo và phòng ngừa tội phạm[2]. Trong khi đó, ở góc độ lập pháp hình sự, tại Điều 30 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015) quy định: Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó[3].
Ngoài những định nghĩa trên, còn có nhiều quan điểm khác về hình phạt từ các góc độ khác nhau. Việc phân tích và so sánh các quan điểm này là cần thiết để có được một định nghĩa đầy đủ và chính xác về hình phạt, phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật. Tác giả tán thành với khái niệm “hình phạt” của PGS.TS. Trịnh Tiến Việt vì khái niệm này bao hàm đầy đủ các đặc điểm của hình phạt, phù hợp với thực tiễn áp dụng pháp luật và thể hiện được mục đích và hiệu quả của hình phạt.
Theo GS.TSKH. Lê Văn Cảm: Người dưới 18 tuổi phạm tội là người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi có năng lực trách nhiệm hình sự đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật Hình sự quy định là tội phạm[4]. Người dưới 18 tuổi là một nhóm đối tượng đặc biệt trong hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam, do đang trong giai đoạn phát triển về thể chất và tâm sinh lý, họ có những đặc điểm tâm lý khác biệt so với người trưởng thành, dẫn đến khả năng nhận thức và kiểm soát hành vi còn hạn chế. Về mặt tâm lý, những người này dễ bị kích động, lôi kéo bởi những hoạt động phiêu lưu, mạo hiểm, nhưng cũng dễ thay đổi, thích nghi với hoàn cảnh mới và dễ giáo dục, cải tạo. Ở đối tượng này, ý thức phạm tội thường chưa được hình thành rõ nét[5]. Vì những đặc điểm tâm lý này, pháp luật hình sự Việt Nam đã có những quy định riêng về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Hình phạt áp dụng cho người dưới 18 tuổi phạm tội có những đặc điểm riêng biệt so với hình phạt áp dụng cho người trưởng thành như: Mức hình phạt thấp hơn so với người đã thành niên phạm tội tương tự; hạn chế tối đa việc áp dụng hình phạt tù; ưu tiên áp dụng các biện pháp giáo dục, răn đe không tước tự do; bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dưới 18 tuổi trong quá trình áp dụng hình phạt; mục đích chính là giúp người chưa thành niên nhận thức được sai trái, sửa chữa lỗi lầm và tái hòa nhập cộng đồng. Những đặc điểm này thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng của pháp luật, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và thiên về giáo dục, cải tạo hơn trừng phạt. Do đó, các loại hình phạt và mức phạt thường nhẹ hơn so với người đã thành niên phạm tội tương tự. Từ những phân tích nêu trên, có thể hiểu khái niệm “hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội” như sau: Hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do Tòa án có thẩm quyền xét xử và quyết định áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người dưới 18 tuổi phạm tội.
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những điều chỉnh và hoàn thiện quan trọng về hệ thống hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hệ thống hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội gồm 04 loại hình phạt: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn. Đồng thời, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cụ thể:
Thứ nhất, hình phạt cảnh cáo.
Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa quy định một điều luật riêng về việc áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Khi Tòa án áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thì sẽ áp dụng Điều 34 Bộ luật Hình sự năm 2015 giống như người đã thành niên. Điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và chưa đến mức miễn hình phạt. Hình phạt này mang tính giáo dục sâu sắc, thể hiện sự khiển trách công khai của Nhà nước đối với hành vi phạm tội. Hình phạt này không gây thiệt hại về tài sản hay hạn chế thể chất, nhưng có thể gây ra những thiệt hại nhất định về mặt tinh thần. Hình phạt cảnh cáo được Tòa án tuyên đọc công khai tại phòng xét xử. Trong một số trường hợp nhất định, quyết định cảnh cáo có thể được công bố trên phương tiện truyền thông, nơi làm việc hoặc nơi cư trú của người dưới 18 tuổi phạm tội.
Thứ hai, hình phạt tiền.
Điều 99 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về hình phạt tiền đối với người dưới 18 tuổi phạm tội như sau: Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu người đó có thu nhập hoặc có tài sản riêng... Có thể thấy, phạt tiền là việc Tòa án buộc người dưới 18 tuổi phạm tội nộp một khoản tiền nhất định theo quy định của pháp luật để sung vào công quỹ Nhà nước. Mục đích của hình phạt này là giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội có ý thức tuân thủ pháp luật. Đối tượng áp dụng là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội, có thu nhập hoặc tài sản riêng. Hình phạt này được áp dụng cho tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015[6]. Mức phạt tối đa không quá một phần hai mức phạt tiền mà điều luật quy định, Bộ luật Hình sự năm 2015 không quy định về mức tối thiểu.
Thứ ba, hình phạt cải tạo không giam giữ.
Hình phạt cải tạo không giam giữ là một hình phạt nghiêm khắc hơn các hình phạt không giam giữ khác nhưng nhẹ hơn tù có thời hạn. Mục đích của hình phạt này là nhằm giúp người phạm tội sửa chữa sai lầm, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội. Hình phạt này được quy định chung tại Điều 36 Bộ luật Hình sự năm 2015 và quy định cụ thể về áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Điều 100 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đối tượng áp dụng là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý; có nơi làm việc ổn định hoặc nơi cư trú rõ ràng và Tòa án xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội. Khi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ sẽ không khấu trừ thu nhập của người bị kết án, những người bị áp dụng hình phạt này có nghĩa vụ lao động phục vụ cộng đồng, thời gian phục vụ không quá 04 giờ/ngày và 05 ngày/tuần.
Thứ tư, hình phạt tù có thời hạn.
Hình phạt tù có thời hạn là hình phạt nặng nhất trong hệ thống hình phạt áp dụng cho người dưới 18 tuổi phạm tội. Hình phạt này tước tự do, cách ly người phạm tội khỏi xã hội trong một thời gian nhất định và được áp dụng khi các biện pháp giáo dục và hình phạt khác không đạt hiệu quả. Tù có thời hạn là giam người bị kết án ở các trại giam, tức là cách ly người đó ra khỏi môi trường, đời sống xã hội bình thường để giáo dục và cải tạo họ. Sự hạn chế tự do của người bị kết án tù có thời hạn là nội dung pháp lý chủ yếu của loại hình phạt này. Về điều kiện áp dụng, Bộ luật Hình sự năm 2015 không có quy định cụ thể về điều kiện áp dụng đối với người dưới 18 tuổi, việc áp dụng hình phạt này tương tự như người đã thành niên theo Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 và không áp dụng đối với người phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng, do vô ý và có nơi cư trú rõ ràng.
So với người đã thành niên thì người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn so với người đã thành niên đối với tội phạm tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, theo đó: Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì mức hình phạt tù cao nhất không được vượt quá 18 năm nếu điều luật áp dụng quy định tù chung thân hoặc tử hình. Mức hình phạt tù cao nhất không được vượt quá ba phần tư mức phạt tù quy định nếu điều luật áp dụng quy định tù có thời hạn. Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mức hình phạt tù cao nhất không được vượt quá 12 năm nếu điều luật áp dụng quy định tù chung thân hoặc tử hình. Mức hình phạt tù cao nhất không được vượt quá một phần hai mức phạt tù quy định nếu điều luật áp dụng quy định tù có thời hạn.
Khi xử lý vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi phạm tội, Tòa án cần ưu tiên áp dụng hình phạt nhẹ hơn so với người đã thành niên phạm tội, tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất. Nhằm bảo đảm ưu tiên áp dụng các biện pháp giáo dục và các hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn (cải tạo không giam giữ, cảnh cáo, phạt tiền). Hình phạt tù có thời hạn chỉ được áp dụng khi các biện pháp trên không đủ để đáp ứng mục tiêu phòng ngừa.
2. Thực tiễn áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Thành phố Hà Nội và những khó khăn, vướng mắc
Thành phố Hà Nội là trung tâm kinh tế - xã hội phát triển hàng đầu Việt Nam với tốc độ phát triển nhanh chóng và mật độ dân số cao nhất cả nước, kéo theo tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp. Theo thống kê từ năm 2019 đến năm 2023, Cơ quan điều tra đã khởi tố 38.539 vụ án, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp phê chuẩn quyết định khởi tố 61.970 bị can[7]. Số lượng người dưới 18 tuổi phạm tội tại Thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2023 có biến động bất ổn định, với xu hướng đa dạng về loại hình, phức tạp về tính chất và nguy hiểm về hành vi và thủ đoạn. Các đối tượng thường thực hiện các tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, nhân phẩm, sức khỏe con người và sở hữu, gây bức xúc trong xã hội. Theo báo cáo của Cơ quan điều tra - Công an Thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 05 năm (2019 - 2023), trên địa bàn Thành phố Hà Nội ghi nhận 3.035 trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội, chiếm tỷ lệ 4,9% so với tổng số người phạm tội. Cụ thể, nhóm từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi có 168 bị can bị khởi tố, chiếm 0,27% tổng số người phạm tội; nhóm từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi có 2.867 bị can bị khởi tố, chiếm 4,63% tổng số người phạm tội. Đáng chú ý, trong năm 2023, Viện kiểm sát nhân dân hai cấp của Thành phố Hà Nội đã truy tố 1.420 bị can là người dưới 18 tuổi[8].
Theo Báo cáo thống kê của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, trong năm 2023, Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm đã thụ lý 1.089 vụ án với 1.089 bị can, bị cáo là người dưới 18 tuổi. Trong đó, 841 bị cáo đã được xét xử sơ thẩm và 09 bị cáo được đình chỉ xét xử. Việc áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trong năm 2023 của Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm Thành phố Hà Nội cho thấy: Hình phạt tù có thời hạn từ 03 năm trở xuống là phổ biến nhất, với 324 bị cáo (chiếm 38,53%), phạt tù cho hưởng án treo dành cho 427 bị cáo (chiếm 50,77%). Hình phạt tù từ trên 03 năm đến 07 năm được áp dụng cho 61 bị cáo (chiếm 7,25%) và không có trường hợp nào bị áp dụng hình phạt tù trên 07 năm. Ngoài ra, còn có các hình phạt khác như cải tạo không giam giữ áp dụng cho 29 bị cáo (chiếm 3,45%) và không có trường hợp nào bị áp dụng hình phạt cảnh cáo hay phạt tiền[9]. Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm trong giai đoạn 2018 - 2023 đã thụ lý 57 vụ án với 80 bị cáo là người dưới 18 tuổi. Riêng năm 2023, số vụ án tăng lên 14 vụ, chiếm tỷ lệ 20,6% tổng số vụ án hình sự mà bị cáo là người dưới 18 tuổi do Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm xét xử. Trong đó, hình phạt tù có thời hạn từ 03 năm trở xuống cũng là hình phạt được áp dụng phổ biến nhất với 57 bị cáo (chiếm 63,64%); phạt tù có thời hạn từ trên 03 năm đến 07 năm là 11 bị cáo (chiếm 12,36%); cải tạo không giam giữ là 05 bị cáo (chiếm 5,92%), không có bị cáo nào được áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền[10].
Trong những năm qua, Tòa án nhân dân hai cấp Thành phố Hà Nội luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc, quy định riêng khi xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Xác định người dưới 18 tuổi là đối tượng đặc biệt cần được bảo vệ và giáo dục, Hội đồng xét xử đã cân nhắc kỹ lưỡng khi áp dụng hình phạt bảo đảm nhân đạo, khoan hồng trong chính sách hình sự, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi theo quy định của Nhà nước Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, hoạt động áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm của Thành phố Hà Nội tuy đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục như:
Một là, tỷ lệ áp dụng các hình phạt không tước tự do (cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ) còn thấp so với hình phạt tù. Xu hướng chung của hệ thống pháp luật hình sự về việc tăng cường áp dụng hình phạt không tước tự do cho người dưới 18 tuổi phạm tội chưa được thực hiện hiệu quả. Một số thẩm phán và hội thẩm có xu hướng xem trọng hình phạt tù, dẫn đến việc áp dụng hình phạt tù không cần thiết, không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.
Hai là, vẫn còn trường hợp Tòa án áp dụng hình phạt nặng hơn so với hành vi phạm tội của người dưới 18 tuổi. Điển hình như vụ án xảy ra vào ngày 12/4/2020, nhóm của Phạm Đình P (gồm 09 người) mang theo hung khí đi tìm nhóm của Phạm Văn N để đánh nhau. Khi phát hiện nhóm đối thủ, nhóm của Phạm Đình P đuổi theo và dùng nhiều loại hung khí tấn công anh Lê Mạnh T, khiến anh bị thương nặng và tử vong sau đó. Tòa án cấp sơ thẩm đã kết án Nguyễn Văn M và Nguyễn Hồng Đ về tội giết người với mức án 10 năm tù. Tòa án phúc thẩm đã kết án Nguyễn Quốc A về tội giết người với mức án 07 năm tù. Tuy nhiên, cả hai bản án đều được đánh giá là vi phạm pháp luật vì đã áp dụng mức hình phạt cao hơn quy định đối với người chưa thành niên phạm tội. Theo đó, việc Tòa án áp dụng mức án 10 năm tù cho Nguyễn Văn M và Nguyễn Hồng Đ là vượt quá mức án tối đa 09 năm tù quy định cho người từ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội chưa đạt. Việc áp dụng mức án 07 năm tù cho Nguyễn Quốc A là vượt quá mức án tối đa 04 năm tù quy định cho người từ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội chưa đạt[11]. Những sai phạm của Tòa án đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các bị cáo và vi phạm nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội.
Ba là, thiếu đồng bộ trong áp dụng hình phạt. Mức hình phạt áp dụng cho cùng một hành vi có thể khác nhau giữa các Tòa án nhân dân cấp huyện. Đơn cử như các vụ án sau: Vụ án thứ nhất, khoảng 15 giờ ngày 31/3/2022, tại số 01 lô 02 khu liền kề N, ngõ 67 đường P, phường V, quận N, Thành phố Hà Nội, Nguyễn Đăng G sinh ngày 22/4/2004 (khi phạm tội 17 tuổi 11 tháng 09 ngày) đã có hành vi lén lút chiếm đoạt 01 chiếc xe máy nhãn hiệu Honda Wave, trị giá 17.000.000 đồng. G đã bị Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm xét xử về tội trộm cắp tài sản, xử phạt bị cáo Nguyễn Đăng G 09 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời hạn thử thách 18 tháng kể từ ngày tuyên án[12]. Vụ án thứ hai, khoảng 17 giờ 20 phút ngày 30/9/2022, tại quán điện tử X phường C, quận B, Thành phố Hà Nội, bị cáo Đỗ Hồng Q (sinh ngày 07/12/2004) đã có hành vi lấy chìa khóa mượn của anh H đi ra khu vực cửa quán, dùng chìa khóa mở khóa lấy trộm chiếc xe mô tô nhãn hiệu Wave Alpha trị giá 14.000.000 đồng. Bị cáo khai nhận tội, vật chứng đã được thu hồi và khắc phục trả bị hại đầy đủ, bị hại không có yêu cầu bồi thường về dân sự. Tòa án đã xét xử Q về tội trộm cắp tài sản, xử phạt bị cáo Đỗ Hồng Q 08 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt thi hành án[13]. Sự chênh lệch trong hình phạt này khiến cho tính răn đe, giáo dục của pháp luật đối với người dưới 18 tuổi phạm tội giảm sút. Đồng thời, nó cũng vi phạm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, ảnh hưởng đến sự công bằng trong xét xử. Nguyên nhân do quá trình xem xét, đánh giá tài liệu chứng cứ và quan điểm pháp luật còn khác biệt, cách hiểu, cách áp dụng pháp luật và nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội chưa thống nhất.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện nay chưa có quy định cụ thể về áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Việc áp dụng hình phạt cảnh cáo cho đối tượng này dựa trên quy định chung tại Điều 34 Bộ luật Hình sự năm 2015 dành cho người đã thành niên. Do đó, tác giả kiến nghị bổ sung quy định chi tiết về áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người dưới 18 tuổi phạm tội bằng một điều luật riêng tại Mục 4 Chương XII Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm tính logic và hệ thống trong văn bản luật, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của người dưới 18 tuổi và nhấn mạnh mục đích giáo dục, răn đe và hướng đến cải tạo. Theo đó, điều kiện áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người dưới 18 tuổi có thể được quy định theo hai nhóm độ tuổi: (i) Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: Có thể áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng; (ii) Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Áp dụng theo quy định chung tại Điều 34 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đồng thời, kiến nghị bỏ điều kiện “nhưng chưa đến mức miễn hình phạt” tại Điều 34 Bộ luật Hình sự năm 2015 để mở rộng phạm vi áp dụng hình phạt cảnh cáo cho người dưới 18 tuổi phạm tội.
Thứ hai, Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa quy định cụ thể về mức phạt tiền tối thiểu đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều này đã gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật và tạo ra sự thiếu thống nhất trong thực tiễn. Do đó, tác giả đề xuất bổ sung quy định cụ thể về mức phạt tiền tối thiểu đối với người dưới 18 tuổi phạm tội tại Điều 99 Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm tính thống nhất và khả thi trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Đồng thời cũng bảo đảm tính răn đe và đáp ứng được tính ổn định cao cho quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng cần có quy định cụ thể nhằm hướng dẫn việc xác định tình hình tài sản của người phạm tội và quy định rõ chủ thể có trách nhiệm xác định tình hình tài sản của người phạm tội.
Thứ ba, hiện nay Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa quy định cụ thể về các hoạt động giáo dục, đào tạo và lao động phục vụ cộng đồng trong quá trình chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Điều này vô hình trung đã làm hạn chế hiệu quả giáo dục, rèn luyện và tái hòa nhập cộng đồng của người dưới 18 tuổi phạm tội. Do đó, tác giả kiến nghị bổ sung quy định cụ thể về các hoạt động giáo dục, đào tạo và lao động phục vụ cộng đồng trong quá trình chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Cụ thể, đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải tham gia các khóa học đào tạo nghề, tham gia chương trình giáo dục về ý thức tuân thủ pháp luật. Còn đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì bắt buộc thực hiện các công việc lao động phục vụ cộng đồng. Với thời hạn lao động tối thiểu là 48 giờ và tối đa là 320 giờ, không quá 03 giờ trong một ngày và không quá 03 ngày trong 1 tuần. Tòa án xem xét độ tuổi và tình trạng sức khỏe để quyết định nội dung công việc và thời hạn lao động phù hợp. Ngoài ra, cần bổ sung thời hạn tối thiểu áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ với thời hạn là 06 tháng và không quá một phần hai thời hạn tối đa mà khung hình phạt được áp dụng quy định.
Thứ tư, tăng cường ban hành các giải đáp nghiệp vụ, thông báo rút kinh nghiệm và tổ chức tập huấn kỹ năng cho các cơ quan tiến hành tố tụng, đặc biệt là Tòa án. Việc này giúp bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả trong áp dụng hình phạt.
Thứ năm, tăng cường công tác tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích nghiên cứu, tham gia hội thảo chuyên đề, rèn luyện đạo đức, xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.
ThS. Hoàng Văn Nhất
Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp
Hoàng Bảo Ngọc
Đại học Quốc gia Hà Nội
Ảnh: internet
[1] Đại từ điển tiếng Việt (1998), Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr. 808.
[2] Trịnh Tiến Việt (2022), “Trách nhiệm hình sự và hình phạt - Giáo trình sau đại học”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
[3] Xem Điều 30 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[4] Lê Văn Cảm (2020), “Giáo trình Luật hình sự Việt Nam - Phần chung”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
[5] Nguyễn Ngọc Hòa (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Phần chung), Nxb. Tư pháp, tr. 382.
[6] Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[7] Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội (2019 - 2023), Báo cáo tổng kết công tác kiểm sát năm 2019, 2020, 2021, 2022, 2023.
[8] Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội (2023), Báo cáo thông kê tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội.
[9] Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội (2023), Báo cáo thống kê người dưới 18 tuổi phạm tội bị xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội năm 2023.
[10] Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (2023), Thống kê tình hình người dưới 18 tuổi phạm tội.
[11] Xem thêm Thông báo số 102/TB-VKSTC-V7 ngày 22/5/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc rút kinh nghiệm vụ án hình sự Hội đồng giám đốc thẩm Tòa án nhân dân tối cao hủy Bản án hình sự phúc thẩm để xét xử lại.
[12] Tòa án nhân dân quận N, Thành phố Hà Nội (2022), Bán án số 119/2022/HS-ST ngày 14/7/2022 của Tòa án nhân dân quận N đã xét xử bị cáo Nguyễn Đăng G về tội trộm cắp tài sản.
[13] Tòa án nhân dân quận B, Thành phố Hà Nội (2023), Bản án số 36/2023/HSST ngày 28/02/2023 của Tòa án nhân dân quận B đã xét xử bị cáo Đỗ Hồng Q về tội trộm cắp tài sản.