Đối với các tranh chấp do Tòa án thụ lý và giải quyết thì một trong những nhiệm vụ bảo đảm công tác xét xử theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng là công tác tương trợ tư pháp (TTTP) giữa các quốc gia, trong đó có tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại. Để bảo đảm hoạt động và gắn trách nhiệm của các quốc gia trong việc thực hiện TTTP có hiệu quả, Việt Nam đã ký kết 17 hiệp định TTTP và gần đây nhất đã gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Tống đạt). Công ước có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 01/10/2016. So với các hiệp định TTTP, việc gia nhập Công ước Tống đạt có phạm vi thực hiện tống đạt về mặt địa lý rộng hơn, bởi vì tính đến thời điểm hiện nay, đã có 70 quốc gia là thành viên của Công ước.
1. Nội dung chính của Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại
1.1. Mục tiêu
Công ước Tống đạt là điều ước quốc tế đa phương được xây dựng nhằm mục đích xây dựng cơ chế bảo đảm tiếp nhận và gửi các tài liệu tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự, đơn giản hóa thủ tục, phương thức tống đạt và bảo vệ quyền lợi của bị đơn thông qua chứng minh được tống đạt đã được thực hiện ở nước ngoài, dưới hình thức giấy xác nhận kết quả theo mẫu thống nhất.
1.2. Phạm vi
Công ước Tống đạt áp dụng cho các vụ việc về dân sự hoặc thương mại có yêu cầu phải tống đạt giấy tờ tư pháp hoặc ngoài tư pháp ra nước ngoài và không áp dụng trong trường hợp không xác định được địa chỉ của người được tống đạt. Việc tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp chỉ được thực hiện khi đáp ứng được 04 điều kiện sau: (i) Giấy tờ phải được tống đạt từ quốc gia thành viên này sang quốc gia thành viên khác; (ii) Giấy tờ tống đạt phải là giấy tờ tư pháp hoặc ngoài tư pháp; (iii) Giấy tờ tống đạt phải là giấy tờ liên quan tới các vấn đề về dân sự hoặc thương mại; (iv) Địa chỉ của người nhận phải xác định được.
1.3. Các kênh tống đạt
Công ước Tống đạt quy định 01 kênh tống đạt chính (từ Điều 2 đến Điều 7) và các kênh tống đạt thay thế (từ Điều 8 đến Điều 11). Cụ thể như sau:
a. Kênh tống đạt chính
Kênh tống đạt chính là kênh tống đạt thông qua cơ quan trung ương của nước được yêu cầu. Trên trang web của Hội nghị La Hay có liệt kê thông tin của các cơ quan trung ương của các nước thành viên Công ước, bao gồm: Địa chỉ, điện thoại, fax, email và địa chỉ trang web (nếu có), ngôn ngữ liên lạc. Cơ quan trung ương của các quốc gia thành viên được chỉ định theo pháp luật của quốc gia đó và thông thường là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Tòa án, Bộ Tư pháp hoặc Bộ Ngoại giao. Tuy vậy, đối với Hoa Kỳ, mặc dù cơ quan trung ương là Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nhưng việc thực hiện yêu cầu và gửi yêu cầu do Công ty Process Forwarding International (ABC Legal) thực hiện trên cơ sở hợp đồng ký với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
Chi phí thực hiện tống đạt sẽ được miễn, có nghĩa là các quốc gia sẽ không yêu cầu thanh toán cho việc thực hiện tống đạt. Tuy vậy, đối với chi phí tống đạt theo phương thức đặc biệt thì nước yêu cầu phải trả chi phí cho việc thực hiện. Ngoài ra, đối với một số quốc gia, nếu pháp luật có quy định việc thực hiện yêu cầu tống đạt do tổ chức tư nhân thực hiện (Thừa phát lại) thì chi phí thực hiện ủy thác tư pháp sẽ do nước yêu cầu chi trả. Thời gian thực hiện tống đạt có thể trong vòng 02 tháng và nhiều nhất là 06 tháng. Kết quả tống đạt sẽ được xác nhận bởi cơ quan trung ương, theo đó, giấy xác nhận kết quả phải nêu rõ tống đạt giấy tờ có thành công hay không.
b. Các kênh tống đạt thay thế
(i) Tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự (Điều 8). Kênh tống đạt này thông thường được áp dụng cho việc tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp cho công dân của nước yêu cầu tại nước được yêu cầu. Ví dụ, Thụy Sỹ chỉ chấp nhận sử dụng kênh tống đạt này để tống đạt cho công dân của nước yêu cầu, còn việc tống đạt cho công dân Thụy Sỹ hoặc công dân nước thứ ba thì phải sử dụng kênh chính hoặc kênh tống đạt tại Điều 9;
(ii) Tống đạt cho cơ quan thẩm quyền của nước được yêu cầu thông qua cơ quan ngoại giao, lãnh sự (Điều 9);
(iii) Tống đạt trực tiếp cho đương sự ở nước ngoài qua đường bưu điện (điểm a Điều 10);
(iv) Tống đạt từ nhân viên tư pháp, cán bộ hoặc người có thẩm quyền của nước yêu cầu trực tiếp qua nhân viên tư pháp, cán bộ hoặc người có thẩm quyền của nước được yêu cầu (điểm b Điều 10);
(v) Tống đạt từ bất kỳ cá nhân nào có liên quan trong thủ tục tố tụng trực tiếp qua nhân viên tư pháp, cán bộ hoặc người có thẩm quyền của nước được yêu cầu (điểm c Điều 10);
(vi) Các kênh tống đạt khác mà các nước thành viên chấp nhận (Điều 11).
Kênh tống đạt chính và kênh tống đạt thay thế đều có giá trị pháp lý như nhau. Công ước Tống đạt không đưa ra bất kỳ ưu tiên, hoặc thứ bậc nào cho các kênh tống đạt này. Việc tống đạt qua kênh tống đạt thay thế có giá trị tương đương với tống đạt qua kênh tống đạt chính. Các quốc gia tham gia Công ước Tống đạt có quyền lựa chọn sử dụng kênh tống đạt nào mà họ thấy phù hợp với điều kiện của quốc gia mình.
Việc tống đạt có thể bị từ chối hay nói cách khác nước được yêu cầu tống đạt có thể từ chối yêu cầu tống đạt khi thấy việc thực hiện yêu cầu tống đạt vi phạm chủ quyền hoặc an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc từ chối thực hiện yêu cầu tống đạt vì lý do vi phạm chủ quyền hoặc an ninh rất ít khi được vận dụng và “chủ quyền và an ninh quốc gia” không được giải thích theo nghĩa là trật tự công.
1.4. Bảo vệ bị đơn liên quan đến tống đạt giấy tờ
Thực tiễn và pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới đều quy định bảo đảm nguyên tắc tiếp cận công lý, có nghĩa là bị đơn được quyền triệu tập và tham dự phiên tòa theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng. Cụ thể, bị đơn được gửi giấy triệu tập theo quy định pháp luật và được quyền tham dự, trình bày ý kiến của mình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy vậy, trong một số trường hợp tống đạt theo đúng trình tự, thủ tục hoặc người nhận đã biết được việc tống đạt nhưng không tham gia phiên tòa thì Tòa án có quyền xét xử vắng mặt.
Công ước Tống đạt quy định về hai nội dung là bảo vệ bị đơn trước khi ra bản án/quyết định (Điều 15) và bảo vệ bị đơn sau khi ra phán quyết (Điều 16), nhằm mục đích bảo vệ bị đơn nếu chứng minh được họ không nhận được giấy tờ tống đạt. Quy định này được áp dụng cho các kênh tống đạt của Công ước Tống đạt, trừ các kênh tống đạt theo quy định tại Điều 11 (các kênh tống đạt khác các kênh được nêu trong Công ước mà các nước thành viên chấp nhận).
a. Bảo vệ bị đơn trước khi ra phán quyết
Trong trường hợp giấy triệu tập hoặc giấy tờ tương đương được tống đạt ra nước ngoài theo quy định của Công ước nhưng bị đơn vắng mặt khi xét xử, thẩm phán chỉ được đưa ra bản án/quyết định vắng mặt khi đáp ứng 02 điều kiện: (i) Giấy tờ đã được tống đạt phù hợp với quy định của nước được yêu cầu (trong trường hợp tống đạt theo kênh chính thức hoặc kênh thay thế), hoặc giấy tờ đó thực tế đã tống đạt cho đương sự hoặc đến nơi ở của đương sự theo các phương thức khác được quy định tại Công ước (kênh bổ sung); (ii) Trong bất kỳ trường hợp nào, việc tống đạt phải đảm bảo đủ thời gian để bị đơn có thể tự đưa ra quyết định của mình hoặc tự bảo vệ (điểm a Điều 15).
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của nguyên đơn, thẩm phán vẫn có thể đưa ra bản án, quyết định vắng mặt khi không nhận được giấy xác nhận kết quả tống đạt nếu 04 điều kiện sau được đáp ứng: (i) Giấy tờ đã được tống đạt theo một trong các kênh được quy định trong Công ước này; (ii) Đã hết khoảng thời gian mà thẩm phán quyết định trong trường hợp cụ thể nhưng không ít hơn 06 tháng, kể từ ngày gửi giấy tờ tống đạt; (iii) Không nhận được giấy xác nhận kết quả dưới bất kỳ hình thức nào mặc dù đã thực hiện mọi nỗ lực hợp lý để có được giấy này thông qua cơ quan có thẩm quyền của nước được yêu cầu; (iv) Nước yêu cầu tuyên bố áp dụng quy định của Điều 15 về xét xử vắng mặt.
b. Bảo vệ bị đơn sau khi ra phán quyết
Điều 16 quy định bảo vệ bị đơn trong trường hợp đã đưa ra phán quyết vắng mặt và thời gian kháng cáo đã hết. Thẩm phán có thể gia hạn thời gian kháng cáo cho bị đơn nếu đáp ứng 03 điều kiện: (i) Bị đơn không có lỗi và không biết được về giấy tờ trong khoảng thời gian đủ để tự bảo vệ hoặc không biết về phán quyết trong khoảng thời gian đủ để kháng cáo; (ii) Bị đơn đã nộp cho Tòa án bản tự bảo vệ rõ ràng ngay từ đầu về nội dung vụ việc (có nghĩa là bản tự bảo vệ mà ngay từ đầu đã có đủ căn cứ pháp lý cho phép bị đơn đạt được phán quyết có lợi cho mình hay đủ căn cứ để thay đổi kết quả của phán quyết đã được tuyên vắng mặt); (iii) Bị đơn nộp đơn yêu cầu xin gia hạn trong thời gian hợp lý, kể từ ngày biết được về phán quyết.
Thuật ngữ “kháng cáo” ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm các cách thức khắc phục khác nhau theo pháp luật của nước nơi có Tòa án, trong đó có cả kháng cáo theo nghĩa truyền thống (thủ tục phúc thẩm, trong đó vụ việc sẽ được xem xét lại ở Tòa án cấp cao hơn) và yêu cầu hủy phán quyết (thủ tục tại chính Tòa án đã ra phán quyết đó).
2. Việc bảo lưu và thực tiễn thi hành Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại tại Việt Nam
Từ năm 2013, khi trở thành thành viên của Hội nghị La Hay, Việt Nam đã có nghiên cứu và đánh giá khả năng gia nhập Công ước Tống đạt, bởi vì, phạm vi địa lý tống đạt rộng hơn so với các điều ước TTTP song phương và trong bối cảnh hiện nay, nhiều nước hạn chế ký kết các hiệp định song phương về TTTP. Trên cơ sở đáp ứng yêu cầu của Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự hoặc thương mại, Việt Nam đã chính thức nộp đơn gia nhập Công ước Tống đạt vào ngày 01/3/2016 tại phiên họp của Hội nghị La Hay. Sau 06 tháng, do không có quốc gia thành viên nào phản đối nên Công ước đã có hiệu lực vào ngày 01/10/2016. Sau đây là một số nội dung mà Việt Nam bảo lưu khi gia nhập và tình hình thực hiện Công ước sau gần 01 năm gia nhập.
2.1. Bảo lưu của Việt Nam khi gia nhập Công ước Tống đạt
Theo quy định tại Điều 16, 29 và 31 của Công ước Tống đạt, Việt Nam đã đưa ra Tuyên bố theo Quyết định số 2731/2015/QĐ-CTN ngày 08/12/2015 của Chủ tịch nước về gia nhập Công ước Tống đạt. Cụ thể như sau: (i) Tuyên bố chỉ định Bộ Tư pháp Việt Nam là cơ quan gửi giấy tờ và là cơ quan trung ương theo Điều 2 của Công ước Tống đạt; (ii) Không áp dụng phương thức tống đạt tại Điều 8 Công ước Tống đạt, trừ khi giấy tờ được tống đạt cho công dân của quốc gia gửi; (iii) Không áp dụng phương thức tống đạt tại đoạn b và c Điều 10 của Công ước Tống đạt (phương thức tống đạt thông qua cán bộ tư pháp và người tham gia tố tụng); (iv) áp dụng phương thức tống đạt tại đoạn a Điều 10 Công ước Tống đạt với điều kiện giấy tờ được gửi qua thư bảo đảm; (v) áp dụng đoạn 2 Điều 15 của Công ước Tống đạt, theo đó, thẩm phán có quyền đưa ra bản án/quyết định khi có căn cứ chứng minh rằng giấy triệu tập đã được đưa trực tiếp cho bị đơn trong thời gian đủ để bị đơn biết. Yêu cầu tống đạt theo mẫu gửi đến Việt Nam phải được lập hoặc kèm theo một bản dịch bằng tiếng Việt. Các giấy tờ của nước ngoài được tống đạt tại Việt Nam phải được lập hoặc kèm theo một bản dịch bằng tiếng Việt có công chứng hoặc chứng thực chữ ký người dịch, trừ trường hợp tống đạt qua kênh ngoại giao, lãnh sự trực tiếp cho đương sự là công dân nước gửi hoặc tống đạt qua kênh bưu điện cho đương sự là công dân nước gửi quy định tại Điều 8 và đoạn a Điều 10 Công ước Tống đạt.
Trong quá trình gia nhập Công ước Tống đạt (kể từ khi Việt Nam nộp văn kiện gia nhập), nhiều nước đã có ý kiến đề nghị Việt Nam giải thích và trả lời các câu hỏi có liên quan đến bảo lưu của Việt Nam. Ví dụ, ý kiến của Thụy Sỹ liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại đối với tuyên bố của Việt Nam cho phép tống đạt bằng bưu điện với điều kiện giấy tờ gửi qua thư bảo đảm, trong trường hợp này, Thụy Sỹ không cho phép giấy tờ gửi bằng bưu điện, kể cả bằng thư bảo đảm. Do vậy, nếu giấy tờ của Thụy Sỹ gửi qua bưu điện bằng thư bảo đảm thì có được Việt Nam chấp nhận không và nếu chấp nhận thì Việt Nam có yêu cầu Thụy Sỹ cho phép áp dụng nguyên tắc có đi, có lại, có nghĩa là Thụy Sỹ có phải chấp nhận việc gửi giấy tờ qua bưu điện từ Việt Nam hay không.
2.2. Thực tiễn thực thi Công ước tại Việt Nam
Sau gần 01 năm thực hiện Công ước Tống đạt, theo thống kê (từ 01/10/2016 đến 30/6/2017) thì Việt Nam đã nhận được 65 yêu cầu tống đạt từ thành viên của Công ước, Việt Nam cũng đã gửi 107 tống đạt. Việt Nam tiếp nhận và chuyển trả yêu cầu tống đạt chủ yếu từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Can-na-đa và Đức. Trong quá trình thực hiện Công ước, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện, Việt Nam cũng đã liên hệ và trao đổi thông tin với các quốc gia thành viên thông qua hộp thư điện tử (email) hoặc tại các cuộc họp của Hội nghị La Hay. Đối với các quốc gia vừa là thành viên của hiệp định song phương và vừa là thành viên của Công ước Tống đạt, Việt Nam đã tiến hành rà soát và thông báo cho các quốc gia này nên thực hiện theo các hiệp định song phương, bởi vì Điều 25 Công ước không cấm việc thực hiện theo các hiệp định song phương. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện Công ước Tống đạt còn có những tồn tại, hạn chế sau:
- Về việc gửi yêu cầu tống đạt, nhiều cơ quan có thẩm quyền tại địa phương (chủ yếu là Tòa án) chưa hiểu rõ Công ước Tống đạt, vì vậy đã lập sai nhiều hồ sơ gửi đến Bộ Tư pháp (cơ quan trung ương) nên đã bị gửi trả lại, nhất là phần mẫu theo Công ước Tống đạt.
- Về chi phí tống đạt, nhiều Tòa án còn gặp khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin về tài khoản cũng như thanh toán chi phí tống đạt cho những nước yêu cầu phải nộp trước chi phí tống đạt thực tế. Việc thu, nộp và tạm ứng chi phí chưa được thực hiện tốt đối với nhiều hồ sơ gửi đi.
- Nhiều cơ quan có thẩm quyền tại địa phương vẫn còn chưa phân biệt rõ trường hợp nào thì gửi theo Công ước Tống đạt và trường hợp nào nên gửi theo hiệp định song phương.
Việc gia nhập và thực hiện Công ước Tống đạt có ý nghĩa lớn trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập, gia nhập các điều ước quốc tế đa phương cũng như ký kết các điều ước song phương về thương mại và dân sự; giúp cho Tòa án giải quyết có hiệu quả các vụ án liên quan đến những lĩnh vực này, từ đó thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Để thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên của Công ước Tống đạt, các bộ, ngành và địa phương phải nâng cao nhận thức về Công ước; hiểu và vận dụng tốt các kênh của Công ước nhằm hạn chế những sai sót trong hồ sơ dẫn đến nhiều hồ sơ bị trả lại hoặc không thực hiện được. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung vào việc tập huấn, xây dựng sổ tay để phổ biến nội dung Công ước đến các địa phương.
Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ tư pháp