Tính đến nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Văn phòng gồm: Tổng số nhân sự đang làm việc tại Văn phòng là 24; trong đó có: 02 Thừa phát lại, 18 thư ký nghiệp vụ, 01 kế toán và 01 nhân viên văn thư lưu trữ, 01 bảo vệ, 01 tạp vụ. Văn phòng đã tiến hành các hoạt động chuyên môn như sau:
1.1. Lập vi bằng
Có thể nói, vi bằng là “dịch vụ độc quyền” của Thừa phát lại. Ngoài Thừa phát lại, không có một hệ thống cơ quan nào giúp người dân xác lập chứng cứ theo yêu cầu, với thủ tục giản đơn thuận tiện. Đến nay, Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh 1.426 vi bằng, doanh thu 3.521.300.000 đồng. Nội dung vi bằng thể hiện phong phú trên nhiều lĩnh vực.
Trong quan hệ dân sự, vi bằng của Thừa phát lại là công cụ để người dân, doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện các giao dịch dân sự, cũng như xác lập các chứng cứ để bảo vệ mình trong quá trình hòa giải, thương lượng hoặc xét xử. Việc lập vi bằng do Thừa phát lại chủ động lập và chịu trách nhiệm, việc lập vi bằng rất nhanh chóng, thuận tiện, thường ít phụ thuộc vào sự hợp tác của bên thứ 3. Mặt khác, phạm vi công việc lập vi bằng rất rộng, không hạn chế về thời gian, địa điểm (trong phạm vi địa hạt). Vỉ vậy, có thể thấy rằng, quy định của pháp luật đã tạo điều kiện cho Thừa phát lại phát huy tính chủ động và sáng tạo của Thừa phát lại trong việc lập vi bằng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành: “Thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp”. Tuy nhiên, hiểu thế nào về “các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của Ủy ban nhân dân các cấp” còn nhiều ý kiến khác nhau. Chúng tôi cho rằng, nội dung trên cần được hiểu là “các trường hợp mà pháp luật bắt buộc phải công chứng, chứng thực”.
Hiện nay, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh căn cứ vào Công văn số 1128/BTP-TCTHADS ngày 18/4/2014 của Bộ Tư pháp (về việc tổ chức thực hiện thí điểm Thừa phát lại) từ chối đăng ký các vi bằng có nội dung ghi nhận sự kiện các bên ký tên vào văn bản (hợp đồng, giao dịch không bắt buộc phải công chứng, hoặc các tờ khai, cam kết, xác nhận, trình bày…) với lý do là thuộc lĩnh vực công chứng, chứng thực. Thực chất, các Văn phòng Thừa phát lại chỉ lập vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi, chứ không chứng nhận nội dung hợp đồng, giao dịch hay chứng thực chữ ký. Việc từ chối đăng ký một số vi bằng nêu trên gây khó khăn rất nhiều cho các Văn phòng Thừa phát lại trong quá trình hoạt động, vì trong giai đoạn hiện nay, các Văn phòng Thừa phát lại đang tồn tại với nguồn thu chủ yếu từ vi bằng.
1.2. Tống đạt
Văn phòng đã tiến hành ký hợp đồng tống đạt cho 04 Tòa án nhân dân của các quận: Bình Thạnh, quận 1, quận 9, quận 2, quận 3 và Chi cục Thi hành án dân sự của các quận: Bình Thạnh, quận 9, quận 2. Từ tháng 11/2010 đến nay, tổng số văn bản đã tống đạt là 52.942 văn bản; tổng số tiền thu được là 2.712.330.000 đồng.
Thủ tục tống đạt văn bản của cơ quan thi hành án dân sự đã được Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện một cách thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các Văn phòng thực hiện tống đạt.
Tuy nhiên, thủ tục tống đạt đối với Tòa án vẫn chưa có sự thống nhất về việc tống đạt theo Điều 152 Bộ luật Tố tụng dân sự, mỗi Tòa có một yêu cầu khác nhau cho cùng một trường hợp tống đạt, gây khó khăn rất nhiều cho Văn phòng Thừa phát lại khi thực hiện. Do vậy, đề nghị Sở Tư pháp sớm phối hợp với Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh thống nhất biểu mẫu, quy trình tống đạt và hướng dẫn về tính hợp lệ của văn bản tống đạt theo hướng đơn giản hóa, hạn chế việc xin dấu của công an, Ủy ban nhân dân, chữ ký của nhiều cấp (tổ dân phố, ban điều hành khu phố, cảnh sát khu vực, tư pháp…) để sử dụng chung cho toàn Thành phố.
Theo quy định thì việc quyết toán chi phí tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện định kỳ hàng tháng, tuy nhiên thực tế thực hiện thì rất chậm trễ. Theo Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 có hiệu lực từ ngày 20/4/2014 (Thông tư liên tịch số 09) đã quy định một số nội dung mới rất quan trọng như ký hợp đồng tống đạt và thanh toán phí tống đạt. Tuy nhiên, khi Văn phòng Thừa phát lại liên hệ với các Tòa án, Chi cục Thi hành án dân sự đề nghị ký lại hợp đồng theo quy định mới, thì các cơ quan này đề nghị chờ văn bản hướng dẫn của Tòa án nhân dân và Cục Thi hành án dân sự TP. Hồ Chí Minh . Cho đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn ký lại hợp đồng tống đạt theo quy định mới.
1.3. Tổ chức thi hành án
Với sự ra đời của Thừa phát lại, người dân có quyền lựa chọn dịch vụ thi hành án tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của người dân trong việc thực thi bản án, quyết định của Tòa án một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Thừa phát lại được kỳ vọng như một lực lượng mới, có thể sẻ chia trách nhiệm với hệ thống cơ quan thi hành án hiện hành, gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức thi hành án.
Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền tổ chức thi hành án dân sự tương đương Chi cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở đối với án theo đơn yêu cầu. Thời gian qua, Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh đã thụ lý tổng cộng 54 vụ, trong đó đã thi hành xong 14 vụ và trả đơn yêu cầu thi hành án 13 vụ, với tổng giá trị thi hành được là 19.969.431.000 đồng.
Mặc dù số lượng việc thi hành án còn thấp, nhưng bước đầu đã được sự thừa nhận và tin tưởng của xã hội, điển hình là Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh đã thụ lý và đang tiến hành tổ chức thi hành án đối với Công ty cổ phần đầu tư Kiến Quân theo đơn yêu cầu của Công ty tài chính TNHH Một thành viên Cao su Việt Nam với giá trị về tiền lên đến 148.618.855.000 đồng.
Có thể thấy, số việc thi hành án hiện nay các Văn phòng Thừa phát lại đang thụ lý rất ít so với tiềm năng. Điều này do người dân chưa biết nhiều đến thẩm quyền tổ chức thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại. Mặc dù công tác tuyên truyền liên tục được đẩy mạnh, nhưng hiệu quả thực tế chưa cao. Vì vậy, đề nghị Bộ Tư pháp xem xét kiến nghị với Tòa án nhân dân tối cao bổ sung trong phần giải thích về việc thi hành án dân sự của bản án, quyết định để người dân biết mình có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại thi hành bản án, quyết định này.
Có một khó khăn nữa là đối với trường hợp phát sinh điều kiện thi hành án nằm ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại, Điều 10 Thông tư liên tịch số 09 bắt buộc các bên phải thanh lý hợp đồng và chấm dứt việc thi hành án. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp Văn phòng đang tổ chức thi hành án mà vừa phát sinh điều kiện thi hành án ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh, vừa phát sinh điều kiện thi hành án ngoài địa bàn, thì Văn phòng có tiếp tục thi hành án hay phải thanh lý hợp đồng thi hành án với người yêu cầu thi hành án? Hoặc trường hợp Văn phòng Thừa phát lại đang tổ chức thi hành án mà người phải thi hành án có điều kiện thi hành án ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh, nhưng chưa xác minh cụ thể được, đồng thời phát sinh điều kiện thi hành án ngoài địa bàn TP. Hồ Chí Minh, thì Văn phòng có tiếp tục thi hành án, hay phải thanh lý hợp đồng thi hành án với người yêu cầu thi hành án?
Về lâu dài, chúng tôi đề nghị nên quy định cơ chế ủy thác giữa các Văn phòng Thừa phát lại với nhau trên cơ sở thỏa thuận giữa các Văn phòng, vì hiện nay, các Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập ở 13 tỉnh, thành trên cả nước, thời gian tới, khi hết thời gian thí điểm, các Văn phòng Thừa phát lại được thành lập trên cả nước, thì việc quy định cơ chế ủy thác càng trở nên cấp bách.
1.4. Xác minh điều kiện thi hành án
Thời gian qua, Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh đã ký được 50 hợp đồng xác minh điều kiện thi hành án. Trong đó tiến hành xác minh được 46 vụ việc; tổng số phí thu được là 325.500.000 đồng.
Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án hiện gặp nhiều khó khăn như: cơ quan thuế, các tổ chức tín dụng và một số cơ quan đăng ký tài sản từ chối cung cấp thông tin phục vụ cho việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại, với lý do luật chuyên ngành không quy định Thừa phát lại là đối tượng được cung cấp thông tin… hoặc các cơ quan này thường cung cấp thông tin rất chậm trễ (một số văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất).
2. Một số đề xuất và kiến nghị
Từ thực tiễn hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, chúng tôi có một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại
Với tính chất là một định chế đang trong thời gian thí điểm, khó có thể đòi hỏi một hệ thống pháp luật hoàn thiện về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, cũng như các văn bản hiện hành làm cơ sở pháp lý cho hoạt động của Thừa phát lại có giá trị pháp lý cao, vì vậy, trong giai đoạn này, khi chưa thể ban hành ngay Luật về Thừa phát lại, cần có hướng dẫn cho phép áp dụng về mặt nguyên tắc các quy định trong các đạo luật hiện hành cho tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Sau khi kết thúc thời gian thí điểm, cần phải ban hành Luật về Thừa phát lại theo hướng cụ thể hóa tất cả các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trong Luật, bao gồm cả những quy phạm liên quan đến Luật Thi hành án dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Các tổ chức tín dụng, luật thuế... Khi các đạo luật này được sửa đổi, bổ sung thì quy định thêm các quyền, nghĩa vụ của Thừa phát lại tương ứng trong Luật.
Mặt khác, đề nghị cấp có thẩm quyền sớm ban hành văn bản liên tịch hướng dẫn các hoạt động phối hợp xác minh, áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án của Thừa phát lại.
Thứ hai, về công tác thông tin, tuyên truyền
Đề nghị tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Thừa phát lại, để người dân được biết bên cạnh cơ quan thi hành án dân sự, người dân còn có quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án, đồng thời có quyền yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại xác minh điều kiện thi hành án để cung cấp cho cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành, cũng như các công việc khác. Cần tuyên truyền theo hướng giải thích cho người dân hiểu được “khi nào thì nên đến Văn phòng Thừa phát lại?”. Hình thức tuyên truyền cũng cần phải sinh động để pháp luật đến với từng người dân.
Thứ ba, về hoạt động lập vi bằng
Vi bằng không phải là văn bản công chứng, chứng thực, vi bằng của Thừa phát lại chỉ chụp lại sự kiện, hành vi nhất định, trong đó có việc các bên tham gia ký kết, xác nhận một nội dung nhất định. Việc xác định mọi hành vi ký kết văn bản đều là văn bản phải công chứng, chứng thực mà không được lập vi bằng là bó hẹp phạm vi lập vi bằng, hạn chế quyền được yêu cầu lập vi bằng để làm chứng cứ của người dân.
Nên có hướng dẫn xác định cụ thể phạm vi lập vi bằng theo hướng Thừa phát lại được phép lập vi bằng những sự kiện, hành vi bao gồm cả việc ghi nhận việc ký kết văn bản, nếu nội dung đó không thuộc trường hợp bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Thứ tư, về việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 09
Văn phòng đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư liên tịch số 09. Trong đó, cho phép các Văn phòng Thừa phát lại được hưởng mức phí tống đạt theo Thông tư liên tịch 09 từ ngày 22/4/2014, đảm bảo kịp thời quyền lợi chính đáng của các Văn phòng Thừa phát lại trong bối cảnh hoạt động còn nhiều khó khăn.
Thứ năm, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các Văn phòng Thừa phát lại và các cơ quan thi hành án dân sự trong việc phối hợp tổ chức thi hành án, sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án do Thừa phát lại cung cấp, nhằm thực hiện nhiệm vụ chung của Ngành Thi hành án dân sự.
Bên cạnh đó, từng bước xây dựng cơ chế phối hợp giữa các Văn phòng Thừa phát lại và các ngành hữu quan như Tòa án, Viện kiểm sát, công an, chính quyền địa phương, tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan thuế,… để Thừa phát lại thực hiện tốt các chức năng của mình.
Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh