1. Sơ lược về tình hình yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự
Theo kết quả tổng kết 06 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, từ ngày 01/01/2010 đến ngày 31/12/2015, Tòa án các cấp đã thụ lý, giải quyết 38 vụ việc, đã giải quyết xong 32 vụ việc, với số tiền phải bồi thường là 37 tỷ 772 triệu 742 nghìn đồng, trong đó có 7 tỷ 272 triệu 247 nghìn đồng của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), 22 tỷ 977 triệu 183 nghìn đồng của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), còn 06 vụ việc đang giải quyết; Viện kiểm sát các cấp đã thụ lý, giải quyết đối với 113 trường hợp yêu cầu bồi thường, đã giải quyết xong 93 trường hợp, với tổng số tiền phải bồi thường là 16 tỷ 415 triệu 005 nghìn đồng, còn 20 trường hợp đang giải quyết; Ngành Công an đã thụ lý, giải quyết 11 vụ việc, đã giải quyết xong 7 vụ việc, với số tiền phải bồi thường là 2 tỷ 221 triệu 637 nghìn đồng, còn 04 vụ việc đang tiếp tục giải quyết; cơ quan tiến hành tố tụng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng đã thụ lý, giải quyết 01 vụ việc với số tiền bồi thường là 350 triệu đồng (Quân khu III)[1]. Trong 06 năm thi hành, trong lĩnh vực quản lý hành chính, các cơ quan đã thụ lý 57 vụ việc yêu cầu bồi thường, trong đó, số vụ việc đã giải quyết bồi thường là 45 vụ việc (đạt tỷ lệ 78,9 %) với tổng số tiền Nhà nước phải bồi thường là 12 tỷ 742 triệu 442 nghìn đồng; trong lĩnh vực thi hành án dân sự là 38 vụ việc, trong đó, số vụ việc đã giải quyết là 26 vụ việc (chiếm tỷ lệ 68,4 %), với số tiền Nhà nước phải bồi thường là 9 tỷ 118 triệu 106 nghìn đồng, còn 12 vụ việc đang trong quá trình giải quyết.
Như vậy, trong số các bộ, ngành đã giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, Viện kiểm sát nhân dân các cấp là có số vụ việc yêu cầu bồi thường cao nhất. Qua số liệu về tình hình yêu cầu bồi thường và giải quyết bồi thường trong lĩnh vực tố tụng hình sự cho thấy, số lượng vụ việc yêu cầu bồi thường và số tiền giải quyết bồi thường trong lĩnh vực này chiếm tỷ lệ lớn hơn so với lĩnh vực quản lý hành chính và thi hành án. Và hầu hết những vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự thường là những vụ việc phức tạp, kéo dài và gặp nhiều vướng mắc trong quá trình giải quyết. Sau đây, tác giả xin phân tích thực trạng, nguyên nhân một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, cụ thể:
Thứ nhất, nhiều người dân sau khi được minh oan còn có tâm lý e ngại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Tâm lý e ngại này, một phần xuất phát từ việc người dân cho rằng, cơ quan đã gây ra oan sai cho mình có “quyền lực”, không bình đẳng với mình sẽ không xem xét quyền lợi cho mình thỏa đáng, thậm chí có có thể gây khó khăn, phiền hà cho mình. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, người bị thiệt hại gặp khó khăn trong việc yêu cầu bồi thường do không xác định được cơ quan có trách nhiệm bồi thường[2] hoặc khó khăn trong việc thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường[3], trong việc tìm tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại. Việc tìm các giấy tờ làm căn cứ chứng minh thiệt hại như: Biên lai khám chữa bệnh, hóa đơn mua thuốc, vé tầu xe đi lại... là rất khó.
Thứ hai, vẫn còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa các cơ quan tố tụng, làm cho vụ việc chậm được thụ lý và việc giải quyết bị kéo dài vượt quá thời hạn theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước gây bức xúc cho người bị thiệt hại và cả dư luận xã hội.
Thứ ba, nhiều vụ việc giải quyết không bảo đảm được thời hạn theo quy định của pháp luật do tính chất của nhiều vụ việc rất phức tạp, liên quan tới nhiều cơ quan, từ đó dẫn tới tỷ lệ vụ việc chưa được giải quyết phải chuyển sang kỳ sau qua từng năm vẫn còn cao[4].
Thứ tư, việc thương lượng giữa người bị thiệt hại với cơ quan có trách nhiệm bồi thường khó đạt được đồng thuận do tâm lý không tin tưởng vào cơ quan có trách nhiệm bồi thường vì đây chính là cơ quan đã gây ra oan, sai cho người bị thiệt hại.
Thứ năm, việc thẩm định hồ sơ cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường còn chậm so với quy định của pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường và gây bức xúc cho người bị thiệt hại[5]. Việc thực hiện các thủ tục đề nghị cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực tố tụng hình sự nói riêng chưa được kịp thời, cụ thể, theo quy định hiện hành, thời hạn lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường là 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị cấp kinh phí chi trả tiền bồi thường đến cơ quan tài chính cùng cấp; trường hợp là cơ quan hưởng kinh phí từ ngân sách trung ương phải chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên, thời hạn xét, cấp kinh phí là 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị cấp kinh phí hợp lệ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc chi trả tiền bồi thường kể từ khi ra quyết định giải quyết bồi thường đến lúc người bị thiệt hại được chi trả thường kéo dài, trung bình từ 04 tháng đến 01 năm, cá biệt có những vụ việc gần hai năm vẫn chưa được giải quyết.
Thứ sáu, việc thực hiện cung cấp thông tin hoặc phản hồi các vấn đề báo chí đăng tải về công tác bồi thường nhà nước trong tố tụng hình sự chưa được quan tâm đúng mức, không chủ động cung cấp thông tin, do đó, chưa định hướng được dư luận xã hội trong việc xử lý, giải quyết đối với một số vụ việc phức tạp, nhạy cảm.
2. Nhận diện một số tồn tại, bất cập trong các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự
Nhiều quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước còn nhiều bất cập như:
2.1. Quy định về cơ quan giải quyết bồi thường chưa thực sự hợp lý
Các giai đoạn của tố tụng hình sự là một quá trình rất dài, bao gồm: Khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Căn cứ theo quy định tại Điều 29 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự là cơ quan được quy định tại các Điều 30, 31 và 32 của Luật. Đó có thể là Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát hay Tòa án và được quy định cụ thể đối với từng trường hợp theo quy định tại Điều 4, Thông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC-BNN&PTNT. Với quy định về cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong tố tụng hình sự hiện hành, có thể hiểu hoạt động tố tụng hình sự thực hiện sai ở khâu nào thì cơ quan tiến hành tố tụng ở khâu đó thay mặt Nhà nước đứng ra giải quyết bồi thường. Nhưng có phải trường hợp nào cũng dễ dàng xác định cơ quan tiến hành tố tụng đứng ra giải quyết bồi thường hay không, sau đây, xin đưa ra ví dụ vụ việc cụ thể của ông Phan Văn Lá, sinh năm 1967 ở xã Vĩnh Châu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Năm 1991, ông Lá bị Tòa án huyện Châu Thành xử 04 năm tù về tội hủy hoại tài sản XHCN theo Bộ luật Hình sự năm 1985. Đến tháng 9/1992, Tòa án tỉnh Long An hủy án và trả hồ sơ cho công an huyện Châu Thành điều tra lại. Đến 2013, công an huyện Châu Thành mới ra quyết định đình chỉ điều tra vì lý do hết thời hạn điều tra, không chứng minh được tội phạm. Như vậy, ông Lá mang thân phận bị can trong 21 năm và khi ông yêu cầu bồi thường thì các cơ quan trung ương và địa phương đều không thống nhất, có dấu hiệu đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Bộ Công an và Viện Kiểm sát cho rằng trường hợp này thuộc trách nhiệm bồi thường của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, Tòa án nhân dân tối cao thì cho rằng đây là trách nhiệm của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát. Tỉnh ủy Long An đã chủ trì giải quyết khiếu nại của ông Lá nhưng Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao tối cao không thống nhất được cơ quan nào sẽ đứng ra bồi thường cho ông Lá. Và cuối cùng, Công an huyện Châu Thành đã nhận trách nhiệm bồi thường oan cho ông Lá (nguồn Báo Đời sống - Pháp luật).
Với trường hợp nêu trên, cả ba cơ quan tiến hành tố tụng đều có lỗi, tuy nhiên các cơ quan đều có sự đùn đẩy trách nhiệm, không đứng ra giải quyết cho người bị oan, gây bức xúc trong dư luận. Nhà nước là Nhà nước đơn nhất, nhưng khi xảy ra oan, sai, người dân lại phải xác định xem cơ quan nào là cơ quan có trách nhiệm bồi thường để đi đòi bồi thường có hợp lý hay không, trong khi tố tụng hình sự là hoạt động với nhiều giai đoạn hết sức phức tạp, đặc biệt trên thực tế xảy ra rất nhiều vụ việc theo kiểu “án tại hồ sơ” thì rất khó xác định trách nhiệm của từng cơ quan trong việc xảy ra oan, sai.
2.2. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự chưa phù hợp
Theo quy định tại khoản 5 Điều 31 Hiến pháp năm 2013: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự”. Trong khi đó, phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự tại Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa quy định trường hợp này. Do vậy, với quy định như pháp luật hiện hành, thì phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự bị thu hẹp hơn so với Hiến pháp năm 2013, không bảo đảm được mục tiêu bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Trên thực tế, thời gian qua, việc bắt người trong hoạt động tố tụng hình sự còn có nhiều sai sót, trong ba năm (từ 01/10/2011 đến 30/9/2014) cơ quan điều tra đã thực hiện việc bắt, tạm giữ hình sự đối với 4.998 trường hợp, nhưng sau đó phải chuyển xử lý hành chính. Viện kiểm sát các cấp đã không phê chuẩn 861 người bị bắt khẩn cấp. Riêng năm 2014 Viện kiểm sát các cấp đã không phê chuẩn 109 lệnh bắt khẩn cấp[6]. Như vậy, rất nhiều trường hợp người bị bắt trái pháp luật nhưng không được xem xét bồi thường, quyền lợi không được bảo đảm vì không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã ghi nhận pháp nhân là chủ thể của một số tội phạm và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã có quy định về thủ tục tố tụng truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân (Chương XXIX). Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 31 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cũng mới chỉ quy định nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại là cá nhân trong tố tụng hình sự mà chưa quy định đối với pháp nhân bị thiệt hại do bị truy cứu trách nhiệm hình sự oan, sai. Và theo quy định tại Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chỉ quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân người bị thiệt mà chưa quy định đối với pháp nhân.
2.3. Quy định về thẩm quyền giải quyết bồi thường của Tòa án chưa phù hợp
Khoản 1 Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: “Toà án có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường là Toà án nhân dân cấp huyện nơi cá nhân bị thiệt hại cư trú, làm việc, nơi tổ chức bị thiệt hại đặt trụ sở, nơi thiệt hại xảy ra theo sự lựa chọn của người bị thiệt hại hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”. Trên thực tế, trong hoạt động tố tụng hình sự đã xảy ra những trường hợp, Tòa án nhân dân cấp huyện xét xử vụ việc bồi thường đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh[7] và nếu trong trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo thì Tòa án xử phúc thẩm lại chính là Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Theo quy định của Hiến pháp, của pháp luật tố tụng, hoạt động xét xử của Tòa án theo nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế Tòa cấp trên, cấp dưới cũng bị ảnh hưởng bởi công tác tổ chức, hay việc xét xử vụ việc bồi thường đối với chính Tòa mình thì cũng khó bảo đảm được tính khách quan.
Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, đối với các vụ việc có yếu tố nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới có thẩm quyền giải quyết. Như vậy, nếu vụ việc yêu cầu bồi thường có yếu tố nước ngoài thì Tòa án huyện là Tòa án có thẩm quyền giải quyết bồi thường là không phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
2.4. Quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường chưa hợp lý
Tại khoản 1 Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: “Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 02 năm, kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật hoặc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường quy định…”. Quy định này không hợp lý theo nguyên tắc tính thời hiệu thông thường và dễ gây bất lợi cho người bị thiệt hại, vì trên thực tế có trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xác định người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường đã được ban hành nhưng người bị thiệt hại chưa hoặc không nhận được văn bản đó; đến khi họ có được văn bản này thì có thể đã hết thời hiệu yêu cầu giải quyết bồi thường.
2.5. Chưa có quy định cụ thể về việc xin lỗi, cải chính công khai
Điều 51 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về việc khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, tuy nhiên, chưa quy định cụ thể về trình tự, cách thức tiến hành xin lỗi, cải chính công khai. Vì vậy, có những trường hợp trên thực tế, người bị oan cũng như thân nhân của của họ chưa thực sự thỏa mãn với việc được xin lỗi[8]. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể trong lĩnh vực tố tụng hình sự là Tông tư liên tịch số 05/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP_BTC-BNN&PTNT ngày 02/11/2012 hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hình thức và thành phần tham dự, chương trình của việc tổ chức xin lỗi công khai. Cũng chính vì chưa có quy định cụ thể như vậy dẫn tới tình trạng trên thực tế không có sự thống nhất giữa các buổi xin lỗi, mỗi buổi xin lỗi lại được thực hiện khác nhau, nhiều trường hợp được thực hiện qua loa, chiếu lệ gây bức xúc trong dư luận xã hội.
2.6. Quy định về thời hạn thực hiện thủ tục bồi thường còn chưa khả thi
Quy định của pháp luật về thủ tục thương lượng, thời hạn giải quyết bồi thường, chi trả tiền bồi thường còn chưa hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động giải quyết bồi thường; chưa có quy định đặc thù về trình tự, thủ tục rút gọn để giải quyết bồi thường cho các trường hợp bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự.
Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định thời hạn xác minh thiệt hại là 20 ngày, trường hợp phức tạp thì thời hạn xác minh là 40 ngày[9]. Tuy nhiên, hầu hết các vụ việc yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng thường có nhiều tình tiết phức tạp, thời gian xảy ra lâu, xác minh tại nhiều nơi, nhiều cơ quan; thậm trí trong một số trường hợp cần thiết phải tiến hành các thủ tục giám định và định giá tài sản… dẫn tới, thời hạn xác minh không bảo đảm được theo quy định của pháp luật.
Quy định về việc lập dự toán, quản lý và cấp phát kinh phí bồi thường theo hai cấp (trung ương và địa phương), quy trình thẩm định cấp kinh phí, chi trả tiền bồi thường còn phức tạp, nảy sinh nhiều bất cập, làm việc bồi thường kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị oan.
2.7. Quy định về trách nhiệm hoàn trả và xử lý kỷ luật chưa được cụ thể, chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe
Quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước về trách nhiệm hoàn trả và trách nhiệm kỷ luật đối với người thi hành công vụ, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong hoạt động tố tụng hình sự còn chưa được cụ thể, chặt chẽ, dẫn tới việc xem xét trách nhiệm hoàn trả, xử lý kỷ luật trên thực tế chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Mức hoàn trả theo quy định của pháp luật cũng chưa đủ sức răn đe đối với người thi hành công vụ, để từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm công vụ, hạn chế việc phát sinh bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự.
3. Những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới
- Quy định về cơ quan giải quyết bồi thường theo hướng tập trung, có cơ quan chuyên trách giải quyết bồi thường, độc lập với cơ quan đã gây ra oan, sai;
- Bổ sung vào phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự đối với trường hợp bị bắt trái pháp luật, bổ sung thêm trường hợp bồi thường đối với pháp nhân thương mại bị điều tra, truy tố, xét xử oan, sai;
- Quy định lại về thẩm quyền giải quyết bồi thường của Tòa án cho phù hợp với quy định của Bộ luật tố tụng dân sự;
- Quy định về thời điểm tính thời hiệu yêu cầu bồi thường là kể từ ngày người bị oan nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;
- Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, hình thức, thành phần tổ chức xin lỗi, cải chính công khai đối với người bị oan;
- Quy định thủ tục giải quyết bồi thường rút gọn đối với một số trường hợp bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự;
- Xem xét quy định về trách nhiệm hoàn trả, xử lý kỷ luật của người thi hành công vụ cho hợp lý.
Cục Bồi thường nhà nước