Abstract: After 7-year implementation, the Law on civil status of 2009 has been really come into life and meets the requirements of state management and the demand of citizens in line with justice reform, professional and modern administrative regime. Along with the development of the country and the international economic integration, there are in the regulations in this area, however, some limitations, obstacles, which should be completed in the coming time.
1. Thực tiễn thi hành pháp luật về lý lịch tư pháp
1.1. Những thành tựu đạt được
Trên cơ sở Luật Lý lịch tư pháp, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Lý lịch tư pháp và Quyết định số 2369/QĐ-TTg ngày 28/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và kiện toàn tổ chức thuộc Sở Tư pháp để xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp“, ở trung ương, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thuộc Bộ Tư pháp đã được thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 02/3/2011. Tại các địa phương, 05 Phòng Lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp của 05 thành phố trực thuộc trung ương đã được thành lập, 58 Sở Tư pháp còn lại đã kiện toàn bộ phận làm công tác lý lịch tư pháp tại Phòng Hành chính tư pháp hoặc Bổ trợ tư pháp với biên chế chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ quản lý lý lịch tư pháp. Tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được kiện toàn.
Xác định xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của quản lý lý lịch tư pháp, thời gian qua, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và cơ quan thi hành án dân sự trao đổi, cung cấp, tiếp nhận thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xây dựng tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, từng bước hiện đại. Bên cạnh đó, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và áp dụng một số giải pháp như: Xây dựng phần mềm hỗ trợ công tác tiếp nhận hồ sơ, tra cứu, xác minh và trả kết quả tại cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu; trực tiếp chuyển yêu cầu tra cứu, xác minh thông tin và trực tiếp nhận kết quả tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp tại các cơ quan phối hợp; triển khai dịch vụ chuyển phát kết quả giải quyết hồ sơ lý lịch tư pháp đến địa chỉ người dân qua bưu điện; triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp qua bưu điện cho học sinh, sinh viên đang du học ở nước ngoài, người Việt Nam đang cư trú tại nước ngoài... nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của cá nhân, cơ quan tổ chức.
1.2. Những hạn chế, bất cập và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Luật Lý lịch tư pháp cũng còn một số hạn chế, bất cập như: Việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Lý lịch tư pháp còn chậm, cá biệt có văn bản đến năm 2013 mới được ban hành, do vậy, đã phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác quản lý lý lịch tư pháp. Đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp còn thiếu về số lượng. Tính đến nay, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và 51/63 Sở Tư pháp chưa bố trí được đủ số biên chế hoặc chưa bố trí được biên chế chuyên trách làm công tác lý lịch tư pháp. Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan chưa có sự phối hợp trong việc bồi dưỡng nghiệp vụ lý lịch tư pháp cho đội ngũ công chức làm công tác cung cấp, tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp của các bộ, ngành; tại các cơ quan Tòa án, kiểm sát, quốc phòng... chưa có cán bộ chuyên trách làm nhiệm vụ phối hợp tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin. Cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm cho công tác lý lịch tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu.
Việc phối hợp cung cấp, rà soát thông tin lý lịch tư pháp giữa cơ quan quản lý lý lịch tư pháp và các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin có những lúc chưa thực sự kịp thời, đầy đủ. Bên cạnh đó, tình trạng tồn đọng thông tin chưa được xử lý, cập nhật vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp vẫn còn và chưa bảo đảm sự đồng bộ về dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các Sở Tư pháp. Bên cạnh đó, nhiều Sở Tư pháp còn khó khăn, lúng túng trong việc xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn chưa đồng đều. Tại nhiều cơ quan, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp vẫn còn diễn ra tại một số Sở Tư pháp. Thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả cấp phiếu; phương thức phối hợp tra cứu, xác minh thông tin để cấp phiếu lý lịch tư pháp còn chưa thuận tiện. Nhiều giải pháp đã được đề xuất hoặc triển khai thực hiện nhưng mới dừng lại ở việc thử nghiệm hoặc thí điểm.
Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, những người làm công tác tư pháp về vai trò, ý nghĩa của lý lịch tư pháp còn chưa đầy đủ. Công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại một số Sở Tư pháp chưa được quan tâm, chú trọng đúng mức. Công tác phối hợp cung cấp thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp giữa các cơ quan có liên quan tại một số địa phương chưa hiệu quả. Kinh phí, trang thiết bị, nhân lực chưa được đầu tư hợp lý, chưa có giải pháp công nghệ thông tin đồng bộ trong việc kết nối, chia sẻ thông tin.
Bên cạnh đó, Luật Lý lịch tư pháp hiện hành chưa cập nhật được những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và những luật khác có liên quan đến lý lịch tư pháp như Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Phí, lệ phí năm 2015… đã làm cho một số quy định của Luật Lý lịch tư pháp không còn phù hợp. Quy định của Luật Lý lịch tư pháp liên quan đến hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp, phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả cấp phiếu theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp còn chưa thuận tiện, bất cập trong thực tiễn. Những quy định này không chỉ gây khó khăn cho người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp mà còn gây lúng túng cho cơ quan giải quyết yêu cầu.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện thể chế về lý lịch tư pháp
2.1. Sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp nhằm bảo đảm quyền con người, thống nhất, đồng bộ với quy định có liên quan của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành
Một là, thay đổi quy định về đối tượng cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2: Theo quy định hiện nay của Luật Lý lịch tư pháp, phiếu lý lịch tư pháp số 2 thể hiện cả những án tích đã được xóa của người từng bị kết án (khoản 2 Điều 43). Tình trạng này đã ảnh hưởng tới chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước ta, ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập cộng đồng của người bị kết án. Vì vậy, cần bỏ quy định về phiếu lý lịch tư pháp số 2 mà chỉ thống nhất sử dụng một loại phiếu lý lịch tư pháp có nội dung như phiếu lý lịch tư pháp số 1 hiện nay. Mặt khác, bổ sung quy định cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội cần thông tin lý lịch tư pháp của cá nhân thì có quyền yêu cầu Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp cung cấp thông tin của người đó nếu pháp luật liên quan có quy định để các cơ quan, tổ chức này thực hiện nhiệm vụ của mình.
Hai là, thu hẹp đối tượng bị coi là có án tích: Khoản 2 Điều 69 và Điều 107 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định rõ 05 trường hợp người bị kết án không bị coi là có án tích. Đó là: (i) Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án không kể về tội gì; (ii) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý; (iii) Người dưới 18 tuổi phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; (iv) Người đã thành niên bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng; (v) Người được miễn hình phạt. Như vậy, đối tượng quản lý lý lịch tư pháp cũng như các quy định về phạm vi lập hồ sơ lý lịch tư pháp; các loại giấy tờ mà các cơ quan phải gửi cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cũng đã được thu hẹp lại rất nhiều, do những thay đổi trong đối tượng bị mang án tích được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Qua đó, cần phải có sửa đổi Luật Lý lịch tư pháp về những vấn đề này.
Ba là, bổ sung đối tượng quản lý lý lịch tư pháp là pháp nhân thương mại phạm tội: Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại phạm tội (khoản 2 Điều 2), đồng thời Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định về trình tự tố tụng và vấn đề xóa án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội, do đó, Luật Lý lịch tư pháp quy định về phạm vi, đối tượng quản lý lý lịch tư pháp (chỉ giới hạn lý lịch tư pháp của cá nhân) không còn phù hợp.
Bốn là, điều chỉnh các quy định liên quan đến việc xác minh điều kiện xóa án tích để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự: Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích cho người bị kết án và đã giao trách nhiệm cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong việc theo dõi vấn đề xóa án tích đương nhiên cho người bị kết án. Đồng thời, khoản 1 Điều 369 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thủ tục xóa án tích: “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp là họ không có án tích”. Như vậy, vấn đề xóa án tích đã được thay đổi khá nhiều trong Bộ luật Hình sự năm 2015, đặc biệt xác minh về “hành vi phạm tội mới” của người có lý lịch tư pháp. Với yêu cầu đặt ra để thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thi hành quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về xóa án tích và trách nhiệm của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp trong cập nhật, xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích, cần thiết mở rộng phạm vi quản lý lý lịch tư pháp theo hướng bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin của Viện kiểm sát về quá trình khởi tố, điều tra, truy tố bị can. Đề xuất quy định trong trường hợp xét thấy người bị kết án đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp đề nghị cơ quan quản lý về vấn đề này (có thể thuộc cơ quan Viện kiểm sát) cung cấp thông tin về việc người đó có bị khởi tố bị can hay không hoặc các quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hình sự (nếu có).
Năm là, bổ sung quy định về thời hạn sử dụng của phiếu lý lịch tư pháp: Để bảo đảm phiếu lý lịch tư pháp được sử dụng một cách hiệu quả, tránh trường hợp bỏ lọt tội phạm hoặc tùy tiện quy định thời hạn sử dụng phiếu lý lịch tư pháp gây khó khăn cho người dân, đề xuất bổ sung quy định về thời hạn sử dụng của phiếu lý lịch tư pháp bảo đảm phù hợp với quy trình tố tụng hình sự (khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử một vụ án theo trình tự rút gọn).
2.2. Hoàn thiện mô hình cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp
Thời gian đầu khi Luật Lý lịch tư pháp mới có hiệu lực, mô hình cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp hai cấp là khả thi. Mô hình này tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan ở địa phương trong việc phối hợp cung cấp, tiếp nhận thông tin; giảm sức ép về khối lượng thông tin phải tiếp nhận, xử lý. Tuy nhiên, trong điều kiện phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, việc xây dựng cơ sở dữ liệu theo mô hình hai cấp đã không còn phù hợp, thông tin thường xuyên phải trao đổi qua lại giữa các cơ quan ở trung ương và địa phương, mất nhiều chi phí và thời gian. Mặt khác, mô hình cơ sở dữ liệu hai cấp cũng khó bảo đảm yêu cầu về an toàn, tính chính xác và đồng bộ của dữ liệu do có quá nhiều đầu mối tiếp nhận, xử lý, cập nhật thông tin. Do đó, để phù hợp và đáp ứng được nhu cầu cấp phiếu đang ngày càng gia tăng như hiện nay, thiết nghĩ cần chuyển đổi mô hình cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp từ hai cấp sang mô hình cơ sở dữ liệu một cấp tập trung, thống nhất để đáp ứng được những yêu cầu cao hơn trong công tác xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, khắc phục những khó khăn, hạn chế của mô hình cơ sở dữ liệu hai cấp hiện hành.
2.3. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức cơ quan quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp
Hiện nay, Luật Lý lịch tư pháp quy định 10 nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, nhưng không quy định cụ thể cơ quan quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (là đơn vị sự nghiệp công lập) được giao duy nhất một nhiệm vụ là quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp quốc gia. Do công tác xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có mối quan hệ mật thiết với công tác quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp, nên theo Quyết định số 97/QĐ-BTP ngày 26/01/2014 của Bộ Tư pháp quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Bộ trưởng đã giao cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện 09 nhiệm vụ còn lại do Luật Lý lịch tư pháp giao cho Bộ Tư pháp, thực chất là các nội dung về quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp. Việc quy định Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia là một đơn vị sự nghiệp công lập như hiện nay đã tạo ra không ít khó khăn trong việc phối hợp với các cơ quan hữu quan khác trong việc thực thi quản lý nhà nước về lý lịch tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao. Cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp sẽ có tác động ảnh hưởng tới mối quan hệ phối hợp với các cơ quan này trong việc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Hơn nữa, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp được xác định là thông tin được bảo mật, là tài sản quốc gia, có ý nghĩa quan trọng, nên tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải phù hợp với các quy định về quản lý chuyên ngành.
2.4. Hoàn thiện thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp
Khoản 4 Điều 13 Luật Lý lịch tư pháp quy định Sở Tư pháp có nhiệm vụ trong việc cung cấp lý lịch tư pháp và bổ sung thông tin cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia; cung cấp thông tin lý lịch tư pháp cho các Sở Tư pháp khác. Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Lý lịch tư pháp thì Sở Tư pháp nơi người bị kết án thường trú lập lý lịch tư pháp của người đó; trường hợp không xác định được nơi thường trú thì Sở Tư pháp nơi người bị kết án tạm trú lập lý lịch tư pháp. Như vậy, nếu như một người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh A bị Tòa án nhân dân tỉnh B kết án thì trước tiên Tòa án đó phải gửi bản án đã tuyên về Sở Tư pháp tỉnh B, sau đó Sở Tư pháp tỉnh B lại gửi bản án đó về cho Sở Tư pháp tỉnh A, đồng thời gửi cho Trung tâm. Việc này mất nhiều thời gian cho các Sở Tư pháp nơi có Tòa án có trụ sở tuyên án, đồng thời gây ra không ít khó khăn trong việc tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp, từ đó dẫn đến tính thiếu chính xác trong các thông tin về án tích và không đảm bảo thời hạn cấp phiếu cho người dân. Do đó, để tạo thuận lợi nhất cho người dân và cơ quan, tổ chức có nhu cầu xin cấp phiếu lý lịch tư pháp, chúng tôi đề xuất mở rộng thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và các Sở Tư pháp, qua đó tạo điều kiện cho người dân có quyền lựa chọn cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu hoặc thông qua mạng internet, thông qua bưu điện để xin phiếu lý lịch tư pháp mà không phải phụ thuộc vào địa giới hành chính.
2.5. Cải cách thủ tục hành chính trong tiếp nhận hồ sơ và cấp phiếu lý lịch tư pháp
Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí, gánh nặng, khó khăn cho người dân, cần đa dạng hóa phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn cơ quan cấp phiếu lý lịch tư pháp, phương thức nộp hồ sơ và trả kết quả trực tiếp, qua bưu điện hoặc trực tuyến trên cơ sở kết quả thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến theo Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 08/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Ngoài ra, đề xuất quy định chặt chẽ về giá trị thông tin lý lịch tư pháp và phiếu lý lịch tư pháp dưới dạng điện tử. Cần quy định rõ trong Luật Lý lịch tư pháp việc trao đổi, cung cấp thông tin bằng dữ liệu điện tử, đảm bảo trao đổi thông tin giữa các cơ sở dữ liệu kết nối giữa các ngành nhằm tạo ra đột phá về thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp.
Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia
Các tin khác
Nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án dân sự và xác minh điều kiện thi hành án của thừa phát lại Vướng mắc trong thụ lý yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật và thụ lý ly hôn Biện pháp bảo đảm thi hành án và thực tiễn áp dụng Tạm dừng việc cưỡng chế thi hành án dân sự được áp dụng trong trường hợp nào? Mối quan hệ giữa Toà án và Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự Bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự liên quan đến giao dịch dân sự vô hiệu Hủy giấy chứng nhận kết hôn có coi là hủy hôn nhân trái pháp luật không? Xác định mục đích của nhà ở theo Luật Nhà ở năm 2005